BẠN ĐỌC VIẾT

Thứ sáu, 07-03-2008

Đối tượng nào được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT?

22-09-2005 22:19:19 GMT +7

Chân dung một số nghệ sĩ đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú Ảnh: N.HỮU
Báo Người Lao Động vừa nhận được nhiều thư bạn đọc hỏi về điều kiện, thủ tục, quy trình... xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) của năm 2005. Những vấn đề này đã được quy định trong Quyết định số 166/2005/QĐ-TTG, do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ký ngày 6-7-2005. Cụ thể như sau:

Đối tượng xét

Gồm những người đang hoạt động nghệ thuật tại các đơn vị Nhà nước, như: người diễn kịch hát truyền thống, kịch nói, nhạc kịch, kịch câm, phim điện ảnh và truyền hình, xiếc, rối, tạp kỹ, hát, tấu, nhạc, múa, nhạc công, ngâm thơ trực tiếp trước công chúng hoặc qua sóng phát thanh hay truyền hình; đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật kịch hát truyền thống, kịch nói, nhạc kịch, kịch câm, biên đạo múa, người chỉ đạo nghệ thuật trực tiếp dàn dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp; đạo diễn (phim điện ảnh, phim truyền hình, sân khấu truyền hình); đạo diễn âm thanh (điện ảnh và truyền hình), đạo diễn ánh sáng (sân khấu và điện ảnh), quay phim (truyện, tài liệu, khoa học, truyền hình, hoạt hình), họa sĩ thiết kế (trang trí sân khấu và điện ảnh), họa sĩ phục trang, họa sĩ hóa trang (sân khấu, điện ảnh, truyền hình), xiếc, tạp kỹ, ca múa; tạo hình con rối, động tác phim hoạt hình; nhạc sĩ chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng, giao hưởng; phát thanh viên phát thanh và truyền hình.

Người thuộc các đối tượng nêu trên nhưng do yêu cầu, nhiệm vụ được điều động sang làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, quản lý... đúng lĩnh vực nghệ thuật đó; là nghệ sĩ, nghệ nhân các bộ môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống và các loại hình nghệ thuật khác không thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Nhà nước nhưng hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhu cầu xã hội thì vẫn được xét.

Phải có 15-20 năm hoạt động nghệ thuật

Người được xét phải trung thành với Tổ quốc Việt Nam, có phẩm chất đạo đức và tài năng nghệ thuật, có tinh thần phục vụ nhân dân, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; nếu là NSƯT thì phải có hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên (riêng đối với nghệ thuật xiếc từ 10 năm trở lên); được tặng ít nhất 2 giải thưởng vàng hoặc bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương. Người được xét NSND thì phải có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên (riêng đối với nghệ thuật xiếc từ 15 năm trở lên), đã được tặng danh hiệu NSƯT từ 5 năm trở lên, được tặng ít nhất 2 giải thưởng vàng hoặc bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương kể từ khi được phong tặng danh hiệu NSƯT. Người chỉ đạo nghệ thuật của đơn vị nghệ thuật được tính hai loại giải thưởng chính thức nêu trên của đơn vị vào tiêu chuẩn cá nhân.

Với giải thưởng tặng cho tập thể, thành tích được tính cho cá nhân nếu cá nhân đó là thành phần chính của tiết mục, chương trình nghệ thuật và bộ phim được giải. Nếu nghệ sĩ là nhạc công của các đơn vị nghệ thuật, tiêu chuẩn giải thưởng cá nhân được xem xét qua quá trình tham gia đóng góp vào các chương trình biểu diễn lớn hằng năm của đơn vị, vị trí đảm nhận những phần lĩnh tấu quan trọng có chất lượng trong dàn nhạc.

Công bố kết quả xét tặng

Các hội đồng xét tặng hoạt động trên nguyên tắc: kỳ họp xét tặng phải có ít nhất 3/4 số thành viên hội đồng tham dự, trong đó có chủ tịch hoặc phó chủ tịch hội đồng. Người được đề nghị xét phải có ít nhất 3/4 số phiếu đề nghị của số thành viên hội đồng có mặt mới được lập danh sách chuyển hội đồng cấp trên xem xét. Trước ngày 15-10-2005 phải hoàn thành việc xét tặng ở cấp bộ, ngành, tỉnh, TP. Hội đồng chuyên ngành và hội đồng quốc gia sẽ tiến hành xét từ tháng 11. Hội đồng quốc gia xét tặng giải thưởng nghệ sĩ thông báo kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 1 đến 10-12-2005.

Đăng ký xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND ở đâu?

Nghệ sĩ thuộc đơn vị nghệ thuật Nhà nước đăng ký tại các đơn vị nghệ thuật đang công tác. Trường hợp nghệ sĩ không thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thì đăng ký với Sở VHTT nơi thường trú. Quá trình xét tặng sẽ qua 4 bước: Xem xét đề nghị tại hội đồng cấp đơn vị công tác, xem xét đề nghị tại hội đồng cấp sở VHTT hoặc Hội đồng Cục chuyên ngành (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn), xem xét đề nghị tại hội đồng các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành, Đài Tiếng nói VN, Đài Truyền hình VN; xem xét đề nghị ở cấp quốc gia bao gồm hội đồng chuyên ngành (gồm 11 đến 13 thành viên là các nghệ sĩ, nhà quản lý có chuyên môn cao ở các lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, múa, điện ảnh, phát thanh, truyền hình ) và hội đồng quốc gia.

Yến Anh

Xem các tin đã đưa ngày:

 

Báo Người Lao Động Điện tử – Tiếng nói của Liên đoàn Lao động TPHCM

Tổng biên tập: Trần Thanh Hải - Giấy phép xuất bản số 222/GP-BVHTT ngày 07-05-2001 của Bộ Văn hóa – Thông tin

Địa chỉ: 127 Võ Văn Tần, Quận 3 – TPHCM, Điện thoại: 84-8-930.6262 / 930.3270, Fax: 84-8-930.4707, Email: ng.laodong@hcm.fpt.vn

Bản quyền thuộc về Báo Người Lao Động © 2001 - 2007. Ghi rõ nguồn www.nld.com.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Powered by FPT Telecom.