Ủng hộ Văn Tuyển bằng Paypal

 Lê Duẩn, một Tần Thủy Hoàng hoang dâm vô độ - Chưa rõ Tác Giả
 Viết Về Chủ Tịch Hồ Chí Minh - Phương Nam
 Tiếu Lâm ... HỒ - Nhiều Tác Giả
 Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông - Nhiều Tác Giả
 Ngày bỏ nước ra đi… - Huy Lực Bùi Tiên Khôi
 Tru Tiên - Tiêu Đỉnh
 Sử Nhạc - Ngô Nguyễn Trần, Tâm Thơ
 Vĩnh biệt Tổng thống Gerald R. Ford - Huy Lực Bùi Tiên Khôi
 Summa Cum Laude - Huy Lực Bùi Tiên Khôi
 Bản chất nông dân trong văn chương và cuộc đời: Coetzee giải Nobel 2003 - Huy Lực Bùi Tiên Khôi
 Anh Ngữ Tại Hoa Kỳ - Huy Lực Bùi Tiên Khôi
 HUY-LỰC BÙI TIÊN KHÔI - Huy Lực Bùi Tiên Khôi
 Vài kỷ niệm văn chương - Huy Lực Bùi Tiên Khôi
 Tầm Tần Ký - Huỳnh Dị
 Bộ Tranh Bích Chương "Sử Nghìn Người Chép" - Nguyễn Hữu Nhật




VanTuyen.net_______
Tac pham: 22784
Trang: 70149
Tac gia: 5527



Bần cố nông Biên khảo Cổ tích Chuyện lạ Danh nhân English Française Gia đình Giai thoại Giảm...sì trét! Giới thiệu Học làm người Hồi ký Huyền bí Hương vị Ký sự /Tạp ghi Khoa học Kiếm hiệp Kiến thức phổ thông Lịch sử Phát thanh Phê bình Phiếm Sân khấu Sức khoẻ Tài liệu Tác giả Tùy bút/Tản mạn/Tiểu luận Tấm lòng VÀNG Thời chinh chiến Thơ Thơ nhạc Thương Tiếc Tin học Trung hoa Truyện dài Truyện ngắn Vọng cổ Điểm nóng


vantuyen.net xin giới thiệu đến bạn đọc: Bức Thư Gửi Người Đã Khuất
Thể loại: Truyện ngắn
Tác giả: Hiền Anh

Server của vantuyen.net hiện nay được thuê theo tháng. Vì vậy BBT vantuyen.net vẫn mong được sự hổ trợ của bạn đọc hảo tâm giúp đở tài chánh để vantuyen.net luôn có mặt trên mạng lưới toàn cầu. Xin đa tạ!

 

Tầm nhìn xa

» Tác giả: Nguyễn Khải
» Dịch giả:
» Thể lọai: Truyện ngắn
» Số lần xem: 3908

1. Tầm nhìn xa

I

Giữa năm 1959, một công trường đến lấy một trăm sáu mươi mẫu đất thuộc xã Đồng Tiến để xây dựng nhà máy. Khu đất tạm mượn để dựng lán ở cho công nhân và khu đất làm nhà máy đều được trả hoa lợi cho các chủ ruộng trong ba năm. Khi chủ tịch xã nói lại tin đó ở cuộc họp xóm Đông Chấn thì một bà bỗng nằm ra ở thềm đình rũ tóc, đập tay lên mặt gạch, kêu to lên: "Nông dân sống vì đất chứ không sống vì tiền. Không có đất thì lấy gì mà nuôi nhau, hở trời!". Một tháng sau nhũng đội công nhân xây dựng đầu tiên đã kéo đến về ở các xóm đo đạc đất đai, chuyên chở vật liệu. Ngày ấy ở xóm Đông Chấn chỉ có hai giếng. Tuy Kiền, chủ nhiệm hợp tác xã xóm đó ra lệnh cho các xã viên lấy nứa rào lại, treo lên một cái biển đề: "Cấm người lạ mặt vào gánh nước, tắm rửa". Dọc đường đến công trường có một khu trồng mía rộng khoảng một mẫu, một số công nhân hay rẽ vào đấy để đi đại tiện, đôi khi còn bẻ cả mía ăn. Tuy Kiền làm ra vẻ không chú ý đến những chuyện vặt đó, nhưng một buổi sáng chính ông chủ nhiệm đầy mưu mẹo ấy đã nấp vào một bụi mía, chờ cho kẻ thù của mình ngồi xuống liền xô lại hết sức nhanh nhẹn. Không may người bị bắt quả tang lại là nữ sinh viên về công trường thực tập. Tha hồ cho người con gái non nớt và đáng thương lạy van khóc lóc, ông chủ nhiệm vẫn hét ầm lên: "Công nông đoàn kết là thế đấy hả! Đồ phá hoại! Tao phải lôi mày lên tận ban giám đốc!". Rồi Tuy Kiền bắt phải lập biên bản, có cả hai xã viên đến làm chứng, và gửi một bản khiếu nại hết sức dài dòng kèm theo đưa lên công trường.

Nhưng mới được nửa năm mối quan hệ giữa đôi bên đã thay đổi khác hẳn, thân thiết với nhau còn hơn ruột thịt. Là vì anh nông dân đã nhận ra cái mối lợi to lớn mà "các đồng chí công nhân xây dựng" hết sức rộng rãi kia đưa đến tận tay mình. Người đầu tiên biết lợi dụng triệt để cái tình hình thuận lợi đó lại chính là chủ nhiệm hợp tác xã Đông Chấn. Hằng ngày ông ta đưa hàng trăm xã viên ra làm việc cho công trường: khuân chuyển gỗ và những khung sắt dựng nhà, san nền, đào móng, mỗi ngày công có thể được tới bốn, năm đồng. Những cô gái của hai xóm Đông Chấn, Bình Chánh bắt đầu may áo chật khoét cổ vuông, mặc quần lụa sợi "phíp", buộc tóc bằng mảnh khăn màu, chép bài hát trong cuốn sổ tay bé tí và viết thư cho người quen bằng những tờ giấy mỏng. Số người làm cho công trường ngày một tăng, họ rủ nhau đi mỗi buổi hàng mấy trăm người ùn ùn kéo qua chiếc cổng gỗ như một đám rước: các bà quẩy một đôi sọt đi gánh đất, các ông mang con dao ra dựng lán, đan liếp che cửa và làm giường nằm. Mỗi toán đều có công nhân kỹ thuật do công trường cử đến để chỉ dẫn, giám sát. Nhưng những anh chàng công nhân đẹp trai và hết sức đáng yêu kia đã bị những cô gái rất mực duyên dáng vây chặt lấy rồi. Họ bắt chuyện với nhau dễ dàng, nói bóng gió một cách thi vị, đùa bỡn nhau, trêu chọc nhau đầy thân ái cho tới lúc kẻng báo giờ nghỉ. Chủ nhiệm Tuy Kiền bèn bàn giao công việc đồng áng cho phó chủ nhiệm, còn chính mình thì biến hóa thành một sợi dây bền chắc để thắt chặt tình hữu nghị nghìn năm có một giữa công trường với hợp tác xã.

Đầu năm 1962 khi các hợp tác xã của sáu xóm liên hợp lại thành hợp tác xã Đồng Tiến, Tuy Kiền được bầu làm phó chủ nhiệm, phụ trách các ngành nghề. Không thể có sự phân công nào hợp lý hơn. Cả ngày Tuy Kiền chỉ có mặt ở nhà vào hai bữa cơm, còn ông ta đạp xe lang thang từ chỗ nuôi cá giống ra đến lò gạch, tạt qua trạm bơm, và dành số lớn thì giờ lượn quanh con mồi béo bở. Anh em công nhân cán bộ công trường thoạt đầu cũng ghét Tuy Kiền, vì lão ta có vẻ bên ngoài đặc biệt ranh ma và hám lợi, nhưng một năm sau họ rất tin yêu ông phó chủ nhiệm, một con người tuy tinh khôn nhưng cũng rất đỗi thơ ngây, tính toán chi ly, nhưng trong quan hệ bạn bè lại hồ hởi, rộng rãi và ông ta có thể làm được tất cả mọi việc miễn sao hoàn thành trách nhiệm của mình.

Chính Tuy Kiền đã nói chuyện với họ một cách thẳng thắn: "Tôi biết các anh chẳng ưa gì tôi, cho tôi là một thằng trục lợi, nhưng tôi không làm giàu cho tôi, mà tôi chỉ biết làm giàu cho hợp tác xã. Tôi không xin xỏ các anh, thuận mua vừa bán, chẳng hạn đối với các anh thì các thứ ấy chỉ là của vứt đi, nhưng đối với chúng tôi có khi nó... lại là vàng".

"Những của vứt đi" ấy là lá cọ lợp lán nay dỡ ra, vôi, sơn dùng còn lại, cống dẫn nước, xi măng, sắt vụn. Xã viên cứ việc khuân vác mặt hàng đã quy định lên xe bò, còn Tuy Kiền thì tự cho phép mình được tha khẩn khắp mọi xó xỉnh, nhòm ngó, xem xét, xin xỏ từ đôi ủng đã rách mũi, vẹt gót, những chiếc mũ nan đã tuột cạp, cho đến những đoạn dây thép dùng dở, những đầu mẫu gỗ, và ông giải thích cái hành động thiếu đường bệ của mình với mọi người: "Không thừa, không thừa, rồi của nào việc ấy hết!" Để tỏ lòng biết ơn sự rộng rãi của những người phụ trách công trường, thì Tuy Kiền lại mua giúp họ các loại nông sản khan hiếm. Cả đôi bên đều gọi mối quan hệ mua bán ấy bằng một danh từ hết sức đẹp đẽ là: "Liên minh công nông".

Tuy Kiền rất có ý thức về vai trò của mình trong số các ủy viên quản trị khác đến nỗi ông ta đã nghĩ một cách thành thật rằng: "Nếu như không có bàn tay của mình thì bọn họ sẽ xoay xở ra sao nhỉ?"

Bất cứ một cuộc họp nào Tuy Kiền chỉ dự một lúc đầu sau đó ông ta lại biến mất với cái lý do: "Còn phải xoay, ngồi nói suông mà ra tiền được hử?" Bất cứ một dự kiến nào ộng cũng đòi mọi người phải lập tức chấp nhận: "Một đống tiền đấy, còn trù trừ nỗi gì, nếu thua thiệt thằng này xin chịu". Còn như đứa nào tỏ ý phàn nàn, chê trách cách làm ăn của ông phó chủ nhiệm, thì ông ta sẽ dõng dạc tuyên bố: "Tôi xin từ chức, thử xem cái người thay tôi họ sẽ tính toán như thế nào!".

Nhưng một con người đã có bao nhiêu công lao làm giàu cho tập thể, lại được mọi người tín nhiệm, thì cũng có quyền được ghé gẩm chút ít cho riêng mình. Đó là chuyện mua gỗ đầu năm 1963. Có biết bao nhiêu thứ gỗ mà công trường cần bán lại cho hợp tác xã trong thời kỳ bàn giao lại toàn bộ công trình đã xây dựng cho bộ phận sản xuất. Những cột mắc dây điện bằng gỗ hồng sắc (nay được thay thế bằng cột đúc xi măng). Những hòm gỗ thông đựng máy và gạch chịu lửa, những ván cốp pha, những loại gỗ lim, sến không đúng quy cách phải để lại, những cây gỗ bị mối mọt ở bên trong, những bắp gỗ, đầu mẩu đã loại ra làm củi. Đối với nhà máy thì những đống gỗ lớn, gỗ nhỏ ấy hoàn toàn vô dụng, những đối với anh nông dân thì tất cả lại đều có ích, vì không thể vào cột được thì dùng làm xà, không thể làm mè rui được thì xẻ ra làm kẻ, làm khuôn cửa. Tất nhiên ông phó chủ nhiệm phụ trách ngành nghề phải biết trước mọi người cái nguồn lợi đặc biệt đó, và ông ta đã nhân danh ban quản trị hợp tác xã đến điều đình mua số gỗ nọ làm vật liệu xây dựng trụ sở ban quản trị. Đó cũng là thời kỳ bí thư Đảng ủy xã và hai ông phó chủ nhiệm phụ trách tài vụ và ngành nghề đều đang chuẩn bị gỗ để dựng nhà mới. Hơn ba chục xe bò chở gỗ mua của công trường kéo theo con đường mới mở rộng từ đường cái vào đến trụ sở, và số gỗ được chia làm bốn phần: hai mươi xe để lại ở sân trụ sở là của chung, còn mười xe khác thì chia về ba nhà đã đặt tiền mua trước.

Nhà của Tuy Kiền ở đầu xóm Đông Chấn, cách trụ sở chưa đầy trăm thước. Những cán bộ của huyện, của tỉnh, và các cơ quan trên trung ương có việc về xã đều đến nhà Tuy Kiền vì chỗ ở vừa rộng, lại tiện lối đi về. Còn những nhà báo, nhà văn về tìm hiểu phong trào thì không thể rời Tuy Kiền đến nửa bước, vì ở con người ấy có bao nhiêu là cá tính đặc sắc.

Hai tháng trở lại đây, nhà của ông phó chủ nhiệm đã trở thành một công trường nhỏ. Những cây gỗ xoan lẫn với lim, sến để ngổn ngang dọc con đường từ trạm xá đến nhà ở, một giá xẻ gỗ dựng lên ngay cạnh lối đi, và mấy ông thợ đang tíu tít bào đục, đóng các cánh cửa dưới chiếc bóng điện mắc ngay lối ra vào. Trong một ngày Tuy Kiền chỉ có được một khoảng nghỉ ngơi rất ngắn ngủi sau bữa cơm chiều trước giờ họp buổi tối. Ông ta ngồi thu lu trên chiếc ghế dựa đóng rất kiểu cách, nhưng lại mặc chiếc quần vải xanh quá bẩn thỉu, cái áo cánh nâu đã bở rách một bên vai, so với những đồ đạc choáng lộn bày biện trong nhà thì ông chủ chỉ đáng mặt là khách trọ. Nhưng ai mà biết được cái kiêu hãnh thơ ngây trong ý nghĩ của ông ta khi co đôi chân đen nhẻm đầy bụi đất lên mặt ghế quang dầu bóng loáng: "Dù tao có mặc rách rưới như thằng ăn mày thì ra đường tao vẫn là ông phó chủ nhiệm hợp tác xã, về nhà tao vẫn là bố chúng mày". Đó là sự sung sướng, thoải mái của một người cảm thấy mình đang có đầy đủ quyền hành, không bị lệ thuộc vào bất cứ một ai, có thể làm gì cũng được. Ngồi tiếp chuyện với Tuy Kiền là một anh cán bộ của Ty Kiến Trúc, còn rất trẻ nhưng cố giữ một vẻ mặt nghiêm trang, hơi sầu muộn của người từng trải. Anh ta khoanh hai tay lên trên bàn hết sức trịnh trọng, cái đầu rất đẹp với mớ tóc đen ướt hơi cúi về phía cây đèn, nói nhỏ nhẻ:

- ...Ngay như bà con ở nông thôn ta thích xây sân gạch trước nhà cũng là điều bất lợi. Nắng chiếu vào sân gạch, mặt sân sẽ hắt nóng vào trong nhà. Nếu trước nhà lại là một vườn cây ăn quả chẳng hạn có phải mát mẻ biết bao nhiêu không.

Tuy Kiền đưa một bàn tay lên chống má, thoáng nhìn người nói chuyện qua kẽ ngón, trả lời thủng thẳng:

- Cái khó bó cái khôn đấy thôi, miếng đất ở bằng bàn tay chẳng xây sân trước nhà còn xây chỗ nào.

Anh cán bộ vẫn giảng giải một cách kiên nhẫn cái ý định tốt dẹp của mình:

- Trong thời gian còn công tác ở xã ta, tôi sẽ xin vẽ biếu bác một kiểu nhà thật đẹp. Chỉ cần một gian tiếp khách là đủ, còn sẽ dành hẳn bốn gian làm buồng riêng cho các anh các chị ấy sau này. ở nông thôn ta bố mẹ con cái ăn ở lẫn lộn cùng một chỗ cũng không được tiện lắm.

- Hai vợ chồng già với mấy đứa bé thì không cần phải có buồng riêng rồi - Tuy Kiền quay lại nhìn thẳng vào mặt anh cán bộ, cặp mắt ánh lên cái vẻ riễu cợt - Mới lại chúng tôi có hay ngồi trong nhà như dân tỉnh đâu, lang thang suốt ngày ở ngòai đồng, có về nhà thì cũng tha thẩn làm việc này việc nọ. Này, một cái nhà mà lắm buồng thế thì... như nhà chứa trọ còn gì?

Vừa lúc ấy thì Biền, chủ nhiệm hợp tác xã bước vào, nom anh càng trẻ ra trong chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt cụt tay:

- Lại bàn về kiểu nhà phải không. Ông này vớ được anh là tốt duyên lắm đấy!

Biền ngồi xuống bên cạng anh cán bộ của Ty Kiến trúc, anh này hơi xoay người lại, gò má bỗng nhiên đỏ lên.

Tuy mở ngăn kéo ra lấy một nửa gói chè hương, rồi nói vọng sang buồng bên:

- Anh Kiền đặt hộ thầy ấm nước nhé!

Biền hỏi:

- Tối nay ông ở nhà hử?

- Có tối nào được ở nhà. Chốc nữa lại phải xuống họp với anh em lò ngói... Mấy hôm nay tôi đến chết dở về chạy cái khoản dầu cho khuôn máy. Nhưng mà ổn rồi.

Bao giờ nói chuyện với những đồng chí trong ban thường vụ đảng ủy xã, Tuy Kiền cũng phàn nàn về những khó khăn trong công việc của mình, nhưng nhờ tài tháo vát của người phụ trách (tuy ông ta không nói hẳn là thế) nên mọi việc đều đã được giải quyết tốt đẹp. Nhưng cách nghe của ba người trong thường vụ cũng có khác nhau: Mão, chủ tịch xã, đưa cặp mắt đục lờ nhìn ông phó chủ nhiệm phụ trách ngành nghề trong một thoáng, vẻ mặt khinh khỉnh: "Trò hề, nếu không có anh thì sẽ có người khác ra gánh vác công việc đó". Sĩ, bí thư đảng ủy thì chỉ mủm mỉm cười (Tuy thường bảo đó là cái cười nham hiểm), im lặng một lúc lâu, rồi mới nói nhỏ nhẻ: "à, việc gì mà chẳng gặp khó khăn". Chỉ có Biền là biết ve vuốt lòng tự hào của người nói chuyện bằng cái nhìn hết sức thân thiết: "Cảm ơn ông, ông là cánh tay đắc lực của chúng tôi đấy nhé!".

Mỗi lần đến nhà Tuy Kiền, Biền đều cảm thấy ở đây có cái không khí đặc biệt mà các gia đình cán bộ xã khác không thể có: Đó là sự dư dật, thừa thãi, cái không khí làm ăn phát đạt, thịnh vượng. Một hình ảnh vừa khó chịu, vừa hài hước đã in sâu vào ấn tượng của Biền trong một lần anh đến nhà Tuy. Lần đó vào buổi sáng. Vừa len qua những chồng gỗ đang bào dở để ngổn ngang ở ngay lối ra vào, Biền nhìn vào ngách nhà ngang đã thấy các anh thợ mộc và thợ xẻ ngồi quây quanh một cái rá lớn khói bốc nghi ngút. Anh hỏi đùa Tuy:

- Nhà này ăn cơm ba bữa hử?

Tuy chạy vội ra vẻ hốt hoảng:

- Cơm đâu, còn ít ngô chia hôm nọ mỗi sáng đem đồ lên một ít cho anh em lót dạ đấy thôi.

Tuy sới một bát mời Biền, ngô trồng ở bãi mới bẻ, lại pha thêm ít nếp nên vừa dẻo vừa thơm. Đứa con trai út của Tuy Kiền đã lên bảy, nằm tồng ngồng giữa giường lúc ấy vừa ngủ dậy. Nó vẫn nằm, đưa hai chân dài nghêu ngao đập chan chát xuống thang giường, hét ầm ĩ: "Bầm! Bầm đâu rồi!" lập tức bà mẹ từ dưới bếp tất tả chạy lên, đôi khuyên vàng đeo ở tai lúc la lúc lắc: "Thằng chó con đã dậy đấy hử? Bầm lấy nước con súc miệng nhé!". Trong khi thằng bé ưỡn ẹo, quát tháo, thì cả nhà đã súm quanh nó, người đưa chén nước, người cầm một bát xôi trắng đầy, van nài, mời mọc: "Em súc miệng đi!", "Súc miệng ăn xôi rồi bầm cõng con đi chơi nhé!" Biền đưa mắt nhìn toàn thể cái cảnh tượng đặc biệt đó, mủm mỉm cười với chính mình: "Phú quý sinh lễ nghĩa, bây giờ lại học đòi cách sống của những nhà đại gia đây!".

Người vợ của Tuy Kiền xách ấm nước đun sôi lên pha vào tích, những chấm lửa còn cháy đỏ ở đít ấm nhấp nháy, trong hơi khói đã phảng phất mùi thơm của hoa nhài. Biền thầm nghĩ một cách thèm muốn: "Nếu mình có được một gói chè ngon thì cũng chẳng thể pha uống một cách nhàn rỗi như ở đây được". Rồi anh hỏi Tuy:

- Nhà này bao giờ thì ông cho dựng?

Tuy Kiền lấy khăn lau thong thả từng cái chén một liếc nhìn Biền, trong bụng đã phân vân: "Thằng này tuy mới ở bộ đội về nhưng cũng tinh khôn chẳng kém gì mình đâu. Nó hỏi vậy chắc là đã có ý gì!".

Ông ta rót một lượt nước, và đã tìm được câu trả lời thích hợp:

- à, được mùa thì làm rấn lên, mất mùa thì lại thong thả, việc gì mà vội.

Biền hớp một ngụm nước, nói với anh cán bộ Ty Kiến trúc:

- Anh có nhận thấy ông phó chủ nhiệm của chúng tôi làm nhà khác đời không. Nhà dưới làm trước, nhà trên làm sau, cánh cửa đóng trước, khung nhà dựng sau. Đến là ma quái. Tôi thì biết tỏng cái mẹo của ông rồi.

Mồm Tuy Kiền hơi há ra như cười, ông ta nhìn Biền hết sức thơ ngây:

- Mẹo gì, thế là anh có thành kiến với thằng này rồi nhé - Tuy quay sang phía anh cán bộ phân trần - Sở dĩ phải làm cái bé trước, cái lớn sau cũng là do rút kinh nghiệm làm nhà của ông bí thư đấy thôi. Chẳng là lực mình có hạn, có khi nhà xây gạch, lợp ngói hẳn hoi mà lại chịu không làm được bộ cửa, vì hết gỗ, hết tiền rồi. Chi bằng làm theo cái cách của tôi tuy có dềnh dàng, nhưng nhà đã dựng lên là lập tức kín ngay.

Rồi Tuy nói tránh sang chuyện khác.

- Ngày anh Sĩ mua gỗ chuẩn bị làm nhà tôi đã đến xem xét một lượt, rồi tôi bảo: "Dựng nhà năm gian mới có từng này gỗ là thiếu đấy!". Anh chàng còn nói kháy tôi: "Tớ hãy còn thừa mấy cây xoan, bên cậu có thiếu tớ để lại". Khốn khổ, dân bộ đội mới về đã biết tính toán chuyện làm ăn là thế nào. Nửa tháng sau tôi mới nhắc: "Định để cho tôi mấy cây đấy!". Lúc ấy mặt ông bí thư mới nhăn lại: "Cánh thợ mộc làm ăn thế nào hóa ra thiếu bét cả". Đấy, làm nhà mà tính toán không chặt chẽ thì có khi phải trả nợ hết đời... Tôi mà là thằng xỏ lá, tôi khuân mẹ nó mấy cây xoan về thì đã làm gì được tôi tốt.

Tuy nghiêng mặt về phía anh cán bộ, nét mặt rạng rỡ hẳn lên vì sự khôn ngoan của mình:

- Anh được cấp trên cử về giúp đỡ anh em chúng tôi, chúng tôi cảm ơn các anh lắm. (Biền nghĩ: lão này đang vui vẻ đến tột bực đây). Cho nên tôi cũng chẳng dám giấu giếm anh điều này. Tôi thì văn hóa rất kém anh ạ, nếu anh bảo tôi đặt lên giấy một con tính cộng chẳng hạn chưa chắc tôi đã làm nổi. Nhưng tính nhẩm thì phải biết - Tuy cười rất to - dù có phải tính toán một lúc hàng trăm khoản, tôi cũng không nhầm bao giờ. - Ông ta lại quay sang Biền- Hôm nọ thằng Bài ra cho tôi một bài tính đố, cái loại tính trẻ con ấy mà, nó đọc vừa xong thì mình đã nghĩ ngay ra đáp số, nhưng đặt con tính rành mạch, thứ tự lên trên giấy thì chịu, cái thằng mất dạy, nó bắt tôi ngồi cắn bút cả một buổi. Trời ơi, tôi chỉ cần ngồi một tiếng, hợp tác xã cũng đã thiệt bao nhiêu là tiền rồi.

Biền khẽ bấu vào tay anh cán bộ Ty Kiến trúc:

- Ông ấy vẫn chưa hở cái ngón chính ra với anh đâu.

Anh kia chỉ mỉm cười e thẹn. Chuyến đi xuống xã đầu tiên của anh đã có những kết quả tốt đẹp, người ta đã yêu mến anh, đối đãi với anh hết sức bình đẳng, coi anh như một cán bộ của xã, lại còn mời anh tham dự vào một câu chuyện thầm kín của bọn họ.

Tuy vừa có vẻ giận dữ, vừa cười cợt:

- Còn ngón nào nữa. Anh đa nghi như Tào Tháo ấy.

Biền cuộn một điếu thuốc rời, cười mủm mỉm:

- Chỉ có lão Sĩ là dại thôi. Bây giờ cả xã này họ đồn nhau là nhà ông Sĩ to nhất xã, nhưng theo tôi thì nhà ông Tuy Kiền mới to nhất xã.

Tuy xoay người trên ghế rồi duỗi một chân ra:

- Bậy! Bậy!

- Lại chẳng phải ư. Nhà ông Tuy chỉ cọc cạch đóng mấy cái cánh cửa, lên ngói cho hai gian nhà dưới, thật là khiêm tốn nhé. Nhưng một lúc nào đó, trong dư luận bớt xôn xao cái chuyện làm nhà của cán bộ chẳng hạn, thì chỉ trong vòng mươi hôm thôi, ông sẽ cho dựng toàn bộ năm gian nhà lên nhanh chóng, gọn ghẽ như có phép tiên vậy. Đến lúc ấy hàng xã mới ngã ngửa ra, nhưng... nhưng "tao đã làm xong tất cả rồi, chúng mày làm gì nổi được tao".

Tuy vụt đứng dậy, kéo cái điếu lại phía mình, lấy mảnh bẹ dừa quét tàn thuốc bám lên bát điếu, nói bằng thứ giọng rất trầm:

- Vậy ông chủ nhiệm bảo tôi là một thằng gian chứ gì. Vì gian nên mới phải dùng mưu mẹo để lừa người chứ sao nữa. Hỏng, hỏng thật đấy! Cũng vì hợp tác xã mà tôi chót mang tiếng là thằng xảo quyệt mất rồi.

Biền lơ đãng nhìn vào điếu thuốc đưa lên ngang mặt, một mẩu tàn trắng xốp rụng xuống mặt bàn. Tuy cầm mảnh giẻ lau với sang, nói làu bàu:

- Cơm nhà việc nước đến vợ cũng không thể nhờ giã được cối gạo. Nói có hai anh, nếu tôi chỉ là anh xã viên thường thì còn có thể làm được nhà gạch mười gian kia.

Biền vẫn giữ được nụ cười rất trẻ của anh:

- Cán bộ xã này kể cũng hay thật. Từ ông bí thư trở xuống hễ bị chạm một tí là đã có thể nổi giận lên, xin thôi công tác được rồi. Như người đi làm mướn cho Nhà nước hay sao ấy...

Tuy cướp lời:

- Làm mướn thật đấy, lại chẳng được đồng công nào, còn biết bao nhiêu những chuyện bực mình khác. Theo tôi cứ đem cột cổ những thằng nói láo lại là êm hết...

- Nhỡ những chuyện họ nói lại có thật thì sao?

- Thì ra đến chính ông chủ nhiệm chũng tin là có tham ô tập thể ư? Nếu vậy thì tội ông còn nặng hơn chúng tôi nhiều.

- Tham ô thì không có nhưng lợi dụng chút ít thì cũng có.

Tuy đã gần như phát cuồng lên:

- Đừng có giở thứ giọng lấp lửng ấy ra nữa. Anh thử vạch mặt những thằng lợi dụng hợp tác xã cho tôi xem nào.

- Cái việc mua gỗ của công trường thì rõ ràng là lợi dụng rồi.

Giọng nói của Tuy hơi dịu đi:

- Xã ta mua, các xã khác họ cũng mua, bàn dân thiên hạ đều mua. Còn tôi với anh Sĩ, anh Khuyến mua được mười xe là vì lúc ấy công trường họ cũng bán cho cá nhân, còn sau này họ lại không bán nữa thì đó là quyền của họ. Sao lại đổ lên đầu chúng tôi. Mới lại đổ thế nào được, mua gỗ thì trả tiền, còn hóa đơn đây, công vận chuyển cũng thanh toán với tài vụ hợp tác xã không thiếu một xu... Ai dám thắc mắc nào...

Biền không cười nữa, hai gò má của anh đã hơi ửng đỏ:

- Ông cũng biết đấy, xã viên họ không thiếu tiền, họ chỉ thiếu gỗ thôi. Có đủ gỗ bán thì xóm này lên ít nhất mươi cái nhà mới nữa. Tôi nói thực: nếu ông là xã viên thường, tôi thách ông mua nổi một lúc ba bốn xe gỗ tốt như thế đấy. Những người đứng đắn thì họ phàn nàn rằng chúng mình làm việc thiếu rành mạch, còn những đứa xấu thì phao tin cán bộ xã lấy tiền công mua gỗ tư, chọn gỗ tốt cho mình, loại gỗ xấu cho hợp tác xã. Ai mà thanh minh cho hết được. Một sự đã không tin thì trăm sự khác cũng không thể hoàn toàn tin. Khi đã mất lòng tin thì có bảo gì nhau cũng khó. Người ta sẽ chán nản, sẽ phân tâm, sẽ tính toán đến chuyện ra, chuyện ở. Người lãnh đạo có muốn nói chuyện với họ cũng ngượng mồm, có đấu tranh với những đứa xấu cũng thiếu kiên quyết. Mối nguy là ở chỗ đó.

Tuy Kiền im lặng một lúc lâu, rồi ông ta thở dài sườn sượt, mắt nhìn đi phía khác, nói lủng bủng:

- Lắm chuyện! Thật lắm chuyện!

Biền đã trở lại bình tĩnh hơn, anh nói bằng cái giọng thì thầm tâm sự:

- Hôm nọ tôi ra lò gạch thấy hai bố con ông bủ Sắc đang chọn gạch vỡ, mỗi người cầm một cái dùi sắt gõ cành cạch vào mặt gạch, viên nào chắc thì lấy, viên nào non quẳng ra. Họ xếp lên xe bò từng viên một, đẩy xe đi không lúc lắc một chút nào. Có ba đồng một xe gạch vỡ, thật rẻ, vừa bán vừa cho còn gì. Nhưng xã viên họ mua thì được, còn nếu một anh cán bộ xã nào đó mà lại vớ được một xe gạch tốt như thế thì hôm nay người ta đã đồn ầm lên rằng chúng ta lợi dụng quyền hành cướp lấy món hời. Ngay đến một việc rất nhỏ nếu không giữ ý thì cũng có thể trở thành tiếng đồn lớn. Như trưa hôm nay tôi đi họp trên tỉnh về, vừa đạp xe đến đầu xóm đã thấy một đám người xúm quanh lấy nong thịt trâu vừa mổ, vòng trong, vòng ngoài, có dễ đến hàng chục bàn tay cùng đặt vào một miếng thịt. Tôi đã xuống xe, định bụng vào mua một miếng, thức ăn đang khem, có ít thịt kho lên cho trẻ ăn cũng được vài bữa. Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, lại thôi, vì chỉ cần tôi nói với vào một câu: "Ông Lụng để cho tôi một cân nhé" là lập tức ông lão sẽ chọn một miếng ngon nhất đưa ra. Nhưng nhìn theo miếng thịt ấy sẽ có hàng trăm con mắt, và sau đó sẽ là hàng trăm lời bàn tán xì xào. Miếng thịt không đáng là bao, cũng không cướp giật từ tay người nào, nhưng có thể từ sau lúc tôi cầm cân thịt người ta sẽ nhìn tôi bằng con mắt khác, nghe tôi nói với cái tai khác, nghĩ về tôi với những ý nghĩ khác. Đấy, vị trí của chúng ta khó khăn là thế đấy, cho nên phải có tầm mắt nhìn xa hơn mọi người, đừng để những mối lợi vặt vãnh nó ràng buộc mình.

Có thể Tuy Kiền đã nghe ra, nhưng chẳng nhẽ lại chịu một cách dễ dàng cái thằng kém mình những hơn chục tuổi, mới chân ướt, chân ráo trở về xã lên mặt dạy dỗ mình, bày cách lãnh đạo cho mình, nên ông ta vẫn giữ vẻ mặt khó khăn và trả lời hết sức gay gắt:

- Chẳng phải đến hôm nay tôi mới được biết những chuyện này. Người ta vẫn chửi cạnh tai tôi đấy. Họ còn viết cả gạch non lên tường chuồng tiêu ở trụ sở rằng: "Đ. mẹ thằng Tuy Kiền, mày chết đi để chúng ông được sống". Song tôi lại nghĩ: "Dân không biết công cho mình thì Đảng sẽ biết công của mình" nên tôi vẫn làm việc, làm hết sức mình. Nhưng đến bây giờ thì Đảng cũng nghi ngờ tôi nốt, mọi tội đều đổ lên đầu tôi. Còn các người thì trong sạch. Vậy xin nhường các người cáng đáng lấy việc dân, việc nước, tôi xin rút về - Tuy quay lại, cố giữ một vẻ mặt hoàn toàn lãnh đạm - Ngày mai xin đồng chí chủ nhiệm cắt cử người khác ra phụ trách lò ngói, lò gạch, ban cá, từ rày tôi còn có nhận việc gì tôi chỉ là giống con chó.

Biền nhìn Tuy rồi nhe răng cười, chỉ một chút nữa thì Tuy cũng cười nốt, nhưng ông ta vội vàng cau mặt lại và càng hét to hơn lên:

- Lần này thì dứt khoát, chịu đựng với hợp tác xã như thế là đủ rồi. Tôi không dọa dẫm các anh đâu.

Anh cán bộ nhìn Biền hơi kinh ngạc: "Lại to chuyện đến thế ư?". Nhưng cái nhìn của Biền vẫn hết sức bình thản: "Tính ông ấy vốn thế, kệ ông ta!".

Tối hôm ấy đáng lẽ Tuy Kiền phải ra họp ngoài lò ngói, nhưng sau khi Biền và anh cán bộ của Ty Kiến trúc về rồi, ông sai con nấu một nồi chè đỗ, rồi vừa ăn ông vừa tự khen mình: "Chẳng mấy lúc được rảnh rỗi ngồi ăn bát chè. Kể cũng sướng!". Ăn xong, Tuy Kiền buông màn, vừa dặn con trai, vừa như giao hẹn với tất cả mọi người: "Mai, chúng mày để tao ngủ muộn nghe không!".

Đó là cái tâm trạng đặc biệt của một người đang được khiêu khích kẻ khác (mặc dù họ không có mặt) vì những công lao to lớn của mình, nhưng cũng pha lẫn cả sự hờn dỗi, bực dọc, nghi ngờ, nếu như: "Chúng nó cũng không cần mình nữa thì sao, bao nhiêu đóng góp của mình vậy là bị giũ sạch ư?". Chính vào cái lúc đó, những ngày hoạt động đầy rẫy những khó khăn và bực dọc vừa qua đã trở thành những kỷ niệm xa xôi, nhưng vô cùng đẹp đẽ, gắn bó ruột thịt với cuộc đời của mình, tưởng như rời bỏ nó, không có nó thì người ta không thể sống nổi vì cuộc sống đã mất hết màu sắc, ý vị. "Biền nó nói cũng phải, việc gì mình phải nổi giận với nó. Nhưng thằng ấy nó biết tính mình nó không để ý những chuyện vặt đó đâu". Nhưng giấc ngủ sau một ngày làm việc mệt nhọc đã kéo đến, nên Tuy Kiền không kịp nghĩ ngợi gì nhiều hơn, và chỉ một lúc sau ông ta đã ngáy rất vui vẻ như một người vô tư lự.

Cũng trong đêm ấy Biền chỉ chợp mắt được rất ít mặc dù khi đặt lưng nằm xuống anh cảm thấy mệt mỏi, đau nhức đến từng đốt xương. Từ ngày ở bộ đội về, rất ít đêm Biền được ngủ một giấc đầy đủ, vì vợ chồng anh có những bốn đứa con, suýt soát hơn nhau một tuổi, mà đứa bé nhất mới được có bốn tháng. Ngày nào cũng thế, sau khi đã nạt nộ, quát tháo, dỗ dành bốn đứa con từ lúc ăn cơm chiều cho đến khi lừa được chúng ngủ là vừa vặn đến giờ họp buổi tối. Và gần như đêm nào đi họp về, Biền cũng được nghe tiếng nói đầy lo âu của vợ vọng ra từ bên trong lá màn: "Người cái Hiền nóng quá bố ạ..." hoặc "Thằng Cầu lại đau bụng đi ỉa đấy!" hoặc "Thằng Minh nó kêu đau tai, thử xem tai nó có sưng không?". Thế là lại tiếp tục cuộc vật lộn âm thầm từ nửa đêm cho tới mờ sáng hôm sau.

Buổi sáng hôm ấy Biền vẫn dậy rất sớm như mọi khi, vì còn có bao nhiêu việc phải làm trước giờ ra trụ sở: giã cối gạo đã xay, sàng từ tối hôm trước, đặt những bó hành mới dỡ lên giàn bếp, nấu nồi cám lợn và luộc ít khoai ăn sáng cho mấy đứa con. Sau khi đã làm xong mọi việc, ăn vội mấy củ khoai, uống hớp nước nóng chuẩn bị đi thì vợ Biền hỏi chồng:

- Có đèo thằng Cầu lên trạm xá hỏi xem cái tay nó có phải chữa thuốc gì không?

- ừ, ừ, nhưng chắc không phải là sai khớp đâu.

- Không sai khớp mà lại sưng to như cái bắp chuối ấy. Rõ khốn khổ. Ra đưa tay cho bố mày xem nào!

- Thôi, để đến chiều vậy, sáng nay còn bao nhiêu là việc.

- Lúc nào cũng việc, việc trọng hơn người hử, con mình đẻ ra chứ có là hòn đất nặn lên được đâu.

- ừ, đã bảo đến chiều tôi sẽ đưa nó đi. Sáng nay chót hẹn người ta đến làm việc với mình rồi.

Người vợ không nói thêm gì nữa, Biền nhìn vào trong buồng thấy vợ ngồi quay lưng lại, đầu cúi xuống đứa bé đang cho bú, cái gáy vỏng cao lên mảnh khảnh, cạnh đó là ba đứa nằm chụm đầu lại nhau, đứa kêu đau bụng, đứa kêu nhức tay, còn một đứa thì đang đòi mẹ nó lấy cơm nguội.

Ngày thứ hai và ngày thứ sáu, tại văn phòng của ban quản trị bao giờ cũng chật người. Các đội trưởng đến báo cáo tình hình phân giống của vụ lúa hạ thu và dụng cụ chuẩn bị cho vụ gặt chiêm sắp tới; những người trong ban cá đến thanh toán tiền chuyển cá giống đến các hợp tác xã bạn; xã viên đến mua gạch xin phiếu xuất và trả tiền; và biết bao nhiêu thứ việc linh tinh khác đòi hỏi phải giải quyết.

Biền vừa đạp xe đến cổng trụ sở thì mấy người đang đứng nói chuyện trước cửa văn phòng của ban quản trị nhìn ra, và một người nói to lên:

- Ông chủ nhiệm đã đến kia rồi!

Đó là lời chào mở đầu của một ngày làm việc. Một người khoảng ba chục tuổi rất gầy, nước da xanh tái, mớ tóc trên đầu bù lên, nói với Biền bằng cái giọng não nuột:

- Cái số em lại không gặp may ông ạ. Phen này không khéo phải bù tiền nhà mất.

Biền mời con người bị thua thiệt đó vào ngồi một góc nhà, ba bốn người khác lập tức vây quanh lại. Người kia nhìn Biền thở dài sườn sượt, rồi bắt đầu kể:

- Mọi khi anh em chuyển cá giống lên Yên Bái vẫn trót lọt cả, cước phí tính phân minh không thiếu một xu. Dù có nộp lại ban quản trị nửa số tiền kiếm được thì trong tay cũng vẫn còn năm, sáu chục bạc. Nhưng lần này thì...

Một người giục:

- Thôi vào vấn đề đi. Nó cứ than vãn từ nãy nhưng có ai biết đầu đuôi ra sao đâu.

- ừ, thì cũng phải nói từ gốc đến ngọn chứ. Em với thằng Bài, mỗi thằng gánh sáu nghìn con, toàn cá bốn năm phân cả, cầm cái vợt múc lên ai trông cũng thích. Ông trưởng ty Nông nghiệp Yên Bái đã bảo chúng em đổ cá ra lò rồi, chỉ còn đợi lấy séc chuyển khoản là anh em có thể xuôi tàu ngay chiều hôm ấy. Chẳng ngờ... đúng là tại cái số mình nó không ra sao, bốn, năm năm nay có gặp được điều gì gọi là may mắn, hết vợ chết, đến con chết, lại cháy nhà...

Biền mỉm cười:

- Từ sáng đã hớp ngụm rượu nào chưa đấy?

Anh chàng kia ngoẹo đầu về một bên, cặp mắt đục lờ của anh nhìn mọi người càng thê thảm:

- Tiền đong gạo còn chạy chưa ra, lấy tiền đâu mua rượu. Nhà em hết gạo từ nửa tháng rồi, bác chủ nhiệm ạ. Em có báo cáo với đội, đội lại bảo vẫn thấy bà em xay gạo làm bún, thực tình là xay thuê cho người bà con ở ngoài chợ đấy thôi... Vâng, em xin kể tiếp... Vậy là chúng em vấp phải một ông cán bộ ở trên về, sau mới biết ông ta cấp bộ cũng cao, ở cục... cục gì nhỉ... cục Thủy sản. Em thấy đi cùng với ông ta có dễ đến năm, sáu cậu bảo vệ. Đúng vậy... Vì chỉ có mỗi ông ấy nói chuyện với chúng em, còn những cậu kia ngồi im cả. Ông ta hỏi giá cá gáy bán tại bờ là bao nhiêu. Em đáp: "Một nghìn cá là mười sáu đồng". Ông ta gật. Vậy là chịu một điểm. Sau lại hỏi: "Vậy cá chuyển lên đây giá bán một nghìn là bao nhiêu?" Em trả lời: "Vẫn là mười sáu đồng, nhưng phải chịu thêm tiền cước vận chuyển". Ông ta mời em ngồi cạnh, giọng nói cứ ngọt lịm đi: "Thế tiền cước các anh tính như thế nào?". Trong bụng em đã bực: quan hệ gì đến ông mà ông hỏi vặn vẹo tôi nhiều thế. Nhưng em vẫn giữ được bình tĩnh nhé, vì họ đã ngọt với mình thì mình không thể nói xẵng được: "Tiền cước thì cứ tính đúng như đã qui định trong hợp đồng, chín xu một trăm con một cây số, vậy một vạn con là chín đồng, một cây số". Ông ta xem lại tờ hợp đồng tính toán một lúc rồi nói với ông trưởng ty Nông nghiệp: "Như vậy là những hăm nhăm đồng một nghìn cá phải không?" Rồi ông ấy quay lại nói với em: "Tiền cước tính như thế là đúng, nhưng là đối với những người phải chuyển cá bằng đường bộ kia, còn xã Đồng Tiến các anh đi có năm cây số là ra đến ga Tiên Kiên rồi, có phải không, leo lên tàu thì chỉ còn việc móc thúng lên mà ngồi lắc chứ mệt nhọc gì. Vậy mà các anh lại còn tính tiền cước theo giá chín xu một cây số ư, như vậy sao gọi là công bằng được". Rồi ông ta lắc vai em, cười cười: "Không được đâu anh bạn ạ, buôn bán như thế là theo lối cũ đấy! - Người nói chuyện quay sang phía mấy người đứng chung quanh, đôi mắt anh ta lóng lánh hẳn lên - Nhưng mình đâu có chịu, mình cứ cãi: "Ông là ai tôi không biết, tôi cứ biết theo ý ban quản trị chúng tôi thôi. Mới lại hai bên đã có hợp đồng với nhau rồi". Chúng em nói với ông ta đến hết lời, đang cơn tức mà, nhưng họ vẫn ngọt ngào như không. Đến bữa cơm ông ta mời cả hai anh em cùng ngồi ăn, mình từ chối thế nào cũng không được, vừa ăn ông ấy vừa giảng giải: "Của cải của hợp tác xã với của cải Nhà nước xét cho cùng cũng chỉ là một, để hợp tác xã bị thiệt tức là Nhà nước cũng thiệt, mà để Nhà nước bị thiệt thì hợp tác xã cũng thiệt, làm sao cho cả hai bên đều có thể làm giàu được, nhưng đừng có bên nào bớt xén bên nào, như vậy mới gọi là quan hệ hợp tác, tương trợ, có đúng thế không?". Họ đã nói đến mình còn biết trẻ lời ra sao... Ngồi tàu xuôi hai thằng bảo nhau: "Ăn được bữa cơm thì lại bị thiệt mẹ nó hai trăm đồng, bát cơm quá bát yến!".

Biền vừa lắng nghe vừa tự phân tích những ý nghĩ của mình. Chính Biền cũng biết, biết từ đã lâu kia, rằng tiền cước phí vận chuyển cá giống như vậy là không hợp lý. Nhưng chính sự không hợp lý đó đã đem lại bao nhiêu mối lợi cho ngành kinh doanh cá giống. Cán bộ xã cũng thay phiên nhau đi chuyển cá giống bằng đường tàu trong một hai ngày, lấy một số tiền mua công điểm của hợp tác xã và chi tiêu trong gia đình. Lương tâm của một đảng viên đòi hỏi phải thủ tiêu cái lối làm ăn mờ ám đó, nhưng cách tính toán khôn ngoan của một anh nông dân lại muốn trì hoãn, lại muốn kiếm lợi bằng cách đục khoét những sơ hở của các cơ quan Nhà nước. Vả lại đó còn là sự sinh sống của hàng ngàn con người, của chính bản thân mình, nguồn lợi khổng lồ của một hợp tác xã. Ngay đến Mão, chủ tịch xã, một con người có tiếng là thẳng thắn, cương trực cũng đã phải bảo Biền: "Đừng có đưa vấn đề đó ra , xã viên họ sẽ phản đối đấy!" Tất nhiên khi nói câu đó cả hai người đều không dám nhìn thẳng vào mặt nhau, vì chính họ cũng hổ thẹn vì những ý nghĩ không chính đáng của mình.

"Con người gặp những chuyện không may" vừa ra về, những ý nghĩ bực dọc của Biền còn chưa kịp xóa mờ đi thì đồng chí cán bộ cửa hàng Nông thổ sản của huyện đã hiện ra ở khung cửa. Anh ta tiến thẳng đến chỗ Biền, vẻ mặt mừng rỡ, đưa mắt nhìn mọi người:

- Quen cả, xin cứ bắt tay cho vui vẻ. Chào anh, chào bác, chào bủ ạ...

Anh ta ngồi ở chiếc ghế đối diện với Biền, cặp mắt tròn xoe đưa đi đưa lại nhanh nhẹn, nói năng rất lưu loát, tự nhiên:

- Quả thật tìm ông chủ nhiệm còn khó hơn tìm đồng chí bí thư huyện ủy. Hôm nọ trên hỏi tôi đã tổng hợp xong số hợp đồng trong huyện chưa, tôi trả lời: chỉ còn chờ có xã Đồng Tiến, vì đồng chí chủ nhiệm đi họp chưa về (nói đến đấy mắt anh ta hơi nhướn lên, một bên cánh mũi nhay nháy như có vẻ: tôi nói dối như thế để giữ uy tín cho xã này đấy nhé!)

Biền trả lời lạnh nhạt:

- Thì đi họp thật đấy thôi, mới về trưa hôm qua.

- Thật à - Anh cán bộ của cửa hàng cười rất hồn nhiên với lấy cái điếu đặt trên đùi mình, mở sáp thuốc, hỏi Biền lơ đãng - Dự kiến đỗ tương ở đây mỗi sào là bao nhiêu?

- à, trước định là hai mươi cân, nhưng chưa chắc đã được... Quả nhiều nhưng không có hột.

Anh cán bộ cửa hàng rít một hơi thuốc, nói qua đám khói:

- Vậy mà có xã được những hăm hai cân đấy!

Rồi anh ta đặt điếu lên bàn, đẩy sáp thuốc sang người ngồi bên cạnh:

- Hút đi bủ, bên Xuân Huy là nơi đỗ kém nhất cũng được mười bảy cân một sào kia mà.

- Chúng tôi trồng có ba chục mẫu, nhưng lại trồng xen với ngô. Năm nay bán đỗ cho Nhà nước thế nào đây?

- Cũng như mọi năm thôi, đỗ các loại bán năm mươi phần trăm, đỗ tương thì bảy mươi cho đến bảy mươi nhăm phần trăm. Như xã ta đây là lá cờ đầu của huyện thì có thể bán cho Nhà nước bảy mươi nhăm phần trăm... Này, tỉnh chỉ đạo những mười lăm cân đỗ tương một sào, mà ở đây chỉ được có mười cân thôi hử... Đỗ bãi là phải tốt lắm chứ lại...

Biền không hiểu vì lẽ gì mà sáng nay mình trở nên buồn bã và khó tính đến thế, cái vẻ khó chịu của Biền chính anh cán bộ cửa hàng của huyện cũng nhận thấy, nhưng anh lại nghĩ: "Cái loại cán bộ thu mua có bao giờ được người ta tiếp đãi một cách vui vẻ!". Nên anh ta rất bình tĩnh và còn cư xử hết sức đáng yêu nữa.

- Mong các đồng chí thông với chúng tôi nhé. Hợp đồng đã làm được trong toàn huyện rồi, chỉ còn có xã ta thôi, mà không làm đủ thì ngân hàng không xuất tiền, còn một tuần nữa đã phải mua hai mươi tấn thuốc lá của Việt Hùng mà hiện nay một xu không có. Vây các anh định bán cho chúng tôi bao nhiêu tạ đỗ tương, có được ba mươi tạ không?

- Xin được bán một nửa thôi: mười lăm tạ.

Anh cán bộ cửa hàng nhìn Biền, rồi cười rất to:

- Ôi giời, các anh trồng ba mươi mẫu đỗ mà chỉ bán được có mười lăm tạ. Ai mà tin được!

Liễn, kế toán trưởng, ngồi đằng sau cái bàn lớn, vươn cái cổ rất dài về phía anh cán bộ cửa hàng:

- Chúng tôi không giấu giếm gì đồng chí đâu, ai lại còn thủ đoạn với Nhà nước. Xưa nay trồng đỗ đông xuân là dễ mất cả vốn lẫn lãi, chỉ còn trông mong có vụ thu thôi.

Rồi Liễn hỏi lập lờ:

- Thế các ngài ký hợp đồng hôm nay chứ?

Anh cán bộ cửa hàng hút một điếu thuốc nữa, nụ cười đã trở nên gượng gạo:

- Chúng tôi chỉ đợi được ký với các anh thôi mà. Chiều mai đã phải ra huyện để duyệt hợp đồng rồi. Nhưng... này... chỉ bán có mười lăm tạ thôi hử, người ta cười cho đấy.

Anh kế toán trưởng cầm cái quản bút cũng dài nghêu ngao chấm ngòi bút vào bình mực, tiếp tục viết những dòng chữ chi chít trên cuốn sổ cái:

- à, họ cười thì ai mà cấm được, mặc họ chứ!

Anh cán bộ cửa hàng đứng dậy, chìa tay ra cho Biền:

- Thôi, chào anh, đề nghị các anh cân nhắc kỹ lại cho. Tin tưởng ở các anh đấy.

Biền đáp lại mệt mỏi:

- Nhất định là bán thôi. Chúng tôi làm nghĩa vụ với nhà nước có lần khân bao giờ.

Anh cán bộ cửa hàng vừa ra khỏi thì Liễn đã ngẩng lên nhìn Biền hơi cười, nụ cười của những kẻ đồng tình trong một hành động ám muội nào đó.

- Thằng cha ấy làm ra vẻ đấy thôi, đến mai là cũng phải ký. Các xã khác họ cũng khôn chán.

Chưa bao giờ Biền lại tự ghét mình, ghét người khác bằng lúc này. Anh cúi mặt xuống cuộn một điếu thuốc lá. Tiếng của Liễn vẫn thẻo thớt một bên tai:

- Thực ra thì đỗ bãi năm nay cũng chỉ hơn năm ngoái được tí chút.

- Hừ, năm ngoái mười hai cân một sào, thì năm nay cũng phải được mười bốn, mười lăm cân.

- Đừng nói trạng, cứ tính mười ba cân một sào thôi. Mà đã chắc được chửa!

Biền quay lại nhìn Liễn, mắt anh long lên dữ tợn:

- Dù sao cũng phải bán cho họ hai mươi tạ.

Liễn chống hai tay vào cạnh bàn, cái lưng dài đuỗn hơi cúi về phía trước:

- Đã tính chia cho mỗi hộ hai cân chưa?

- Một cân rưỡi thôi!

- Anh nên tính cho kỹ. Từ ngày nhà máy họ về đây, đến rau muống cũng phải mua một hào một bó. Không có ít đỗ làm tương thì ăn bằng gì. Ăn uống khem khổ quá rồi thì ốm hết đấy.

- Chia cho bao nhiêu hộ nhỉ?

- Tám trăm hộ!

- Trời ơi, mới có nửa năm mà mọc đâu ra nhiều hộ mới thế ?

- Rồi anh xem, đến khi lên phương án chia thóc sẽ biết. Chẳng lẽ mình cấm họ không được cho con cái ra ở riêng hay sao?

- Dù thế nào cũng phải bán hai mươi tạ. Nếu mỗi nhà không được cân rưỡi thì một cân vậy, không được một cân thì bảy tám lạng vậy. Thà mình ăn ít còn hơn phá kế hoạch của Nhà nước.

Liễn không nói gì thêm nữa, anh ta tì cằm lên tay trái, chiếc quản bút vẫn ve vẩy trên đầu mấy ngón tay phải, đôi mắt nhìn lơ đãng ra ngoài sân, nghĩ một cách giễu cợt: "Rồi thì cái thực tế ở nông thôn sẽ làm ông mở mắt ra, ông bộ đội ạ".

Đã gần trưa. ở văn phòng của ban quản trị hợp tác xã vẫn còn lại hai người: một chủ nhiệm và một kế toán trưởng đang duyệt lại những con số chủ yếu của bản phương án chia hoa lợi vụ đông xuân. Giọng đọc của Liễn thì thào, đều đặn, những con số tròn trĩnh, không có màu sắc, tẻ nhạt, nối tiếp nhau vo ve bay ra:

- ...Kê ba mẫu, thu được bốn tạ rưỡi, tính thành tiền là một trăm ba chục; thầu dầu mười mẫu, nhưng thu hoạch được có ba mẫu, tính thành tiền: trăm rưởi. Rau xanh ba mẫu, dự thu ba ngàn đồng... Về trồng trọt, tổng thu được một trăm mười lăm nghìn, ba trăm đồng; về giống cá thu năm mươi ba nghìn, so với năm 1962 vượt được ba nghìn, nhưng so với kế hoạch là thụt mất năm nghìn...

Biền ngắt lời:

- Chủ yếu là so với kế hoạch xem đã đạt được hay chưa, còn so với năm ngoái làm gì, cái gì của năm ngoái thì đã ăn nhẵn nhụi rồi còn đâu.

Liễn ngừng một lát, bật ngón tay khe khẽ lên trang giấy, rồi lại đọc những chuỗi con số tiếp theo.

Mảnh sân lát gạch chỉ trước trụ sở về trưa càng hắt nắng lên chói chang. Mấy ông già sơn thúng đựng cá giống đã ngồi lên trên thềm hè, cái lưng còng gập xuống giữa hai đầu gối im lặng một cách lạ lùng, chỉ có một bên khuỷu tay gầy guộc là khẽ đưa lên đưa xuống đều đặn. Từ phía nhà kho có tiếng lách cách của chìa luồn vào ổ khóa, rồi tiếng cánh cửa nghiến rin rít, mấy tiếng nói lao xao của bọn con gái:

- Đấy, mấy cái bao ở góc trong cùng ấy!

- Xi măng chúng mày ạ.

- Không phải đâu, vỏ bao xi măng nhưng đựng phân đạm hết.

- Cân đâu hử?

Giọng đọc của Liễn mỗi lúc trở nên xa xôi. Biền chỉ còn nghe được phảng phất những con số rời rạc: tích lũy: mười ngàn tám trăm hăm sáu đồng, tỷ lệ năm phần trăm; công ích: bốn nghìn ba trăm đồng, tỷ lệ hai phần trăm...

Bỗng một tiếng kêu vọng ra từ trong nhà kho:

- Chuối đã chín đâu mà chúng mày lôi ra ăn thế, lũ quỷ cái!

Có lẽ là giọng nói của Hiềm, người phụ trách đài truyền thanh của hợp tác xã. Không nghe có tiếng trả lời, rồi vẫn lại tiếng của Hiềm hét lên:

- Bỏ ra, đừng có đùa, mỗi đứa ăn một quả thôi!

Một giọng nói rất cao, trong trẻo, át đi:

- Còn để phần cho cái Nhuận phải không, cứ cho chúng tớ ăn đi, chúng tớ làm chân trong cho!

Rồi những bước chân chạy nhẹ nhàng trên mặt sân, những tiếng cười rất trong đuổi nhau ở phía cổng trụ sở, và Hiềm hiện ra ở khung cửa, mặt đen cháy, răng trắng nhởn, đưa cặp mắt thiểu nạo nhìn Biền và Liễn:

- Có ít chuối rấm đã giấu dưới mấy lớp bao tải mà cũng bị những con ranh lôi ra, chốc nữa, mỗi anh đem mấy quả về cho trẻ ở nhà, không rồi là hết nhẵn đấy!

Đó là mấy cô gái trong tổ khoa học kỹ thuật đi gánh phân bón lúa thí nghiệm vụ hạ thu. Họ là nguồn vui và cũng là niềm tự hào của hợp tác xã. Được dự những buổi sinh hoạt của các chi đoàn, lúc trở về bao giờ Biền cũng cảm thấy mình vui vẻ hơn, tự tin hơn, và những dự kiến táo bạo của anh cũng thường nảy nở qua những buổi họp đó. Biền còn nhớ mãi một hình ảnh, với cặp mắt của người ngoài thật chẳng có gì đáng để ý, nhưng với anh thì nó lại có thể rung động đến đáy lòng. Đó là vào một buổi xuôi tàu về Hà Nội, chuyến tàu bốn giờ sáng. Anh đạp xe đến ga mới hơn ba giờ. Duới ánh sáng vàng nhạt và buồn tẻ của ngọn điện, hành khách chờ tàu nằm ngủ trên những chiếc ghế dài, và cả trên nền đất trong phòng đợi. Gần đến giờ bán vé, bỗng có tiếng ai gọi Biền ở phía sau. Anh ngoảnh lại, Nhạn, một nữ đoàn viên thanh niên vừa ngồi nhỏm dậy ở một chiếc ghế dài kê lùi vào một góc tối.

- Cô cũng xuôi Hà Nội đấy à?

- Không, em chỉ đến ga Phú Đức thôi.

- Thăm ai dưới ấy thế?

Nhạn che miệng cười:

- Thăm ông "phân xanh", đi những bốn đứa, chúng nó nằm ngủ ở kia kìa...

Theo tay chỉ, Biền nhận ra ba cô đoàn viên thanh niên khác nằm ôm lấy nhau trên nền đất, một mảnh khăn vuông phủ lên ba cái đầu chụm sát lại.

Nhạn vừa chải đầu vừa nói liến thoắng:

- Mấy giờ rồi anh... thế thì lúc chúng em đi không khéo mới chỉ nửa đêm. Cả mấy đứa đi họp chi đoàn về đã hơn mười một giờ rồi, em ngủ được một giấc, tỉnh dậy cứ tưởng sắp sáng cứ thế chạy tong tong đi gọi bọn chúng nó, rồi kéo một mạch ra đến đây... Quyên, dậy đi mày, con gái gì vừa đặt lưng nằm xuống đã ngáy om lên rồi !

Mấy cô kia ậm ự một lát rồi mới oằn oài dậy, uốn lưng, vặn tay, rồi chợt nhìn thấy Biền, các cô liền rúc đầu vào vai nhau cười rinh rích.

- Đi cắt phân xanh mà đi tàu kia à?

Nhạn vẫn là người lém nhất bọn:

- Cơ giới hóa từng bước mà lại.

- Chiều về tàu mấy giờ?

- Lúc về chúng em gánh bộ, đi lối tắt, khoảng nửa đêm thì cũng về được đến nhà.

Từ lúc đó cho đến lúc lên tàu cả bốn cô chỉ nhìn nhau cười, như những người không thể kìm nổi sự vui vẻ trong lòng. Có nói chuyện với họ Biền mới cảm thấy giữa mình với lớp thanh niên kia đã có một khoảng cách, tuy tuổi anh chưa hơn họ là bao. Họ có thể rất vui chỉ vì được chờ đợi một tối chiếu phim, được rủ nhau đi cắt phân xanh bằng đường tàu, được tổ chức lễ cưới cho một người bạn. Được sống khỏe mạnh, được học tập và làm việc, được chúng bạn yêu mến, đoàn thể tin cậy, đấy là những mong ước của họ, họ không cần gì nhiều hơn, họ nghĩ một cách tự hào rằng tương lai là của họ, chủ nghĩa xã hội là của họ, cả đất nước này là của họ. Tại các cuộc họp chung họ rất ít nói, hoặc có nói lại toàn những câu cứng nhắc, sách vở, nhưng đừng nên trách móc họ cái điều đó, vì tất cả đối với họ đều dễ hiểu, đều trong suốt: "Có gì đáng phải bàn cãi nhiều đến thế!". Đã có lần Biền nói đùa với Tuy Kiền: "Ông thì xã hội chủ nghĩa có một phần ba, tôi mới được một nửa, còn cánh thanh niên mới là những con người xã hội chủ nghĩa hoàn toàn".

Cũng vì dỗi hờn nên sáng nay Tuy Kiền không có mặt ở văn phòng ban quản trị, nếu không chắc chắn sẽ có một cuộc xô xát nhỏ giữa ông ta với anh cán bộ thu mua của huyện, và Tuy Kiền sẽ lại nắm tay mà hét lên như mọi lần: "Còn phải để xã viên chúng tôi được ăn chứ, làm bao nhiêu bán bấy nhiêu rồi xã viên họ róc thịt chúng tôi ra à, lấy gì mà động viên họ tích cực sản xuất".

Từ phía con đường rẽ về xóm Đông Chấn, chợt vẳng lại một giọng nói đặc biệt quen thuộc, đã gần như không thể thiếu được trong guồng máy hoạt động của hợp tác xã:

- Xe chở nặng mà các anh đặt càng xe buông thõng xuống như trời giáng ấy thì gãy càng, long trục còn gì. Không cúi cái lưng xuống được một chút nữa hay sao! Đóng một cái xe mất vài trăm bạc đấy, các ông tướng ạ.

Một lúc sau đã có tiếng bàn đạp đập lạch cạch vào thềm hè, và Tuy Kiền bước vào, mặt đỏ gay, mồ hôi đã thấm đen hai bên vai áo. Ông ta không nhìn Biền, đi thẳng đến chiếc ghế dài kê cạnh cửa sổ, rút chiếc khăn sợi đen nhẻm ở túi quần lau qua mồ hôi ở trán và cổ. Biền chỉ đưa mắt nhìn theo Tuy Kiền nhưng vẫn tiếp tục bàn bạc với Liễn. Tuy Kiền ngồi im lặng một lúc rồi nói buông lửng:

- Cái số vôi mỗi sào mười lăm cân ấy mà, thì chỉ riêng vụ thu này cũng phải mua tới một trăm bốn mươi nhăm tạ. Hợp tác tính bỏ tiền túi ra mua hay sao đấy?

Biền mủm mỉm cười nhưng vẫn không quay lại. Bao nhiêu bực dọc chất chứa trong một buổi sáng phút chốc tan đi và bỗng dưng anh thèm khát những câu nói vui vẻ, những tiếng cười sảng khoái.

- Không bỏ tiền mua thì dễ xin được của trên chăng?

Tuy Kiền vênh mặt nhìn đi chỗ khác, mặt ông ta vẫn đỏ tía lên vì nắng, và cả vì sự bực dọc:

- ừ, thì cũng tưởng là đồng chí chủ nhiệm đã có cách giải quyết cái số vôi đó rồi.

Lúc này Biền mới quay lại, nụ cười vẫn ở trên môi anh:

- Vậy, ông đã có cách gì thế?

Tuy Kiền đứng bật dậy, tiến lại ngồi đối diện với Biền, nhưng mắt vẫn nhìn xuống:

- Tôi rất tức là các anh không đồng tình với tôi về việc làm lò vôi. Anh sợ việc không thành chứ gì, thì hãy cứ giao cho tôi xem nào. Chỉ cần anh gật đầu một cái là chỉ trong vài ngày nữa đá sẽ vào lò nung ngay.

Biền hỏi khẽ:

- Đá lấy ở đâu?

- à, lấy đá ở đâu thì mặc xác tôi. Tôi sẽ có cách xoay, gọi là ăn cắp cũng được. Nhưng ăn cắp vì tập thể cũng chẳng sao. Tôi sẽ khoán công điểm cho xã viên rồi đâu sẽ vào đó cả. Trèo dừa mà sợ ngã thì biết bao giờ mới được uống bát nước dừa. Không phải nói phét chứ một chuyến ra lò đầu tiên cũng phải được trên ba mươi tạ. Mới lại trước mắt cũng phải kiếm việc làm cho đội vận chuyển, họ đang kêu om lên là nhàn rỗi kia!

Tuy với điếu rít một hơi thuốc, tay cầm xe điếu vắt lên thành ghế, thở khói một cách khoan khoái, rồi nói thong thả:

- Tôi biết là các anh rất khinh tôi. Cứ nhìn vẻ mặt của đồng chí chủ nhiệm thì biết. Vừa mới tối qua còn thề bồi thế này thế nọ, hôm nay đã lại ngửa tay xin việc mới rồi. ấy, cái thân tôi nó lại khổ vậy... Nhưng các anh đừng có nghĩ rằng sở dĩ tôi phải bám lấy cái chức vụ hiện nay để tiện bề xà xẻo đâu. Chính cái chức vụ này nó trói buộc tôi nhiều chứ, dù có làm gì, nói gì thì cũng phải nghĩ tới mình còn là anh phó chủ nhiệm... Sở dĩ tôi phải lăn vào với hợp tác xã, vì tôi không thể ngồi đấy mà nhìn anh em khác hoạt động được. Cơm đủ ăn rồi, áo đủ mặc rồi, con cái nhà cửa đề huề, thật tình cũng chẳng phải ao ước gì nhiều nữa, chỉ còn mong được đóng góp cho phong trào, cho xã, được hoạt động cùng với các anh. Nó là nguồn vui của tôi, sống chết cũng phải gắn bó với nó. Trừ phi các anh bảo với tôi rằng: "Mày là thằng tham ô, là thằng phá hoại, chúng tao không cần đến mày!" thì tôi đành phải lạy các anh mà lui về giữ nhà, trông con... Nhưng đã đến cái nước ấy thì cũng chẳng nên sống làm gì, chẳng nên trông thấy mặt ai ở cái xã này nữa.

Đấy, ông ta dễ bực mình vì những cớ rất nhỏ nhặt như một người chỉ quen suy nghĩ nông nổi, nhưng cũng đột nhiên lại thổ lộ được những lời hết sức chân thật, đẹp đẽ mà chỉ những người luôn luôn nghĩ ngợi về cuộc đời của mình, biết rõ cái ý nghĩa của công việc mình đang làm mới có thể nói được.

Rồi Tuy Kiền ngoảnh sang hỏi Liễn, giọng nói vẫn hết sức tự nhiên, như chưa bao giờ ông ta có ý định từ bỏ những công việc mình đang phụ trách cả:

- Này, nghe nói bọn đi Yên Bái gặp khó khăn phải không?... Nếu các ông ấy làm khó dễ quá thì ta lại chuyển cá vào các vùng trong vậy, còn vô vàn nơi tiêu thụ, chưa biết ai đã cần ai.

Biền đưa mắt nhìn tránh đi phía khác:

- Đã đến lúc phải chấm dứt cái lối buôn gian bán lận đó thôi, cái khoản tiền cước phí ấy mà...

Tuy Kiền quay phắt lại nhìn Biền, nét mặt hơi nhăn nhó:

- Sao lại gọi là gian lận, dễ thường số tiền ấy đút túi mấy thằng trong ban quản trị hẳn?

- ờ, đã đành là không phải thế... nhưng, không nên vẽ đường cho hươu chạy ông Tuy ạ. Tôi đã nghĩ mãi rồi, mình làm ăn còn mập mờ thế thì bảo sao người khác phải phân minh. Tôi không lo không tìm được nguồn lợi khác, chỉ lo chúng mình biến thành những kẻ lừa lọc thì hỏng cả.

Tuy Kiền co một chân lên ghế, cái bàn tay với những ngón xương xẩu, luôn luôn hoạt động, đập khe khẽ lên mặt bàn:

- Đấy, đấy... hừ... anh nói thế là có ý nghĩa sâu xa lắm, tôi không phải là người ngu đâu mà bảo không hiểu. Tôi biết là anh đã bắt đầu khinh tôi rồi mà.

Biền thở dài buồn bã: "Tôi không nghi ngờ gì về sự tận tụy của ông đối với hợp tác xã đâu, nhưng cách nhìn của ông còn nông cạn quá, rồi thì cái tầm mắt thiển cận của chúng ta sẽ có ngày dồn chúng ta vào chỗ bế tắc thôi!" nhưng anh không nói.

Tuy Kiền ngồi lại một lúc nữa, vẻ mặt trầm ngâm, rồi ông đứng lên, cầm lấy cái mũ rộng vành đã cũ, bảo Biền:

- Tôi phải chạy ra ngoài lò gạch một chút. Kể ra còn nhiều chuyện muốn nói với anh nữa, thôi, để lúc khác vậy... Còn vấn đề cá mú ấy mà, phải cân nhắc cho chín chắn, một món tiền không nhỏ đâu.

Tuy Kiền bước ra đến cửa, Liễn mới chợt nhớ tới một việc quan trọng:

- Có phải ông ký hợp đồng với bên Cao Thắng bán gạch củ đậu cho họ phải không?

Tuy Kiền đứng sững lại, nghiêng mặt hỏi:

- Sao, họ không mua nữa hử?

Liễn vẫn nhe răng cười:

- Không, họ đem tờ hợp đồng đến bảo tôi viết thêm vào là chỉ lấy loại gạch già thôi. Thằng cha ấy nom cũng róc tợn.

- ừ, thì viết thêm vào vài chữ có sao. Ngoài lò làm gì có gạch non.

- Nhưng tôi biết đâu cái chuyện mua bán giữa hai người. Nhỡ ra...

- Nhỡ ra thế nào. Họ mua gạch vụn đổ chân móng thì phải bán loại gạch già chứ. Rõ thật... Vậy họ đi đâu rồi?

- Biết được đi đâu. Kể ra với người khác thì tôi viết ngay đấy, nhưng với ông...

Liễn định nói: "Nhưng với ông thì ai mà biết được ông còn có mưu mô gì", nhưng vội im ngay. Nhưng Tuy Kiền vẫn biết, ông ta nhăn mặt lại, nhìn Biền bằng đôi mắt não nuột:

- Đấy, anh xem, tôi chỉ hay tợn mồm chứ thực ra đã lừa đảo ai bao giờ. Tại sao cứ nghĩ đến tôi là họ nghĩ đến một thằng đầy mưu mẹo, xảo trá. Tôi xin báo cho các anh biết rằng đó là loại gạch củ đậu rất già, đổ chân móng thì nhất hạng, bán cho họ có tám đồng một thước là tôi còn... hớ đấy!

Biền và Liễn đều cười rất to về sự "hớ hênh" của ông phó chủ nhiệm. Tuy Kiền cũng cười, hàm răng ám khói thuốc đã đen lại mới dễ thương làm sao, ông ta nhấp nháy đôi mắt nhìn chung quanh, đội mũ lên đầu rồi đi khuất về phía dãy nhà kho. Một lát sau Biền nhìn qua khung cửa sổ đã thấy bóng Tuy Kiền ngồi lom khom trên chiếc yên xe để rất cao, hai cẳng chân ngắn ngủi, đen trũi đưa lên đưa xuống mệt nhọc theo bàn đạp. Biền cứ nhìn theo mãi cái bóng dáng quen thuộc đó, anh mỉm cười quay lại bảo Liễn:

- Thế nào xã viên họ cũng cho ông phó chủ nhiệm một mẻ. Họ sẽ chửi cẩn thận đấy. Có món gạch vỡ cũng không để rẻ cho họ, lại còn vơ vét bán cho xã bạn... Làm anh cán bộ xã thế mà khó!

II

Đã một tháng qua kể từ cái buổi tối Biền nói chuyện với Tuy Kiền về số gỗ mua của công trường, và anh đã nghĩ một cách sôi nổi rằng cần phải làm rõ tất cả, phải sửa đổi lại cách thức làm việc của những người lãnh đạo, phải, phải... ôi, có bao nhiêu việc cần phải tiếp tục làm nữa. Nhưng những dự định của Biền mới chỉ thực hiện được rất ít, và tai hại hơn là chúng đã gần như mất dần cái ý nghĩa bức thiết rồi. Thoạt tiên Biền đã trình bày rất cặn kẽ những dư luận không tốt đang xì xào trong quần chúng về chuyện gỗ lạt của cán bộ với thường vụ Đảng ủy, và anh đã đề đạt những cách giải quyết dứt khoát nhất. Sĩ, bí thư đảng ủy, ngồi nghe một cách lặng lẽ, đôi mắt của anh nhìn mơ hồ vào một điểm không rõ rệt, và cuối cùng anh chúm chím cười: "Cậu lại hoảng hốt rồi, vốn nó là bé thì đừng nên phóng cho to ra, rồi tự mình lại nát mình". Còn Mão lúc đầu cũng hăng lên, anh bảo: "Đấy, tôi đã nói, không tin được cái thằng Tuy Kiền đâu, nó như con dao hai lưỡi, dùng phải cẩn thận, không thì đứt tay có ngày". Nhưng lúc sau anh lại thay đổi ý kiến: "ừ, bảo nhỏ nhau thôi, cũng là vô tình cả, tôi sợ nhất là để nội bộ mất đoàn kết".

Đến khi Biền bàn sang tiền cước cá giống và những ý kiến riêng của anh, thì Sĩ cười rất to: "Cậu suy nghĩ nông nổi quá. Cho mình hỏi: có phải lần chuyển cá nào cũng tiện đường tàu cả đâu, có khi chỉ đi tàu có hai chục cây, nhưng đoạn đường từ ga gánh bộ vào đến nơi giao cá lại những năm chục cây thì sao, chẳng qua cái "hơn" này đem bù vào chỗ "thiệt" nọ chứ béo bở gì cho lắm".

Biền đỏ mặt lên, nín lặng, thế là buổi hội ý kết thúc. Bây giờ thì đã sang đầu tháng năm rồi, tháng năm với bao nhiêu công việc: gặt chiêm và cày bừa theo luôn để cấy vụ lúa hạ thu, bẻ bắp và làm cỏ đỗ ngoài bãi... Thời kỳ có thể rảnh rang được chút ít, có thể nói chuyện được với nhau một cách dài dòng đã qua rồi, bây giờ mờ sáng Biền đã ra đi, nửa đêm mới về đến nhà, có khi họp xong anh ngủ luôn tại chỗ vì quá mệt mỏi.

Một buổi sáng, Biền đạp xe ra bãi để kiểm tra công việc bẻ ngô. Anh đạp thong thả theo con đường cái lớn xuyên giữa những vạt lúa đã hoe vàng hoa mơ bồng bềnh theo chiều gió, những lá lúa đã héo trắng, xơ xác, chạm vào nhau trong tiếng rì rào khô nhẹ, cái tiếng động êm ái ấy cứ lan mãi ra lẫn với mùi thơm mơ hồ của vô vàn hạt sữa đang chín dần dưới nắng.

Cùng đi trên con đường ấy mỗi buổi sáng với Biền là những chiếc xe bò của đội vận chuyển lăn bánh ầm ầm qua những mô đất, vòng bánh vẽ một đường ngoằn ngoèo từ bên này sang bên kia đường, cả người kéo lẫn người đẩy vừa chạy vừa kêu thét lên vui vẻ; là những bà gánh thõng thẽo một đôi quang sọt, dặn dò, mắng chửi con cái ầm ĩ khi chúng lếch thếch dắt bế nhau theo sau, tốp năm, tốp ba bàn bạc thì thào bao nhiêu thứ chuyện mặc dù họ chỉ cách mặt nhau trong có một đêm; là những ông trong đội nề, cưỡi trên những chiếc xe đạp bóng loáng, thước gấp đút túi quần vừa đạp, vừa trả lời hết sức ngọt ngào: "Vâng ạ, xin bủ cho đến tuần sau chúng tôi đến", "Chưa xong bà ạ, gỗ gạch càng để lâu càng tốt, không mòn đâu mà sợ". Đội quân lao động cứ kéo đi nườm nượp và đến chỗ ngã ba họ chia tay nhau: Biền ra trụ sở của hợp tác xã, đội vận chuyển đẩy xe thẳng đến lò gạch, các bà mang quang sọt men theo mương nước xuống lò ngói, còn mấy ông thợ nề thì vẫn đạp thong thả đến khu sân phơi đang lát dở.

Buổi sớm hôm nay Biền cảm thấy mình cởi mở hơn mọi ngày, nếu như mọi hôm anh chỉ đáp lại nhựng lời chào bằng một câu cụt ngủn: "Vâng, chào bủ, chào bà" thì sớm nay anh còm kèm theo một câu đùa: "Đẻ nhanh lên bà ạ, đang lên phương án chia hoa lợi đấy!" hoặc: "Bủ Hòe ơi, bây giờ được ăn no rồi, sống một mình mãi cũng buồn bủ ạ!". Khi xe Biền đạp lướt qua bọn nữ thanh niên kéo nhau sang bãi làm cỏ đỗ, những câu đùa, chèo kéo vẫn quấn quít lấy anh như mọi khi: "Hôm nay ông chủ nhiệm mặc áo sơ-mi trắng trông đẹp trai gớm!" "Cho em đi nhờ một quãng xe, anh!". Rồi những bước chân chạy theo sau, những bàn tay đặt lên lưng anh, lên vành xe, nhưng anh không gắt như mọi lần: "Lũ ranh, có để tao đi không!" mà còn dừng xe lại, mời mọc: "Cô nào ngồi lên, tôi đèo đến chỗ ngã ba". Thế là xảy ra sự tranh chấp và một cô to béo nhất bọn đã gạt được mọi đối thủ, gắn chặt vành mông lên chiếc khung sắt đèo hàng, hai tay ôm vòng lấy lưng Biền, phả một hơi thở nóng rực lên sống lưng của anh, nói nhỏ nhẻ: "Nào, anh đạp đi nào!".

Những ý nghĩ vui ở trong Biền vẫn liên tiếp được nhen lên. Một năm trước đây tìm đâu được một cảnh tượng rộn rịp của sự làm việc tập thể, đến một con đường vừa lọt bánh xe bò cũng không thể có. Thế mà hôm nay tất cả đã biến đổi, và Biền đã nghiễm nhiên trở thành một nhân vật quan trọng. Anh chỉ cần xuất hiện thấp thoáng ở bất cứ một cơ quan nào đó trên tỉnh là lập tức đã có tiếng mời chào: "Đồng chí Biền sang đây uống nước chè nhé!", "Tối nay ông Biền đã định ngủ ở đâu chưa?", "Vào đây, có vài việc muốn hỏi anh một chút". Biền chỉ còn biết gật đầu chào lại mọi người, hứa hẹn một cách đáng yêu và trong lòng thỉ rạo rực những cảm xúc kiêu hãnh. Bây giờ dù Biền có đến họp muộn một chút, và đồng chí bí thư tỉnh ủy có khiển trách anh một cách trìu mến: "Đồng Tiến đấy hả, sao chậm chân thế !" _ thì anh có thể đáp lại lém lỉnh: "Thưa đồng chí, nếu xã cách tỉnh hai chục cây thì tôi phải lên từ tối hôm qua, nếu cách tỉnh tám cây thì tôi đến đúng giờ, nhưng nó lại ở lưng chừng nên tôi phải đến muộn một chút ạ". Vì Biền là người đứng đầu một hợp tác xã nổi tiếng nên người ta đã giải thích những lời lẽ ba hoa của anh theo một cách khác: "Phải có những thằng cha hoạt bát, sôi nổi thì làm ăn mới khá được!". Với đà đi lên của phong trào, với năng lực làm việc đang thời kỳ phát triển của bản thân Biền thì có thể nghĩ một cách lạc quan rằng: "Mọi việc ở đây sẽ còn tốt đẹp hơn nữa, chúng tôi sẽ xứng đáng với lòng tin cậy và sự khen ngợi của tất cả mọi người".

Biền từ trên đê theo bậc chân trâu đi xuống bãi, một trận gió mát lạnh thổi ào tới hất chiếc mũ của anh đang đội ra phía sau. Mấy mẫu kê trồng ngay rìa đê đã uốn bông, hung hung đỏ, thấy bóng người, một bầy di đá ẩn dưới gốc kê nháo nhác bay rạt về một phía, tiếng cánh khoan không khí nhọn và mạnh. Qua khu vực trồng kê là bãi cát non mới bồi, cát trắng phau, rải rác những bẹ ngô đã héo quắt, mấy cụm nhể gai đâm ra mươi cái lá xanh mướt như lá đay, và những vũng nước đục lờ, dấu vết còn lại của lòng sông năm trước. Nhìn xa hơn, trên dải đất của bãi giữa đã thấy hàng trăm cái nón trắng lấp ló trong đám rừng ngô màu vàng nhạt. Biền cảm thấy cái hơi dịu mát, mềm mại từ những hạt cát còn ướt sương đêm thấm qua lượt da chân của mình, và anh vừa đi vừa vục sâu những ngón chân vào lòng cát một cách thích thú. Từ một tuần nay, các đội sản xuất của hợp tác xã đều chia người sang bãi bẻ ngô, làm cỏ đỗ, gieo lúa mộ. Những cây ngô đã héo khô, túm hoa trên ngọn xác xơ như trấu khẽ lay động theo hơi gió, đeo hờ hững những cái bắp đã gục xuống vì sức nặng, và chỗ bẹ bị cuốn lên phô ra những hạt ngô đỏ chói. Từ trong những thửa ngô còn xanh óng, mỡ màng, loáng thoáng những mảnh áo trắng, áo nâu của những người làm cỏ đỗ tương, những bó cỏ non bó lại gọn ghẽ từng lượm để ở dọc các bờ. Biền tiến lại phía các bà đang bóc bẹ ngô và ngắm nghía một cách say mê những đống ngô khổng lồ, màu sắc chói lọi như tự chúng đang phát ra ánh sáng. Anh hỏi:

- Liệu một sào có được bảy chục cân hạt không các bà?

Một bà bụng chửa ngồi trên một chồng thân ngô xếp cao, bóc nốt những lá bẹ non trong cùng, giơ lên một bắp ngô lực lưỡng, chắc nịch như bắp chuối, hạt to và xếp đều xít nhau như răng ngựa, trả lời:

- Chưa có năm nào ở cái bãi này có được cái bắp to như vậy. Phải đến tám mươi cân đấy anh chủ nhiệm ạ.



Biền ngồi xuống một bờ ruộng, anh lật mũ ra cầm ở tay cho gió sông lùa vào tận chân tóc:

- Vụ này chúng tôi dự tính những lao động chính có thể ăn được hăm tám, hăm chín cân thóc một tháng đấy. Không còn kêu đói vào đâu nữa nhé. Nhưng mà đã chắc gì được mùa mãi. Làm nông nghiệp thì được mất có khi chỉ trong vài ngày. Cho nên cái khoản ngô này không nên ăn rang, mà độn với cơm ngay từ đầu đi. Rồi đến lúc thiếu lại chửi chúng tôi không chịu lo lắng đến đời sống của các ông các bà.

Một bà ngồi ở xa, nói với lại bằng cái giọng đùa cợt:

- Chúng em thì có bao giờ chê sắn, chê ngô, chỉ lo không có cái mà độn thôi. Có bà chủ nhiệm nhà ông ấy, hôm nọ lại khoe là dù có thiếu thốn đến mấy cũng vẫn ngày hai bữa cơm vậy đàng hoàng. Chả là bà chị em neo người nên ngại giã mà...

Mấy bà khác quay mặt đi nhìn nhau cười. Biền cũng cười, nhưng mặt anh đã nóng bừng lên, anh chống chế lúng túng:

- Tôi xin nhận khuyết điểm, là vì cũng còn ít thóc lưu lại từ mấy vụ trước, mấy lại vài đứa trẻ chúng nó ăn cũng không bao nhiêu.

Một bà khác liền kể thêm một câu chuyện:

- Nhà ông Mão cũng chẳng mấy khi chịu ăn độn, có ăn độn ngô vài bữa thì ông ấy đi đâu cũng kêu bị đau bụng, đang ăn cơm trắng nay ăn trộn ngô lẽ gì mà không đau bụng. ấy là cũng đi ăn đi ở từ tấm bé đấy.

- Các bà đừng nghĩ oan cho ông ta, ông ấy vốn bị bệnh kiết, đau bụng là do đi kiết chứ không phải vì ăn cơm trộn đâu.

Rồi Biền đứng lên, anh nói đùa một câu, nhưng cũng vẫn gượng gạo:

- Đến là phục các mẹ đấy, sao mà biết lắm chuyện thế. Vậy khi ngồi họp cấm có chịu nói đâu.

Bà có giọng nói đùa cợt lúc nãy, cười rất giòn giã:

- Nếu ông chủ nhiệm năng hỏi han chúng tôi thì còn biết được nhiều chuyện lạ lắm nữa kia!

Biền đi về phía nhà bủ Tròn, người coi bãi, thầm nghĩ: "Đấy, còn có việc gì mà người ta không biết, người ta chỉ nói khi nào cần thiết thôi. Không có cái gì giấu nổi được họ đâu..".

Nhà bủ Tròn ở ngay giữa bãi, ngoảnh mặt về phía những vạt đất mêng mông trồng đỗ xanh. Nhà chỉ có hai gian và một chái làm bếp. Trước nhà là cái bể xây cũng bé tí tẹo, trên bắc một giàn trầu không, cạnh bể là một bụi sói nở mươi cái hoa hạt hãy còn xanh. ở đây không thể có bóng nắng vì quanh nhà là một vườn chuối hầu hết đã trổ buồng, và xa hơn là một rừng xoan, cây cao vót, ánh nắng lọt qua những chùm lá lưa thưa in những chấm sáng loang lổ trên thân cây và trên khoảng đất sạch bóng, mát rượi. Biền vừa bước vào sân thì một đàn gà có tới một trăm con từ những bụi củ riềng lộc cộc chạy ra, nối đuôi nhau đi diễu qua sân như một đạo quân mang giáp trụ rực rỡ. Biền ngắm chung quanh thầm ao ước: "Được sống ở chỗ này mới thảnh thơi làm sao chứ !". Rồi anh hỏi to:

- Bủ tròn có nhà không đấy?

Từ trong nhà một giọng còn trẻ đáp lại:

- Có, vào đây!

Bủ Tròn ngồi trên một tấm phản mộc, đầu đội chiếc mũ biên phòng đã bỏ hết lượt bông trong, nhăn nhúm, một chòm râu dài muối tiêu, hai gò má cao nâu bóng và đôi mắt đặc biệt lanh lợi. Biền nhìn vào cái chén con cáu vàng để ở bên cạnh và một tay ông lão cầm một mẫu ngô nướng, hỏi:

- Nhắm rượu với ngô hả bủ!

- Nhắm với ngô đã khá, xưa kia còn nhắm với cả bọ xít đen thì sao.

Cả Biền lẫn bủ Tròn đều cười. Xưa kia cái nghiện rượu của ông Tròn đã nổi tiếng khắp hàng tổng. Hai vợ chồng có mấy sào đất bãi, nhưng được ít hoa màu nào đưa về nhà thì các chủ nợ bảo nhau kéo đến vét bằng sạch vì ông chồng đã vay tiền của họ uống rượu từ mấy tháng trước rồi. Thỉnh thoảng người chồng lại vác dao đuổi vợ dọc bãi đòi chém, chỉ vì vợ không xoay được tiền mua rượu. Đi cày bãi ông cũng đeo cút rượu sau lưng, thỉnh thoảng lại hớp một ngụm rượu nhỏ, chỉ uống rượu trắng cũng có thể nhịn cơm làm suốt ngày. Mùa nước lên, trâu chết đuối đã trương phềnh trôi lập lờ theo dòng sông là ông Tròn đã bơi vội thuyền ra xẻo một miếng thịt, bất kể chỗ nào, về nướng nửa sống nửa chín nhắm rượu. Cùng lắm thì có thể nhắm cả bọ xít rang khô, miễn là có cái gì nhai kèm với hớp rượu. Hiện nay đời sống của bủ Tròn đã đề huề lắm rồi, bbà vợ thì ở với người con trai cả trong làng, trông cháu cho vợ chồng nó, đứa con út mới đi bộ đội và bủ trở thành người coi bãi của hợp tác xã, vẫn ở hai gian nhà của ngày xưa nhưng đã lợp lại, trồng một vườn chuối, nuôi một đàn gà, suốt ngày lang thang khắp mọi chỗ với tư thế của một ông chủ, hò hét, dặn bảo bất kỳ người nào mà ông lão thấy xâm phạm đến của cải của bãi.

Bủ Tròn uống một hớp rượu bảo Biền:

- Năm nay nước lên muộn, chuyển ngô không phải dùng thuyền cũng đỡ nhiêu khê... Ngồi chơi một lát rồi ta đảo quanh ra khu trồng đỗ nhé. Cây lên đến đẹp!

Uống hết chén rượu, bủ Tròn đứng lên lấy mu bàn tay quệt hai bên mép, cất chén lên mặt hòm, buộc con dao dài có vỏ gỗ ra sau hông, nói một cách tự hào:

- ấy, vắng mặt mình một lát là lắm sự lôi thôi. Có bà đàng hoàng chặt luôn cả một cây chuối non, có hỏi lại trả lời: xin bủ về làm ghém ăn cho mát ruột. Mát ruột bà, nhưng xót ruột cho hợp tác xã. Rồi khi thì cây mía, khi thì cái bắp ngô, nếu đêm mưa to gió lớn, mình ngại, ngồi ru rú ở trong nhà thì coi như sáng hôm sau huề cả làng.

Ông lão xăm xắn đi trước, hai bắp chân quắt đen khoẻ mạnh nhảy nhót từ rãnh luống này sang rãnh luống kia, một tay vung lên chỉ trỏ :

- Đấy! Đỗ con gieo chưa được một tuần mà đã lốm đốm xanh suốt lượt rồi, chỉ dăm hôm nữa là lá đã xòe ra che kín mặt đồng. Những cây đỗ năm ngoái trông mà chẳng đẹp à, đến là nhiều quả, vậy mà hạt có được bao nhiêu đâu.

- Các ruộng đỗ đã tra lúa mộ cả rồi chứ, bủ ?

Ông lão quay lại nhìn Biền một thoáng, ánh mắt mới tinh quái làm sao, rồi lại đi cun cút về phía rẻo đất giáp sông

- Năm nay thì chắc là các anh đã rút được kinh nghiệm rồi. Cứ gieo thẳng như thế dù mai nước ngập trắng phải cấy lại cả cũng không sao. Mất thêm ít công chứ mấy, còn như nước kéo lên rồi lại rút ngay, phủ được một lớp phù sa mỏng vào chân lúa thì cứ việc dọn nhà kho mà tải thóc về. Làm ăn ở bãi phải dự trữ cả hai đằng thì mới không bị mất trắng được.

Câu chuyện của hai người có liên quan đến một thất bại đau đớn của hợp tác xã vào vụ mùa xuân năm ngoái. Trước đây đất bãi thuộc hợp tác xã của xóm ngoài, nên khi sáp nhập thành hợp tác xã lớn, trong ban quản trị rất ít người có kinh nghiệm làm bãi. Một hôm, Biền ra thăm bãi, bủ Tròn có bảo anh:

- Liệu mà gieo lúa mộ đi các anh ạ, năm nay xem chừng nước muộn lắm, nếu đợi nước sa lên mới cấy lúa thì không khéo hỏng ăn cả.

Biền về bàn với đột trưởng đội sản xuất ở bãi (một anh chàng bộ đội mới phục viên, còn rất trẻ) nhưng anh ta gạt phắt:

- Không lo, nước có lên muộn thì cũng chỉ muộn dăm bữa nửa tháng thôi, tội gì mà gieo lúa mộ.

Biền nói lại ý kiến của bủ Tròn, anh chàng kia cười:

- Ôi chào, ông bủ ấy thì biết quái gì, nếu kinh nghiệm sản xuất giỏi thì xưa kia đã làm nên cơ nghiệp.

Họ quải đủ mạ cấy ba lần, tính ra tới hăm sáu tạ lúa giống, và ngồi chờ con nước lên. Tháng bảy đã qua nước vẫn chưa ngập lên bãi giữa, và cho đến hết cả tháng tám, rồi đến giữa tháng chín, nước có lên thật, nhưng chỉ quét qua, còn lúa sớm trong đồng thì đã bắt đầu trỗ rồi. Thế là bỏ. Mạ đem cho trâu bò ăn, còn những vạt đất mênh mông đã cày bừa chờ cấy lúa thì cỏ mọc lên ngút ngàn.

Hai người đi men theo bờ sông, dòng sông đầy cát sa ngầu đục màu son, giữa sông nổi lên một dải cát non nâu sẫm, lở ra ở rìa cạnh ánh lên mỡ màng tưởng có thể ăn được. Về phía bến đò Kênh, một con đò bằng nan, mũi đò vênh hẳn lên, nhẹ nhàng, đu đưa tưởng một con gió nhẹ cũng có thể lật úp được tất cả, vì đò và người đều mỏng mảnh như cắt bằng giấy. Bên kia sông là những rặng vải màu xanh thẫm đầy bí ẩn, những cây gạo vươn lên vừa oai vệ vừa thanh thoát, và những mái nhà đơn độc ló lên qua mặt đê màu vàng nhạt mới thơ mộng làm sao.

Biền nói với lên với bủ Tròn:

- Ngồi đây một lát đã, bủ. Khung cảnh còn đẹp hơn trong tranh. Đời bủ là sướng nhất đấy!

Ông lão dừng lại, ngồi lên đám cỏ lau, hai chân buông thõng xuống khoảng đất lở:

- Sướng thật chứ, chẳng thế ông Tuy Kiền dụ dỗ tôi ra làm ngoài lò gạch, một ngày công hai đồng, nhưng tôi có thèm ra đâu. Tính ra tôi sống ở bãi này năm nay vừa đúng ba mươi năm rồi, bây giờ có đi đâu cũng khó.

Biền mỉm cười:

- Kể ra thì chúng cháu cũng muốn bủ trông nom cái bãi này mãi mãi, vì còn có ai thay chân bủ nữa, nhưng cháu phê bình bủ không chịu đi họp, đã ở đây mà không năng đi họp thì chẳng biết gì về tình hình chung cả, như người sống biệt lập ấy còn gì, anh hùng nhất khoảnh mà lại.

Ông lão ngồi im lặng một lúc, khẽ nghiêng một bên mặt nhìn Biền, nét mặt trở nên hóm hỉnh:

- Có đúng thật là tôi không biết gì về tình hình chung của hợp tác xã không?

- Thì cũng có biết, nhưng không thể bằng những người năng đi họp được.

- Anh nói thế là chủ quan đấy, tôi còn biết được nhiều việc hơn cả anh kia.

Thấy Biền chỉ tủm tỉm cười, ông lão nói thêm:

- Các anh thì có bao giờ tin những ông lão lẩm cẩm. Nhưng năm ngoái anh tin ở tôi thì có lẽ hợp tác xã cũng được lợi nhiều.

Mặt Biền nóng bừng, anh chống chế:

- Sao lại không tin, bao giờ chúng tôi cũng phải lắng nghe ý kiến của mọi người.

- Thế thì mọi người đang bàn ầm lên những chuyện gì anh biết chưa?

- à, chắc lại vấn đề mấy xe gỗ của công trường chứ gì!

- Chuyện ấy đã qua rồi, những chuyện mới kia.

- Bủ cứ nói, cháu xin nghe.

Ông lão ngồi xích lại, co chân lên, bẻ rộng hai đầu gối ra, hai cánh tay ôm vòng lấy, đằng sau lượt da đã nhăn nhúm, khô héo vẫn còn bắp thịt, những bắp thịt hình dài, không mỡ màng nhưng rắn lại, dai chắc như một cây mây già.

- Thỉnh thoảng ông Mão cũng ra đây nói chuyện với tôi, ông Sĩ cũng thế, nhưng tôi cứ giả câm giả điếc, bảo sao nghe vậy, hỏi gì nói nấy là vì tôi chưa hiểu rõ bụng các ông ấy như thế nào, nói ra có khi mang thù mang oán. Còn với anh thì tôi coi như thằng cả nhà tôi, tôi biết anh là người tốt, nhưng anh cả tin quá.

Vẻ mặt ông lão trở nên nghiêm trang, và Biền cảm thấy đây là câu chuyện hết sức hệ trọng.

- Cứ như ý tôi thì các anh không thể dùng Tuy Kiền được đâu. Ông ấy cũng là người của Đảng đấy, cũng đóng góp nhiều cho hợp tác xã đấy, nhưng công không bù được tội. Làm ăn trí trá, gian giảo quen thói đi rồi. Tôi hỏi: anh có biết ông Sang trong ủy ban mua gỗ ở đâu làm khuôn cửa không? Anh thì không thể biết được đâu. Cũng của Tuy Kiền nó dúi cho cả. Chẳng là hôm đi mua lại mấy gian lán của công trường về lợp trạm xá lão ta thấy có mấy bắp gỗ ở cạnh nhà kho, mắt trước mắt sau đút luôn vào xe bò, phủ lá cọ lên, nhưng có giấu được nổi ai. Rồi lại cái khoản bốn chục chiếc hòm gỗ thông nữa?

- Hòm gỗ thông thì tất cả mọi nhà đều mua, không riêng gì ông Tuy Kiền đâu.

- Nói vô phép, anh cũng không được tinh tường cho lắm. Nói là mọi nhà cùng mua, nhưng toàn là xóm Đông Chấn cả, toàn là chi cách nhà Tuy Kiền cả. Ai mua: anh nó mua, em nó mua, cháu nó mua, mỗi người mua một cái, còn một mình lão ta mua một chục cái. ý đồ to lắm: mua hòm về, tháo ván ra, quét một lượt sơn lên lát trần nhà thì có đến mấy đời cũng không bị mối mọt. Họ tính toán kể cũng đã gớm. Lại còn cái khoản sắt nữa, anh đã biết chưa nhỉ?

Những câu trả lời của Biền mỗi lúc mỗi nhỏ dần:

- Chưa.

- Lại chưa, ông phó chủ nhiệm mua trộm sắt của công trường, ông chủ nhiệm lại không biết. Nhà nước mà biết chuyện thì cả đứa mua lẫn đứa bán đều vào tù. Rồi những chuyện cá mú nữa, chuyến nào có thể kiếm được thì bố xí phần cho con, anh tranh phần cho em, họ hàng dắt díu nhau, còn đâu đến lượt anh đứng ngoài. Có người đã bảo với tôi: "Phải như ngày xưa thì cái chuyện cá mú ấy có thể chém nhau được rồi...". Cả cái chuyện anh cho bủ Sen vay một tạ thóc người ta cũng phàn nàn nhiều. Nhà ông ấy có thiếu gì cho cam... Họ bảo rằng vì ông ta ở trong ban quản trị, lại là trưởng ban cá nên anh nể, ấy, có người còn nói anh muốn mua chuộc.

Biền cãi lại:

- Có nể nang gì đâu, vì ông ta mới cưới vợ cho con, cô kia là người xã khác, lại có một con riêng, không cho vay một tạ thóc thì họ ăn bằng gì.

- ấy, cứ kể hoàn cảnh thì hàng trăm người hỏi vay có hàng trăm hoàn cảnh, hoàn cảnh nào cũng khó khăn cả, còn đã không cho hàng trăm người vay thì cũng không thể cho một người vay. Phải nói là anh cũng có nể, không nể làm sao được... Có phải không?

Biền chỉ cười:

- Làm anh cán bộ xã thế mà khó đấy bủ ạ.

- ờ, nếu không khó thì tôi làm chủ nhiệm cũng được chẳng phải cậy đến các anh.

Biền nín lặng rồi anh đứng dậy, nhưng ông lão giơ một bàn tay vẫy anh ngồi xuống, hỏi một cách bí mật:

- Tôi hỏi anh một câu này anh đừng giận tôi nhé. Những việc ông Tuy Kiền làm chẳng lẽ các anh lại không biết thực à?

Biền trả lời ầm ừ:

- Cũng có biết ít nhiều chứ!

- ừ, thế là cũng có biết, nhưng tại sao các anh không phê bình, rồi cái việc các ông lãnh đạo mua gỗ sao các anh cũng không phê bình.

- Có phê bình đấy chứ !

- Mấy người phê bình với nhau thì xã viên chúng tôi biết thế nào được. Sao đã phê bình rồi mà ông Tuy Kiền vẫn làm ăn như thế. Nghe đâu ông Sĩ còn định mua mấy thanh sắt của Tuy Kiền về làm song cửa thì phải. Thế thì bảo nhau thế nào được. Hôm qua có mấy bà ở xóm Bình Chính ra đây làm cỏ đỗ nói với nhau như thế này: "Mấy ông ấy chắc cũng là cùng cánh cả, xấu chàng hổ ai nên ăn nói mới ấp úng đến vậy".

Trước khi Biền về, ông bủ Tròn còn bảo anh nửa đùa nửa thật:

- Này, những chuyện tôi nói với anh, câu nào đúng thì anh nghe, câu nào sai thì anh để ngoài tai cho nhé, đừng để bụng với ông lão lẩm cẩm mà tội nghiệp.

*
* *

Một buổi trưa Biền vừa đạp xe đến văn phòng ban quản trị thì Liễn đã ở trong nhà chạy ra, da mặt tái lại vì bị kích động:

- Sao anh đến muộn thế, vào đây...

Biền dựa xe vào trong hè, bước vội vào, trong người đã rờn rợn, anh hỏi theo:

- Lại chuyện gì rồi? Đến khổ!

Trong văn phòng chưa có ai, nhưng Liễn vẫn kéo Biền lại gần bàn làm việc của mình, thầm thì một cách bí mật, còn đôi mắt thì đảo quanh lấm lét:

- Công an tỉnh về tóm thằng Hựu ở trạm bơm rồi!

- Sao, vấn đề trị an à?

- Chắc không phải, có thể hệ trọng hơn, anh ngồi xuống đây.

Biền kéo ghế ngồi xuống như một cái máy, bàn tay của anh vẫn đặt trên chiếc cặp bìa cứng, nhưng những ngón tay đã run lên khe khẽ.

- Tôi lo là vấn đề dầu mỡ của nhà máy

- Có phải số dầu Tuy Kiền vay của nhà máy cho trạm bơm dạo đầu năm phải không?

- Đúng thế. Hôm đã lâu lão Hiểu thọt hỏi tôi: "Cái số dầu Tuy Kiền lấy của nhà máy đã thanh toán với hợp tác xã như thế nào nhỉ?". Tôi làm như không biết: "Làm gì có dầu nào mà thanh toán". Lão ấy nói luôn: "Vậy nó ăn cắp dầu để làm gì thế ?". Tôi vẫn cãi: "Làm đếch gì có dầu nào, số dầu ở trạm bơm là mua của Ty Thủy lợi đấy chứ!". Lão ta cười cười: "Thế thì phen này thằng cha ấy đi tù rồi. Chính bốn thằng lăn dầu từ nhà kho về trạm bơm ba lượt cả thảy kia mà".

Biền mím môi lại, ngẫm nghĩ một lát rồi bảo Liễn :

- Chúng mình làm ăn không đứng đắn tất phải hứng lấy cái kết quả tai hại này thôi. Trốn tránh vô ích, vì có cái gì lại có thể giấu giếm mãi được.

Liễn liếc nhìn Biền, nói ngập ngừng :

- Kể ra cũng chưa đáng lo lắm, vì trong sổ sách mình có khoản chi nào cho số dầu mua của nhà máy đâu... Chỉ còn e thằng Hựu nói tuột ra với công an thì hỏng cả.

Biền thở dài :

- Bây giờ chỉ còn có một cách có thể cứu vãn được tình thế là trình bày rõ ràng lại tất cả, trước sau rồi cũng phải một lần. Càng để lùng nhùng càng nguy hiểm.

Thật ra số dầu vay của nhà máy rất kín đáo và vô cùng êm thấm, đến nỗi người ta đã có thể quên đi được rồi. Ai ngờ nửa năm sau nó lại xuất hiện một cách đột ngột và hết sức gay gắt. Từ tháng chạp năm 1962, đến cuối tháng hai năm 1963 không có một trận mưa nào ra hồn, những tháng khô hạn nối tiếp nhau, và các cánh đồng đều nứt nẻ. Hai máy bơm của hợp tác xã phải làm việc suốt đêm ngày, do đó số dầu dự trữ cho cả vụ đã dùng hết trong vòng hơn một tuần. Hơn nữa trên Ty Thủy lợi cũng không còn dầu. Trong lúc khó khăn ấy thì trạm bơm của nhà máy đã đến cứu họ. Cũng là chỗ quen biết nhau trước, lại do Tuy Kiền làm người trung gian nên họ bằng lòng cho Hợp tác xã vay sáu trăm lít. Cùng dịp đó công trường phải bàn giao toàn bộ công trình đã xây dựng cho nhà máy, trong đó có trạm bơm, nên số dầu cho hợp tác xã vay được ban phụ trách trạm bơm đưa ra ngoài số dầu phải trả, coi như một món quà hữu nghị tặng hợp tác xã. Tất cả sự sắp đặt này đều do Tuy Kiền điều khiển, và được sự đồng ý của cả ban quản trị. Đó là một tặng vật rất lớn nên ngay người cương trực nhất cũng không thể phản đối, vì trong việc này không ai là người ăn cắp cả. Tất nhiên anh em có đề nghị số dầu tặng phẩm ấy không nên cho nhiều người biết vì phòng tài vụ của nhà máy có thể làm lôi thôi. Lúc ấy mọi người đếu nghĩ một cách ngây thơ rằng: việc gì đã định không cho ai biết thì mọi người sẽ không bao giờ có thể biết.

Thế là cái việc không ai ngờ rằng đến thì đã đến, và đóng vai trò đặc biệt quan trọng: nó chấm dứt tình trạng mập mờ, không dứt khoát hiện tại, buộc mọi người phải trả lời những câu hỏi đặc biệt gay gắt và khó chịu: hoặc là thế này, hoặc là thế kia. Đã đến lúc ấy thì những người lãnh đạo cũng không thể tùy ý lựa chọn, tùy ý trì hoãn, vì tình hình đã ràng buộc họ, thúc đẩy họ, buộc họ phải có những kết luận hết sức thẳng thắn trong mọi việc làm, phân rõ phải trái một cách nghiêm chỉnh.

Tối hôm ấy, Biền, Sĩ, Mão trong ban thường vụ đảng uỷ hẹn nhau họp ở nhà Mão, ngoài xóm Tuy Thượng. Mão thắp sáng cây đèn ở giữa nhà. Biền cởi áo ngoài, mặc chiếc áo trong đã thủng lỗ chỗ phô ra những bắp thịt tròn, mây mẩy dưói lớp da rám hồng. Mão đứng ngắm Biền với cái vẻ thèm muốn:

- Sáng hôm qua mình vác cuốc ra thăm đồng, chợt nhìn lên dãy núi Tam Đảo thấy rõ từng sườn núi một, bỗng rùng mình. Sao mà ngại thế. Vậy mới biết là đã già, Tết này vừa tròn năm mươi rồi đấy. Thời còn trẻ, nhìn thấy núi là háo hức: "Sẽ có ngày leo lên bằng hết từng ấy ngọn cho sướng". Kể ra mười năm đi bộ đội cũng đã leo đến hàng trăm ngọn núi rồi, có lẽ không có cái đèo nào ở Tây Bắc mà mình lại chưa đặt chân tới.

Sĩ cũng đã đến, nét mặt hơi băn khoăn, anh nhìn ngọn đèn quá sáng, bảo:

- Thắp cái đèn to ấy làm gì.

Một lát sau, Sĩ lại nhắc:

- Thắp cái đèn nhỏ thôi, đỡ tốn dầu.

Mão nói bô bô:

- Sống dầu đèn, chết kèn trống, làm gì thì cũng cho nó sáng sủa, chứ thậm thụt thì không thể chịu được.

Vừa lúc ấy thì Hựu bước vào, chiếc áo sơ mi của anh ta đang mặc đã đẫm ướt mồ hôi:

- Nguy to rồi các anh ạ!

Cái giọng nói ấy lúc này mới to, mới vang làm sao.

Sĩ khoát tay ra hiệu:

- Nói sẽ chứ, thế nào?

Hựu kéo ghế ngồi, Biền đứng bên cạnh anh ta, còn Sĩ và Mão thì chụm đầu lại đối mặt với Hựu. Tất cả những nét mặt ấy đều biểu lộ một cái vẻ vừa hoảng hốt, vừa sợ hãi nhưng lại núp sau cái bề ngoài bình thản.

- Họ biết tất cả rồi anh ạ. Không thể giấu được một cái gì.

Sĩ hơi gắt:

- Thì có gì mà phải giấu!

Hựu bụm môi lại, mắt trợn tròn:

- Có giấu cũng chẳng được, cái số dầu vay ai ngờ to chuyện quá. Các anh ấy hỏi: "Hợp tác xã có vay dầu của trạm bơm không?". Em trả lời: "Tôi không biết". Họ vặn lại em: "Anh là người chuyển dầu mà không biết à?" "Tôi không chuyển dầu của nhà máy bao giờ" - "Thế cái đêm hôm mồng... anh... anh... và anh lăn một phuy dầu hai đai từ nhà kho về lối cầu sắt thì là dầu nào thế?". Đấy, họ nói rõ ràng đến thế thì còn cãi làm sao được. Họ vẫn hỏi tiếp: "Vậy hai phuy dầu đó bây giờ ở đâu?" - "Tôi không biết". "Sao cái gì anh cũng không biết thế, vậy máy bơm của các anh chạy bằng nước lã hử?" - "Chúng tôi chạy bằng dầu ma-dút của Ty Thuỷ lợi" - "Dầu của Ty hết từ tháng chạp năm ngoái còn đâu". Chịu, chịu, chẳng có gì qua mắt được họ nữa. Cuối cùng, một anh người rất nhỏ nhắn, trắng trẻo, bảo em, giọng ngọt ngào: "Anh có biết hiện nay xã viên người ta đang nghi ngờ là trong ban quản trị có tham ô tập thể không? Có đứa đã lợi dụng tình thế ấy để xúi giục họ làm đơn xin chia hợp tác xã ra đấy, vì dại gì làm còng lưng cho "chúng nó" xây nhà gạch...".

Mão ngắt lời, giọng anh đã nghẹn ngào vì tức giận:

- Được, xin cấp trên cứ phái người về kiểm tra, tôi sẽ trình bày với các đồng chí ấy tất cả. Xưa kia ở đây khổ sở ra sao, nay đã mở mày mở mặt như thế nào. Xưa kia cả xã này chỉ có hai xe bò, nhà thằng lý Hy là một, nhà thằng chánh hội Quyền là hai, nay chúng tôi có hàng trăm cái, lập hẳn ra một đội vận chuyển. Vậy là có khác trước không. Sẽ mời các đồng chí ấy đi tham quan lò gạch, lò ngói, trạm bơm, khu vực nuôi cá giống, nếu chúng tôi là những thằng tham ô chúng tôi lại xây được một cơ sở sản xuất lớn như thế ư? Cậu Ngọ ấy, về đây làm công tác cải tiến quản lý hợp tác xã mấy tháng trời, trước khi rút hắn bảo tôi: "Trước đây các cậu có nhiều lúng túng trong việc tổ chức lao động và xác định phương hướng sản xuất, còn các mặt khác thì phải nói là rất cừ".

Biền chống tay vào má, lặng lẽ một lúc, rồi hỏi lại Hựu:

- Có thế thôi à. Còn gì nữa không?

- Không, chỉ hỏi có thế.

Sĩ giục:

- Cậu về ngay đi nhé... Này, đừng ra lối cổng chính, đi rẽ qua nhà bủ Hoạt mà về.

Hựu ra đến thềm, Sĩ còn bước theo dặn:

- Tuyệt đối không nói lại với ai, hiểu chưa, mà cũng không được nói là đã gặp chúng tớ, nghe không?

Khi Sĩ quay lại, anh bảo nhỏ Mão:

- Dặn cái Lý đứng ở ngoài cổng chơi, xem có ai đến thì báo.

Mão nói cau có:

- Như là buổi họp của một tổ chức phi pháp ấy nhỉ!

Biền đáp lại:

- Vì việc làm của ta phi pháp mất rồi.

Sĩ cố giữ điềm tĩnh cần thiết:

- Đã đến lúc này thì việc quan trọng nhất là phải tìm mọi cách mà bảo vệ lấy tiếng tăm của xã, không nên câu nệ... - Sĩ định nói rõ thêm cái ý của mình nhưng lại thôi- Tôi có ý kiến như thế này, chúng ta trước sau (Sĩ nhấn mạnh hai chữ: trước sau) vẫn chủ trương vay dầu của trạm bơm tính vào số tiền dự chi cho thuỷ lợi trong vụ Đông Xuân. Có chứng cứ hẳn hoi: đồng chí Mão viết thư hỏi vay một lần, còn lần sau do đồng chí Biền viết. Còn như sau này họ cho không mình để tiện việc bàn giao thì đó là lỗi của mấy anh phụ trách trạm bơm, ta không xúi bẩy họ, mà cũng chẳng xin xỏ gì họ... Số tiền dự chi cho thủy lợi là bao nhiêu nhỉ?

Biền đáp cộc lốc:

- Ba nghìn năm trăm đồng, nhưng nợ của Ty mất ba nghìn tám trăm đồng rồi

- Sao nợ nhiều thế?

- Máy chạy tính bốn đồng tám một giờ mà lại.

- Còn đâu mà trả tiền dầu cho nhà máy?

- Họ đã bảo cho thì còn dự chi làm gì.

Sĩ cau mặt lại

- Nhưng bây giờ thì lại phải tính là trong số ba nghìn rưởi tiền thủy lợi, có năm trăm đồng mua dầu của nhà máy để tỏ ra mình không định lấy không của họ.

Biền hỏi vặn:

- Vậy tại sao đến bây giờ vẫn chưa trả.

Sĩ trả lời một cách đắc thắng:

- Thì mình đã thanh toán tiền thuê máy bơm với Ty đâu, nhưng hôm nay khi báo cáo phương án chia hoa lợi vụ đông xuân trước Đảng bộ, trong số chi phí về thủy lợi phải nói dứt khoát là có dành một số tiền mua dầu của nhà máy. Nói công khai đi, cho tất cả mọi người đều biết rằng chúng ta mua bán rất rành mạch.

- Vậy cũng là một thủ đoạn đối phó chứ gì?

Sĩ nhìn Biền vừa khó chịu, vừa ngượng ngập:

- ờ, sao lại gọi là thủ đoạn, sự thực là thế.

Mão đã tươi tỉnh hơn, anh nói dối với mình hết sức thành thật:

- Đúng là thế. Chưa bao giờ mình có ý định ăn không cái số dầu ấy cả... kể ra mấy cậu ở trạm bơm làm ăn cũng vô nguyên tắc thật.

Rồi Mão đứng lên, với lấy cái điếu, nói hể hả:

- Nói thực với các đồng chí, về khoản tiền nong tôi có thể tự hào là rất trong sạch. Một nửa năm trời ở mặt trận Điện Biên tôi vừa làm thủ quỹ, vừa làm thủ kho cho trạm vận tải, trong tay giữ hàng trăm triệu bạc, tiền năm nghìn nhét đầy mười ba cái dó buộc chéo chữ thập sáng khuân ra hầm, tối lại khuân vào; cầm chìa khóa cả một kho hàng, từ gà, vịt, sữa, đường đến hộp dầu con hổ, cái kim, một tay xuất nhập hết, nhưng không hề tơ vương một đồng nào, trong khi đó cũng ối người bị hạ tầng, bị cảnh cáo cũng vì chuyện tiền nong.

Sĩ thở dài, than vãn:

- Gây dựng được một phong trào có phải là dễ đâu, rất khó. Bây giờ, đi đâu được giới thiệu là người lãnh đạo của xã Đồng Tiến cũng vinh dự, người ta hoan hô mình cũng mát dạ hả lòng. Có lên huyện, lên tỉnh yêu cầu cái gì mình cũng có cái thế, mà các ông ấy cũng không nỡ gạt đi. Trải qua mấy tháng cải tiến quản lý hợp tác xã cũng không có vấn đề nghiêm trọng gì. Ôi chao, bỗng dưng sinh ra cái chuyện chết tiệt này, làm không khéo để vỡ lở nay mai đến tai Trung ương thì mất hết. Nghĩ mà dại!

Biền chống tay đỡ lấy hai bên má, không nói năng gì, anh muốn hỏi Sĩ thật thẳng thắn: "Liệu có bảo vệ nổi phong trào với lối giải quyết đầy mưu mẹo đó không?". Rồi Biền tự thúc giục mình: "Hãy nói đi chứ, can đảm lên chứ, dù có bị hiểu nhầm cũng còn tốt hơn là sẽ phải đứng trước một tình hình còn bế tắc hơn thế này".

- Tôi mong các anh sẽ hiểu tôi - Biền nhìn Sĩ và Mão bằng đôi mắt thảm thiết - Chúng ta đừng chỉ nghĩ tới chuyện đối phó với bên ngoài nữa, mà đã đến lúc phải giải quyết một cách triệt để và thẳng thắn những vấn đề trong nội bộ của mình đi - Biền đưa mắt nhìn vẻ mặt đã trở nên lạnh ngắt của Sĩ - Đâu phải chỉ còn là chuyện mấy xe gỗ, mà đã có bao nhiêu chuyện khác đã xảy ra rồi.

Biền kể lại những sự việc mà bủ Tròn đã nói lại với anh trong một buổi sáng anh ra thăm bãi:

- Đến một ông lão quanh năm chỉ ở bãi, ít khi bước chân vào đến làng mà còn biết được rành rọt như vậy thì quả tình chúng ta cả tin ở nhau quá, tin một cách mê muội. Hôm nay tôi còn được biết thêm anh Khuyến mới mua mấy súc gỗ của dân ven sông vớt trộm được của Công ty Lâm sản từ vụ vỡ bè năm ngoái, một súc gỗ có hơn bốn chục bạc, đáng ra phải hơn bốn trăm đồng. Đấy, những việc mới cứ đẻ thêm mãi ra, vì đã có cách gì ngăn chặn. Cho đến hôm nay tôi vẫn cam đoan với các anh rằng trong nội bộ ban quản trị không thể có tham ô tập thể, nhưng còn những việc làm mờ ám bằng cách này hoặc bằng cách khác của từng cá nhân thì đã ai dám nói hẳn là không có. Nếu chúng ta không đấu tranh thì chúng ta sẽ trở thành những kẻ đồng lõa. Cho nên tôi không thể đồng ý với cách giải quyết của anh Sĩ được, vì tôi tin rằng mọi việc mờ ám trước sau đều bị phơi trần trước sự thẩm xét của xã viên, không có cách gì giấu nổi họ, ngay cả đến bữa cơm ăn trong gia đình mình, những chuyện mình chỉ bàn bạc với vợ, với con. Theo tôi, người lãnh đạo thẳng thắn, thực thà là người lãnh đaọ khôn ngoan nhất, có bản lĩnh nhất, luôn luôn chủ động và không bị kẻ xấu lợi dụng. Đấy, chúng ta hãy chọn đi: hoặc là ta bịt êm số dầu này, mấy anh ở trạm bơm dù có nguyền rủa chúng ta là bạc bẽo, nhưng rút lại bọn họ sẽ chịu tội hết, còn chúng ta là người đứng ngoài, bình yên vô sự. Nhưng có chắc rằng sau vụ này sẽ không còn xảy ra vụ nào khác nữa? Đến lúc ấy chúng ta sẽ trả lời với xã viên, với các cơ quan nhà nước như thế nào? Hoặc là phải mở cuộc đấu tranh thật thẳng thắn trong nội bộ, các đảng ủy viiên sẽ tự phê bình, các ủy viên trong ban quản trị sẽ tự phê bình, trước hết thường vụ đảng ủy sẽ kiểm điểm toàn bộ việc làm của mình trong sáu tháng qua. Chỉ có cách giải quyết đó là hay nhất, vì nó sẽ làm chúng ta hiểu nhau hơn, và toàn thể đảng bộ hiểu ta hơn, chúng ta đúng chỗ nào, sai chỗ nào. Những thằng phá hoại, những đứa tung tin đồn nhảm sẽ lập tức bị vạch mặt, vì những cái gì trước đây thuộc về tranh tối tranh sáng, mập mờ, úp mở, lẫn lộn đều đã được phơi bầy đến chân tơ kẽ tóc, rành mạch, quang minh... Tôi đã nói hết, tùy các anh quyết định, nhưng tôi kiên quyết giữ ý kiến của tôi đến cùng.

Có thể vì lần này Biền trình bày những ý kiến của mình với ý thức tự phê bình, vì trách nhiệm của anh đâu phải là nhỏ, nên lời lẽ của anh tha thiết, cảm động, khiêm tốn, hoặc vì những ý kiến của Biền đã được chứng thực bởi cái tình thế mà mỗi người đều biết là hết sức gay gắt và nguy hiểm, tuy họ vẫn giữ cái vẻ bên ngoài điềm đạm nên chỉ trong chốc lát Sĩ và Mão đều đồng tình với cách giải quyết đó. Vì cũng chỉ còn có con đường đó...

III

Tuy Kiền vẫn tiếp tục sống cuộc đời vui vẻ và vô tư lự của mình. Ông ta vẫn đạp xe đi suốt ngày theo những con đường quen thuộc: trạm bơm, lò gạch, lò ngói, và các khu vực nuôi cá giống, có điều ông không còn mất quá nhiều thì giờ để lượn quanh công trường nữa, vì anh em ở công trường đã đi đến một nơi khác xa hơn (ông thầm nghĩ: xã nào vớ được cái bọn này thật bở). Còn với nhà máy thì rõ ràng chẳng có cách gì đẽo gọt được họ , vì mọi công việc của họ đều được tổ chức quá chu đáo, quá trật tự và hết sức nghiêm chỉnh. Họ chỉ bàn bạc với hợp tác xã những vấn đề thuộc về công tác chính trị, công tác tư tưởng của đôi bên, tức là những "món hàng không bán ra tiền được" như Tuy Kiền thường nói. Nhưng trước khi công trường rút hẳn, Tuy Kiền còn mua được vài chục chiếc hòm gỗ thông và một ít sắt. Ông ta có nói chuyện với Biền một lần nào đó về những cái hòm gỗ "bán có hai đồng một chiếc", nhưng vì ông luôn luôn bận nhiều công việc, nên không thể có nhiều thì giờ miêu tả thêm đó là những hòm gỗ thông, ván dày có thể xẻ đôi được, dùng đóng hòm đựng thóc hoặc đóng tủ đều rất đẹp. Cho nên khi Biền đạp xe qua nhà Tuy Kiền, thấy thằng Kiền đang lúi húi nậy những cái đanh còn sáng bóng ở những mảnh gỗ vuông vức, dày dặn, và cạnh đó là những hòm gỗ lớn chằng đai sắt thì anh rất ngạc nhiên: "Hòm mua ở đâu thế?" - "Hòm gỗ của công trường bán hai đồng một chiếc ấy mà" - "ờ, mình lại ngỡ loại hòm đựng xà phòng nên mới bán cái giá ấy, những mấy nhà mua?" - "Cả xóm này mua". Trái ngược với tính người bố hay phung phí lời nói, đứa con lại hết sức tằn tiện, hắn chỉ nói để người khác đủ hiểu, và thường phê bình bố: "Rồi cái mồm của ông cũng có ngày rước vạ cho cả nhà". Còn các thanh sắt đã được mua như thế nào thì rất ít người biết, kể cả những ủy viên trong ban quản trị. Nhưng vì Tuy Kiền đối xử với bạn bè quá rộng rãi, nên ông ta đã nhượng vài thanh cho người thợ cả làm lò ngói, và ông này đã đưa sắt về quê theo đường xe lửa. Người kiểm soát ngoài ga đã giữ ông lại cùng với những thanh sắt khả nghi, cho đến lúc Tuy Kiền phải mang hóa đơn của mình, cùng với giấy chứng nhận của ủy ban đến phân giải mọi chuyện mới trót lọt. Thế là thanh sắt không còn là vật kín đáo nữa, và những việc nửa kín nửa hở lại càng khêu gợi lòng tò mò và trí tưởng tượng của mọi người.

ít lâu nay tại những cuộc họp của đội sản xuất và của chi bộ xóm Đông Chấn, người ta luôn luôn đả động đến Tuy Kiền. Khi thì ông ta đối xử với xã viên quá hống hách, khi thì con trâu nhà ông ta thiếu người chăn dắt nên hay phá các bờ khoai, hoặc cả xã này không nhà nào được thắp điện, tại sao nhà ông phó chủ nhiệm lại được bắc một ngọn, nói tóm lại mỗi buổi họp phải có dăm ba ý kiến về Tuy Kiền, có việc nói đúng, có việc nói sai, chẳng qua cũng là một cách họ bộc bạch sự bực tức của mình, vì đằng sau những bực tức vụn vặt ấy lại là những thắc mắc lớn, nhưng họ chưa tiện nói, họ còn chờ cơ hội.

Một buổi chiều Tuy Kiền đùng đùng đạp xe về nhà (thường thì ông ta chỉ về nhà lúc trời tối mịt, và ăn cơm sau), bảo vợ:

- Thôi, tôi lại dứt khoát rồi đấy!

Vợ hỏi:

- Dứt khoát gì?

- Dứt khoát xin thôi chức phó chủ nhiệm, xin thôi tất, làm anh xã viên thường.

Người vợ cười:

- Ông nói khẽ chứ, rồi sáng mai ông có cắp mũ ra trụ sở cũng đỡ xấu hổ với làng xóm.

- ừ, cái tính mình vốn thều thào, nhưng chết vì cái thều thào ấy mà.

Ông vừa nói, vừa đi đi lại lại, tiếp tục cởi áo ngoài, cởi quần dài, rồi cởi cả cái áo lót đen nhẻm vắt lên ghế, vứt lên giường, chỉ còn trơ lại mỗi cái quần cộc:

- Ông Mão ấy, ông ấy có thành kiến với tôi mà lại. Ai đâu dám mở miệng nói: sở dĩ vừa qua thường vụ phạm nhiều sai lầm là vì cả tin ở ông Tuy Kiền quá. Vậy là họ đổ lỗi vào đầu mình, bắt mình phải chịu cả, còn họ đứng ngoài.

Ngồi ngẫm nghĩ một lát rồi Tuy Kiền cười nhạt:

- Nhưng tôi có mồm của tôi chứ. Chẳng phải một mình tôi lợi dụng, nếu xếp ra thì cũng được một xó đình... Đấy, họ chỉ cho tôi một vụ có bảy chục công, nhưng hỏi thử tôi làm cho mỗi người biết bao nhiêu của cải, chỉ riêng những của tôi xin xỏ, bòn mót của công trường cũng phải được ba, bốn trăm công rồi. Mình làm tay sai cho họ vẫn không xong, vẫn mang tiếng là thằng ăn cắp.

Đến tối Kiền đi làm về, hắn ngồi im lặng nghe bố than thở, rồi hắn mới nói thủng thẳng, như người vừa nói vừa mỉm cười:

- Ông già rồi mà còn dại. Con đã bảo ông bao nhiêu lần là ông yếu rồi, ông cứ ở nhà ẵm cháu, chúng con sẽ nuôi ông. Ông không nghe, việc gì cũng nhúng vào, bây giờ việc gì người ta cũng gọi đến tên ông, đổ lỗi cho ông, tội ông nhiều đến thế chỉ có nước đi tù chứ cứu vãn làm sao được.

Ông bố càng lồng lộn vì những lời đay nghiến cay độc của đứa con:

- ừ, tao đi tù, tao đi tù thì bí thư, chủ nhiệm cũng bị án treo.

Gần nửa đêm, Biền đi họp ở trên xóm Tuy Thượng về qua nhà Tuy Kiền thấy vẫn còn sáng đèn, anh liền rẽ vào mời ông ta đến dự buổi kiểm điểm công tác của thường vụ trong ngày mai, vì sự có mặt của ông ta rất cần thiết. Bà vợ và anh con trai hãy còn thức, đang nói chuyện xì xào với nhau, thấy Biền bước vào, Kiền đứng lên lảng ra ngoài, còn bà vợ chào sượng sùng:

- Có việc gì thế bác, ông nhà tôi lại ra ngoài lò ngói rồi.

- Đi từ lúc nào hở bà?

- Không, họ vừa mời ra ăn cháo gà, nói mãi ông ấy mới chịu đi. Còn từ mai thì chưa dễ bước chân ra khỏi cửa đâu.

Biền mỉm cười:

- Lại có chuyện eo sèo gì rồi?

Bà vợ vẫn trả lời kín đáo:

- Cũng tại mình cả thôi bác ạ, ông ấy già rồi, lẫn cẫn rồi, làm một hỏng mười nên người ta kêu cũng phải.

Biền pha trò một câu nhạt nhẽo:

- Đã già thế nào, phải như thời xưa thì cũng có thể cưới thêm bà hai nữa.

Bà vợ Tuy Kiền khẽ cười, nhưng mắt vẫn nhìn xuống, miệng nhai trầu bỏm bẻm.

Kiền đi quanh quẩn trong sân một lát, rồi bước vào nhà, ngồi trước mặt Biền, vẻ mặt lặng lẽ không sao dò đoán nổi hắn đang nghĩ gì, hắn sắp nói gì. Đó là một đứa con hoàn toàn xứng đáng với chí hướng của người bố. Không những hắn thừa hưởng một cách trọn vẹn cái lọc lõi, cái tinh khôn, và cả sự say mê tiền bạc của Tuy Kiền, mà còn biết bổ sung những cái thiếu sót hết sức hoàn hảo. Nếu như người bố ăn nói nông nổi, thì hắn lại suy nghĩ chi li trước khi cất lời. Nếu như người bố hoàn toàn tin ở bạn bè, cởi mở với họ, rộng rãi với họ, sẵn sàng giúp đỡ họ thì hắn lại chủ trương rằng: không thể tin ai bằng tin mình, không thể lo cho người khác bằng lo cho bản thân, thà bị chịu tiếng chắc lép còn hơn bị người khác lừa đảo. Đôi lúc (nhưng cũng rất hiếm), tuy Kiền có phàn nàn với Biền rằng con ông ít bạn bè quá, nó sống cô độc quá, thì Biền đều nói với ông ta rất thành thật: "Nó ít bạn là phải, vì nó biết nói gì với bạn nó, bạn nó biết nói gì với nó. Chính ông làm hại nó đấy!". Tuy Kiền cũng nghe rất chăm chú, và ông ta chép miệng thở dài: "Đời mình phải tính toán, phải khôn ngoan là do cái cảnh của mình buộc phải thế, xưa kia thật thà quá làm sao sống nổi. Nhưng nó được sinh ra vào cái thời này thì cần gì phải tính đếm quá nhiều". Và lúc ấy có một cái gì như là sự thất vọng, sự hối hận chạy thoáng qua trên những nét nhăn của khuôn mặt Tuy Kiền. Nhưng cũng chỉ là một thoáng thôi.

Xưa nay Kiền rất ngại chạm mặt với đồng chí chủ nhiệm, có lẽ vì anh ấy còn rất trẻ, hơn mình không bao tuổi mà đã làm chủ nhiệm hợp tác xã, còn mình thì con đường đến với Đoàn cũng còn dài dằng dặc, cho nên hình ảnh của Biền ít nhiều cũng gợi lên sự hổ thẹn ở trong hắn. Hơn nữa Biền hay hỏi hắn những chuyện về chính trị, những chuyện hắn không muốn nghe, không muốn trả lời, vì có biết gì mà trả lời. Nhưng đêm nay Kiền lại tự mình ra mắt, thái độ có vẻ đàng hoàng nữa, không đợi Biền phải hỏi trước, hắn đã nói:

- Em xin thưa với bác một câu chuyện...

Biền ngước mắt nhìn Kiền, khuôn mặt còn trẻ măng, mà lại "thưa với bác một câu chuyện...", tại sao lại không nói một cách tự nhiên hơn, trẻ trung hơn: "Anh Biền, em hỏi anh cái này...".

- Chẳng là... - Kiền nói một cách dài dòng và úp mở - người ta cứ tuyên truyền rằng bố em tham ô của hợp tác xã...

Biền hỏi chặn ngay:

- Ai nói?

- Thưa bác, nhiều người nói, đến như chú Hiềm còn là nền em của em, mà dám phê bình bố em làm việc mờ ám. Nếu em không nể mọi người thì em dám vào lôi nó ra, nện cho nó một trận vì cái tội hỗn láo của nó.

- Trong cuộc họp thì phải đối xử với nhau theo tình đồng chí chứ ai lại đối xử với nhau theo thứ bậc trong họ hàng. Bố mẹ có lỗi, con cái cũng có quyền phê bình.

- Vâng, đành là thế, nhưng sao lại dám nói là mờ ám.

- à, vì họ chưa hiểu nên họ cho là mờ ám, vậy mình phải giải thích chứ sao lại đánh.

- Vâng em có bồng bột, sôi nổi và có khuyết điểm trầm trọng, nhưng... (Kiền muốn dùng lời lẽ thật văn hoa để tỏ ra mình không đến nỗi quá dốt nát như sự đánh giá của mọi người).

- Anh đã đánh đâu mà khuyết điểm trầm trọng, chỉ mới là nghĩ sai thôi.

- Vâng...

Biền vừa bực mình, vừa thương hại, cái thằng mới lạc hậu làm sao, đúng là cậu cả sinh ra không gặp thời rồi, rõ khốn khổ!

Kiền cứ lúng túng vâng dạ một chập rồi ngồi đực ra như tự giận cho thân mình.

Biền uống hết chén nước, anh đứng dậy, nói hết sức vui vẻ:

- Không có chuyện gì nhiêu khê lắm đâu bà ạ, nếu mình đúng người ta nói sai thì việc gì mà sợ, còn nếu như mình sai thì mình phải sửa chứ sao. Chốc nữa ông ấy về bà nói lại hộ tôi nhé... Đúng bảy giờ sáng đấy, không rồi lại la cà chỗ cá mú một tí, lò gạch, lò ngói một tí là trưa mất.

Biền dắt xe ra đến ngoài, bà mẹ bảo con:

- Tính nết bố mày cũng đồng bóng thế nào. Lúc thì làm, lúc thì không làm, rồi lại làm, như trò trẻ con.

Thằng con cũng đứng dậy, nói làu bàu:

- Mặc xác! Ông ấy dại cho ông ấy chết!

*
* *

Sáng hôm sau Biền từ nhà đạp xe ngang qua khu vực nuôi cá giống đã thấy một đám người đứng chen nhau dọc mấy cái bờ khoai, đến con đường cái rẽ vào trong ao anh nhận ra ngay chiếc xe quen thuộc của Tuy Kiền dựng vào một gốc duối. Biền dựng xe của mình ra ngoài xe của Tuy, xắn quần, đi men theo cái bờ vừa nhỏ, vừa lầy lội vì trận mưa đêm trước. Từ xa đã nghe giọng nói khàn đặc của Tuy Kiền vẳng lại: "Ông đi cá sao không nói cho tôi biết trước, không báo trước thì nhất thiết không có cá. Làm gì cũng phải có kế hoạch chứ!". Tuy Kiền quần xoắn đến bẹn ngồi ở một đầu ao, nét mặt quằu quạu. Cạnh ông là Tín, thư ký tài vụ, vẻ mặt cũng nhăn nhó. Đằng sau hai người là ông Vị ở xóm Đông Chấn, hai tay chống nạnh, đứng nhìn những người lấy được cá với cái vẻ tức tối. Dưới ao bủ Sen, trưởng ban cá, tóc bạc phơ, cởi trần, phơi một mảng lưng đen rám, cầm cái xe móc vớt cá trong cái rá to, rồi nhón lấy đáy lưới hất khẽ vào cái bát đóng do người khác cầm, cá đổ ra đầy phè lên vàng ngậy. Vừa giao cá, ông lão vừa cằn nhằn:

- Bảo lấy có một vạn, ra đến bờ ao lại đòi hai vạn là không xong với tôi đâu.

Anh chàng nhận được cá, đun thúng vào, mặt mũi hớn hở:

- Vâng, có bao nhiêu khuyết điểm cháu xin nhận cả.

Thấy Biền đến, ông đứng chống nạnh lại bắt đầu to tiếng:

- Thì hôm qua tôi đã nói với chú Tín là hôm nay để cho tôi tám nghìn, chú đã ghi vào sổ kia mà!

Tuy Kiền bảo Tín:

- Vậy anh cứ giở sổ ra xem nào, cho nó được rõ ràng.

Tín cười gượng gạo:

- Làm gì có.

Ông Vị càng hét lên:

- Tôi nhớ là tôi có nói, còn ông Tuy lại bảo là không nghe thấy thì tôi cũng chịu chứ làm thế nào. Ông ấy thì xưa nay vốn khó khăn với tôi mà lại!

Tuy Kiền đứng bật dậy, mặt ông ta tím bầm lại vì sự nhịn nhục:

- Tôi thề với ông rằng nếu tôi làm khó dễ ông tôi chỉ đáng làm giống con chó. Hôm qua, tai tôi không nghe tiếng ông nói, mà tôi chắc rằng ông cũng không nói. Tại sao bây giờ ông bảo ông lấy là vì ông thấy cá đẹp, cá năm phân trở lên cả, còn nếu cá ba phân thì chắc đã ỉa vào rồi đấy. Tôi nói vậy đã đúng chưa? Ông đã sai, ông lại bắt tôi chiều theo cái sai của ông thì không khi nào tôi chịu, nhất là chiều nay có người đuổi cổ tôi ra khỏi hợp tác xã, hoặc có réo năm đời mười đời thằng Tuy Kiền mà chửi thì tôi vẫn không thể đồng ý được với ông. Tôi vạch ra cho biết thế... Bủ Sen ơi, thôi, bủ để cho ông ấy tám nghìn con vậy!

Từ đấy đạp xe đến nhà Mão, Tuy Kiền không hé răng nói một câu nào, và ông ta cũng tránh đạp sóng đôi với Biền, hoặc ông vượt lên trước, hoặc ông tụt lại sau, đến cổng nhà Mão, ông ta mới hỏi một câu:

- Họp lâu hay chóng?

- Cũng phải một ngày.

Sĩ thấy Tuy Kiền đã đến, rất mừng.

- Đang lo...

- Đang lo tôi bất mãn chứ gì.

Sĩ cười xòa:

- Không, chỉ sợ ông la cà quên mất thì nhỡ cả.

- ối chào, phải ngồi với các anh một buổi sáng nay là cũng nể lắm.

Biền nói theo:

- Đáng lẽ không bước chân ra khỏi cửa kia.

Tuy Kiền lúc này cũng cười:

- Cũng cứ phải đi thôi, sáng nay còn phải đi nhiều hơn cả mọi sáng, bao nhiêu là việc.

Mão nói hơi châm biếm:

- Trông thấy người là thấy việc, làm như chỉ một mình anh nhiều việc.

Tuy Kiền nhìn chòng chọc vào mặt Mão rồi ông ta "xì" một tiếng rất to:

- Tôi phải tâng công với các anh à, tôi kể cho anh nghe nhé: giao thúng sơn cho cửa hàng là một này, hướng dẫn caách đánh cây ngô là hai, bàn kế hoạch với đội xe thồ là ba, còn gì nữa nhỉ, những năm việc kia..., ấy, nhớ rồi, sau đó ra huyện xin ít củi bàng, củi me lấy thức đun cho lò gạch, cuối cùng là một việc nhỏ thôi, nhưng cũng phải chạy, mua một ít đinh để đóng khuôn đỡ ngói. Đã đúng là năm việc chưa, hả?

Rồi ông ta hút một điếu thuốc, ngửa mặt lên thở khói, nói hể hả:

- Còn chiều nay thì nhàn nhã quá, chỉ có mỗi một việc, nhưng không có tôi cũng không xong: mời các đồng chí trong thường vụ đảng ủy ra khánh thành lò ngói để anh em được đốt lửa.

Mão nhìn ra ngoài, bỗng anh nói to:

- Đưa xe vào trong hè anh ạ, chờ anh mãi.

Quang, bí thư huyện ủy, dựa xe vào trong hè, bước vào chào bốn người:

- Sáng nay chắc là gặp may, xuống họp xã mà không phải chờ.

Quang để chiếc cặp da vào trong góc giường, cởi áo ngoài vắt lên tay ghế, bảo Sĩ:

- Cố thu vén họp trong buổi sáng thì hay, chiều mình lại phải xuống dưới Xuân Huy.

Tuy Kiền cười vui vẻ:

- Hợp với ý tôi quá, dân chạy mà phải buộc vào ghế một ngày thật khổ.

Mão hỏi:

- Cái đài con của anh đâu?

- Hỏng rồi, đang đưa đi chữa. Này, có cái đài mang theo làm công tác dân vận tốt đáo để. Ông Mão biết vợ lão chủ nhiệm Xuân Huy chứ gì, đâu như người dưới này thì phải. Mình đến nhà luôn nhé, vậy mà cũng chưa lần nào được nhìn vợ hắn cho rõ mặt, thoáng thấy bóng cán bộ là đã lẩn đi rồi. Hôm nọ tớ đem đài đến vặn lên lại đúng vào giờ ca nhạc, toàn dân ca thôi, được một lát thì bà ta rón rén bước vào, trước còn ngồi góc ở thật xa, sau cứ nhích dần lại. Ôi chao, vừa nghe vừa khen: "Nhịn ăn mà được nghe hát thế này cũng sướng". Tớ bảo: "Chẳng đến nỗi phải nhịn ăn đâu bà chị ạ, tôi chỉ xin đổi lấy một gian nhà ngói này thôi!" Cười nhé, hồn nhiên ra phết, lúc ấy tớ mới bắt chuyện, hỏi xa hỏi gần, thì ra cái thằng chồng lại hóa hỏng, nó không thích vợ nó tiếp khách, sợ khách chê vợ nó xấu, vợ nó già... Cái thằng, rồi tớ sẽ có cách trị cho nó một mẻ...

Mão nói rất thơ ngây:

- Bây giờ tôi có tuổi nên người ngợm mới thế này, chứ xưa kia đẹp trai ra dáng, má lúm đồng tiền hẳn hoi, làng mở hội tôi đi hát ví có cô còn chạy theo cho cả tiền. Nhưng mê thì mê nhưng đến lúc hỏi nó làm vợ thì nó chối, vì mình chỉ là cái anh đi ở, chân trắng, rút lại cũng đến phải lấy một bà vợ già. Nhưng già thì già, đã là vợ chồng rồi ai lại sợ người khác cười.

Quang cười rất to:

- Được như ông thì còn nói gì!

Tuy Kiền le lé mắt nhìn Mão:

- Nói rạng, cưới cheo thì một vợ, nhưng thực ra cũng còn hai ba ả khác nữa.

Mão đỏ bừng mặt, cười gượng gạo:

- Ôi chào, cuộc sống trứơc cách mạng thì có kể gì.

Sĩ nói nhỏ với Quang:

- Anh cho họp.

Quang còn đang bị lôi cuốn bởi cái không khí vui vẻ:

- ừ, nhưng ngồi tán chuyện gẫu một lúc đã nào... Cái số dầu ở trạm bơm là vay hoặc là xin đấy, ý giả nếu họ đòi thì trả, bằng lờ đi thì coi như xin của nhà nước chứ gì.

Sĩ đưa mắt nhìn Biền, Biền ngồi im lặng, đầu hơi cúi xuống, Tuy Kiền vội vàng nói:

- Báo cáo với anh là vay đấy ạ

- Vay gì, hôm nọ ông chủ nhiệm ra huyện duyệt phương án tôi có nghe thấy cái khoản vay dầu của nhà máy đâu. Làm ăn mập mờ thế có ngày chết cả lũ đấy.

Biền thở dài khe khẽ: "Thế là anh ấy đã biết cả, cũng may, mình khỏi phải nói cái sự thật ấy".

Tuy Kiền vẫn nói dối lem lém:

- Thực tình là vay, có giấy má hẳn hoi anh ạ, vay hai lần. Anh tính nếu họ không cho vay thì chẳng biết đào đâu ra, dầu ma-dút mà mua ngoài kế hoạch dự trù những bảy hào tư một cân kia. Tiền đâu. Đằng này anh em với nhau cũng là chỗ quen biết...

Quang nhìn bộ mặt nhăn nhó của Tuy Kiền, và thái độ im lặng, dò xét của mấy người khác, rồi nói với Sĩ:

- Ngay từ đầu năm tôi đã có lần bàn với anh Sĩ là các anh phải chấm dứt ngay cái lối mua bán với bên công trường đi. Nó sẽ sinh ra lắm chuyện lôi thôi đấy. Quan hệ với nhau bằng những mối lợi chẳng bền bao giờ mà còn rất nguy hiểm. Bên này mời bên kia ăn cơm, uống rượu, biếu xén vài cân thuốc lá, mươi bao chè. Bên kia lại mách mối giúp bên này những món bở, món hời, giấm giúi cho nhau vài trăm cân dầu, để rẻ một bộ bàn ghế. Rồi không những bán cho tập thể, mà còn bán cho cả cá nhân, chẳng hạn trong bữa cơm thân mật mà người chủ lại phàn nàn đang thiếu gỗ dựng nhà, thì làm gì ông khách chẳng hứa sẽ xin giúp đỡ. Cũng là cách trả nợ miệng đấy thôi. Theo tôi cái mối quan hệ của các anh rất vô nguyên tắc, vì vậy việc làm cũng không rành mạch được- Quang nhắc lại- Có rất nhiều việc không được rành mạch. Cái mua và cái xin lẫn lộn, của chung và của riêng lẫn lộn. Tớ nói thật: mọi chuyện tham ô đều có thể sinh ra từ những đống lẫn lộn ấy cả. Phải coi chừng!

Biền muốn nói to lên: "Đúng quá, thế là anh đã tìm ra được cái đầu mối rồi, vậy mà tôi cứ loanh quanh mãi".

Tuy Kiều xoay xoay người trên ghế, mặt cứ nghiêng đi không hẳn nhìn vào một ai.

Quang vẫn nói tiếp:

- Thời buổi này là thời buổi xã hội chủ nghĩa, cho nên chỉ cần những người tháo vát, khôn ngoan theo lối xã hội chủ nghĩa, nghĩa là phải tôn trọng nhà nước, tôn trọng tập thể, tôn trọng kế hoạch chung, và chí công vô tư. Đấy, anh cứ giữ được mấy cái yêu cầu đó, rồi tha hồ anh xoay xở, anh tính toán, anh phát huy sáng kiến, càng nhiều càng hay. Rất hoan nghênh. Còn nếu như anh khôn ngoan theo cái kiểu: có lợi cho tập thể, nhưng lại có hại cho nhà nước, được kế hoạch của anh nhưng hỏng kế hoạch chung, hoặc lợi cho tập thể một ít, lợi cho cá nhân một ít là không xong rồi. Trước hết nhà nước không để cho các anh làm mãi cái trò ấy, ngay đến cái tập thể mà anh làm lợi cho họ, họ cũng sẽ không thể tán thành. Rút lại anh hùng mà không có đất dụng võ, vì miếng đất tư bản chủ nghĩa không còn nữa thành thử anh hùng đâm lỗi thời.

Sĩ nói một câu, chắc cũng có ý tâng bốc đồng chí bí thư huyện ủy một chút, do đó mà giảm nhẹ được trách nhiệm của mình một chút:

- Nếu được anh chỉ cho từ trước thì chúng tôi cũng đỡ mắc nhiều sai lầm. Trình độ cái anh cán bộ xã có hạn, thành thử có việc làm tưởng là đúng mà hóa lại sai...

Quang nói đỡ:

- Và cũng có những việc biết sai mười mươi, nhưng vì có lợi nên cứ làm. Có phải không?

Cả bốn người đều ngồi im, mặt đỏ rừ vì xấu hổ.

Mão nói khẽ với Sĩ:

- Đã sai thì cứ ngồi mà nghe, còn chống chế làm gì.

Quang muốn gây lại cái không khí vui vẻ đã mất đi, những câu chuyện mỗi lúc một trở nên nghiêm trang do những vấn đề cốt tử của nó mà trong lúc hăng say anh đã đặt ra hết sức thẳng thắn:

- Tóm lại một điều có thể rút kinh nghiệm được với nhau: đã là người cán bộ của Đảng thì phải thức thời hơn mọi người, phải biết nhìn xa hơn mọi người, mỗi ngày cái xã hội của ta sẽ một trong trẻo hơn, thì một cái vết dù rất nhỏ lập tức cũng bị mọi người nhìn thấy. Hôm đã lâu đồng chí Tuy Kiền có bảo tôi: "Cái thời anh Tiến còn làm bí thư chi bộ lấy cả gỗ đình, gỗ chùa về làm nhà, lấy công khai, có thấy ai nói gì đâu, bây giờ chỉ mua có mấy xe gỗ, tiền trả hẳn hoi mà bao nhiêu là thắc mắc". Là vì trước kia khác, hiện nay khác, sau này còn khác nữa. Người lãnh đạo tự cải tạo mình không chỉ theo cái yêu cầu hôm nay, mà còn phải theo cái yêu cầu của ngày mai, cho nên người nhìn hẹp họ tự phê bình theo cách khác, người nhìn rộng, nhìn xa họ tự phê bình theo cách khác. Một người thì xét mình để đối phó với tình hình hiện tại, còn một người thì xét mình để thích ứng được với xã hội tương lai. Chỉ riêng trong sự tự phê bình cũng biểu lộ những nhân cách khác nhau rồi.

*
* *

Lò ngói được xây dựng ở khu vực riêng, gần lối xuống bến phà. Từ xa đã thấy cái lò xây bằng gạch, lợp lá, lúp xúp như một đống rạ lớn. Lối đi vào ngổn ngang mấy cây gỗ thông bị cháy nham nhở ở một đầu, những chiếc quá giang bằng gỗ xoan đã bào trắng, những phiến ngói đúc xi măng và những đống thân ngô đã phơi héo. Tuy Kiền dựng xe vào một bụi chuối quay lại bảo Biền với cái vẻ tiếc rẻ:

- Đã kiểm điểm với nhau rồi thì chẳng nên nói cái chuyện đã qua nữa, nhưng mà, anh xem, hai mươi đồng sáu cây gỗ thông, nếu không mua của công trường thì còn mua đâu được.

Khu đất của lò ngói rất hẹp, lò đun và giàn phơi ngói chiếm một nửa, phần còn lại là những quả đất lớn nhỏ đang nhào, cắt cho lớp ngói sau. Một cái phản vừa mỏng, vừa mọt kê ở khoảng giữa lò đun và chỗ làm việc của mấy ông thợ đang đóng khuôn đỡ ngói. Trên phản có một cái điếu bát, một bộ ấm chén cao chè đã đóng đen lại, và một cây đèn vặn nhỏ để ăn thuốc.

Tuy Kiền ngồi lên một mé phản, co hai chân lên vuốt ống quần (khi đi xe đạp ông ta có thói quen xắn lên vài gấu, mặc dù vốn nó đã rất ngắn rồi), gọi to:

- Mời ông chủ ra tiếp khách nhé! Ông Sơn đâu?

Một tiếng đáp lại từ trong giàn phơi: "Xin mời ba bốn ông ngồi chơi, tôi ra ngay đây ạ!".

Một lát sau, một người mặc áo cộc xanh, quần nâu, chạy ra vẻ ngượng nghịu, hơi khúm núm. Anh ta đứng xoa tay nhắc lại:

- Các ông ra chơi. Mời các anh xơi nước.

Đó là người thợ cả, quê ở Hưng Yên, lên đây xây dựng lò ngói từ cuối năm ngoái. Sĩ chỉ mới gặp anh có vài lần, hỏi thăm:

- Bác gái ở nhà vẫn được khoẻ chứ?

Tuy Kiền cười:

- ấy, đối với ông này thì lại phải hỏi cho rõ ràng là bác gái nào, vì những ba bác gái kia.

Rồi ông ta vỗ đùi cười rất sảng khoái. Biền nhìn Tuy Kiền cũng mủm mỉm cười: "Lão này vô tư thật, lúc nãy thì rầu rĩ thế, bây giờ đã lại vui vẻ như thường rồi". Còn anh thợ cả thì hơi cúi đầu xuống, nói bẽn lẽn:

- Rõ ông...

Tuy Kiền châm đóm giới thiệu thêm:

- Ông anh tôi đây cũng là người tài hoa, cải lương, đàn bầu đều khá, thành thử làm ở Sơn Tây một năm thì cưới bà hai, làm ở Vĩnh Yên hai năm thì cưới bà ba, còn ở Đồng Tiến mới được nửa năm nên còn đang "tìm hiểu".

Sĩ nói vui:

- Đất chúng tôi cũng không đến nỗi hiếm "người coi được" đâu ông ạ.

- Chúng tôi đâu dám.

Rồi ông ta ngoảnh lại sai đứa con lớn đang ngồi xén đất ở trong nhà:

- Đứng dậy đun ấm nước con nhé!

Tuy Kiền hỏi người thợ cả:

- Còn chè ngon không?

- Vâng, hãy còn gói nguyên.

Anh ta ngượng ngập một tí rồi nói thêm, rất nhỏ:

- Nhờ ông mua giúp cho được một cân thì tốt, nay mai trông lò cả đêm không có chè cũng dễ buồn ngủ.

Tuy Kiền quay sang nhìn Biền và Sĩ:

- Hôm qua thì tôi gật đầu ngay, nhưng sáng nay kiểm điểm thấy lỗi lầm mình nhiều quá, bạ cái gì cũng gật thành mang vạ.

Sĩ nói khẽ: "Cái thằng..." Nhưng Tuy Kiền đã nói thêm:

- Được, cứ đưa tiền đây, nếu chưa có tôi ứng trước cũng được. Lấy vài cân nhé?

Trong ban quản trị chỉ có Tuy Kiền là biết cách nói chuyện với dân thợ làm nghề tự do. Ông ta vừa có vẻ chân thật lại vừa thớ lợ một chút, hết sức tin cẩn, rộng rãi, nhưng vẫn chặt chẽ, đòi hỏi; ngay những câu nói mà Tuy Kiền dùng với họ cũng đặc sắc: có cả sự lễ phép lẫn cái lõi đời, ngọt ngào lẫn sừng sỏ, bóng gió xa xôi lẫn trắng trợn, thô kệch. Đủ vẻ!

Anh thợ Hưng Yên ngồi một lát rồi xin phép ra nhóm lò. Biền nói với Tuy Kiền:

- Từ rày đến cuối năm tôi cũng cố lên cái mái ngói. Vợ chồng đi biền biệt suốt ngày, ở nhà còn một lũ trẻ con, nhà mái cọ, lắm lúc cũng giật mình. Kể ra nếu lên ngói được sớm thì cái số lá cọ dỡ ra còn bán được tiền, chứ để một, hai năm nữa mưa gió ăn cùn vào chỉ có vứt đi - Rồi Biền cười: - Chỉ còn e trong tình hình này làm thế đã được chưa thôi.

Mão bảo Biền bằng cái giọng kẻ cả và dạy đời. Nhưng người ta vẫn yêu và tin được vì cả cuộc đời gian truân của anh có thể chứng thực cho những lời nói ấy là chân thật và đúng đắn:

- Nhân dân họ rộng bụng chứ không nhỏ nhen như mình nghĩ đâu. Đấy, cái dạo tôi mới ở bộ đội về làm nhà, trong tay có chưa đầy hai trăm bạc. Bà con họ biết chuyện, nhà thì gọi đến giúp cho dăm cây xoan, nhà thì giúp một búi tre, có người còn đưa tiền đến tận tay mình mà bảo: "Ai cần trước tiêu trước, bao giờ ông có ông trả tôi sau". Nhưng nếu mình lại ăn ở quắt quéo, gian lận thì họ chỉ thiệt một nửa xu thôi cũng có thể kêu ca hàng tháng trời, cũng có thể gây thù gây oán. Cái dân mình là thế, mà ngay đến mình cũng nghĩ như vậy thôi.

Tuy Kiền ngồi nghiêng, chống một tay xuống phản, người hơi ngả ra sau, kéo một ống quần lên, khẽ xoa xoa lên lớp da khô mốc:

- Tôi thì chưa dám hứa với các anh là từ nay về sau sẽ không mắc phải sai lầm nào nữa. Cái tính tôi nó khổ lắm. Hôm nay thì thấm thía như vậy, nhưng đến mai thì không chừng... Đấy, chẳng là ngựa quen dấu cũ mà lại, cho nên các anh phải chịu khó kiểm soát tôi, góp ý kiến với tôi, bất kì việc lớn việc nhỏ.

Biền nói đùa:

- Nhưng cái việc mua mấy bao chè thì tự ông cũng có thể giải quyết được rồi.

Tuy Kiền ngồi ngay lai, bắt đầu nói hăng lên:

- Thì tôi cũng phải có cái quyền của tôi chừng nào chứ. Nói có các anh, mà các anh ở trong thường vụ đảng ủy, dù thằng Tuy Kiền có phạm sai lầm nghiêm trọng đến đâu, nó cũng không bao giờ rời bỏ cái hợp tác xã này...

Sĩ liếc nhìn Tuy Kiền tủm tỉm cười:

- Cũng chỉ mới xin từ chức có vài ba lần thôi.

- ừ, tức thì nói thế chơi cho bõ tức, chứ dễ gì tôi bỏ được những công việc của tôi. Đấy, xây dựng cái lò ngói này cũng trải qua bao nhiêu gian truân, lận đận, chạy ngược chạy xuôi suốt mấy tháng trời, rồi lò gạch, rồi trạm bơm... Dù rằng những cơ sở ấy là của tập thể, nhưng tôi cũng coi như của cải của tôi, vì công lao của tôi, mồ hôi nước mắt của tôi, cái sướng cái khổ của tôi đều gói ghém vào đấy cả... Nào, xin mời các anh ra đốt lửa!

ở miệng cái bầu lò đã chất đầy những gốc tre tua tủa những sợi rễ khô cứng, phía dưới làm nòm là những thân ngô đã héo quắt, những bó đóm xếp chồng lên nhau rất đẹp. Tuy Kiền cầm một bó đóm dài lửa cháy rừng rực đưa cho Sĩ, vẻ mặt của ông ta bỗng chốc sáng rực lên vì vui sướng và kiêu hãnh:

- Xin mời đồng chí bí thư châm lò cho anh em gặp được may mắn!

Sĩ cầm bó đuốc liếc nhìn mọi người, tươi cười:

- Xin chúc mẻ ngói đầu của hợp tác xã ta thành công.

Rồi anh dúi bó lửa vào đống nòm. Những sợi khói nhạt phơ phất bay ra ở miệng lò.

Mão nhận xét:

- Cửa bầu hơi hẹp thì phải?

Người thợ cả đứng đằng sau Mão nói lên:

- Rộng hẹp không cần ông ạ, bầu lò làm giỏi thì hút lửa vào, làm dở thì hắt lửa ra.

Biền hỏi nhỏ Tuy Kiền:

- Ngói vào vạn rưởi phải không?

Tuy Kiền nói rất to, dõng dạc:

- Mẻ đầu tiên vào một vạn rưỡi năm trăm ngói lợp và ba trăm ngói úp nóc. Xin nói chắc rằng ngói của Đồng Tiến nhất định phải đẹp hơn ngói của Diên Hồng. Giá thị trường là một trăm hai chục một nghìn, nhưng nếu ngói ta đẹp hơn, bền hơn thì cũng có thể nâng lên chút ít.

Sĩ quay lại, mặt anh đỏ bừng vì hơi lửa:

- Lại giở cái giọng buôn bán!

Tuy Kiền cười xòa:

- ừ, thì vẫn trăm hai chục một nghìn vậy.

Mão hỏi:

-Tối nay có chén bác chén chú gì không đấy?

Tuy Kiền ra vẻ nghiêm trang, đứng đắn:

- Phải như mọi khi thì cũng làm một bữa chén ra trò, nhưng bây giờ thì nên tùng tiệm.

Biền cười ầm lên:

- Ông lại khắt khe hơn cả tôi rồi!

Tuy Kiền cũng cười:

- Thế vẫn làm cho nhé, nhưng để đến lúc ra ngói thì tốt hơn. Một nồi cháo gà ăn tối thôi. Hừ, không phải địa phương chủ nghĩa đâu chứ lượt ngói này nhất định đỏ roi rói, có trải lên sân mà chạy qua cũng không thể vỡ hòn nào. Tôi nói sai cứ đem đầu tôi mà chặt... Thật đấy, tôi cho chặt!

31-7-1963

2004-02-12 18:45:17



Rating: 0.0/5 (0 votes cast)

[1]

  • Xin lưu ý: Là một diễn đàn tự do, vantuyen.net không chịu trách nhiệm về nội dung của những ý kiến đóng góp từ độc giả. Những ý kiến đóng góp có những lời lẽ không hay sẽ bị BBT xoákhoá IP vĩnh viễn. (khi bị khoá IP bạn sẽ không thể vô được vantuyen.net nữa.)

 Bần cố nông Biên khảo Cổ tích Chuyện lạ Danh nhân English Française Gia đình Giai thoại Giảm...sì trét! Giới thiệu Học làm người Hồi ký Huyền bí Hương vị Ký sự /Tạp ghi Khoa học Kiếm hiệp Kiến thức phổ thông Lịch sử Phát thanh Phê bình Phiếm Sân khấu Sức khoẻ Tài liệu Tác giả Tùy bút/Tản mạn/Tiểu luận Tấm lòng VÀNG Thời chinh chiến Thơ Thơ nhạc Thương Tiếc Tin học Trung hoa Truyện dài Truyện ngắn Vọng cổ Điểm nóng
 TỐ CÁO TỘI ÁC CSVN TRONG BIẾN CỐ LÀNG BA CHÚC, TỈNH AN GIANG VÀO THÁNG 4/ 1978 - Nguyễn Vĩnh Long Hồ
 Viết Về Chủ Tịch Hồ Chí Minh - Phương Nam
 Tầm nhìn xa - Nguyễn Khải
 Chữ Trinh - Hạ Thu
 Hồi Ký Bà Tùng Long - Bà Tùng Long
 Mặt Trận Ban Mê Thuột - Phạm Huấn
 Mao Trạch Đông, Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Lý Chí Thỏa
 Quân Đội Nhân Dân Việt Nam… anh hùng ! - Nhân Lê
 Lê Duẩn, một Tần Thủy Hoàng hoang dâm vô độ - Chưa rõ Tác Giả
 Đàm Vân - ...


 Đại Đường Song Long Truyện - Huỳnh Dị
 Bộ Tranh Bích Chương "Sử Nghìn Người Chép" - Nguyễn Hữu Nhật
 Sử Nhạc - Ngô Nguyễn Trần, Tâm Thơ
 MEKONG SÓNG CUỘN PHÙ SA - Nguyễn Vĩnh Long Hồ
 Huyết Thiếp Vong Hồn Ký - Trần Thanh Vân
 Một Thời Ta Đuổi Bóng - Hoàng Thu Dung
 Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông - Nhiều Tác Giả
 Tiếu Ngạo Giang Hồ - Kim Dung
 Trang thơ hình Vivi - Vivi
 Tầm Tần Ký - Huỳnh Dị



trang chính    100 tác phẩm mới 



Thực hiện:  
Bùi Ngọc Tô, Huệ Thu, Tuấn Nguyễn, Phương Nguyễn, Tú Phương, Tâm Thơ, Long Nguyễn, Đăng Lê, Trần Thanh, Ngô Nguyễn Trần
(Hoa Kỳ - Pháp - Đức - Áo - Úc - Hoà Lan - Việt nam)