Armenia

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
Հայաստանի Հանրապետություն
Hayastani Hanrapetutyun
Flag of Armenia.svg Coat of arms of Armenia.svg
Quốc kỳ Huy hiệu
Vị trí của Armenia
Khẩu hiệu
Մեկ Ազգ, Մեկ Մշակույթ
Mek Azg, Mek Mshakouyt
(tiếng Armenia: "")
Quốc ca
Mer Hayrenik
Hành chính
Chính phủ Cộng hòa bán tổng thống
Tổng thống
Thủ tướng
Serzh Sargsyan
Hovik Abrahamyan
Ngôn ngữ chính thức tiếng Armenia
Thủ đô Yerevan
1) 40°16′B, 44°34′Đ
Thành phố lớn nhất Yerevan
Địa lý
Diện tích 29.8001 km²
Diện tích nước 4,7% %
Múi giờ UTC (UTC+4); mùa hè: DST (UTC+5)
Lịch sử
Ngày thành lập Từ Nga
23 tháng 8 năm 1990
21 tháng 9 năm 1991
Dân cư
Dân số ước lượng (2006) 2.976.372 người (hạng 133)
Dân số (1989) 3.288.000 người
Mật độ 100 người/km²
Kinh tế
GDP (PPP) (2005) Tổng số: 13,650 tỷ đô la Mỹ
HDI (2003) 0,759 trung bình (hạng 83)
Đơn vị tiền tệ Dram (AMD)
Thông tin khác
Tên miền Internet .am
1: không bao gồm Nagorno-Karabakh.

Armenia (tiếng Armenia: Հայաստան Hayastan; Hayeren: Հայք Hayq; phiên âm Tiếng Việt: Ác-mê-ni-a), tên chính thức Cộng hoà Armenia, là một quốc gia nhiều đồi núi nằm kín trong lục địa ở phía nam Caucasus. Nước này có biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây, Gruzia ở phía bắc, Azerbaijan ở phía đông và Iran cùng phần lãnh thổ tách biệt Nakhchivan của Azerbaijan ở phía nam. Là một nước cộng hoà trước kia thuộc Liên bang Xô viết, Armenia là một trong những quốc gia lâu đời nhất thế giới và được cho là nơi Noah cùng con cháu của mình đã dừng lại định cư lần đầu tiên. Dù theo hiến pháp Armenia là một quốc gia phi tôn giáo, Kitô giáo đóng một vai trò quan trọng cả trong lịch sử và bản sắc riêng của dân tộc Armenia.

Armenia hiện là một thành viên của Liên hiệp quốc, Hội đồng châu ÂuCộng đồng các quốc gia độc lập, và là quan sát viên của Cộng đồng Kinh tế Á Âu. Đất nước này là một nền dân chủ đang nổi lên và bởi vì vị trí chiến lược của mình, Armenia vừa nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga và của Hoa Kỳ.

Nguồn gốc tên gọi[sửa | sửa mã nguồn]

Tên gốc theo tiếng ArmeniaHayq, sau này Hayastan. Hayasa, gắn với hậu tố tiếng Ba Tư '-stan' (đất đai). Haik là một trong những lãnh đạo kiệt xuất người Armenia và cái tên Miền đất của Haik đã được đặt theo tên ông. Theo truyền thuyết, Haik là chút của Noah (con trai của Togarmah, người là con của Gomer, người là con của Japheth, người là con của Noah), và theo truyền thống cổ Armenia, một tổ tiên của toàn bộ người Armenia. Ông cũng được cho là đã định cư bên dưới chân núi Ararat, đã đi tham gia vào việc xây dựng tháp Babel, và, sau khi quay trở lại, đánh bại vua Babylon là Bel (được một số nhà nghiên cứu cho là Nimrod) ngày 11 tháng 8 năm 2492 TCN gần núi Lake Van, ở phía nam Armenia trong lịch sử (hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ).

Hayq được các nước xung quanh gọi là Armenia, có lẽ nó từng là tên của bộ lạc mạnh nhất sống ở những vùng đất thuở xưa của Armenia, những người tự gọi mình là Armens và có nguồn gốc Ấn Âu. Theo truyền thống, nó bắt nguồn từ chữ Armenak hay Aram (chắt của chắt của Haik, và một lãnh đạo khác, người theo truyền thống Armenia là tổ tiên của tất cả người dân Armenia). Một số học giả Do Thái và Kitô giáo viết rằng cái tên 'Armenia' bắt nguồn từ Har-Minni, có nghĩa là 'Núi Minni' (hay Mannai). Những lý lẽ ủng hộ Kitô giáo cho rằng Nairi, có nghĩa vùng đất của những con sông, từng là một tên cổ gọi vùng núi của nước này, lần đầu được người Assyria sử dụng khoảng năm 1200 TCN; trong khi văn bản ghi chép đầu tiên được biết tới có tên Armenia, là Bản khắc Behistun tại Iran, có niên đại từ năm 521 TCN.

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Bài chi tiết: Lịch sử Armenia

Ngay từ thời tiền sử tại Armenia đã có người sinh sống, và nơi đây thậm chí có thuyết cho rằng đây chính là vườn Địa đàng trong Kinh thánh. Cho tới tận thế kỷ thứ nhất, Armenia là một đế quốc với nền văn hóa phong phú, dưới thời vua Tigranes Đại đế, trải rộng từ bờ biển Đen tới biển Caspibiển Địa Trung Hải.

Vị trí chiến lược của Armenia giữa hai lục địa khiến cho nó trở thành mục tiêu cho các cuộc xâm lược của rất nhiều dân tộc, bao gồm người Assyria, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Byzantine, Ả Rập, Thổ Nhĩ KỳMông Cổ.

Năm 301 sau Công Nguyên, Armenia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới nhận Kitô giáo làm quốc đạo, mười năm trước khi Đế quốc La Mã, dưới quyền Hoàng đế Galerius chính thức chấp nhận khoan dung Kitô giáo, và ba mươi sáu năm trước khi Hoàng đế Constantinus được rửa tội. Trước Kitô giáo, ở đây đã tồn tại nhiều cộng đồng tôn giáo khác nhau, nhưng một làn sóng các nhà truyền giáo đã tới đây và cải đạo cho họ.

Sau khi bị thống trị bởi nhiều triều đại khác nhau, bao gồm Parthia, La Mã, Byzantine, Ả rập, Mông CổIran, Armenia dần bị suy yếu. Tới những năm 1500, Đế quốc OttomanSafavid Ba tư chia nhau Armenia. Về sau, lãnh thổ Đông Armenia (bao gồm các tiểu vương quốc Erivan và Karabakh) khi đó thuộc Ba tư, bị sáp nhập vào Đế quốc Nga trong những năm 18131828.

Dưới thời cai trị Ottoman, người Armenia và người Thổ Nhĩ Kỳ đa số sống với nhau khá hòa thuận. Tuy nhiên, khi Đế chế Ottoman bắt đầu sụp đổ và Thế chiến thứ nhất diễn ra, một phần lớn người Armenia sống tại Anatolia đã thiệt mạng vì kết quả của cái được gọi là cuộc Diệt chủng Armenia. Những sự kiện từ năm 1915 tới năm 1918 được người Armenia và đại đa số các nhà sử học phương Tây coi là những vụ thảm sát hàng loạt được nhà nước hậu thuẫn. Tuy nhiên, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ quan điểm rằng số người chết do nguyên nhân một cuộc nội chiến cộng với dịch bệnh và nạn đói, gây thiệt hại nhân mạng cả hai bên. Đa phần những ước tính về số người Armenia thiệt mạng thay đổi trong khoảng từ 650.000 tới 1.500.000, và những sự kiện đó thường được tưởng niệm hàng năm vào ngày 24 tháng 4, ngày tử vì đạo của những người Armenia theo Kitô giáo.

Armenia và cộng đồng Do Thái Armenia đã từng vận động sự công nhận chính thức những sự kiện trên là vụ diệt chủng từ hơn 30 năm nay. Tuy có nhiều nước dưới sức ép của Thổ Nhĩ Kỳ không chính thức coi những cuộc thảm sát người Armenia là diệt chủng, nhiều nước đã thông qua luật chính thức công nhận thực tế cuộc diệt chủng: Pháp, Nga, Canada, Italia, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hà Lan, Bỉ, Hy Lạp, Síp, Slovakia, Uruguay, Argentina, Ba Lan, Liban, Cộng đồng châu Âu, nhiều bang tại Hoa Kỳ. Hạ viện Hoa Kỳ hầu như đã thông qua một luật tương tự vào cuối thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Clinton, nhưng người phát ngôn Hastert đã rút lịch bỏ phiếu khỏi lịch trình ở phút cuối cùng. Nguồn tin năm 2006 từ các cơ quan báo chí đáng tin cậy cho thấy Hastert đã nhận được những lời phàn nàn từ phía chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đòi dừng cuộc thảo luận về vấn đề diệt chủng người Armenia.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Cộng hòa Dân chủ Armenia được thành lập, gồm vùng Tây Armenia thuộc quyền cai trị của Ottoman trước kia và vùng Đông Armenia thuộc quản lý của Nga. Đồng Minh và Liên minh các Cường quốc cùng Đế chế Ottoman đã ký Hiệp ước Sèvres tại Sevres ngày 10 tháng 8 năm 1920, hứa hẹn duy trì sự tồn tại của nhà nước dưới sự bảo hộ của Hội quốc liên. Tuy nhiên, hiệp ước này đã bị Phong trào Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ phản đối và không bao giờ được thi hành. Phong trào này, dưới sự lãnh đạo của Kemal Atatürk, đã dùng hiệp ước làm cơ hội tự tuyên bố mình là chính phủ hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ, thay thế nền quân chủ tại Istanbul bằng một nền cộng hòa tại Ankara.

Năm 1920, Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ lao vào cuộc Chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ-Armenia, một cuộc xung đột bạo lực chấm dứt với Hiệp ước Alexandropol theo đó người Armenia đầu hàng và giao nộp phần lớn vũ khí cũng như đất đai của mình cho người Thổ. Năm 1922, phần lãnh thổ Armenia còn lại bị Hồng Quân xâm chiếm, và nước này được gộp vào trong Liên bang Xô viết như một phần của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Ngoại Kavkaz (TSFR) có thời gian tồn tại ngắn ngủi cùng GruziaAzerbaijan. Hiệp ước Alexandropol sau đó đã được thay thế bằng Hiệp ước Kars, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên bang Xô viết. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ nhường tỉnh Ajaria cho Liên bang Xô viết để đổi lấy chủ quyền với các vùng lãnh thổ Kars, Ardahan, và Iğdır. Vì người Armenia không có tiếng nói trong hiệp ước này, tới ngày nay, Armenia, không công nhận hiệp ước và vẫn giữ tuyên bố chủ quyền với các tỉnh đó.

TSFR tồn tại từ năm 1922 tới năm 1936, khi nó bị chia thành ba thực thể riêng biệt (Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Armenia, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Azerbaijan, và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Gruzia). Người Armenia đã có được một giai đoạn khá ổn định dưới thời Xô viết. Họ nhận được thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác từ Moscow, và thời gian cầm quyền của những người cộng sản đã trở thành thời kỳ yên ổn, dễ chịu trái ngược hoàn toàn với tình trạng hỗn loạn những năm cuối thời kỳ Đế chế Ottoman. Tình hình chỉ không dễ chịu với nhà thờ, vốn phản đối quyền cai trị Xô viết. Sau cái chết của Vladimir Lenin, Joseph Stalin nắm quyền và bắt đầu một giai đoạn khủng bố và sợ hãi khác với người Armenia. Như trường hợp nhiều sắc tộc thiểu số khác sống trong Liên bang Xô viết trong thời kỳ Đại thanh trừng của Stalin, hàng triệu người Armenia vô tội đã bị hành quyết và trục xuất. Sự sợ hãi càng gia tăng khi Stalin chết năm 1953Nikita Khruschev nổi lên trở thành lãnh đạo mới của đất nước.

Trong thời kỳ Gorbachev ở thập niên 1980, căng thẳng gia tăng giữa Armenia và Azerbaijan về vùng Nagorno-Karabakh. Cùng trong thập kỷ này, nước Armenia Xô viết phải chịu một trận động đất kinh hoàng tại thành phố Spitak, năm 1988. Năm 1991, Liên bang Xô viết tan vỡ và Armenia tái lập quyền độc lập. Armenia và Azerbaijan tiếp tục cuộc tranh cãi, dẫn tới chiến tranh Nagorno-Karabakh. Dù có một cuộc ngừng bắn từ năm 1994, Armenia vẫn chưa giải quyết được cuộc xung đột với Azerbaijan về Nagorno-Karabakh. Nền kinh tế của cả hai quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Dù vậy, Armenia vẫn là quốc gia có nền kinh tế tự do đứng thứ 27 trên thế giới [3]. Năm 1995, Hiến pháp mới được phê chuẩn thông qua cuộc trưng cầu ý dân, củng cố thêm quyền lực của Tổng thống.

Chính trị[sửa | sửa mã nguồn]

Chính trị Armenia theo khuôn khổ một nền cộng hoà đại diện dân chủ tổng thống, theo đó Tổng thống là Lãnh đạo chính phủ, và một hệ thống chính trị đa đảng. Quyền hành pháp thuộc chính phủ. Quyền lập pháp được cả chính phủnghị viện đảm nhiệm.

Các đảng phái chính:

  • Đảng thân chính quyền: Đảng Công nông; Đảng Armenia; Phong trào dân tộc Armenia; Đảng Tự do Armenia Ramcava; Đảng Liên minh cách mạng Armenia; Đảng dân chủ; Khối Công lý (gồm các Đảng dân chủ, Đảng dân tộc dân chủ, Liên minh dân tộc dân chủ, Đảng nhân dân và Đảng Cộng hoà); Đảng Dân tộc dân chủ (Đảng của Tổng thống); Liên minh dân tộc dân chủ; Đảng Dân tộc phục sinh; Đảng Thống nhất dân tộc; Đảng Nhân dân Armenia; Đảng Cộng hoà…
  • Đảng đối lập: Liên minh Yerkrapah.

Đối ngoại[sửa | sửa mã nguồn]

Armenia thi hành chính sách cân bằng quan hệ với Ngaphương Tây. Ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Armenia là hợp tác khu vực và giải quyết xung đột tại Nagorno-Karabakh với Azerbaijan.

  • Với NgaSNG: Nga và Armenia đã ký Hiệp định quân sự, cho phép Nga tiếp tục sử dụng các căn cứ quân sự từ thời Liên Xô. Tích cực tham gia các hoạt động của khối SNG. Armenia hiện là quan sát viên (từ tháng 4 năm 2003) của cộng đồng kinh tế Âu-Á (EuvAzEC), thành viên của Hiệp ước an ninh tập thể (ODKB) gồm 6 nước Nga, Belarus, Armenia, Tajikistan, Kyrgyzstan, Uzbekistan.
  • Với các nước khác: Armenia chú trọng hợp tác với các nước đang phát triển. Trung Quốc, Ấn ĐộNhật Bản là những đối tác lớn. Ngoài ra, Thái Lan, Indonesia, Malaysia gần đây đang tăng cường quan hệ với Armenia; có quan hệ tốt với IranGruzia nhằm mục đích giải quyết khó khăn về kinh tế và giao thông. Vừa qua, Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Biên bản bình thường hóa quan hệ.

Là thành viên của nhiều Tổ chức quốc tế trong đó có Liên Hiệp Quốc, OSCE, UNESCO, WTO.

Phân chia hành chính[sửa | sửa mã nguồn]

Bản đồ địa giới hành chính Armenia

Armenia được chia thành mười tỉnh và một thành phố thủ đô tương đương cấp tỉnh, gồm:

  1. Aragatsotn
  2. Ararat
  3. Armavir
  4. Gegharkunik
  5. Kotayk
  6. Lori
  7. Shirak
  8. Syunik
  9. Tavush
  10. Vayots Dzor
  11. Yerevan (thủ đô)


Địa lý[sửa | sửa mã nguồn]

Hình vệ tinh phần phía đông Cao nguyên Armenia (ảnh NASA)
Bài chi tiết: Địa lý Armenia

Armenia là một quốc gia nằm kín trong lục địa tại nam Caucasus. Nằm giữa Biển ĐenBiển Caspia, Armenia có biên giới phía bắc và đông với GruziaAzerbaijan, phía nam và phía tây với IranThổ Nhĩ Kỳ. Dù về địa lý nằm ở Tây Á, về chính trị và văn hóa Armenia gần gũi với Châu Âu. Về lịch sử, Armenia từng là ngã tư đường giữa Châu Âu và tây nam Á, và vì thế được coi là một quốc gia liên lục địa.

Bản đồ Armenia

Cộng hoà Armenia, bao phủ diện tích 30 000 kilômét vuông (11.600 dặm vuông), nằm ở đông bắc cao nguyên Armenia (bao phủ diện tích 400 000 km² hay 154.000 dặm vuông), được coi là nước Armenia trong lịch sử và cũng là quê hương của người Armenia.

Đất đai chủ yếu là núi non, với những dòng sông chảy nhanh và một ít rừng. Khí hậu cao nguyên lục địa: mùa hè nóng và mùa đông lạnh. Vùng đất này cao 4095 mét (13.435 ft) trên mực nước biển tại núi Aragats, và không có điểm nào thấp dưới 400 mét (1.312 ft) trên mực nước biển. Núi Ararat, được người Armenia coi là một biểu tượng của quốc gia họ, là núi cao nhất trong vùng và từng là một phần của Armenia cho tới tận khoảng năm 1915, khi nó rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ.

Armenia đang tìm cách giải quyết các vấn đề môi trường của họ. Nước này đã thành lập Bộ Bảo vệ Tự nhiên và đưa ra các sắc thuế về ô nhiễm không khí và nước và chất thải rắn, nguồn thu từ những loại thuế này sẽ được sử dụng cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Armenia rất chú trọng hợp tác với các thành viên khác trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS, một nhóm 11 nước cộng hoà Xô viết trước kia) và với các thành viên cộng đồng thế giới về các vấn đề môi trường. Chính phủ Armenia đang đặt kế hoạch đóng cửa Nhà máy Điện Hạt nhân Medzamor gần Yerevan ngay khi tìm được nguồn năng lượng thay thế thích hợp.

Kinh tế[sửa | sửa mã nguồn]

Bài chi tiết: Kinh tế Armenia

Cho tới khi độc lập, kinh tế Armenia chủ yếu dựa trên công nghiệp với các sản phẩm hóa chất, điện tử, máy móc, thực phẩm chế biến, cao su nhân tạo, và dệt may và dựa nhiều vào các nguồn tài nguyên từ bên ngoài. Nông nghiệp chiếm khoảng 20% sản phẩm thực và 10% nhân công trước khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991. Các sản phẩm mỏ Armenia là đồng, kẽm, vàng, và chì. Đại đa số năng lượng có từ nguồn nhiên liệu nhập khẩu từ Nga, gồm khí đốt và nhiên liệu hạt nhân (với một nhà máy điện hạt nhân); nguồn năng lượng chủ yếu trong nước là thủy điện. Một lượng nhỏ than, khí đốt, và dầu mỏ vẫn chưa được khai thác.

Tương tự như các quốc gia mới độc lập từ Liên bang Xô viết cũ khác, kinh tế Armenia phải đương đầu với di sản của một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và sự tan vỡ của thị trường thương mại Xô viết truyền thống. Đầu tư và hỗ trợ của Xô viết vào ngành công nghiệp Armenia bị mất, vì thế chỉ một ít doanh nghiệp lớn chủ chốt còn hoạt động. Ngoài ra, những hậu quả của trận động đất Spitak năm 1988, giết hại hơn 25.000 người và khiến 500.000 người mất nhà cửa vẫn còn đó. Cuộc xung đột với Azerbaijan về vùng Nagorno-Karabakh vẫn chưa được giải quyết. Sự đóng cửa biên giới với Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến nền kinh tế bị suy sụp, bởi Armenia phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô và năng lượng từ bên ngoài. Những con đường bộ qua Gruzia và Iran không đầy đủ và không đáng tin cậy. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm gần 60% từ năm 1989 tới năm 19921993. Đồng tiền tệ quốc gia, đồng dram, bị siêu lạm phát trong những năm đầu tiên sau khi được đưa vào lưu hành năm 1993.

Tuy thế, chính phủ vẫn đưa ra được những cuộc cải cách kinh tế ở quy mô lớn, làm giảm đáng kể nạn lạm phát và ổn định tăng trưởng. Cuộc ngừng bắn năm 1994 cho cuộc xung đột Nagorno-Karabakh cũng giúp nền kinh tế. Armenia đã đạt tăng trưởng kinh tế mạnh từ năm 1995, một bước ngoặt so với giai đoạn trước đó, và lạm phát đã ở mức chấp nhận được trong những năm tiếp theo. Những lĩnh vực mới, như gia công đá quý và chế tạo đồ kim hoàn, công nghệ thông tincông nghệ viễn thông, và thậm chí cả du lịch đang bắt đầu có đóng góp vào nền kinh tế bên cạnh các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp.

Sự tăng trưởng kinh tế ổn định đã giúp Armenia nhận được thêm sự giúp đỡ từ các định chế quốc tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD), cùng nhiều định chế tài chính quốc tế khác (IFIs) và nước ngoài đã kéo dài thời hạn trả nợ cũng như cung cấp cho nước này nhiều khoản vay lớn. Từ năm 1993 những khoản cho vay từ Hoa Kỳ đã vượt $1.1 tỷ. Những khoản cho vay đó chủ yếu nhắm mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách, ổn định tiền tệ; phát triển doanh nghiệp tư nhân; lĩnh vực năng lượng; nông nghiệp, chế biến thực phẩm, vận tải và sức khỏe cùng giáo dục; và việc tái thiết đang diễn ra tại các vùng đã phải chịu ảnh hưởng trận động đất. Chính phủ đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới ngày 5 tháng 2 năm 2003. Nhưng một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài chính chính là cộng đồng Do Thái Armenia, với những khoản tiền lớn cho việc tái thiết cơ sở hạ tầng và các dự án công cộng. Là một quốc gia dân chủ đang phát triển, Armenia cũng hy vọng có được thêm viện trợ tài chính từ phương Tây.

Một luật tự do đầu tư nước ngoài đã được thông qua tháng 6 năm 1994, và Luật về Tư nhân hóa được thông qua năm 1997, cũng như một chương trình tư nhân hóa các tài sản nhà nước. Tương lai phát triển sẽ phụ thuộc vào khả năng của chính phủ trong việc tăng cường quản lý kinh tế vi mộ, gồm cả tăng nguồn thu, cải thiện môi trường đầu tư, và chiến đấu chống tham nhũng.

Năm 2006 Chỉ số Tự do Kinh tế của Armenia xếp hạng 27, tương đương Nhật Bản và đứng trước các nước như Na Uy, Tây Ban Nha, Bồ Đào NhaItalia. Tuy nhiên, Armenia bị xếp hạng rất thấp về quyền sở hữu, tồi hơn các nước như BotswanaTrinidad và Tobago.[1]

Năm 2005 Chỉ số Minh bạch Tham nhũng Quốc tế xếp hạng Armenia thứ 88, tham nhũng nghiêm trọng.[2]

Nhân khẩu[sửa | sửa mã nguồn]

Bài chi tiết: Nhân khẩu Armenia
Xem: Điều tra dân số Armenia

Armenia có số dân 2.982.904 người (ước tính tháng 7 năm 2005) và là nước có mật độ dân số đứng thứ hai trong số các nước cộng hòa thuộc Liên xô trước đây. Vì mức độ di cư cao sau khi Liên bang Xô viết tan rã, dân số nước này đã sút giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ di cư và sụt giảm dân số đã giảm bớt trong những năm gần đây, một xu hướng được cho là sẽ còn tiếp diễn. Trên thực tế Armenia được cho là sẽ lấy lại mức độ tăng trưởng dân số dương vào năm 2010.

Dân tộc Armenia chiếm 97.9% dân số, người Kurd chiếm 1.3%, và người Nga 0.5%. Cũng có các động đồng Assyria, Gruzia, Hy LạpUkraina nhỏ hơn khác. Đa số người Azerbaijan, từng chiếm một phần quan trọng trong tổng số dân, đã buộc phải rời bỏ nhà cửa từ khi nước này giành lại độc lập và thời kỳ chiếm đóng.

Hầu như tất cả người Armenia tại Azerbaijan (gần 120.000 người) hiện sống tại vùng Nagorno-Karabakh. Armenia đã từng có cộng đồng Do Thái rất lớn (theo một số ước tính lên tới 8 triệu người, vượt xa con số 3 triệu người của toàn bộ dân số nước này hiện nay), với nhiều cộng đồng hiện diện trên khắp thế giới, từ Pháp, Nga, Iran, Liban, tới Bắc Mỹ.

Tu viện GandzasarNagorno Karabakh được hoàn thành vào năm 1238.

Tôn giáo chủ yếu tại Armenia là Kitô giáo. Các gốc rễ của Giáo hội Armenia có từ thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên. Theo truyền thống, Giáo hội Armenia được hai trong số mười hai tông đồ của Chúa Giêsu là ThaddaeusBartholomew thành lập. Họ đã thuyết giảng tại Armenia trong những năm 40 tới 60 Công Nguyên. Nhờ được hai vị tông đồ sáng lập, tên chính thức của Giáo hội Armenia là Giáo hội Tông truyền Armenia. Armenia là nước đầu tiên coi Kitô giáo là quốc giáo vào năm 301 sau Công Nguyên, một năm sau đó giáo hội có Thượng phụ đầu tiên là thánh Grigor Lusavorich. Hơn 93% người Kitô giáo Armenia theo Giáo hội Tông truyền Armenia, một giáo hội Chính thống Cổ Phương đông (phủ nhận Công đồng Chalcedon), đây là một phái thủ cựu, nghi thức, có thể so sánh với Giáo hội Chính thống Coptic ở Ai Cập và Giáo hội Chính thống Syria. Armenia cũng có một số dân theo Công giáo Rôma gồm cả nghi lễ Latin và nghi lễ Đông phương (Armenia), những tín hữu Công giáo nghi lễ Đông phương đó thuộc về Giáo hội Công giáo Armenia có trụ sở đặt tại Bzoummar, Liban. Ngoài ra còn có Giáo hội Tin Lành Armenia, Giáo hội huynh đệ Armenia và nhiều nhóm Kháng Cách khác.

Người Kurds Yazidi sống ở vùng phía tây đất nước, theo Yazidism (Yazdânism). Cũng có một cộng đồng Do Thái ở Armenia giảm xuống chỉ còn khoảng 750 người sau khi độc lập với hầu hết dân di cư tới Israel. Hiện ở Armenia còn hai hội đường Do Thái- ở thủ đô Yerevan và ở thành phố Sevan bên hồ Sevan.

Văn hoá[sửa | sửa mã nguồn]

Dù nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ, Núi Ararat, ở đây nhìn từ Yerevan, là một biểu tượng quốc gia Armenia
Bài chi tiết: Văn hoá Armenia

Người Armenia có bảng chữ cáingôn ngữ riêng biệt và độc đáo. Những chữ cái được Mesrob Mashdots sáng tạo và gồm 36 chữ. 96% dân số trong nước nói tiếng Armenia, tuy 75.8% dân số còn sử dụng các ngôn ngữ khác như tiếng Nga kết quả của chính sách phổ biến tiếng Nga thời Xô viết. Tỷ lệ biết chữ ở người trưởng thành tại Armenia là 99% [4]. Đa số người trưởng thành tại Yerevan có thể sử dụng tiếng Nga, tuy tiếng Anh cũng đang ngày càng phổ biến.

Lòng mến khách của người Armenia đã trở thành truyền thuyết và bắt nguồn từ truyền thống cổ. Những cuộc tụ họp xã hội đều diễn ra quanh những bàn ăn với nhiều món thực phẩm theo mùa xa hoa, chuẩn bị công phu, lần lượt được phục vụ (nhưng không cay). Các vị chủ nhà thường đặt thức ăn trên chiếc đĩa của khách bất kỳ khi nào nó rỗng hay rót đầy cốc khi chúng sắp cạn. Sau một hay hai phần mời mọc, hành động từ chối một cách lịch thiệp hay, đơn giản hơn, chỉ cần để lại một miếng nhỏ thức ăn, là có thể chấp nhận được. Các loại rượu như cognac, vodka, và rượu vvang đỏ thường được dùng tại các bữa tiệc và những dịp hội họp. Hiếm khi hay không bao giờ một người khách vào trong một ngôi nhà người Armenia mà không được mời cà phê, bánh nướng, thức ăn, hay thậm chí là nước.

Những lễ cưới thường khá cầu kỳ và vương giả. Quá trình cưới hỏi bắt đầu khi người nam và nữ "hứa hôn". Người lớn tuổi phía người nam (Bố mẹ, ông bà, và thường cả Cô và Bác) sang nhà người nữ để xin phép cha cô cho mối quan hệ được tiếp tục và hy vọng một tương lai tươi sáng. Khi cha cô gái đã cho phép, người nam trao cho nữ một "nhẫn hứa hôn" để chính thức hóa công việc. Để kỷ niệm sự đồng thuận của hai gia đình, gia đình người nữ mở một chai cognac Armenia. Sau khi đã hứa hôn, đa số các gia đình đều tổ chức một buổi tiệc hứa hôn khá lớn. Gia đình nhà gái là bên sắp đặt kế hoạch, tổ chức và chi trả chi phí. Gia đình nam rất ít tham dự vào việc này. Trong buổi tiệc, một linh mục được mời tới để cầu nguyện và chúc phúc cho họ. Khi những lời cầu nguyện kết thúc, hai người quấn những dải băng hôn lễ lên tay phải của nhau (nhẫn bị tháo khỏi tay phải khi buổi lễ kết hôn chính thức được nhà thờ Armenia tổ chức). Khoảng thời gian chờ đợi lễ cưới chính thức theo thông lệ là một năm. Không giống như trong các nền văn hóa khác, người nam và gia đình mình không phải trả chi phí buổi lễ. Quá trình sắp đặt kế hoạch và tổ chức thường do nhà gái đảm nhiệm, chú rể chỉ cần tới hiện diện.

Phòng tranh Nghệ thuật Quốc gia tại Yerevan có hơn 16.000 tác phẩm bắt đầu từ Thời Trung Cổ. Nơi đây cũng lưu giữ nhiều tác phẩm của các bậc thầy Châu Âu. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, Phòng tranh Trẻ em, và Bảo tàng Martiros Saryan chỉ là một trong những nơi sở hữu nhiều bộ sưu tập nghệ thuật có giá trị đang trưng bày tại Yerevan. Hơn nữa, nhiều phòng tranh tư nhân cũng đang hoạt động, nhiều phòng khác được khai trương hàng năm. Nơi đây thường tổ chức các cuộc triển lãm và bán trah.

Dàn nhạc Giao hưởng Armenia ở mức trình độ quốc tế thường biểu diễn tại Nhà hát thành phố đã được sửa chữa rất đẹp. Ngoài ra, nhiều nhóm trình diễn khác cũng được đánh giá rất cao về trình độ nhạc sĩ, như Nhà hát Giao hưởng Quốc gia ArmeniaDàn nhạc Giao hưởng Serenade. Âm nhạc cổ điển được biểu diễn tại nhiều thính phòng nhỏ hơn, gồm Trường nhạc Quốc gia và Phòng giao hưởng. Nhạc Jazz khá phổ thông, đặc biệt vào mùa hè khi các buổi trình diễn trực tiếp thường được tổ chức tại nhiều quán café ngoài trời trong thành phố.

Vernisage tại Yerevan (thị trường nghệ thuật và thủ công), gần Quảng trường Cộng hoà, luôn rộn rã với hàng trăm người bán các mặt hàng thủ công, nhiều tác phẩm thực sự khéo léo, vào những ngày cuối tuần và thứ tư. Nơi đây có bán đồ khắc gỗ, đồ cổ, đăng ten, và những tấm thảm dệt tay cùng kilim là một đặc sản vùng Caucasus. Đá Obsidian, có tại địa phương, được khảm vào nhiều đồ trang trí và trang sức. Nghề kim hoàn Armenia có một truyền thống lâu dài và riêng biệt, một khu vực riêng trong chợ được dành cho những bộ sưu tập đồ vàng. Những kỷ vật thời Xô viết và đồ lưu niệm sản xuất gần đây tại Nga như con materiosca (búp bê gỗ) đồng hồ, hộp men và nhiều thứ khác, cũng hiện diện tại Vernisage.

Phía bên kia Nhà hát thành phố là một khu chợ nghệ thuật đông người khác, họp vào dịp cuối tuần. Lịch sử lâu dài của Armenia trên ngã tư đường của các đế chế cổ đại khiến nơi đây trở thành địa điểm tuyệt vời để khám phá những đồ khảo cổ. Các di chỉ khảo cổ Thời Trung Cổ, Thời đồ sắt, Thời đồ đồng và thậm chí Thời đồ đá chỉ cách thành phố vài giờ đi xe. Đa số chúng vẫn ở tình trạng chưa được khám phá, mang lại cho du khách cơ hội tham quan những nhờ thờ, những pháo đài hãy còn ở tình trạng nguyên bản.

Đại học Mỹ tại Armenia cung cấp nhiều khóa về Kinh doanh và Luật. Đại học này được thành lập nhờ những nỗ lực của cả Chính phủ Mỹ, Liên minh Từ thiện Armenia, USAID, và Khoa Luật Boalt tại Đại học California, Berkeley.

Các chương trình mở rộng và tủ sách tại AUA trở thành một địa chỉ mới cho giới trí thức thành phố. Nhiều doanh nhân trẻ thành đạt tại Armenia từng tốt nghiệp từ trường này.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Các chủ đề khác[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

Bản mẫu:Tây nam Á