Chủ nghĩa cộng sản

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
Chủ nghĩa cộng sản
Hammer and sickle.svg

Lịch sử chủ nghĩa Cộng sản


Các trường phái Cộng sản
Chủ nghĩa Marx · Chủ nghĩa Lenin
Chủ nghĩa Stalin · Chủ nghĩa Trotsky


Đảng cộng sản
Đệ nhất Quốc tế
Đệ nhị Quốc tế
Đệ tam Quốc tế
Đệ tứ Quốc tế
Phong trào Cộng sản Thế giới
Cách mạng cộng sản
Cách mạng thế giới


Các nhà nước cộng sản
Liên Xô
Trung Quốc
Cuba · Việt Nam
Lào · Triều Tiên


Các chủ đề liên quan
Chủ nghĩa Xã hội
Chủ nghĩa Xã hội Dân chủ
Chủ nghĩa Xã hội Thị trường
Kinh tế kế hoạch hóa tập trung
Chủ nghĩa Marx-Lenin
Chủ nghĩa Mao
Chủ nghĩa Cộng sản Tây Âu
Chủ nghĩa Cộng sản cánh tả
Dân chủ xã hội
Cánh tả
Chủ nghĩa cộng sản vô chính phủ
Chủ nghĩa chống Cộng

xem
Bài này nói về chủ nghĩa cộng sản như một hình thái xã hội và như một phong trào chính trị. Xin xem bài hệ thống xã hội chủ nghĩa, đảng cộng sảnchủ nghĩa xã hội để tìm hiểu thêm.

Chủ nghĩa cộng sản (gốc tiếng Latin: commūnis - chung), là một cấu trúc kinh tế xã hộihệ tư tưởng chính trị ủng hộ việc thiết lập một xã hội phi nhà nước, không giai cấp, bình đẳng, dựa trên sự sở hữu chung và điều khiển chung đối với các phương tiện sản xuất và tài sản nói chung.[1][2][3] Karl Marx cho rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ là giai đoạn cuối cùng của xã hội loài người, đạt được qua một cuộc cách mạng vô sản. "Chủ nghĩa cộng sản thuần túy" theo thuyết của Marx nói đến một xã hội không có giai cấp, không có nhà nước và không có áp bức, mà trong đó các quyết định về việc sản xuất cái gì và theo đuổi những chính sách gì được lựa chọn một cách dân chủ, cho phép mọi thành viên của xã hội tham gia vào quá trình quyết định ở cả hai mặt chính trị và kinh tế. Việc sản xuất và phân phối của cải được tiến hành công bằng giữa các công dân.

Trong vai trò một hệ tư tưởng chính trị, chủ nghĩa cộng sản thường được xem là một nhánh chính của chủ nghĩa xã hội; một nhóm lớn học thuyết triết học về chính trị và kinh tế được rút ra từ nhiều phong trào chính trị và tri thức với nguồn gốc từ các tác phẩm của các nhà lý thuyết của Cách mạng Công nghiệpCách mạng Pháp.[4] Nhánh kia là các đảng Dân chủ xã hội hiện có nhiều ảnh hưởng tại Tây Âu và Bắc Âu. Do cùng chia sẻ học thuyết Marx, các đảng cộng sản và Dân chủ xã hội thường có quan hệ đồng minh với nhau thành một lực lượng chung được gọi là cánh tả.

Chủ nghĩa cộng sản cố gắng đưa ra một giải pháp khác cho các vấn đề của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và di sản của chủ nghĩa đế quốcchủ nghĩa dân tộc. Marx khẳng định rằng cách duy nhất để giải quyết các vấn đề này là tầng lớp lao động (vô sản), những người mà theo Marx là lực lượng chính tạo ra của cải vật chất trong xã hội và là những người bị tầng lớp tư bản (tư sản) bóc lột, đứng lên làm tầng lớp cầm quyền thay cho giới tư bản để thiết lập một xã hội tự do, không phân biệt giai cấp hay chủng tộc.[2] Những hình thức nổi bật của chủ nghĩa cộng sản, chẳng hạn như Chủ nghĩa Lenin, Chủ nghĩa Stalin, Chủ nghĩa MaoChủ nghĩa Trosky, đều có nền tảng là Chủ nghĩa Marx. Tuy nhiên, chủ nghĩa cộng sản cũng có những phiên bản khác không liên quan đến chủ nghĩa Marx, chẳng hạn Chủ nghĩa cộng sản Thiên chúa giáoChủ nghĩa cộng sản vô chính phủ (anarcho-communism).

Karl Marx chưa bao giờ miêu tả chi tiết về việc chủ nghĩa cộng sản sẽ vận hành như thế nào trong vai trò một hệ thống kinh tế, nhưng người ta hiểu rằng một nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa sẽ bao gồm sự sở hữu toàn dân đối với các tư liệu sản xuất, đưa đến sự phủ nhận khái niệm về quyền tư hữu tư bản đối với các tài nguyên và nhân lực, cái được coi là tư liệu sản xuất trong thuật ngữ của chủ nghĩa Marx. Khác với chủ nghĩa xã hội - một chủ thuyết (ở một số trường phái) tương thích với kinh tế thị trường, một nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa được lập kế hoạch một cách dân chủ ở mức địa phương hoặc cộng đồng.[cần dẫn nguồn]

Chủ nghĩa Marx- Lenin là một hình thái của chủ nghĩa cộng sản, bên cạnh đó nhiều người phân tích các hình thái của chủ nghĩa cộng sản bao gồm chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa Lenin, chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Mao, chủ nghĩa Trotsky, chủ nghĩa Tito, chủ nghĩa Castro, học thuyết Đặng Tiểu Bình, học thuyết chủ thể (Kim Nhật Thành), chủ nghĩa cộng sản Thiên chúa giáo, chủ nghĩa cộng sản vô chính phủ... Các khái niệm như Chủ nghĩa Bolshevik cũng được nhắc đến.

Thuật ngữ[sửa | sửa mã nguồn]

Thuật ngữ “chủ nghĩa cộng sản” được dịch từ các thứ tiếng phương Tây (communism (Anh), communisme (Pháp), Kommunismus (Đức), коммунизм (Nga). Các thuật ngữ này không hề có từ “sản” mà chỉ gần gũi với từ “chung” (common), “cộng đồng” (community). Không phải ngẫu nhiên mà một tác giả đã giải thích: “communism = common + ism”. Việc dịch thuật ngữ này thành “chủ nghĩa cộng sản” là sai cả về ngữ nghĩa và thực chất của khái niệm. Communism nếu dịch chính xác phải là “chủ nghĩa cộng đồng”, chứ không thể là “chủ nghĩa cộng sản” được. Từ “chủ nghĩa cộng sản” tạo ra một ấn tượng sai lầm rằng xã hội tương lai mà chúng ta phấn đấu xây dựng phải là một xã hội mà mọi tài sản đều là của chung. Mặc dù, sau này, người ta đã cải chính rằng không phải mọi tài sản mà chỉ có tư liệu sản xuất là của chung, nhưng như vậy cũng không phản ánh được thực chất của chủ nghĩa cộng sản. Khái niệm “communism” phản ánh mục đích phấn đấu là cộng đồng xã hội, ưu tiên của cộng đồng xã hội so với cá nhân; còn tư liệu sản xuất chung chỉ là con đường để thực hiện mục đích, chứ không phải là mục đích.[5]

Lịch sử phát triển[sửa | sửa mã nguồn]

Ra đời trong lòng chủ nghĩa tư bản và cách mạng kỹ nghệ thế kỷ XIX, chủ nghĩa cộng sản có một sức hấp dẫn đối với các tầng lớp dưới trong xã hội và cả những người nhân đạo. Phong trào công nhân có sự phát triển mạnh mẽ buộc chủ nghĩa tư bản phải cải cách để tồn tại. Sự phân hóa trong hàng ngũ những người theo chủ nghĩa Marx dẫn đến sự tan vỡ của Đệ nhất và sau đó là Đệ nhị quốc tế. Xuất phát từ hoàn cảnh của xã hội Nga, Lenin bổ sung lý luận của Marx, tuyên truyền rộng rãi chủ nghĩa cộng sản vào phương Đông. Nhiều đảng cộng sản tham gia các phong trào giải phóng dân tộc gắn với lý tưởng cộng sản, chống phong kiến, địa chủ, tư sản, đưa ra các chính sách cải cách ruộng đất, quốc hữu hóa tài nguyên thiên nhiên, nhà máy công xưởng.

Phong trào theo Marx bị chia tách hai lần lớn là sự tan vỡ của Quốc tế I, sau đó là Quốc tế II, dẫn đến thành lập Quốc tế III (theo chủ nghĩa cộng sản), sau đó chia rẽ bởi xuất hiện Quốc tế IV. Bản thân phong trào Quốc tế III sau cũng bị chia rẽ, một số theo Mao, một số lựa chọn khác như Nam Tư,... Các lý thuyết xã hội chủ nghĩa kiểu Mỹ latinh hay châu Phi, Lybia... không chịu ảnh hưởng của Marx.

Sau đại chiến thế giới lần thứ hai hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa (các nước phương Tây gọi là các nước cộng sản) hình thành. Phong trào cộng sản lan rộng ra cả Mỹ Latin, châu Phi... Nhiều đảng chịu ảnh hưởng của Stalin hay Mao Trạch Đông (không kể các đảng của nhóm Đệ Tứ). Trong khi đó nhiều đảng (phần lớn ở phương Tây) bị xem là theo chủ nghĩa xét lại. Tuy nhiên sự phân hóa lớn nhất giữa những người cộng sản (Đệ Tam) là những người theo Liên Xô và những người theo Trung Quốc. Tình trạng này tồn tại cho đến khi Liên Xô sụp đổ. Sau khi Liên Xô sụp đổ, nhiều đảng cộng sản trên thế giới giải tán, phần lớn những người cộng sản cũ thành lập các đảng dân chủ xã hội, một số đảng viên cũ gia nhập các đảng tự do, bảo thủ hay dân chủ Thiên chúa giáo hoặc các nhóm hệ tư tưởng khác. Một số kiên định theo chủ nghĩa cộng sản nhưng đường lối hoạt động không khác mấy với các đảng dân chủ xã hội, đấu tranh nghị trường. Do ảnh hưởng của định kiến với các chế độ của Liên XôĐông Âu trước đây, đa phần các đảng cộng sản ở các nước này chỉ thu được một lượng nhỏ cử tri ủng hộ trong các cuộc bầu cử. Tuy nhiên một số đảng cộng sản do khai thác bất mãn của dân chúng đối với các chính sách kinh tế tự do gây bất bình đẳng xã hội, trở lại cầm quyền dù chỉ áp dụng rất ít các lý thuyết cộng sản ban đầu. Nhiều đảng gắn với các tổ chức công đoàn, đấu tranh bảo vệ quyền lợi công nhân, đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, bình đẳng giới.v.v. Nhiều phong trào du kích cộng sản cũng tan vỡ, hoặc hòa giải chính quyền và có địa vị hợp pháp. Một số quốc gia có Đảng Cộng sản cầm quyền điều chỉnh các chính sách kinh tế xã hội, tiếp tục nắm độc quyền lãnh đạo. Nhiều Đảng Cộng sản và phong trào cánh tả khác thì lại đang manh nha phát triển tại những khu vực mới như Nam Mỹ.

Về cơ bản hầu hết các nhà lý luận đều đánh giá chủ nghĩa Marx có mục đích mang tính nhân đạo, hướng đến phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân. Nhiều nhà lý luận đánh giá cao Lenin có đóng góp cho phong trào đấu tranh giải phong dân tộc, chống phong kiến...Luận cương về các vấn đề dân tộc thuộc địa của Lênin phản đối chủ nghĩa dân tộc ích kỷ của tư sản, tuy nhiên khẳng định cách mạng dân tộc ở các thuộc địa chỉ thành công khi có sự thành công ở cách mạng chính quốc, và có thể bỏ qua tư bản chủ nghĩa để tiến lên xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa khi có sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến (gần giống luận điểm của Ăngghen khi cho các nước lạc hậu có thể cải tạo các quan hệ sản xuất lạc hậu tồn tại để rút ngắn con đường lên xã hội chủ nghĩa với điều kiện chủ nghĩa xã hội được xây dựng thành công ở các nước phát triển) có ảnh hưởng đến phong trào giải phóng dân tộc ở một số nước, và mở đường cho nhiều đảng cộng sản hình thành ở phương Đông đấu tranh chống đế quốc phong kiến, nơi quan hệ sản xuất tư bản còn yếu, tuy nhiên nó cũng dẫn đến một số hệ lụy sau này khi bỏ qua tư bản chủ nghĩa để tiến lên xã hội chủ nghĩa như một số nước đã làm, khi không có sự giúp đỡ cần thiết từ bên ngoài như Luận cương chỉ ra, hay phải áp dụng kinh tế thị trường nhưng bị lệ thuộc vào các nước mà chủ nghĩa xã hội chưa được xây dựng. Tuy nhiên không ít người có quan điểm khác với chủ nghĩa cộng sản. Họ cho rằng chủ nghĩa duy vật biện chứng không thể giải thích được hay giải thích đúng, chủ nghĩa duy vật lịch sử không giải thích đúng mọi hiện tượng lịch sử. Họ không đánh đồng giai cấp công nhân là "vô sản" (vô sản có thể được hiểu là tất cả những người lao động, không có tư liệu sản xuất, kể cả người thất nghiệp, lẫn nông dân không đất), hay họ đánh giá cao vai trò của tư sản trong tạo lập giá trị thặng dư, họ phản đối cách thức cải tạo chủ nghĩa xã hội (từ kinh tế tư bản hay phong kiến) của những người cộng sản. Họ phản đối công hữu, hay cách thức quản lý tài sản công, phân phối theo lý thuyết cộng sản, đánh giá cao kinh tế tư bản. Một số bác bỏ nhà nước một đảng cộng sản, cơ chế "tập trung dân chủ". Một số bác bỏ cách mạng dù là lật đổ phong kiến hay tư bản, hay cách thức đấu tranh giành độc lập. Một số bác bỏ phân biệt và xóa bỏ giai cấp, hay phủ nhận một đảng đại diện giai cấp, phủ nhận giai cấp nắm quyền. Một số bác bỏ xây dựng văn hóa mới có tính cách mạng (thường được gọi là văn hóa xã hội chủ nghĩa) hay xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, đạo đức xã hội chủ nghĩa của những người cộng sản. Các lý thuyết này có khi được những người cộng sản xem là phản động, hay xét lại, phản bội lợi ích giai cấp công nhân, đầu hàng giai cấp tư sản, hay cực đoan, manh động, vô chính phủ, phản khoa học, hay ủng hộ chủ nghĩa đế quốc, thực dân, phong kiến, chủ nghĩa đế quốc kinh tế, ủng hộ chủ nghĩa tư bản bóc lột, "phát xít", "thần quyền", "dân túy"...

Sự suy yếu của chủ nghĩa cộng sản cuối thế kỷ XX do những nguyên nhân chính:

  • Hạn chế không thể điều chỉnh hiệu quả trong hệ thống chính trị và kinh tế theo mô hình truyền thống, ở nhiều nước tầng lớp "trí thức xã hội chủ nghĩa" (không được hiểu giai cấp tiểu tư sản) phai nhạt lý tưởng, xa rời quần chúng công nông
  • Sự chia rẽ trong phong trào cộng sản thành nhiều xu hướng khác nhau, thậm chí rất xung khắc nhau, có khi quá tả hoặc quá hữu
  • Sự chia rẽ trong phong trào công nhân, do có rất nhiều hệ tư tưởng cánh tả nối tiếp nhau ra đời tranh thủ lực lượng, bên cạnh đó sự biến đổi của chủ nghĩa tư bản khiến mâu thuẫn giai cấp suy yếu ở nhiều nơi thậm chí có khi một số bộ phận giai cấp vô sản quay sang ủng hộ cánh hữu hay vấn đề giai cấp không phải là vấn đề trọng tâm chính trị, do đó các cuộc cách mạng vô sản đã không thể diễn ra
  • Sự phản ứng quyết liệt của các lực lượng chống đối như ủng hộ cho quân chủ, hay tư sản, hay dân chủ đại nghị, hoặc các nhóm tôn giáo,...Do đặt ra các mục tiêu quá lớn và quyết liệt, giải quyết trong một thời gian ngắn vượt quá khả năng của họ. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ở nhiều nước vẫn tỏ ra có hiệu quả giúp cho cánh hữu có được sự ủng hộ đáng kể.
  • Mục tiêu đoàn kết quốc tế vô sản đã không thể thực hiện một cách hiệu quả, do ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc hay tôn giáo... Giai cấp vô sản nhiều nơi gắn bó với lợi ích dân tộc hơn là đoàn kết với giai cấp vô sản bên ngoài, bị lôi kéo tinh thần dân tộc theo hướng do các thế lực tư sản kích động
  • Chủ nghĩa cá nhân và lợi ích cá nhân ảnh hưởng chung đến đoàn kết giai cấp, thậm chí ảnh hưởng đến xây dựng một xã hội kiểu mới mà những người cộng sản đặt ra mục tiêu
  • Giai cấp vô sản ở nhiều nước giành chính quyền trước giành quyền với tư liệu sản xuất, tức tin vào ý thức quyết định vật chất[cần dẫn nguồn]

Nội dung cơ bản[sửa | sửa mã nguồn]

Chủ nghĩa cộng sản là một khái niệm rộng cần phải được hiểu như một tổng hợp các lý luận (chính trị, kinh tế, xã hội), tư tưởng, tâm lý và thực tế thể hiện, các hình thức tồn tại... của một phong trào xã hội rộng lớn - bắt đầu từ thế kỷ 19, nở rộ và bắt đầu suy tàn trong thế kỷ 20 - nhằm xóa bỏ hình thái kinh tế-xã hội của chủ nghĩa tư bản để xây dựng một xã hội không giai cấp, không có quyền tư hữu đối với tư liệu sản xuất. Trong đó mọi người là bình đẳng, không có hiện tượng "người bóc lột người" và tiến tới xóa bỏ nhà nước trong một tương lai "thế giới đại đồng" khi người với người là bạn, thương yêu lẫn nhau và tại đó năng suất lao động tăng lên rất cao, của cải làm ra đồi dào tới mức phân phối của cải theo nguyên tắc: "Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu". Trong xã hội cộng sản, con người được tự do toàn diện (kể cả tự do tình dục) nhưng trên cơ sở của sự nhận thức cao, và trên cơ sở của sự ràng buộc vào tư liệu sản xuất chung để bảo toàn lợi ích chung (về điểm này giống với một số nhánh lý thuyết vô chính phủ và chủ nghĩa tự do), và công bằng xã hội, lối sống cộng đồng hài hòa, chứ không phải tự do mà không tính đến các yếu tố công bằng và sự tổn hại lợi ích xã hội (tức sự tự do của người nọ tổn hại đến người kia).[cần dẫn nguồn]

Theo như lý luận của các nhà kinh điển của chủ nghĩa này thì chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản. Thuật ngữ này được nêu ra lần đầu tiên bởi Lê-nin, là giai đoạn chuyển tiếp đi lên chủ nghĩa cộng sản mà ở đó vẫn còn nhà nước để lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Tại đó vẫn tồn tại đan xen các nhân tố, hình thức sở hữu của chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa cộng sản[cần dẫn nguồn], nguyên tắc phân phối của cải trong chủ nghĩa xã hội là "Làm theo năng lực, hưởng theo lao động".[cần dẫn nguồn]. Làm theo năng lực có nghĩa là được làm đúng với khả năng, và được hưởng theo đúng đóng góp cho xã hội (trong hoàn cảnh còn có sự chênh lệch về khả năng và dân trí nên bất bình đẳng về của cải là tất yếu), sự bất bình đẳng của cải sẽ được xóa bỏ khi lực lượng sản xuất phát triển cao xóa bỏ ranh giới lao động trí óc- chân tay, chênh lệch kỹ năng, xã hội phát triển đến độ thỏa mãn mọi nhu cầu, và đạt được công bằng về của cải trong xã hội cộng sản. Nguyên tắc này khắc phục nạn thất nghiệp, tuy nhiên cũng bị phe tư bản phê phán là "cưỡng bức lao động", khi chối bỏ hưởng thụ không theo lao động (trừ những người không thể lao động). Trong một xã hội còn đa dạng các mô hình kinh tế - xã hội như hiện nay và kinh tế thị trường thắng thế, tình trạng bất công trong lao động và hưởng thụ, cũng như sự co giãn về thu nhập do bị chi phối của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ và bàn tay thị trường tùy tiện, thì các nguyên tắc này trên thực tế là rất khó thực hiện nhất là nguyên tắc "hưởng theo lao động", hay bộ máy quan liêu phân bổ lao động, can thiệp quá đáng vào kinh tế thì "làm theo năng lực" cũng rất khó thực hiện. Nguyên tắc xã hội chủ nghĩa cũng có nghĩa là xây dựng con người có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng trên tình thân ái, giúp đỡ lẫn nhau, với tư liệu sản xuất chung, chứ không phải là đối lập lợi ích, sự giàu có của người này là sự nghèo khó của người khác như xã hội tư bản hay các xã hội trước đó, trái ngược với nguyên tắc tư bản là mọi người đều có thể chạy theo lợi ích cá nhân, bỏ vốn thu lời miễn là không tổn hại tới người khác (khi không có tự do thỏa thuận theo pháp luật).[cần dẫn nguồn]

Một ví dụ để minh họa bất bình đẳng trong nền kinh tế hàng hóa: các sản phẩm văn hóa chạy theo số đông (mà đa số là tầng lớp dưới tiêu thụ) cho dù giá trị xã hội (được tính giá trị thặng dư về vật chất hoặc tinh thần) được đánh giá là thấp thì vẫn có khả năng thu lợi nhuận cao hơn sản phẩm văn hóa có giá trị xã hội cao hơn. Một ví dụ khác, gái mại dâm, bỏ "vốn trời cho" (không được tính là tư bản theo nghĩa là vốn đổi thành tư liệu sản xuất, có thể quy bằng vật chất) để đem lại lợi ích kinh tế cho bản thân, tuy bỏ "vốn" (biến thành hàng hóa) nhưng họ không được tính là tư sản hay tiểu tư sản, và không hề lao động đem lại giá trị xã hội (vật chất hoặc tinh thần), do đó được tính vào giai cấp vô sản, nhưng là vô sản ăn bám (không đem lại lợi ích xã hội) nhưng lại có thể có thu nhập rất cao, theo quy luật cung -cầu mang tính tự nhiên của kinh tế hàng hoá thị trường, thậm chí có thể cao hơn rất nhiều so với nhiều người nông dân bỏ nhiều sức lao động và chất xám, nhưng thành quả lao động không tương xứng giá trị thặng dư do bị lệ thuộc vào thị trường mà hàng hóa không thể đem lại giá trị (bằng tiền) hoặc lợi nhuận cao, hoặc bị giới tư bản ăn chặn trong nền kinh tế hàng hóa trong quá trình lưu thông hàng hóa ra thị trường (tức bị bóc lột). Để giải quyết dứt điểm nạn mại dâm, người bán dâm bị lệ thuộc vào kinh tế hàng hóa, do đó phải giải quyết dứt điểm vấn nạn thất nghiệp (mà chủ nghĩa tư bản không thể giải quyết), và tự do tình dục (tình dục không có khả năng trở thành hàng hóa), một yếu tố trong lý thuyết tự do tuyệt đối, cái mà những người cộng sản (và vô chính phủ) nguyên thủy cố gắng giải quyết.[cần dẫn nguồn]

Ý tưởng ban đầu của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa nhân đạo, là phương tiện để giải phóng con người và xã hội. Vì lý tưởng nhân đạo của nó, chủ nghĩa này đã thu hút được sự chú ý của các tầng lớp quần chúng của thế giới trong thế kỷ 20, tạo nên một phong trào xã hội to lớn mà cuộc đấu tranh của nó là một nhân tố chủ đạo trong lịch sử loài người trong thế kỷ 20.[cần dẫn nguồn]. Tuy vậy, xã hội cộng sản chủ nghĩa không còn nhà nước, quân đội, tư hữu, giai cấp, tôn giáo, xóa bỏ các mâu thuẫn sắc tộc đến nay vẫn chỉ là lý tưởng đẹp, chưa trở thành hiện thực.[cần dẫn nguồn]

Cuộc đấu tranh giữa hai hình thái "tư bản" và "chủ nghĩa xã hội" là cuộc đấu tranh khốc liệt của nhân loại trong thế kỷ 20. Ban đầu vì sự mới mẻ của ý tưởng và vì những yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật đặc trưng của thời kỳ đó mà chủ nghĩa xã hội đã thắng thế trên phạm vi lớn trên toàn cầu. Cuộc đấu tranh của hai phe là nguyên nhân chính của các sự kiện trên thế giới. Trong quá trình phát triển của mình, chủ nghĩa tư bản đã thích nghi được với những thách thức của thời đại và đã vượt lên được đối thủ và hiện đang giành được ưu thế trên thế giới.[cần dẫn nguồn]. Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, sự xuất hiện của các phong trào Cộng sản đã tạo áp lực buộc các quốc gia Tư bản phải có các biện pháp tự điều chỉnh để giảm bớt đối kháng xã hội như tăng lương, giảm giờ làm, mở rộng an sinh xã hội, công hữu hóa một số lĩnh vực kinh tế... Do vậy có thể nói chính chủ nghĩa xã hội đã tác động lại, thay đổi tự bản thân chủ nghĩa tư bản, dung hòa một phần các yếu tố tiến bộ của chủ nghĩa xã hội vào trong lòng nó.

Một trong những minh chứng cho thấy sự dung hòa của 2 lực lượng này là quá trình tư hữu hóa tư liệu sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa đa dạng ở một loạt các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả các quốc gia theo chủ nghĩa xã hội. Ngược lại, ở các quốc gia tư bản cũng xuất hiện một số hình thức công hữu, như các công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công cộng. Đặc biệt là sự phát triển của hình thức công ty cổ phần tại các nước tư bản, mà theo Mác nhận xét: "Trong công ty cổ phần, chức năng đã tách khỏi quyền sở hữu tư bản, lao động cũng đã hoàn toàn tách khỏi quyền sở hữu tư liệu sản xuất và quyền sở hữu lao động thặng dư. Kết quả sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển đến cực độ là điểm quá độ phải trải qua, đề tư bản lại chuyển hoá thành sở hữu của người sản xuất, song lúc đó nó không còn là tài sản tư hữu của từng người sản xuất riêng lẻ, mà là tài sản chung của những người cùng sản xuất, là tài sản xã hội trực tiếp". [6]. Nói ngắn gọn, Công ty cổ phần ra đời khiến sự phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa đã xuất hiện nhân tố xã hội chủ nghĩa.

Đặc điểm khác biệt của chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa xã hội chỉ đạt mục đích tư liệu sản xuất thuộc về toàn dân thông qua Nhà nước quản lý, (hay hình thức sở hữu tập thể, hợp tác, công xã hoặc sở hữu xã hội hóa - quản lý kiểu vô chính phủ), còn không hướng đến sự xóa bỏ Nhà nước, xóa các giai cấp, và hưởng theo lao động trong khi đó mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản là xóa bỏ Nhà nước, biên giới, giai cấp, tôn giáo, hưởng theo nhu cầu tức quân bình hưởng thụ và trả bằng hiện vật. Chủ nghĩa Marx- Lenin là một trường phái của chủ nghĩa cộng sản với mục tiêu hướng đến chủ nghĩa cộng sản, thường được xem là do Stalin đặt ra (những người Đệ tứ lại cho Stalin không theo chủ nghĩa Marx-Lenin). Những người cộng sản Thiên Chúa giáo không chịu ảnh hưởng của Marx vì họ không dựa trên nền tảng của chủ nghĩa duy vật, vô thần.[cần dẫn nguồn] Các đảng cộng sản ở phương Tây ngày nay vẫn có lập trường tiến đến chủ nghĩa cộng sản, nhưng tham gia nền dân chủ đại nghị, giành quyền qua các cuộc tổng tuyển cử, không sử dụng các biện pháp cách mạng và xây dựng nhà nước nhất nguyên chính trị. Các đảng Dân chủ xã hội Tây Âu (là các đảng tách ra phong trào cộng sản - khi đó được gọi là phong trào xã hội chủ nghĩa - từ Quốc tế II, từ công nhận phần lớn lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản nhưng không ủng hộ biện pháp cách mạng, đến chỗ chịu ảnh hưởng rất ít hoặc không) mà nhiều đảng trong số đó đã và đang nắm quyền tại nhiều nước Tây Âu (tiêu biểu như Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch...).

Trên thực tế thế kỷ XIX có rất nhiều phong trào và hệ tư tưởng hướng đến bảo vệ lợi ích giai cấp vô sản. Các trường phái chính bao gồm chủ nghĩa xã hội nhà nước (tin vào nhà nước điều hành), chủ nghĩa xã hội tự do cá nhân (tin vào cộng đồng, bác bỏ nhà nước), chủ nghĩa xã hội dân chủ (thực chất cũng là chủ nghĩa xã hội nhà nước, nhưng tiệm tiến, không thông qua cách mạng mà đấu tranh nghị trường, chấp nhận thị trường, và cố gắng điều hành một cách "dân chủ", chấp nhận phần nào kinh tế cá thể), chủ nghĩa xã hội duy tâm (tin vào lòng tốt của người giàu),...[cần dẫn nguồn]

Những người theo Marx bác bỏ chủ nghĩa xã hội duy tâm cho là không tưởng, chủ nghĩa xã hội tự do cá nhân xem là không khoa học, tả khuynh, không tính trình độ và ý thức giai cấp, và chủ nghĩa xã hội dân chủ (thực chất là dân chủ xã hội) xem là cơ hội, không thể tiến đến xã hội chủ nghĩa đúng nghĩa. Những sự rạn nứt quanh tranh cãi về vai trò Nhà nước là nguyên nhân chính dẫn đến sự tan vỡ Quốc tế I, sau thất bại của Công xã Paris. Phong trào xét lại sau này không tin vào quân bình hưởng thụ đạt được trong xã hội cộng sản (mà Gracchus Babeuf hay được xem là khởi xướng, nhưng Marx là người đầu tiên trình bày một cách khoa học) trong khi sự tin tưởng phần nào vào thị trường bị các phái phi thị trường bác bỏ, vì trong cơ chế thị trường không thể có hưởng thụ theo lao động và phá vỡ tính đoàn kết giai cấp.[cần dẫn nguồn]

Theo phương pháp luận của Marx (duy vật lịch sử) thì khi xóa bỏ giai cấp và tư hữu, thì Nhà nước tự diệt vong, vì cơ sở tồn tại của nó là tư hữu và giai cấp không còn nữa. Lúc đó chế độ cộng sản được xây dựng dựa trên nền tảng sở hữu cộng sản và làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Lenin cũng cho rằng nhà nước là sản phẩm của xã hội có giai cấp, và khi tồn tại phương thức sản xuất bóc lột nó bảo vệ lợi ích giai cấp bóc lột (theo công thức vật chất quyết định ý thức, kinh tế quyết định chính trị), không thế có nhà nước siêu giai cấp như nhiều chính trị gia tư sản, xét lại khẳng định (kiểu Nhà nước của dân, do dân và vì dân của chủ nghĩa duy tâm,.v.v), do đó cần phải xóa nhà nước khi xã hội tiến lên cộng sản.[cần dẫn nguồn] Nhiều nhà khoa học khác thì cho rằng xã hội cộng sản chỉ tồn tại trong giai đoạn nguyên thủy, và cho phương pháp luận của Marx là "sai lầm", rằng văn minh loài người không thể tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Họ là những người theo chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa thực chứng, thực nghiệm, chủ nghĩa duy lý..., những người áp dụng đa nguyên luận giải thích các hiện tượng xã hội. Những người bảo thủ cho rằng lý tưởng xã hội cộng sản là trên tinh thần "duy lý", không có sơ sở. Nhiều người cho lý tưởng cộng sản là sản phẩm của chủ nghĩa lãng mạn... Những người dân chủ xã hội ủng hộ cho "dân chủ" (hay "dân chủ tư sản") và "cải cách" để đạt các mục tiêu "xã hội chủ nghĩa" thay vì cách mạng và hướng đến tự do tuyệt đối trong lý thuyết cộng sản. Những người vô chính phủ không tin tưởng vào bất kỳ một dạng chính phủ nào, nhưng để đạt được "tự do tuyệt đối" (cho dù là cộng hữu hay tư hữu) thì phải thông qua con đường khác. Những người công đoàn không tin tưởng nhà nước mà muốn đặt sự quản lý xã hội vào tay công đoàn. Những người dân tộc chủ nghĩa không tin vào thế giới đại đồng. Một số lý thuyết gia bác bỏ tư hữu tư sản, nhưng chủ trương chia nhỏ tư hữu, thay vì công hữu...[cần dẫn nguồn]

Các trường phái lý luận cộng sản[sửa | sửa mã nguồn]

Việc phân loại, gọi tên trong phong trào cộng sản và công nhân thế giới là khá phức tạp có nhiều sự lẫn lộn và có nhiều lý giải khác nhau. Một mặt đó là do các mâu thuẫn trong lòng phong trào: một đảng, tổ chức tự nhận mình theo trào lưu này nhưng trong con mắt của đảng khác và tổ chức khác thì lại không phải như vậy, và trong một phong trào, đảng cụ thể có cả những đặc điểm lý luận của nhiều phái do đó phân loại cũng có tính tương đối. Sự hiểu về tên và bản chất các phái và trào lưu cũng khác nhau một phần cũng vì sự phức tạp trong việc dịch thuật giữa các ngôn ngữ: cùng một thuật ngữ khi bình thường thì được hiểu một nghĩa nhưng khi áp dụng trong lý luận cộng sản chính thống thì nghĩa có thể thay đổi; ví dụ thuật ngữ socialism trong sự hiểu và trong sử dụng thông thường ở Việt NamLiên Xô thì là "chủ nghĩa xã hội" nhưng trong lý luận cộng sản chính thống ở hai nước này thì tên "chủ nghĩa xã hội" chỉ được dùng cho những đảng, trào lưu, nhà nước nào đi theo đường lối của chủ nghĩa Lenin (hay chủ nghĩa Marx-Lenin) tán thành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, ví dụ "Socialist Republic of Vietnam" là "Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Còn không thì chỉ được gọi là "xã hội" hoặc theo một tên khác; ví dụ "Socialist party of France" là đảng xã hội Pháp. Cùng một thuật ngữ nhưng sẽ được hiểu tích cực và tiêu cực khác nhau tại nhiều nước và thậm chí trong một nước ở các thời điểm khác nhau. Do vậy sự trình bày về các phái cộng sản dưới đây là có tính tương đối.

Chủ nghĩa Marx[sửa | sửa mã nguồn]

Bài chi tiết: Chủ nghĩa Marx

Nội dung chủ nghĩa Marx[sửa | sửa mã nguồn]

Trong thế kỷ 19, trong khi nhận thức về các giá trị giải phóng con người, các quyền của con người, nhận thức về nhu cầu mở ra tối đa khả năng phát triển nhân tính và các khả năng của con người đã có những bước tiến bộ lớn thì hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa đương thời với quan hệ sản xuất của chủ nghĩa tư bản lại đang kìm hãm những khả năng nhân bản đó. Đại bộ phận quần chúng lao động bị tách ly khỏi phương tiện sản xuất phải làm thuê cho giai cấp tư sản- chủ sở hữu các phương tiện sản xuất. Giai cấp công nhân bị đối xử bất bình đẳng trong phân chia của cải xã hội, và thực tế cuộc sống của họ hầu như không thể tiếp cận được với những cơ hội để phát triển con người. Sự bất bình đẳng trong hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa ở thế kỷ 19 là sâu sắc và nhu cầu giải phóng xã hội là cấp thiết.

Karl Marx là nhà tư tưởng có uy tín đương thời với các kiến thức rất uyên thâm trên nhiều lĩnh vực rộng lớn. Các tác phẩm của Marx có rất nhiều nhưng ông viết có hệ thống nhất là các lĩnh vực:

  • Kinh tế chính trị học: tác phẩm quan trọng nhất là Tư bản luận (Das Kapital) nghiên cứu hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa trong đó ông rút ra bản chất bóc lột của hệ thống kinh tế này là thụ hưởng giá trị thặng dư trong thành quả sản xuất do giai cấp làm thuê (công nhân) làm ra.
  • Triết học: Các tác phẩm của ông tự viết hoặc cùng với người đồng chí thân thiết của mình là Friedrich Engels phát triển trường phái triết học chủ nghĩa duy vật biện chứng trong đó coi triết học của mình là kết hợp giữa trường phái duy vật của Ludwig Feuerbach và phương pháp suy luận theo trường phái biện chứng của Georg Wilhelm Friedrich Hegel.
  • Khoa học nhân văn: Chủ nghĩa duy vật lịch sử dựa trên thuyết triết học duy vật biện chứng để giải thích về quá trình phát triển của xã hội loài người. Đúc rút kết luận về các nhân tố phát triển của xã hội loài người và dự báo các xu hướng phát triển kế tiếp của xã hội.
  • Chủ nghĩa cộng sản khoa học: Đây là lĩnh vực tổng hợp các kết quả tư tưởng của Marx và Engels trên cơ sở các lĩnh vực nêu trên. Trong đó Marx tiên đoán về sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản vì mâu thuẫn không thể giải quyết được trong lòng nó bởi giai cấp công nhân thông qua một cuộc cách mạng thế giới long trời lở đất để tiêu diệt thế giới cũ bằng con đường bạo lực cách mạng.

Chủ nghĩa cộng sản khoa học của Marx là lý thuyết trung tâm là kết quả của các nghiên cứu của Marx là bộ phận lý thuyết làm sóng gió lịch sử thế giới trong thế kỷ 20.

Marx cho rằng với sự sản xuất tập trung xã hội hoá cao độ với trình độ cao, hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa sản xuất ra một lượng của cải khổng lồ, trong khi đó giai cấp thụ hưởng là giai cấp tư sản chỉ là một bộ phận nhỏ của xã hội. Còn đại bộ phận xã hội là giai cấp công nhân (giai cấp làm thuê) thì không thể tiếp cận được của cải mà họ làm ra vì họ không có quyền sở hữu phương tiện sản xuất đang nằm trong tay các chủ tư bản. Các chủ tư bản thì không đời nào từ bỏ độc quyền tự nhiên của mình để bóc lột giai cấp công nhân. Do đó giai cấp công nhân phải vùng lên dùng bạo lực cách mạng để giành lấy phương tiện sản xuất xoá bỏ tận gốc rễ nguyên nhân "người bóc lột người" của chủ nghĩa tư bản, không chỉ giải phóng giai cấp mình mà giải phóng toàn bộ nhân dân lao động. Đó là cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Sau khi giành được chính quyền trong cách mạng xã hội chủ nghĩa thì sở hữu phương tiện sản xuất sẽ là sở hữu toàn dân. Nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ thay mặt nhân dân điều hành sản xuất và nắm quyền sở hữu này vì nhà nước bây giờ là nhà nước của toàn dân. Trong xã hội đó con người làm việc theo năng lực hưởng thụ theo lao động. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền sản xuất xã hội chủ nghĩa thì chức năng của nhà nước ngày càng suy giảm, sự tự giác của nhân dân ngày càng cao và đến lúc đó sẽ xuất hiện xã hội phi giai cấp, không còn mâu thuẫn đối kháng dẫn đến sự tự tiêu vong của nhà nước, sẽ xuất hiện một xã hội mà ở đó nguyên tắc phân phối của cải sẽ là "Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" đó là chủ nghĩa cộng sản.

Tuy nhiên Marx không tin tưởng vào một tương lai gần của thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản vì theo ông thì "Cách mạng xã hội chủ nghĩa không thể chiến thắng đơn độc tại một nước" vì giai cấp tư sản thế giới ở các nước khác sẽ bao vây và bóp chết cách mạng để duy trì lợi ích ích kỷ của mình. Vậy cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ chỉ nổ ra khi nào mâu thuẫn đã quá khủng khiếp "trong tất cả các nước tư bản hoặc chí ít là số lớn các nước tư bản đứng đầu thế giới". Và khi đó sẽ là một cuộc cách mạng thế giới của giai cấp công nhân chôn vùi chủ nghĩa tư bản. Để giác ngộ giai cấp công nhân hiểu được vai trò lịch sử của mình (Giai cấp công nhân - Giai cấp tiên phong của tiến bộ xã hội, giai cấp cách mạng nhất - Người đào mồ của chủ nghĩa tư bản - Karl Marx) và lãnh đạo cuộc đấu tranh đó Marx chỉ ra là phải có các đảng cộng sản là tổ chức của những người giác ngộ chủ nghĩa cộng sản sẽ hướng dẫn đoàn kết lực lượng của giai cấp công nhân toàn thế giới.

Tuy nhiên, không nên lầm tưởng Marx chủ trương phải tiến hành cách mạng bằng giá, tại mọi quốc gia. Ông đã dự đoán khả năng giai cấp công nhân nắm chính quyền bằng biện pháp hợp pháp, Chủ nghĩa tư bản sẽ hoàn thành quá độ hoà bình lên chủ nghĩa xã hội. Mác nhận định: Công ty cổ phần không xoá bỏ chế độ tư hữu, mà dùng chế độ sở hữu cá nhân cổ quyền phân tán thay thế chế độ sở hữu tư nhân của một số người, lấy đó làm hình thức thực hiện chế độ công hữu; con đường nghị viện về chính trị không phải là đập tan bộ máy nhà nước cũ, mà thông qua bầu cử nắm lấy bộ máy ấy. Ăng-ghen cũng đã chỉ đạo cụ thể Đảng Dân chủ xã hội Đức tiến hành cuộc đấu tranh hợp pháp, nhấn mạnh thành công của Đảng trong tuyển cử có ý nghĩa rất lớn đối với toàn bộ phong trào công nhân quốc tế: "Có thể hình dung trong một nước mà cơ quan đại nghị tập trung mọi quyền lực vào tay mình, chỉ cần được đại đa số nhân dân ủng hộ là có thể tuỳ ý hành động theo hiến pháp, thì xã hội cũ có thể hoà bình bước sang xã hội mới, chẳng hạn trong các nước cộng hoà như Mỹ, Pháp, trong nước quân chủ như Anh". [7].

Ngay từ Marx những người cộng sản đã quan niệm rằng chỉ có mâu thuẫn giữa các giai cấp là chủ yếu còn mâu thuẫn giữa các quốc gia, dân tộc là thứ yếu và ông có khẩu hiệu rất nổi tiếng: "Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại". Sau này Lenin cũng có ý tưởng như vậy... Sự đối đầu giữa các quốc gia cộng sản sau này cho thấy ý tưởng này trong một số trường hợp là không đúng. Mâu thuẫn quốc gia, dân tộc trong thực tế bao giờ cũng mạnh hơn mâu thuẫn giữa các giai cấp (ít nhất là từ thế kỷ 20 trở về trước).

Một điều rất cần nói về Marx và chủ nghĩa cộng sản của Marx là Marx hoàn toàn không chủ trương "mục đích bào chữa cho phương tiện". Ngay từ thời của mình Marx đã nói: "Một mục tiêu chính đáng không thể bào chữa cho biện pháp không chính đáng để đạt mục tiêu đó". Như vậy có thể nói trong Marx là thấm nhuần tư tưởng nhân đạo, ông chủ trương cách mạng nhưng phải là cách mạng trong nhân đạo để sao cho đạt được sự công bằng cho người này nhưng không lấy mất sự công bằng của người khác. Cách mạng là đi lên là để tầng lớp dưới vươn lên ngang bằng tầng lớp trên chứ không phải là cách mạng là đi xuống để kéo tầng lớp trên xuống dưới cùng.

Phê phán chủ nghĩa Marx[sửa | sửa mã nguồn]

Có thể nói Marx là nhà tư tưởng rất lớn có ảnh hưởng cho đến vài thế kỷ sau. Nhưng trong học thuyết của Marx có những khiếm khuyết, bởi những hạn chế về tư duy bị ảnh hưởng chính thời đại mà ông sống, mà chủ nghĩa cộng sản sau này đã thể hiện khi áp dụng máy móc vào thực tế.

  • Marx (cũng như nhiều nhà lý luận vĩ đại khác) luôn có xu hướng tổng kết các thực tiễn phong phú trong một tổng thể hài hòa - một mô hình đáp ứng mọi lời giải của thực tế. Để xây dựng mô hình Marx đã có những phép đơn giản hóa. Có thể thấy xu hướng đơn giản hóa này của Marx trong các lý luận của ông: Trong triết học ông phân triết học ra rạch ròi hai trường phái duy vậtduy tâm và bác bỏ trường phái duy tâm trong khi đó đây là các khía cạnh của thực thể thế giới và nhận thức của con người về thực thể đó và chúng là những khái niệm không thể tách rời. Do đó trong triết học duy vật biện chứng của chủ nghĩa cộng sản có đặc trưng nổi bật là nghiên cứu về sự tư duy của con người rất phiến diện chỉ nhằm vào cái "chung" ít nghiên cứu về cái "riêng", yếu về nhận thức về "cái tôi" trong tư duy con người. Theo lý luận của những người Marxist thực thể khách quan ban đầu là vật chất, và đã là một thực thể khách quan (không phụ thuộc vào ý thức của cá nhân) thì ý thức, tư duy con người (là hệ quả của vật chất có chức năng phản ánh hiện thực khách quan) chỉ có thể có một hướng mà thôi. Gặp những trường hợp không đúng theo suy luận kinh điển của họ thì các trường hợp đó được coi là suy đồi và kỳ quái...
  • Trong khi nghiên cứu về xã hội loài người, vì sự tổng kết khiên cưỡng, mô hình của Marx cũng còn nhiều điểm yếu. Lịch sử phát triển xã hội loài người, theo Marx, tổng kết dựa trên mô hình của châu Âu có bản chất là sự phát triển của "lực lượng sản xuất" dẫn đến sự biến đổi của "quan hệ sản xuất": đi từ công xã nguyên thuỷ (mông muội), đến chiếm hữu nô lệ (dã man), đến phong kiến (tự cấp tự túc), đến tư bản (nền sản xuất công nghiệp) và cuối cùng là cộng sản (văn minh).

Lý thuyết của Marx đã chỉ ra được một đặc điểm quan trọng của sự phát triển xã hội loài người là sản xuất nhưng còn chưa thể giải thích được một số hiện tượng xã hội khác mà ông liệt vào các "biến dị", bởi những hạn chế về thông tin, tài liệu, giao thông ở thế kỉ 19 khiến Marx không thể quan sát và tổng kết đủ những hình thái xã hội "biến dị" nhưng khá phổ biến này. Ví dụ Marx không lý giải tại sao ở phương Đông văn minh nảy sinh rất sớm như (Ấn Độ, Trung Quốc) nhưng sau hàng nghìn năm quan hệ sản xuất không hề thay đổi, lực lượng sản xuất gia tăng nhưng không có quan hệ sản xuất mới, không có các hình thái nhà nước đặc trưng của Marx như chiếm hữu nô lệ hay phong kiến (theo kiểu châu Âu). Mô hình của Marx cũng không giải thích xã hội của các bộ lạc da đỏ châu Mỹ, thổ dân da đen châu Phi, ông chỉ đơn giản hóa mô hình xã hội theo kiểu châu Âu, xã hội mà ông sống. Tất nhiên điều này cũng được giải thích bởi chính quy luật về yếu tố chủ quan trong con người mà Marx đã chỉ ra.

  • Marx và các nhà Marxist đương thời coi trọng tầm quan trọng của cách mạng và coi nhẹ giải quyết các mâu thuẫn xã hội bằng biện pháp phi bạo lực, phi cách mạng.[cần dẫn nguồn] Tại thời điểm của Marx (kỷ nguyên Đế quốc chủ nghĩa) cũng dễ hiểu người ta thiên về các biện pháp cách mạng bằng bạo lực để giành lấy quyền lợi cho dân tộc và giai cấp mà không thấy được sức mạnh rất lớn của các cách giải quyết hoà bình bằng thoả hiệp và đối thoại. Marx đã phê phán và bác bỏ chủ nghĩa xã hội không tưởng lấy sự thất bại của nó làm minh chứng cho sự cần thiết của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thực tế xã hội hiện đại cuối TK 20 của nhân loại đã biến đổi chóng mặt so với 100 năm trước. Trong một xã hội đã có trình độ sản xuất phát triển cao, các mối quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội đan xen gắn chặt (mà thế kỷ 19 hầu như chưa có), cùng những loại vũ khí tối tân có sức hủy diệt lớn ra đời thì các biện pháp cách mạng bạo lực có thể cho một kết quả tức thì rất sâu sắc khi quần chúng bị kích động đứng lên làm cách mạng nhưng nó sẽ đi kèm những tổn thất rất to lớn cho xã hội trong một thời gian dài, và khi cần kìm hãm cách mạng lại đưa về trạng thái đúng đắn ôn hòa thì đó lại là một việc cực kỳ khó và còn mất thời gian cùng tổn thất rất lớn khác. Các biện pháp hòa bình bất bạo động tuy phải thực hiện một cách từ từ và dường như kém hiệu quả nhưng thực tế nó có thể giải quyết mâu thuẫn một khi mâu thuẫn đó là chín muồi vì xã hội là tổng thể các lực lượng xã hội và các lực lượng đó đều cần đến nhau. Các tấm gương của Mahatma Gandhi, Martin Luther King, Jr. cho thấy đấu tranh hòa bình cũng là một cách giải quyết tốt trong một số trường hợp. 100 năm au khi Marx mất, thế giới đã đổi thay sâu sắc, đã xuất hiện các phương pháp đấu tranh hòa bình hữu hiệu thông qua các thiết chế như công đoàn, các tổ chức xã hội, dư luận xã hội, tự do báo chí, tôn giáo, nghị trường...

Karl Marx (và Engels) là nhà tư tưởng rất lớn của nhân loại và hiện nay vẫn được coi là một trong những nhà triết học, nhà tư tưởng nhân đạo có ảnh hưởng nhất của loài người. Các nghiên cứu của Marx, Engels đã có các phát hiện đặc sắc và có những vai trò tích cực nhất định trong đó có lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản khoa học. Nhưng đó mới chỉ là các phác thảo lý thuyết theo suy nghĩ của Marx, Engels và còn ở dạng lý tưởng. Còn lý thuyết đó được áp dụng như thế nào trong thực tế thì đó là trách nhiệm và sự nghiệp của những người kế tục Marx.

Chủ nghĩa Lenin[sửa | sửa mã nguồn]

Bài chi tiết: Chủ nghĩa Lenin

Vladimir Ilyich Lenin là nhà kinh điển thứ hai của chủ nghĩa cộng sản. Lenin viết rất nhiều tác phẩm nhiều chủ đề cũng có cả triết học, kinh tế học, lịch sử, pháp luật... và các môn khoa học nhân văn khác. Nhưng khác với Marx (các tác phẩm phân bố khá đồng đều về các chủ đề), các tác phẩm của Lenin hầu hết tập trung vào chủ nghĩa cộng sản hiện thực nằm mục đích đưa chủ nghĩa cộng sản từ lý thuyết vào thực tế cuộc sống xã hội. Lenin là người chủ xướng, lãnh đạo Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga lập ra nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới vào năm 1917. Tên tuổi của Lenin gắn liền với giai đoạn đầu tiên hình thành lý thuyết và hiện thực phát sinh của nhà nước này. Các lý luận của Lenin có ảnh hưởng rất to lớn trong lý luận của các đảng cộng sản và các quốc gia xã hội chủ nghĩa, được coi là kinh điển và dẫn chiếu nhiều hơn cả Marx. Sau này các phát biểu và ý tưởng của Lenin được coi là khuôn vàng thước ngọc không thể phê phán cho các đảng cộng sản tại các quốc gia xã hội chủ nghĩa.[cần dẫn nguồn] Mọi sự nhận xét và ý kiến trái với Lenin (và Marx) được gắn mác hoặc chụp mũ rất trầm trọng là chủ nghĩa xét lại và có thể bị khai trừ khỏi phong trào cộng sản và công nhân thế giới.[cần dẫn nguồn]

Cũng như Marx, Lenin là nhà cách mạng nhiệt thành của chủ nghĩa cộng sản. Lenin không phải là người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Marx vào Nga mà đó là một nhà Marxist ôn hòa - Plekhanov người sáng lập Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga. Sau này người ta gọi những người theo Plekhanov trong đảng này là phái Menshevik (thiểu số) - là những người không tán thành làm cách mạng vô sản vì họ theo lý thuyết của Marx cho rằng làm cách mạng như vậy là chưa chín muồi, họ chiếm thiểu số trong đại hội đảng năm 1903. Và những người theo Lenin là phái Bolshevik (đa số) - là phái tán thành cách mạng. Sau này, phái Bolshevik của Lenin tách ra thành lập đảng riêng, trở thành Đảng Cộng sản Liên Xô.

Lenin hiệu chỉnh rất nhiều ở chủ nghĩa Marx và sáng tạo ra rất nhiều ý tưởng lý luận mới. Nhưng điểm nổi bật và lớn nhất phân biệt Lenin với Marx là lý luận về chủ nghĩa đế quốc và ý tưởng về khả năng thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản (chủ nghĩa xã hội) trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc: Lenin lý luận rằng chủ nghĩa Marx chỉ đúng trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh khi các quốc gia tư bản chưa trở thành đế quốc chủ nghĩa. Còn thời đại của mình (đầu thế kỷ 20) là thời đại của chủ nghĩa đế quốc - là đỉnh cao tột cùng của chủ nghĩa tư bản khi mà hình thức kinh tế chính của nó là các tập đoàn tư bản độc quyền, lũng đoạn nền kinh tế để có thể thu được siêu lợi nhuận và đặc tính đối ngoại là hiếu chiến và xâm chiếm thuộc địa. Trong các điều kiện phát triển khác nhau thì trong hệ thống đế quốc chủ nghĩa đã xuất hiện các "khâu yếu" (theo lời của Lenin là các "mắt xích yếu") và "cách mạng vô sản" có thể chiến thắng tại một trong các mắt xích yếu đó (Cách mạng vô sản là cách gọi khác của cách mạng xã hội chủ nghĩa và thuật ngữ giai cấp công nhân còn được gọi là giai cấp vô sản). Xây dựng liên minh công - nông, nhà nước Xô viết cũng là một luận điểm mới của Lenin.

Đây là điểm khác biệt lớn nhất của Lenin so với Marx và được những người theo chủ nghĩa Marx-Lenin xem là sáng tạo lý luận vĩ đại nhất trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa cộng sản. Như vậy khi đề ra chủ nghĩa cộng sản Marx không tin rằng chủ nghĩa của mình có thể thành công trong tương lai gần và cũng chỉ nói chung chung về mặt lý tưởng như vậy mà thôi, và cũng không chỉ ra được cách tiến hành cách mạng như thế nào, các đặc trưng của cách mạng đó ra sao, sau cách mạng xây dựng xã hội mới thế nào. Còn với Lenin thì chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, cách mạng xã hội chủ nghĩa đã là một thực tế và mọi nỗ lực của mình Lenin dành cho sự nghiệp đưa chủ nghĩa cộng sản vào cuộc sống. Có thể nói vai trò của Lenin đối với chủ nghĩa cộng sản không nhỏ hơn nếu không nói là lớn hơn vai trò của Karl Marx, nên nhiều người còn gọi chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa Marx-Lenin.

Cũng giống như Marx, Lenin cũng cho rằng các đảng cộng sản phải là đảng của giai cấp công nhân toàn thế giới đấu tranh theo sự phối hợp chung vì sự nghiệp chung của vô sản trên toàn thế giới. Mâu thuẫn giai cấp là tối cao, mâu thuẫn quốc gia - dân tộc là thứ yếu. Lenin thậm chí còn đi rất xa hơn nữa khi đưa ra khẩu hiệu "Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng" trong Đệ nhất thế chiến: theo ý tưởng này thì giai cấp vô sản có thể nhân cơ hội hỗn loạn trong nước, tạo điều kiện để có cách mạng vô sản thành công.[cần dẫn nguồn] Và thực sự khi quân đội Sa hoàng thất bại trên chiến trường Đệ nhất thế chiến, các đảng viên Bolshevic nhân điều kiện rối loạn trong nước đã đi đầu làm cách mạng. Điều này theo một số ý kiến trái với các khái niệm và tình cảm thông thường của con người như tính tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước và vi phạm quyền lợi lâu dài của quốc gia. Đây là nguyên nhân gây ra sự bất đồng lớn rất sâu sắc trong cộng đồng Marxist của các nước châu Âu tại Quốc tế II: những người ủng hộ cho giai cấp tư sản tiến hành chiến tranh trong Thế chiến I, không tán thành quan điểm này của Lenin, những người coi quyền lợi quốc gia cao hơn quyền lợi giai cấp và tư tưởng, và còn vì một vài cách biệt khác thì tách ra thành lập phong trào mới là tiền thân các đảng xã hội ngày nay ở châu Âu.[cần dẫn nguồn] Và những người có quan điểm tương tự bị quy kết là theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi trái với tinh thần của chủ nghĩa Marx-Lenin chân chính, (Nguyễn Ái Quốc khi ở Quốc tế Cộng sản trong những năm 1920-1930 cũng bị Stalin kết tội này). Sau này tuy các đảng cộng sản đều nói, viết lý luận theo Lenin đả phá chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi nhưng trong thực tế họ đều coi quyền lợi quốc gia dân tộc đứng trên quyền lợi của giai cấp và đó là điều hợp lý, họ chỉ nhấn mạnh luận điểm này của Lenin chừng nào nó mang lại lợi ích cho đảng, quốc gia họ.

Lenin khi lý luận về khả năng thắng lợi của cách mạng tại một quốc gia đã đưa ra một ý tưởng mới rất khác lạ với Marx là hệ quả của điểm khác biệt lớn nhất của hai người - đó là khái niệm "cùng tồn tại hòa bình" (Мирное сосуществование): theo đó các đế quốc và các quốc gia xã hội chủ nghĩa cùng có thể tồn tại hòa bình với nhau (rất khác quan điểm của Marx rằng các nước tư bản nhất định sẽ tập hợp lại bóp chết cách mạng đến cùng), thậm chí có thể hợp tác trong một số lĩnh vực. Và chủ nghĩa xã hội sẽ thắng lợi trên toàn thế giới thông qua "thi đua hòa bình" mà trong đó công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản sẽ là hình mẫu ưu thế của thế giới mới trước thế giới cũ và nhân dân cùng vô sản tại các nước tư bản còn lại sẽ tự đứng lên lật đổ chế độ đó. Khái niệm "diễn biến hòa bình" ngày nay các quốc gia cộng sản hậu Xô Viết đang ra sức chống lại đó chính là khái niệm "Thi đua hòa bình" ngày xưa của Lenin nhưng theo chiều ngược lại.[cần dẫn nguồn]

Trong quan hệ đối với chủ nghĩa tư bản ngoài khái niệm "cùng tồn tại hòa bình" và "thi đua hòa bình" Lenin đưa vào lý luận chủ nghĩa quốc tế vô sản coi giai cấp vô sản toàn thế giới là vô biên giới và đều là anh em (như Hồ Chí Minh diễn giải: quan sơn muôn dặm là nhà, bốn phương vô sản đều là anh em): Vô sản tại các nước tư bản phải đấu tranh ủng hộ, đoàn kết với vô sản tại các nước xã hội chủ nghĩa đã thắng lợi để bảo vệ thành quả cách mạng, Vô sản tại các nước xã hội chủ nghĩa phải làm mọi cách cổ vũ giúp đỡ vô sản tại các nước tư bản vùng lên làm cách mạng vô sản. Việc giúp đỡ phát triển phong trào cộng sản ra toàn thế giới được xem là nghĩa vụ thiêng liêng và bắt buộc của các quốc gia cộng sản, để phối hợp hành động của các đảng cộng sản và lãnh đạo đấu tranh của vô sản toàn thế giới Lenin cho thành lập Quốc tế Cộng sản (Communist international) hay Quốc tế III trụ sở tại Moskva sau khi cách mạng tháng 10 Nga thành công. Từng đảng cộng sản được phân công trong từng khu vực của thế giới có trách nhiệm phát triển cách mạng trong khu vực của mình. Mọi hành động của phong trào cộng sản đều được lãnh đạo điều phối từ đây khi Quốc tế Cộng sản còn hoạt động.

Một lý luận mới của Lenin có ảnh hưởng tích cực ở thời kỳ rối ren trong Nội chiến Nga, song về lâu dài khi nó bị các thế hệ lãnh đạo sau này áp dụng máy móc thì lại gây tai hại đối với các hoạt động của các đảng cộng sản và quốc gia cộng sản sau này là lý luận về "tính đảng", "tính giai cấp" của mọi hiện tượng trong đời sống xã hội (mọi hiện tượng xã hội đều có tính đảng, tính giai cấp): Nghĩa là mọi hiện tượng đều phải được phân tích rõ ra: nó làm lợi cho ai trong cuộc đấu tranh giai cấp, và trên cơ sở đó khẳng định tính "địch - ta" của hiện tượng đó, và Lenin đưa ra một công thức xác định chân lý như sau: "Miễn là có lợi cho sự nghiệp đấu tranh của giai cấp vô sản thì đều là chính nghĩa, có hại cho cuộc đấu tranh đó thì đều là phi nghĩa." Luận điểm về "tính đảng" và "tính giai cấp" này của Lenin mang nặng tính vị lợi đem lại hậu quả rất tai hại sâu xa cho hiện thực cuộc sống các quốc gia cộng sản sau này: người ta có thể chỉ ra rất nhiều kẻ thù và sử dụng lý thuyết này vào việc quy kết bừa bãi kẻ thù của cuộc đấu tranh giai cấp.[cần dẫn nguồn] Việc áp dụng "tính đảng", "tính giai cấp" đã làm méo mó lý luận của chủ nghĩa cộng sản: không còn gì là cơ sở để làm tiêu chuẩn đánh giá "đúng - sai", chân lý được diễn giải vô nguyên tắc miễn sao phù hợp với lợi ích trước mắt và không loại trừ bị các cá nhân cầm quyền lợi dụng vào việc triệt hạ đối thủ.[cần dẫn nguồn] Chính từ lý luận về "tính đảng", "tính giai cấp" lý luận của chủ nghĩa cộng sản đã bắt đầu mất tính lý luận tích cực của nó và dần dần trở thành công cụ để minh họa cho các nhà lãnh đạo của đảng cầm quyền.

Nếu nói đến Lenin và chủ nghĩa cộng sản hiện thực thì điều lớn nhất liên tưởng đó chính là khái niệm "chuyên chính vô sản". Chuyên chính vô sản theo định nghĩa của Lenin là chức năng của nhà nước vô sản trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội để trấn áp kiên quyết mọi sự ngóc đầu trở lại của giai cấp tư sản vừa bị đập tan, tiến hành đấu tranh giai cấp để củng cố thành quả của cách mạng. Nhưng điểm đặc trưng của chuyên chính vô sản là nó không bị phụ thuộc vào bất cứ quy tắc pháp luật hay giới hạn nào về đạo đức, tôn giáo, mà Lenin và các người kế tục mình gọi các quy chuẩn nhân đạo thông thường đó là "đạo đức tiểu tư sản" (Буржуазные морали, Bourgeoisie morals) không cần thiết phải tuân thủ. Lenin đặc biệt đề cao tính cương quyết sắt đá chống lại kẻ thù tư tưởng, ông đề cao anh em Maximilien Robespierre và những người Jacobins của Cách mạng Pháp và coi sự hy sinh nhân mạng lớn lao và khủng bố là hệ quả tất yếu của một quá trình vĩ đại.

Lenin có một đặc tính cá nhân đặc sắc là người có tính thực tế, vị lợi, không câu nệ vào các lý thuyết giáo điều, phương châm của ông là "Có lợi là làm" là người có trình độ học vấn và lý luận cao, và có tài năng thiên bẩm của nghệ thuật hùng biện Lenin sử dụng khả năng của mình để củng cố cho quan điểm của mình. Việc Lenin sẵn sàng hiệu chỉnh cả Marx - một nhà tư tưởng có ảnh hưởng thế giới cho thấy tính chất này của Lenin. Nếu có điều gì có vẻ trái với các lý luận của Marx và Engels thì ông sẵng sàng viết luôn các tác phẩm lý luận coi đó là kinh điển của chủ nghĩa Marxism - Leninism. Một trong các thành quả đặc sắc của Lenin là ông đã thực hiện thắng lợi "Chính sách kinh tế mới - NEP" (НЭП - Новый экономический план): Ngay sau nội chiến tàn hại đến tận gốc rễ nước Nga, Lenin cho tiến hành chính sách kinh tế - xã hội này (tất nhiên chưa từng có tiền lệ trong lịch sử) là cho phép sử dụng các cơ chế kinh tế tư bản chủ nghĩa kêu gọi đầu tư của tư bản trong nước và nước ngoài trong sự kiểm soát, dẫn hướng của nhà nước xã hội chủ nghĩa vì lợi ích của vô sản (theo thuật ngữ ngày nay đây chính là "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa").

Đây là một sáng tạo lý luận thực sự rất to lớn của Lenin và đã thành công, chỉ trong 1- 2 năm đã nhanh chóng vực nước Nga từ bờ vực phá sản và chết đói đứng lên vững mạnh làm tiền đề để Stalin thực hiện công nghiệp hoá sau này. Mô hình các cuộc cải cách kinh tế của Trung QuốcViệt Nam trong những năm 1970 - 1980 và tiếp diễn cho đến hiện nay đã được Lenin cho tiến hành từ hơn nửa thế kỷ trước[cần dẫn nguồn]. Sau khi Lenin chết Stalin đã chấm dứt chính sách này và chuyển nền kinh tế, xã hội sang phương thức hoàn toàn khác. Có thể giả thiết rằng nếu sự cầm quyền của Lenin kéo dài thì hình ảnh xã hội chủ nghĩa có thể đã khác.[cần dẫn nguồn]

Chủ nghĩa Stalin[sửa | sửa mã nguồn]

Bài chi tiết: Chủ nghĩa Stalin

Thuật ngữ Stalinism (chủ nghĩa Stalin) thường để chỉ về cung cách lãnh đạo xã hội và xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa, phong cách cá nhân và ảnh hưởng của phong cách đó của Stalin (Иосиф Вucсaрионович Джугашвили - Сталин Iosif Vissarionovich Stalin) tại Liên Xô bao gồm kỹ nghệ hóa nhanh chóng, lý thuyết của Xã hội chủ nghĩa trong một quốc gia (đối lập với chủ nghĩa Trotsky), một nhà nước tập trung quyền lực, hợp tác xã hóa nông nghiệp, đặt quyền lợi của các đảng Cộng sản ngoại quốc dưới lợi ích của đảng Cộng sản Liên Xô - được những người ủng hộ chủ nghĩa này coi là tiên phong nhất trong cuộc cách mạng cộng sản vào thời kỳ đó[8]. Là người lãnh đạo Liên Xô kế tục Lenin trong một thời gian dài nên ảnh hưởng của Stalin trong các đảng và các quốc gia cộng sản là rất lớn.

Tuy Lenin là người đầu tiên phát biểu lý luận về khả năng thành công của cách mạng vô sản, và xây dựng chủ nghĩa cộng sản trong một nước, nhưng Stalin là người lý luận nhiều nhất về chủ đề này[cần dẫn nguồn] vì đây là cuộc đấu tranh lý luận gay gắt gữa hai phe của Stalin và Trosky, chủ nghĩa Trosky đòi hỏi phát triển cách mạng không ngừng đưa cách mạng ra các nước khác và cuối cùng là cách mạng thế giới (quả thật sau Thế chiến thứ nhất đã có cách mạng tại ĐứcHungary nhưng đã bị dập tắt nhanh chóng), còn phái Stalin cho rằng phải giới hạn cách mạng trong phạm vi của nước Nga (và sau này là Liên Xô) và lý luận về sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản mà không cần có đồng minh tại các quốc gia phát triển Âu-Mỹ khác.

Stalin trong tác phẩm "Bàn về vấn đề dân tộc" đã lý luận rằng "Có thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản tại các dân tộc chưa phát triển chưa trải qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa, trong xã hội chưa có giai cấp công nhân nếu có sự giúp đỡ của giai cấp công nhân Nga làm đầu tàu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản". Đây là luận điểm của Stalin để lý luận về khả năng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô, nơi có nhiều dân tộc còn đang lạc hậu trong thuộc địa cũ của đế quốc Nga, và điều này là cơ sở lý luận để những người cộng sản ở một số nước thuộc địa khác như Việt Nam làm cách mạng xã hội chủ nghĩa "từ một nước thuộc địa nghèo nàn, nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa".

Đặc biệt Stalin có một luận điểm gây nhiều hậu quả cho xã hội Liên Xô là luận điểm "Tăng cường đấu tranh giai cấp" cho rằng sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa cộng sản càng thắng lợi thì các mâu thuẫn trong lòng nó giữa giai cấp vô sản và tàn tích của giai cấp tư sản càng gia tăng do đó càng cần phải đẩy mạnh đấu tranh giai cấp để tiêu diệt sạch các tàn tích đó. Đây là luận điểm tạo cơ sở lý luận để Stalin tiến hành khủng bố thanh lọc trong nội bộ đảng, nhà nước và xã hội để loại bỏ bất cứ một hành vi hoặc ý định bất phục tùng nào để thiết lập một chế độ cực quyền có một không hai trong lịch sử. Stalin sử dụng lý luận này và bằng các biện pháp tìm kẻ thù bằng "tính giai cấp" để loại bỏ bất cứ ai mình muốn.

Về mặt kinh tế, trái ngược với chính sách kinh tế mới của Lenin, Stalinism đặc trưng bằng sự xóa bỏ thẳng thừng nền kinh tế thị trường, đưa nền kinh tế sang một mô hình tập trung quan liêu cao độ, mọi phương tiện sản xuất đều nằm trong tay nhà nước thông qua chỉ hai hình thức "sở hữu toàn dân" và "sở hữu tập thể". Sau khi Lenin chết chính sách kinh tế mới (НЭП) bị bãi bỏ mọi tài sản của "các phần tử tư nhân" bị tịch thu, toàn bộ nền kinh tế được điều hành theo mệnh lệnh từ trên xuống dưới nhất nhất theo "kinh tế kế hoạch hoá" kế hoạch sản xuất là pháp lệnh rất nghiêm ngặt. Và Liên Xô liên tiếp tiến hành các kế hoạch 5 năm, kế hoạch 7 năm và tiến hành "công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa" trong công nghiệp và "tập thể hóa nông nghiệp" cưỡng bức. Các nhà lý luận của Stalinism và của các quốc gia cộng sản sau này coi kinh tế tập trung - kế hoạch hoá, công nghiệp hóa và tập thể hóa là các thắng lợi to lớn là đóng góp lý luận vĩ đại của Stalin trong lý luận cộng sản chủ nghĩa. Ưu thế của hình thức kinh tế này được dẫn ra như đó là nền tảng để đảm bảo thắng lợi trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại và bất cứ một quốc gia nào sau này theo chủ nghĩa xã hội thì cũng đều đi theo mô hình kinh tế này.

Về mặt hình thức nhà nước, Stalinism đặc trưng bởi nhà nước tập quyền cao độ gắn liền với đảng, Trong đó đảng là lập pháp, hành pháp, tư pháp, công đoàn và mọi chức năng nhà nước và xã hội khác, trong đó lãnh tụ đảng có quyền hạn tuyệt đối, dưới thời Stalin quyền hạn tuyệt đối đã biến thành sùng bái cá nhân Stalin với nhiều hậu quả sau này. Xã hội duy trì kỷ luật bằng sự tin tưởng mù quáng vào sự anh minh của lãnh tụ và sự khiếp sợ bị khủng bố.

Ngoài ra Stalin còn có các tác phẩm về đề tài quân sự và được những người cộng sản quy cho là nhà tư tưởng quân sự lớn đã tổng kết và đưa ra học thuyết quân sự của chủ nghĩa xã hội. Stalin cho rằng quy luật và nghệ thuật chiến tranh của giai cấp vô sản phải khác một trời một vực so với quy luật và nghệ thuật quân sự tư sản. Trong các tác phẩm này (thường viết trước Thế chiến thứ hai) Stalin lý luận về xây dựng lực lượng vũ trang về sự lãnh đạo chính trị trong các lực lượng vũ trang coi quân đội là quân đội của đảng, chịu sự quản lý trực tiếp từ đảng. Stalin lý luận về mối quan hệ của tiến công và phòng ngự, cho rằng học thuyết quân sự của giai cấp vô sản phải là tiến công không ngừng, phòng ngự là tạm thời, tiến công là chủ yếu, khẳng định tính tất thắng của giai cấp vô sản một khi có chiến tranh. Bàn về mối quan hệ chiến lược - chiến thuật. Ngoài ra còn bàn về một số vấn đề nghệ thuật chiến tranh như nghệ thuật giành quyền làm chủ trên không, cách sử dụng pháo binh tập trung trên chiến trường... Thực tế thất bại to lớn trong thời gian đầu của "Chiến tranh vệ quốc vĩ đại" cho thấy những sai lầm trong luận điểm quân sự của Stalin, chiến tranh là thử nghiệm khách quan, quy luật chiến tranh là chung cho cả vô sản hay đế quốc, sự duy ý chí sẽ dẫn đến thất bại nặng nề.

Có thể nói Stalinism đóng một vai trò rất quan trọng trong lý luận cộng sản và nó là mô hình tiêu biểu cho thực tế xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các quốc gia khác nhau. Liên Xô sau này tuy chống tệ sùng bái cá nhân Stalin nhưng những mô hình và ảnh hưởng của Stalinism ở các mức độ khác nhau vẫn còn tồn tại cho đến khi Liên Xô sụp đổ và từ bỏ chủ nghĩa cộng sản.[cần dẫn nguồn]

Chủ nghĩa Mao[sửa | sửa mã nguồn]

Bài chi tiết: Chủ nghĩa Mao

Maoism (chủ nghĩa Mao) là một thuật ngữ chỉ các học thuyết về chủ nghĩa cộng sản do chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông đưa ra. Tại Trung Quốc thì được gọi là "Tư tưởng Mao Trạch Đông" và trong thập niên 1960 tư tưởng Mao Trạch Đông được in thành các sổ tay bìa đỏ để trang bị về tư tưởng cho cán bộ và nhân dân Trung Hoa đại lục. Tại các nước cộng sản Đông Âu các năm 1960 - 1980 thì thuật ngữ Maoism được xem như một biến thái tiêu cực "tả khuynh" xa rời chủ nghĩa Maxism-Leninism, còn tại một số nước cộng sản châu Á, thuật ngữ này được đánh giá tích cực như sáng tạo của chủ nghĩa Marxism-Leninism trong điều kiện châu Á.

Điều khác nhau lớn nhất của Maoism so với các học thuyết của Marx, Lenin và Stalin là ở quan niệm về động lực chính của cách mạng. Marx, Lenin, Stalin đều coi động lực của cách mạng là "giai cấp công nhân" và coi nhẹ giai cấp nông dân, coi nông dân là lạc hậu không có tính cách mạng tiên phong. Lenin, Stalin chỉ coi nông dân như một đồng minh cần tranh thủ mà thôi, họ coi thành thị là đấu trường cách mạng chính. Mao Trạch Đông xuất phát từ điều kiện của Trung Quốc là nước nông nghiệp, giai cấp công nhân và tư sản còn rất nhỏ bé, mâu thuẫn xã hội lớn nhất là mâu thuẫn nông dân - địa chủ nên tuy vẫn coi giai cấp công nhân là tiền phong cách mạng nhưng đã coi lực lượng cách mạng chủ lực là giai cấp nông dân và nông thôn là căn cứ địa của cách mạng, và coi học thuyết của mình là học thuyết của chủ nghĩa cộng sản cho các nước chưa phát triển thành tư bản.

Cùng với sự khác nhau này kéo theo sự khác nhau về "phương pháp tiến hành cách mạng". Khác với Lenin và Stalin quan niệm về cuộc cách mạng vô sản có tính đồng loạt tại thành thị như một cuộc khởi nghĩa của vô sản, Maoism cho rằng cách mạng phải được tiến hành theo phương thức một cuộc chiến tranh du kích kéo dài lấy nông thôn làm căn cứ địa lan dần dần và đi đến thắng lợi hoàn toàn. Hai câu nói của Mao Trạch Đông về vấn đề này rất nổi tiếng là "Súng đẻ ra chính quyền" và "Nông thôn bao vây thành thị" và Mao Trạch Đông thực sự đã có rất nhiều đóng góp trong lý luận quân sự về chiến tranh du kích và chiến tranh nhân dân nhất là trong tác phẩm "Du kích chiến". Trong đó xem xét đồng loạt các khía cạnh quân sự, chính trị, tâm lý và các biện pháp xây dựng căn cứ địa, tiến hành chiến tranh nhân dân ở nông thôn.

Khác với các tiền bối cộng sản Mao Trạch Đông không đặt vấn đề giai cấp lên trên dân tộc và quốc gia mà luôn coi quyền lợi quốc gia trên hết.

Trong quản lý kinh tế và quản lý xã hội, cũng giống như Stalinism, Maoism cũng theo phương châm tập trung hoá cao độ theo nền kinh tế kế hoạch hoá vĩ mô. Quản lý nhà nước cũng bằng hệ thống nhà nước - đảng với sự sùng bái cá nhân cao độ.

Maoism cho rằng để xây dựng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội thì cần có con người cộng sản, con người xã hội chủ nghĩa để làm việc đó cần loại bỏ hết tàn dư tư tưởng tư sản, phản động, biện pháp để thực hiện là tiến hành "cách mạng văn hoá".

Điều dễ nhận thấy của Maoism là lý luận và thực hành của họ trong việc "phát động quần chúng". Phát động quần chúng của Maoism là kết hợp của rất nhiều yếu tố chính trị, xã hội, tổ chức và đặc biệt là yếu tố mê hoặc tâm lý của quần chúng. Trong thực tế thì chủ tịch Mao rất giỏi trong việc mê hoặc và phát động quần chúng, ông có thể phát động quần chúng thực hiện những việc tưởng như không thể tưởng tượng nổi từ phong trào tiêu diệt chim sẻ, các phong trào "Đại nhảy vọt", "ba ngọn cờ hồng" cho đến việc phát động quần chúng dùng Hồng Vệ Binh gây bạo loạn trong "đại cách mạng văn hóa vô sản" để tạo sự lãnh đạo tuyệt đối của mình. Maoism luôn coi chính trị là có vai trò tối thượng trong việc phát động quần chúng. Mao Trạch Đông nói "Chính trị là thống soái" khi có đối thủ chính trị cần phê phán thì không những phải loại bỏ quyền lực chính trị của đối phương mà còn phải tiêu diệt "tư tưởng" chính trị của đối phương bằng cách kiểm thảo, đấu tố, dùng áp lực quần chúng đánh rã đám ý chí tư tưởng của địch thủ, đó là biện pháp "tẩy não" mà Maoism gọi là "cải tạo tư tưởng".

Tâm lý xã hội của Maoism mang nặng đặc điểm tâm lý của xã hội tiểu nông coi chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội là gắn liền với sự trong sạch coi thường vật chất, coi đói nghèo là tốt đẹp là cách mạng. Đề cao tính đóng kín, chủ trương "tự lực cách sinh" mọi yếu tố tiện nghi, xa hoa và nhất là từ nước ngoài đều bị đánh giá là "biểu hiện tư sản" phải đả phá. Maoism cho rằng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô sau Thế chiến thứ hai khi mà đời sống nhân dân được cải thiện nhiều và có các tiện nghi cao cấp là biểu hiện xa rời lý tưởng cộng sản, chạy theo "lối sống" và "đạo đức tư sản" và Maoism coi mô hình của mình là thực sự cách mạng chân chính và là đầu tàu cách mạng cho thế giới thứ ba. Giai đoạn những năm 1960 - 1970 là cao trào của Maoism cạnh tranh với Liên Xô trong việc lãnh đạo thế giới cộng sản và tranh luận về sự trong sạch của chủ nghĩa cộng sản.

Maoism đã làm cho Trung Quốc thành một xã hội đóng kín với bên ngoài mang nặng những đặc điểm lạc hậu, nhưng chính vào những năm cuối của sự lãnh đạo của mình chủ tịch Mao Trạch Đông đã tiến hành bật đèn xanh để bắt tay với kẻ thù tư bản đưa Trung Quốc thoát dần khỏi sự đóng kín và dần dần cởi bỏ dần các đặc trưng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Dần dần Maoism đã chuyển hướng sang sự ôn hoà hợp lý cốt sao đảm bảo tốt nhất quyền lợi quốc gia và dân tộc.

Chủ nghĩa cộng sản châu Âu[sửa | sửa mã nguồn]

Thuật ngữ Eurocommunism (chủ nghĩa cộng sản châu Âu) là tên mà một số đảng cộng sản tại các nước tư bản phát triển tại châu Âu (dẫn đầu là Đảng Cộng sản Ý, Đảng Cộng sản PhápĐảng Cộng sản Tây Ban Nha) tự gọi trào lưu của mình. Hiện nay hầu hết các đảng cộng sản tại các nước Tây Âu, Nhật Bản và các nước kinh tế tư bản phát triển đều theo trào lưu này. Trước đây, khi còn Liên Xô, thì Eurocommunism được các đảng cộng sản tại các quốc gia cộng sản đông Âu coi là "chủ nghĩa xét lại", "hữu khuynh" và "cơ hội chủ nghĩa".

Đầu tiên các đảng cộng sản thuộc trào lưu Chủ nghĩa cộng sản châu Âu cũng theo chủ nghĩa Marxism-Leninism. Trước và đặc biệt sau Thế chiến thứ hai đã có sự chuyển đổi lý luận của các đảng này để trở thành Eurocommunism bởi hai nguyên nhân chính:

  • Chủ nghĩa tư bản đã có những thay đổi to lớn không còn như thời đại của Marx và Lenin nữa, đã bắt đầu xuất hiện các cơ cấu của xã hội dân sự để giải quyết các mâu thuẫn xã hội một cách chấp nhận được.
  • Mức sống được nâng cao đã làm mất tính hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản tại đa phần dân chúng các nước tư bản phát triển.

Trên cơ sở đó đã xuất hiện lý thuyết Eurocommunism đầu tiên sơ khai từ trước Thế chiến thứ hai từ lãnh tụ Đảng Cộng sản Ý Palmiro Togliatti và sau đó lý thuyết này dần được chia sẻ bởi các đảng cộng sản Tây Âu khác cho đến năm 1977 đã khai sinh chính thức Eurocommunism trong tuyên bố chung của lãnh tụ ba đảng cộng sản Ý, Tây Ban NhaPháp về tiến đến mục tiêu cộng sản bằng hòa bình và tự do trong "dân chủđa nguyên".

Eurocommunism còn được gọi là chủ nghĩa cộng sản nhân đạo cho rằng: Tương lai của xã hội loài người vẫn là theo lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản mà Marx đã miêu tả, nhưng con đường đấu tranh đạt đến lý tưởng không còn là bạo lực cách mạng như Marx và Lenin lý luận nữa mà bằng con đường đấu tranh hợp pháp, dân chủ của xã hội công dân và cuối cùng chủ nghĩa tư bản sẽ ngày càng bớt đối kháng (antagonism) để biến chuyển dần thành một chế độ nhân đạo mất dần tính chất "người bóc lột người".

Như vậy Eurocommunism đã phủ nhận sự biến đổi xã hội bằng "đột biến" cách mạng (revolution) mà chủ trương biến đổi bằng "tiến hoá" (evolution). Mục tiêu và phương pháp đấu tranh chủ yếu bây giờ của Eurocommunism cũng tiệm cận với mục tiêu và phương pháp của các đảng xã hội và phong trào công đoàn cũng như các phong trào khác (ví dụ đảng Xanh) chủ yếu đấu tranh về mặt kinh tế để đòi tăng lương và tăng mức sống cho giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động khác; tăng cường đấu tranh chính trị - xã hội bằng biện pháp hòa bình để đem lại công bằng xã hội cho giai cấp công nhân; đấu tranh cho quyền tham chính của giai cấp công nhân...

Eurocommunism từ bỏ biện pháp đấu tranh bạo lực và kêu gọi không giải quyết bạo lực trong các mâu thuẫn chính trị - xã hội, ủng hộ bằng tinh thần và bằng biện pháp hòa bình các cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa và bị áp bức, kêu gọi lập lại trật tự thế giới công bằng cho các dân tộc. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh Eurocommunism đi đầu trong phong trào đòi giải trừ quân bị vì nền hòa bình trên thế giới và quyền cùng chung sống hòa bình giữa các chế độ chính trị đối lập.

Ngày nay tại châu Âu lập trường của các đảng cộng sản trong Eurocommunism không khác biệt gì lắm so với các đảng xã hội hoặc các phong trào dân chủ xã hội khác.

Các đảng cộng sản tiêu biểu[sửa | sửa mã nguồn]

Một số hệ tư tưởng khác[sửa | sửa mã nguồn]

  • Các tôn giáo: đa số các tôn giáo (trừ một số ngoại lệ như Phật giáo) khẳng định hữu thần và các lực lượng siêu nhiên, trong khi những người cộng sản khẳng định vô thần (chịu ảnh hưởng học thuyết Darwin), họ xem các lực lượng siêu nhiên chỉ là những hiện tượng tự nhiên mà khoa học chưa lý giải được. Các lý thuyết gia chủ nghĩa cộng sản truyền thống thường phê phán tôn giáo, là công cụ của các giai cấp phong kiến quý tộc hay tư sản nhằm làm nhụt ý chí đấu tranh của tầng lớp vô sản với các bất công của xã hội, ngược lại nhũng người bảo vệ cho tôn giáo cho những người cộng sản là vô thần, không có niềm tin vào một thế giới bên kia hay các khía cạnh đạo đức tôn giáo nên thường sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, thiếu khoan dung, nên những lý tưởng nhân văn trong lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản không thể thực hiện được. Nhưng những người cộng sản và những người tôn giáo, đặc biệt những người tôn giáo cánh tả thường phê phán chủ nghĩa tư bản vì về lý thuyết đều thường không khuyến khích cho chủ nghĩa cá nhân.
  • Chủ nghĩa tư bản: khẳng định tư hữu, trong khi những người cộng sản hướng tới công hữu tư liệu sản xuất (hiểu theo nghĩa cộng sản đúng nghĩa). Những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản luôn cho rằng không vì những phân hóa xã hội mà vi phạm đến các quyền sở hữu cá nhân, đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa cộng sản. Những người ủng hộ cho chủ nghĩa tư bản cho rằng chủ nghĩa này tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế dựa trên nền tảng ham muốn cá nhân làm giàu vô tận, và tạo cơ hội cho sự tự do kinh doanh và tự do lựa chọn lao động, thường cho sự phân hóa xã hội là một sự đào thải của cơ chế thị trường mà những người tụt lùi phía sau là những người kém cỏi chứ không phải là do bóc lột, ngược lại những người phê phán chủ nghĩa tư bản bao gồm những người cộng sản luôn luôn cho là chủ nghĩa tư bản có yếu tố bóc lột, và không bao giờ tạo công bằng thực sự, tạo ra lối sống ham muốn vật chất và hay dẫn đến suy đồi đạo đức. Những người cộng sản thường đổ lỗi cho chủ nghĩa đế quốc là hệ quả của chủ nghĩa tư bản vì các tập đoàn tư bản muốn vươn vòi bóc lột nhân dân các dân tộc thuộc địa, biến các nơi này thành nơi tiêu thụ hàng hóa tư bản và cung cấp tài nguyên và lao động rẻ mạt, trong khi những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản lại hay cho chủ nghĩa đế quốc là hệ quả của chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa quân phiệt (đặc biệt là giai đoạn chủ nghĩa đế quốc thứ hai từ cuối thế kỷ XIX, mà họ cho là nhằm bảo đảm lợi ích của cả dân tộc chứ không chỉ tư bản, trong khi thường nhìn nhân giai đoạn chủ nghĩa đế quốc thứ nhất thường bảo đảm cho quyền lợi của cả quý tộc phong kiến và tư sản). Chủ nghĩa cộng sản cũng cho là chủ nghĩa tư bản thực hiện "chủ nghĩa đế quốc mới" trong khi chủ nghĩa tư bản cũng cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện "chủ nghĩa đế quốc mới"
  • Chủ nghĩa tự do: đề cao tự do cá nhân, nếu giới hạn gần với bảo thủ, nếu cấp tiến hơn có khi bị xem là cực đoan, hay gần với chủ nghĩa vô chính phủ; trong khi những người cộng sản cũng hướng đến tự do tuyệt đối như những người vô chính phủ, nhưng qua con đường vòng là nhà nước chuyên chính vô sản, coi trọng lối sống tập thể (cộng đồng) và điều hành của nhà nước. Lập trường kinh tế cũng có sự khác biệt, do ủng hộ tự do cá nhân nên những người tự do ủng hộ tư hữu đồng nghĩa sẽ có chủ nghĩa tư bản, chấp thuận phân hóa xã hội như là "sự tất yếu của cơ chế thị trường", coi trọng bình đẳng cơ hội, trừ những người tự do xã hội chấp thuận có điều chỉnh của nhà nước phân phối lại thu nhập thường thông qua đánh thuế cá nhân. Những người cộng sản phản đối cơ chế như vậy. Những người theo chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản thường có một lập trường chống lại chế độ phong kiến và độc tôn tôn giáo (chủ nghĩa tự do ủng hộ tự do tôn giáo nhưng tách tôn giáo khỏi nhà nước). Do có lập trường trên nền tảng chủ nghĩa cá nhân nên chủ nghĩa tự do đề cao quyền cá nhân, mà không phụ thuộc vào sự ép buộc bên ngoài bao gồm nhà nước.
  • Chủ nghĩa bảo thủ: đề cao một sự chuyển hóa từ từ, trong khi những người cộng sản muốn chuyển hóa nhanh chóng một cách cách mạng. Một số người bảo thủ ủng hộ cho quay lại một trật tự cũ, đã bị thay thế, vì thế có còn được xem là phản động, theo cách hiểu của những người cộng sản, thậm chí của những người tự do hay xã hội. Chủ nghĩa bảo thủ đề cao tính dân tộc, trong khi chủ nghĩa cộng sản đề cao tính giai cấp. Chủ nghĩa bảo thủ coi trọng tầng lớp trên mà họ cho là xứng đáng với "phẩm chất" và "đóng góp" của họ, trong khi những người cộng sản luôn bảo vệ quyền lợi tầng lớp dưới. Chủ nghĩa bảo thủ hiện đại ủng hộ cho chủ nghĩa tư bản, coi nó là động lực thúc đẩy kinh tế, và "công bằng trong cơ hội" ít coi trọng phân phối lại tài sản và bàn tay nhà nước (Nhà nước tốt nhất theo họ là nhà nước ít can thiệp nhất). Trong vấn đề đạo đức, chủ nghĩa bảo thủ coi trọng truyền thống (khác với phe tự do đề cao đạo đức cá nhân, nhận thức của bản thân) - khác với những người cộng sản ủng hộ nền tảng đạo đức xã hội chung được xây dựng trên lý thuyết cộng sản. Với vấn đề tôn giáo, chủ nghĩa bảo thủ coi trọng tính dân tộc nên đề cao tôn giáo dân tộc (mà họ cho là cần thiết cho đoàn kết và đạo đức), và thường là người theo tôn giáo dân tộc, nhưng không loại trừ sự tồn tại tôn giáo khác. Một số do ảnh hưởng mạnh của tư tưởng dân tộc nên thường có xu hướng chống người nhập cư. Phần lớn những người bảo thủ ngày nay thường có lập trường gần giống những người tự do nguyên thủy, họ hay coi trọng vấn đề nhân quyền.
  • Chủ nghĩa phát xít: đề cao tầng lớp trên và nhà nước, trong khi những người cộng sản đề cao tầng lớp dưới và hướng đến một xã hội không còn nhà nước. Chủ nghĩa phát xít đề cao tính dân tộc (tới độ cực đoan), một số sẵn sàng dùng vũ lực để đất nước của mình thống trị dân tộc khác, một số khác không. Trong khi đó những người cộng sản coi trọng tính giai cấp và đoàn kết giai cấp quốc tế không phân biệt dân tộc, ngôn ngữ (chủ nghĩa quốc tế vô sản). Một số lý thuyết gia cho rằng cả chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản đều là hệ quả của phép biện chứng của Hegel, về bản chất khác hẳn nhau, đối nghịch nhau, nhưng về mô hình tổ chức có nhiều điểm rất giống nhau. Về cơ bản chủ nghĩa phát xít đối lập nhiều hơn với chủ nghĩa vô chính phủ hơn là với chủ nghĩa cộng sản.
  • Chủ nghĩa vô chính phủ: chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa cộng sản có chung mục đích là xóa nhà nước, nhưng những người cộng sản qua con đường vòng là nhà nước chuyên chính vô sản, còn chủ nghĩa vô chính phủ thì không. Biện pháp của những người vô chính phủ phần lớn là cách mạng giống với những người cộng sản, nhưng có phái (đa số ở phương Tây) không sử dụng biện pháp này. Đường lối kinh tế của chủ nghĩa vô chính phủ có thể trùng với chủ nghĩa cộng sản hay chế độ tư hữu tùy trường phái.
  • Chủ nghĩa dân tộc: đề cao tính dân tộc (có khi cực đoan), trong khi những người cộng sản coi trọng tính giai cấp hơn (và được những người dân tộc xem là "không đoàn kết dân tộc"), nhưng trong quá trình phát triển, có những người cộng sản chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân tộc.
  • Chủ nghĩa xã hội: cả chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản cùng có mục tiêu xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, nhưng chủ nghĩa xã hội vẫn còn tồn tại nhà nước. Do chủ nghĩa xã hội được hiểu nhiều cách khác nhau và nhiều trường phái khác nhau chủ trương khác nhau, nên chủ nghĩa cộng sản được xem là một trường phái chủ nghĩa xã hội. Khác nhau chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa xã hội dân chủ là cách thức cải tạo chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội. Một số trường phái chủ nghĩa xã hội hướng tư liệu trong tay tập thể, một số khác hướng nhà nước làm đại diện quản lý tư liệu. Lập trường của một số trường phái xã hội chủ nghĩa khác nhau cả thái độ với tôn giáo, hay cách thức để đạt mục đích của mình. Một số khá nhiều người xã hội là những người theo tôn giáo, nhưng hướng văn hóa thế tục và nhà nước thế tục (không kể theo phái xã hội chủ nghĩa gắn với tôn giáo).
  • Dân chủ xã hội: hướng đến xóa bỏ tư bản hay xóa một phần hoặc chỉ cải tạo chủ nghĩa tư bản theo hướng phân phối công bằng hơn, nhưng không sử dụng biện pháp cách mạng và nhà nước chuyên chính vô sản mà họ lo ngại "chuyên chế đi từ dưới đi lên".
  • Chủ nghĩa công đoàn: đề cao công đoàn, chứ không phải nhà nước. Đây là điểm khác với chủ nghĩa cộng sản
  • Chủ nghĩa dân túy: cũng giống chủ nghĩa cộng sản là đề cao bình đẳng thu nhập, nhưng khác ở cách thức, và xác định vai trò giai cấp,... Chủ nghĩa dân túy hay gắn với tính dân tộc hơn.
  • Dân chủ Thiên Chúa giáo: đề cao vai trò tôn giáo - trong một nhà nước thế tục, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa và đạo đức, tùy theo trường phái, có lập trường ủng hộ tư bản hay chống tư bản, ủng hộ thay đổi tiệm tiến, khác bảo thủ cực đoan là chấp thuận một nền chế độ đại nghị. Trong khi những người cộng sản loại trừ tôn giáo ra khỏi vai trò chính trị và hướng tới nền văn hóa vô thần.
  • Một số học thuyết chính trị tôn giáo khác: phát triển đa dạng, có thể không có đường hướng kinh tế rõ ràng, có trường phái ủng hộ một chế độ cộng sản (kinh tế) mà họ cho là công bằng (như một số được xem là cộng sản Thiên chúa giáo, Hồi giáo Marxism, hay Đạt Lai Lạt ma) không như chế độ tư bản - tư hữu, nhưng ủng hộ hữu thần, còn chủ nghĩa cộng sản là vô thần và có lập trường kinh tế rõ ràng. Một số ủng hộ thần quyền (ngày nay ít) và được xem là cực đoan, một số chấp thuận chế độ đại nghị,...

Do sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản, có tính chất đa dạng nên các đảng cộng sản ở mỗi thời kỳ không giống nhau và ở mỗi nước cũng khác nhau.

Không phải tất cả những người theo hệ tư tưởng khác biệt với chủ nghĩa cộng sản đều là những người chống cộng sản. Trong lịch sử, những người cộng sản cùng những người dân chủ xã hội, chủ nghĩa xã hội (nhưng không thuộc nhánh Lenin), vô chính phủ, tôn giáo cánh tả, công đoàn đã có thời kỳ khác nhau trên mặt trận chung chống chủ nghĩa tư bản. Những người cộng sản cũng có lúc phối hợp với những người tự do, bảo thủ hay dân chủ Thiên Chúa giáo hay những người tôn giáo, dân tộc chủ nghĩa chống lại chủ nghĩa phát xít độc tài và quân phiệt. Những người cộng sản đã có những lúc phối hợp với các phong trào dân tộc chủ nghĩa khác (đa phần có xu hướng tự do hoặc xã hội, và ít hơn là xu hướng bảo thủ) trong đấu tranh giải phóng dân tộc...

Đánh giá[sửa | sửa mã nguồn]

  • Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội đã có một vai trò rất to lớn trong tiến trình phát triển của tri thức nhân loại: vai trò của một cuộc thí nghiệm xã hội lớn lao. Sau cuộc thí nghiệm này nhân loại đã thu được các kinh nghiệm và tri thức cực kỳ to lớn; đã từ bỏ được sự "lãng mạn cách mạng" và các kinh nghiệm xử lý với các thách thức lớn của xã hội. Các giai tầng xã hội đã không còn dễ bị kích động bởi các ý tưởng có tính cực đoan, xã hội hướng đến cách giải quyết các mâu thuẫn bằng con đường phi bạo lực. Tuy phe xã hội chủ nghĩa thất bại, tan rã nhưng những bài học xương máu của sự thất bại này đem lại cho nhân loại một cái nhìn sâu rộng hơn về chủ nghĩa cộng sản.[cần dẫn nguồn]
  • Lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản là đối trọng để chủ nghĩa tư bản tự điều chỉnh, học hỏi để xây dựng một xã hội công bằng hơn, dân chủ hơn, ổn định hơn và trở nên tốt đẹp hơn để được xã hội loài người chấp nhận. Từ chủ nghĩa tư bản với sự tự do bóc lột - "Người với người là chó sói" (Lenin) - và đầy rẫy bất công tạo ra mầm mống của bạo động và cách mạng, thế giới cũ đã tìm các cách thích nghi và triển khai một xã hội dân sự mà trong đó mọi thành phần xã hội đều có thể phát triển hoặc có cơ hội phát triển ngang nhau, các mâu thuẫn xã hội không thể đã hết nhưng đã có những cơ chế thỏa hiệp để giải quyết trên cơ sở hợp lý cho các giai tầng xã hội. Đây là một đóng góp gián tiếp rất lớn của chủ nghĩa xã hội. Sự hình thành chủ nghĩa xã hội cũng đã làm chủ nghĩa thực dân cổ điển sụp đổ, khiến chủ nghĩa tư bản phải thay đổi để không còn bóc lột một cách trực diện như trước đây nữa (xem tại chủ nghĩa thực dân mới).[cần dẫn nguồn]
  • Trong lịch sử mấy chục năm tồn tại của mình các nhà nước tiêu biểu của chủ nghĩa xã hội đã triển khai một số các biện pháp kinh tế chính trị xã hội mà ngày nay đã được áp dụng một cách hợp lý sau khi loại bỏ đi những hạt nhân phi hợp lý.[cần dẫn nguồn] Các ví dụ như vậy rất nhiều như: kế hoạch hóa kinh tế ở tầm vĩ mô, dồn nguồn lực quốc gia cho những dự án lớn có tính quan trọng sống còn hoặc cung cấp các dịch vụ công mà tư nhân không đảm đương nổi hoặc không muốn tham gia do khó thu lợi nhuận, thiết lập hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an sinh xã hội, phổ cập giáo dục và đào tạo ở mức độ quốc gia, các kinh nghiệm về quốc hữu hóa, vai trò của kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế... đó là những đóng góp của chủ nghĩa xã hội mà các nước tư bản đã học hỏi rút kinh nghiệm và điều chỉnh để hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước.
  • Một số đảng cộng sản đã lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập khỏi chủ nghĩa thực dân theo luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lenin bằng đấu tranh vũ trang cách mạng (lý thuyết của Lenin bị một số nước phương Tây coi là ý đồ của Liên Xô hòng làm cách mạng vô sản thế giới). Thực tế là lý thuyết của Lenin đã thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, dù còn nhiều tranh cãi chủ nghĩa dân tộc là con đường để thực hiện chủ nghĩa cộng sản (chủ nghĩa đại đồng) hay chủ nghĩa cộng sản là con đường để thực hiện chủ nghĩa dân tộc...
  • Chủ nghĩa cộng sản có nỗ lực góp phần quan trọng đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, đưa đến sự sụp đổ của các nhà nước phát xít trước đây (sự ra đời của chủ nghĩa phát xít hiện gây nhiều tranh cãi, là sản phẩm lỗi của chủ nghĩa tư bản, hay sự tất yếu của chủ nghĩa đế quốc; và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít của những người cộng sản có còn nhằm mục đích mở rộng chủ nghĩa cộng sản). Nhiểu ý kiến ở phương Tây cho rằng chủ nghĩa phát xít xuất hiện là phản ứng đối phó trước sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản, chuyên chính tư sản chống lại chuyên chính vô sản, hay là chủ nghĩa dân tộc cực đoan chống lại chủ nghĩa đại đồng xóa bỏ ranh giới quốc gia, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nó không phải là chuyên chính tư sản vì bản thân trong các lý thuyết của chủ nghĩa phát-xít không hướng đến bảo vệ lợi ích tư sản và nó có khả năng lấy lòng kể cả những tầng lớp thấp nhất trong xã hội (như lý thuyết của đảng Quốc xã Đức xây dựng "chủ nghĩa xã hội" kiểu Đức).

Thư mục[sửa | sửa mã nguồn]

  • Kornai, János, The Socialist System. The Political Economy of Communism. Princeton: Princeton University Press, and Oxford: Oxford University Press, 1992
    • Bản tiếng Việt: Kornai János, Hệ thống xã hội chủ nghĩa. Chính trị kinh tế học phê phán, Nguyễn Quang A dịch, Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, 2002.
    • Tóm lược: Nguyễn Quang A, Mô hình Kornai về các hệ thống kinh tế
  • Joseph E. Stiglitz, Whither Socialism?, Cambridge, Massachusetts, and London, England: The MIT Press

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Morris, William. News from nowhere (bằng tiếng Anh). Truy cập tháng 1 năm 2008. 
  2. ^ a ă “Communism”. The Columbia Encyclopedia (ấn bản 6). 2007. 
  3. ^ Colton, Timothy J. (2007). “Communism”. Microsoft Encarta Online Encyclopedia. 
  4. ^ "Socialism." Columbia Electronic Encyclopedia. Columbia University Press. 03 tháng 2 năm 2008
  5. ^ Nguyễn Tấn Hùng (27/08/2013). “Về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài”. Chúng Ta. Truy cập 22/7/2015.  Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date=, |accessdate= (trợ giúp)
  6. ^ Tư bản luận, quyển 3, trang 502
  7. ^ Toàn tập Mác- Ăng-ghen, quyển 22, trang 173
  8. ^ T. B. Bottomore. A Dictionary of Marxist thought. Malden, Massaschussetts, USA; Oxford, England, UK; Melbourne, Victoria, Australia; Berlin, Germany: Wiley-Blackwell, 1991. Pp. 54.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]