Thiện nhượng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm

Thiện nhượng (chữ Hán: 禪讓) có nghĩa là "nhường lại ngôi vị", được ghép bởi các cụm từ Thiện vị và Nhượng vị, là một phương thức thay đổi quyền thống trị trong lịch sử các vương triều phong kiến Trung Quốc.

Nguồn gốc

Đế Nghiêu

Thời thượng cổ, khi mà sản xuất còn lạc hậu, xã hội nguyên thủy phổ biến ở các bộ lạc bởi khả năng có thể tập hợp nhân lực trong sản xuất cũng như chống lại các hiểm họa đến từ thiên nhiên. Xuất phát bởi nhu cầu thực tế đó, dần dần hình thành thể thức tuyển cử để lựa chọn một cá nhân có năng lực giữ vai trò thủ lĩnh với mục đích lãnh đạo các thành viên bộ lạc cùng chung sức sản xuất, tự vệ cũng như phân phối công sản theo bình quân sinh hoạt. Theo thể thức này, định kỳ các thành viên bộ lạc sẽ họp bàn rồi bầu chọn một cá nhân làm thủ lĩnh liên minh, đa số sẽ quyết định ai có khả năng nhất, sau đó người thủ lĩnh sẽ tự động nhường lại vị trí của mình cho kẻ khác khi họ không còn đủ sức để gánh vác trọng trách nữa.

Đến thời Xuân Thu, do xã hội loạn lạc nên xuất hiện nhiều quan điểm lỗi lạc tìm cách sửa đổi mong cứu vớt thiên hạ, trong đó có Nho giáo của Khổng Tử.[1] Huyền thoại ngày Nghiêu tháng Thuấn được xây dựng dựa trên cơ sở những truyền thuyết dân gian để tôn vinh những bậc thánh chúa đời xưa lấy đạo chí công để trị quốc, chứ không lấy thiên hạ làm của riêng riêng mình, gọi là noi gương Nghiêu Thuấn.[2]

Theo huyền thoại này, Nghiêu bởi tuổi cao sức yếu nên tìm đến Thuấn, một nhân vật tài giỏi và hiếu thảo để thay thế mình. Sau đó, Thuấn cũng bắt chước nhạc phụ nhường ngôi cho người lập công trị thủy là Vũ. Tiếp theo, Vũ chuyển giao quyền hành cho Bá Ích, nhưng con Vũ là Khải đã dùng vũ lực đoạt lấy ngai vàng.

Kinh Thư là thư tịch cổ nhất nhắc đến chế độ thiện nhượng, nhưng theo các học giả thì sách này do các Nho gia đời Hán ngụy tạo, tài liệu đầu tiên đề cập về Nghiêu Thuấn là Luận ngữ. Trong đó ghi rõ những lời của Nghiêu khuyên Thuấn giữ đạo trung chính lúc sắp nhường ngôi, và Thuấn cũng khuyên Vũ như vậy trước khi thoái vị.[3]

Sau khi định hình học thuyết, Khổng Tử chu du liệt quốc truyền bá tư tưởng của mình, nhưng chư hầu không nghe. Ngài hiểu rằng muốn thay đổi thế cuộc phải có quyền lực, lời nói dẫu hay cũng vô dụng, nên quyết định quay về nước Lỗ, đem kiến thức ghi chép lại, hy vọng hậu thế sẽ có người hiểu và thực hiện đường lối đó.[4].

Ngoại thiện và Nội thiện

Trong chế độ Thiện nhượng, vị quân chủ đương nhiệm sẽ chủ động nhường ngôi cho kẻ khác khi mình còn sống, với hình thức cao nhất là họ tự nguyện chuyển giao quyền lực cho người hiền. Hình thức này khác với Kế vị ở chỗ người tiếp nhiệm sẽ tự động thế chỗ người tiền nhiệm đã qua đời, khác với Tôn vị là trường hợp quân chủ băng hà chưa kịp chọn người thay ngôi nên quần thần phải thương nghị đề cử vua mới.

Ngoại thiện là Soán vị, được các quyền thần khác họ sử dụng để hợp lý việc kế thừa ngôi vị trên danh nghĩa theo truyền thống Nho giáo. Vị quân chủ thoái nhiệm thường có 4 kết cục: Phế truất, Quản thúc, Lưu đày, Bức tử.

Nội thiện là Tốn vị, nhường ngôi cho người trong họ, vị quân chủ từ nhiệm thường được tôn làm Thái thượng hoàng (hoặc Thái thượng vương). Khi Thái thượng hoàng vẫn còn mà vị quân chủ đương nhiệm tiếp tục nhường ngôi cho người khác, thì Thái thượng hoàng được tôn là Vô thượng hoàng (hay Vô thượng vương). Theo thống kê từ những số liệu trong sử sách thì có đến già nửa các trường hợp nội thiện có kết cục không khác gì ngoại thiện, vị quân chủ thoái nhiệm thường có 4 nguyên nhân: Thất thế, Bệnh tật, Xuất gia, An dưỡng.

Một số quan điểm khác

Đế Thuấn
  1. Tuân tử, Chính luận biên: Cái gọi là Nghiêu Thuấn nhường ngôi là không phù hợp với sự thực, là chuyện do những người có đầu óc hạn hẹp loan truyền, là thuyết của những kẻ tri thức nông cạn.
  2. Hàn phi tử, Thuyết nghi: Thuấn ép Nghiêu, Vũ bức Thuấn, Thang đày Kiệt, Vũ Vương đánh Trụ. Bốn vị vua này là thần tử lại giết quân chủ của mình, vậy mà thiên hạ vẫn khen họ.
  3. Thẻ tre Quách Điếm, Đường Ngu chi đạo: Ngôi vị thủ lĩnh do dân bầu, không phải từ một cá nhân nhường lại.
  4. Sử ký chính nghĩaQuát địa chí dẫn Trúc thư kỉ niên: Thuấn giam Nghiêu, lại cản trở Đan Chu, khiến cho cha con không thể gặp được nhau... Nghiêu thành xưa ở huyện Quyên Thành, Bộc Châu, phía Đông Bắc 15 dặm... Khi Nghiêu suy, bị Thuấn giam giữ, lại có Yển Chu thành, cách huyện đó về phía Tây Bắc 15 dặm.
  5. Sử thông, Nghi cổ biên: Xét Cấp trủng tỏa ngữ thấy nói: "Thuấn giam Nghiêu ở Lâm Phần". Trúc thư lại nói ở đó có tòa thành tù Nghiêu, người có kiến thức dựa theo thuyết này vô cùng hoài nghi chuyện nhường ngôi.
  6. Công chúa thị chẩm dạng sinh hoạt đích, Nga Hoàng - Nữ Anh: Hai người con gái giúp Thuấn đoạt ngôi vị thủ lĩnh và cầm tù vua cha.
  7. Cổ sử biện, quyển 7: Thuyết Thiện nhượng do các học giả thời Chiến Quốc bế tắc trước thời cuộc xây dựng hình tượng một xã hội lý tưởng dựa trên truyền thuyết.
  8. Trung Quốc vị giải chi mê, Nghiêu Thuấn thiện nhượng chi mê: Nghiêu Thuấn nhường ngôi không có gì là nghiêm túc và thần thánh, chẳng qua chỉ là mọi người không muốn gánh lấy nhiệm vụ cực khổ mà thôi.
  9. 99% đích Trung Quốc nhân bất tri đạo đích lịch sử chân tướng, chương 2: Nghiêu Thuấn nhường ngôi không phải do sự hào hiệp.

Ảnh hưởng

  • Năm 1777, cộng hòa Lan Phương áp dụng hình thức dân chủ tổng tuyển cử kết hợp truyền thừa thiện nhượng.
  • Năm 2013, thông cáo nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng cuộc chuyển giao quyền lực giữa các lãnh đạo tối cao của họ mang màu sắc thiện nhượng hiện đại.

Sách dẫn và Chú thích

  • Nguyễn Hiến Lê, Khổng tử. Nhà xuất bản Văn hóa, 1996
  • Trần Trọng Kim, Nho giáo. Nhà xuất bản Thời đại, 2012
  1. ^ Nho giáo, trang 46-47.
  2. ^ Nho giáo, trang 699
  3. ^ Khổng tử, trang 11-12
  4. ^ Khổng tử, trang 52-74