Friday, June 27, 2014

TƯ DUY CHỦ ĐỘNG




Brainstorming hay còn gọi là tư duy chủ động, hay sự động não. Muốn có tư duy chủ động con người phải có môi trường giáo dục dạy cho tư duy chủ động.

Tư duy chủ động là động não trước mọi sự vật hiện tượng xã hội. Con người không có tư duy chủ động, mà chỉ có tư duy thụ động từ những vấn đề người khác đặt mình vào tình huống phải giải quyết, là người chỉ biết suốt đời đi làm thuê, sống như cây cỏ, hoặc như loài động vật bậc thấp, chỉ biết chờ sung rụng vào mồm.

Một xã hội có tỷ lệ người có tư duy chủ động - brainstorm: động não - cao là một xã hội hùng cường. Nhưng trong một thống kê, mà tôi đọc đã lâu, giờ không tìm ra nguồn, thì Hoa Kỳ cũng chỉ có 4% dân số có tư duy chủ động, là đã làm cho Hoa Kỳ đứng đầu thế giới.

Như vậy, Việt Nam ngày nay tỷ lệ người có tư duy chủ động trong số 94 triệu người Việt ở trong và ngoài nước là bao nhiêu phần trăm? Con số này liệu có được 0.5% không? Đó là vấn đề đáng để suy nghĩ.

Việc cả 94 triệu dân Việt bị đám chính khách diễn hài chạy theo trong câu chuyện biển Đông, trong thời gian gần 2 tháng qua, chỉ là đám đông vô thức có tư duy thụ động, như con bò bị ông chủ bắt cày, ừ thì cày, bắt ăn cỏ, ừ ăn cỏ, chứ không phải con người.

Việc ra đời Go West Foundation với sứ mệnh nặng nề, trong đó có sứ mệnh giúp thế hệ trẻ tương lai có tư duy chủ động.

Hãy cầu mong cho đất nước Việt tương lai sáng sủa hơn, tốt đẹp hơn nhờ vào những thế hệ tài năng có tư duy chủ động. 

Asia Clinic, 16h44' ngày thứ Sáu, 27/6/2014

Thursday, June 26, 2014

AI LÀ NGƯỜI THÂN CỦA BỘ HÀI CỐT TỬ SỸ VIỆT NAM CỘNG HÒA NGUYỄN AN KHANG?



Gửi đến toàn thể người Việt Nam trên toàn thế giới và trong nước,

Chiều hôm qua, tôi mới được một bạn trên facebook nhắn tin như sau:

"Chúng Tôi có tìm thấy một hài cốt của một Quân nhân đã hy sinh tại chiến trường Chi Khu Kiến Đức, thuộc tỉnh Daklak (cũ) có Thẻ Bài ghi rõ:

Họ Tên là Nguyễn An KhangSố Quân: 68/144.681Loại Máu B.Rh+Vậy, nếu ai là thân nhân của Quân Nhân đã hy sinh nói trên xin vui lòng liên lạc ĐT: 0903698807(gặp Long); hoặc 0903716345(gặp Nhung) để nhận lại hài cốt."
Nghĩa tử là nghĩa tận, bản thân gia đình tôi cũng có người thân tử trận vào tết Mậu Thân 1968. Tôi hiểu thế nào là văn hóa Việt về vấn đề đưa hài cốt của người đã mất được hương khói hằng năm.

Nên tôi đưa thông tin này thành một bài viết, để các bạn trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa xưa có thể nhận ra bạn bè mình đã ngã xuống mà thông báo cho gia đình. Nên việc đưa thông báo này cũng như là trách nhiệm của đứa con của Gia Đình Quốc Gia Nghĩa Tử. Ngoài ra để các gia đình thân quyến của tử sỹ Nguyễn An Khang có thể tìm gặp thông tin này, nhằm lo hậu sự cho Ông về nơi cần đến sau 40 năm không nơi trú ngụ.


Xin cảm ơn.

Asia Clinic, 10h32' thứ Năm, 26/6/2014

Friday, June 20, 2014

TRUYỀN THÔNG TRUNG CỘNG: TẠI VIỆT NAM HỌ DƯƠNG ĐÃ GỌI "ĐỨA CON HOANG" QUAY VỀ VỚI GIA ĐÌNH

BS Hồ Hải chuyển ngữ.

Bài viết của Shannon Tiezzi trên The Diplomat

Bài viết gốc: Chinese Media: In Vietnam, Yang Calls 'Prodigal Son' to Return Home

Phương tiện truyền thông Trung Cộng đã mô tả chuyến đi Dương Khiết Trì đến Việt Nam như là một chiến thắng ngoại giao và đạo đức đối với Trung Cộng.

Phương tiện truyền thông nước ngoài (bao gồm cả The Diplomat) không tìm thấy nhiều hy vọng về một bước đột phá trong quan hệ Trung Cộng-Việt Nam trong chuyến đi của Dương Khiết Trì tới Hà Nội trong tuần này. Theo tờ New York Times thì,  "Đối với Việt Nam và Trung Cộng, không thể giải quyết căng thẳng,". BBC thì nhấn mạnh "Bế tắc tại các cuộc đàm phán Trung Cộng-Việt Nam", còn Reuters thì chạy cái tít "Trung Cộng mắng Việt Nam đã 'thổi phồng' Biển Đông bằng giàn khoan dầu."

Trong khi đó, phương tiện truyền thông Trung Cộng đã có một cách tiếp cận một cách dứt khoát khác nhau, lạc quan hơn rất nhiều. "Trung Cộng, Việt Nam đồng ý xử lý đúng đắn các vấn đề song phương nhạy cảm", trong một cái tít bằng tiếng Anh của Tân Hoa Xã. "Bắc Kinh, Hà Nội thề hành động trong sự xích mích," China Daily nhấn mạnh. Một đoạn video về chuyến đi của họ Dương do CCTV - đài truyền hình trung ương Trung Cộng - tập trung vào tuyên bố của Dương Khiết Trì rằng, ngay cả khi mối quan hệ Trung Cộng-Việt Nam là tồi tệ hơn nhiều so với hiện nay, hai bên vẫn sẽ phải nghĩ ra một cách để nhanh chóng giải quyết vấn đề. Dựa trên các báo cáo phương tiện truyền thông Trung Cộng, có vẻ như các cuộc họp Dương Khiết Trì với lãnh đạo Việt Nam là một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng về sự kiện giàn khoan dầu HD-981.

Điều đó không phải để nói rằng Trung Cộng sẵn sàng thỏa hiệp. Ngược lại, mỗi bài viết chứa đựng sự khẳng định Trung Cộng đặt các giàn khoan dầu là chuyện rất bình thường riêng tư của Trung Cộng, và rằng Việt Nam nên ngừng quấy rối bất hợp pháp cho hoạt động của giàn khoan. Thay vào đó, các bài viết của Trung Cộng ngụ ý rằng, Hà Nội đã làm thay đổi vị trí của giàn khoan. Trong khi đó, không có bài báo cáo, cũng như phương tiện truyền thông Việt Nam và phương Tây nói về vấn đề này, Việt Nam nhấn mạnh Trung Cộng nên loại bỏ các giàn khoan dầu. Thay vào đó, bài viết từ Tân Hoa Xã nhấn mạnh rằng Việt Nam và Trung Cộng đã đồng ý để "xử lý đúng đắn các vấn đề song phương," không quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, và không để cho căng thẳng trên biển trở thành can thiệp rộng lớn hơn với quan hệ song phương.

Tất nhiên, nếu Việt Nam đã thực sự đồng ý "xử lý đúng đắn các vấn đề song phương" theo quan điểm của Trung Cộng, thì chắc chắn cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu sẽ thực sự tốt hơn. Thay vào đó, Hà Nội có một ý tưởng rất khác nhau về cái gọi là "xử lý thích hợp" - theo giải thích của Việt Nam thì, Trung Cộng đã hành động "không đúng" vi phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam. Bằng cách bỏ qua đề cập đến việc giải thích vì sao Việt Nam cho rằng Trung Cộng vi phạm vùng biển Việt Nam, phương tiện truyền thông của Trung Cộng kêu gào khi Việt Nam tiếp tục phản đối các giàn khoan dầu.

Phương tiện truyền thông Trung Cộng cũng miêu tả chuyến thăm của họ Dương không chỉ là một chiến thắng ngoại giao, mà còn là một bài dạy đạo đức. Tân Hoa Xã nhấn mạnh rằng chuyến đi của họ Dương đến Hà Nội tự nó đã chứng minh rằng Trung Cộng đang chủ động tìm kiếm để giải quyết vấn đề. Tân Hoa Xã cho biết, chuyến thăm của họ Dương, là một cuộc thể hiện của Trung Cộng về "sự chân thành trong mong muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và là lòng hào hiệp sức mạnh vĩ đại của Trung Cộng." Đài truyền hình trung ương Trung Cộng nói rằng, họ Dương đến giúp "trở lại mối quan hệ Trung Cộng-Việt Nam đi đúng quỹ đạo của những ngày đầu ban giao của 2 nước. "

Giọng điệu của những bài viết này tô vẽ họ Dương như một cái gì đó giống như một giáo viên kiên nhẫn đối phó với một học sinh cá biệt ngoan cố. Thái độ này thể hiện rõ nét nhất ở các phương tiện truyền thông quốc gia Thời báo Hoàn Cầu - Huanqui (đối tác ngôn ngữ Trung Cộng của Global Times). Huanqiu mô tả chuyến thăm của họ Dương như một món quà từ Trung Cộng, ban phát Việt Nam có một cơ hội để "tự kiềm chế trước khi quá muộn." Nhiệm vụ của họ Dương tại Hà Nội là để "làm rõ đáy của cuộc khủng hoảng và những ưu và khuyết điểm" của tình hình. Huanqiu cho biết, Trung Cộng nói chuyện với Việt Nam là để "đôn đốc" đứa con hoang đàng quay về với gia đình. "Căn cứ vào cách giải thích này, có vẻ như họ Dương không phải là đến Hà Nội cho một cuộc đối thoại thực sự, mà chỉ đơn giản là để dạy một bài học.

Mặc dù tích cực, nhưng các phương tiện truyền thông Trung Cộng đã được thiết kế để cho thấy Trung Cộng cũng trong tình trạng căng thẳng vẫn tiếp tục cháy âm ỉ. Chỉ câu chuyện nhấn mạnh quấy rối của Việt Nam ở những giàn khoan dầu của Trung Cộng, và sự kiên nhẫn và khoan dung của Trung Cộng trong việc đối phó với các hành động khiêu khích bằng cách gửi họ Dương đến Việt Nam để đàm phán. Câu chuyện cũng nhấn mạnh đến sự đồng thuận trong các cuộc họp; những lời lẽ sẽ được sử dụng để chống lại Hà Nội nếu cuộc khủng hoảng tiếp tục như hiện tại. Phương tiện truyền thông của Trung Cộng đã gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng, bây giờ Việt Nam phải đáp ứng một cách chính xác đề nghị của Trung Cộng là phải kết thúc khủng hoảng bằng cách can thiệp làm ngưng các cuộc biểu tình trên đất liền, và quấy rối tại các giàn khoan dầu trên biển của Trung Cộng. Vì vậy, trang Huanqiu đã kết thúc với một cảnh báo cho cộng đồng quốc tế là, sẽ thấy Việt Nam phải tuân lệnh bằng hành động hợp tác sau bài học họ Dương đã dạy.

Tư Gia, 22h50' ngày thứ Sáu, 20/6/2014

Monday, June 9, 2014

BÀI HỌC LỊCH SỬ CẬN ĐẠI VỀ CHIẾN SÁCH VẾT DẦU LOANG CỦA TRUNG CỘNG ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Bài đọc liên quan:
+ Kịch bản Mao Nixon thế hệ thứ hai
+ Ngoại giao bóng rổ lại nhớ bóng bàn
+ Bày binh bố trận
+ Biển Đông, Việt Nam, Trung Hoa và những trò chơi chính tri
+ Tư tưởng Khổng Khâu và kiếp chư hầu

Có những chuyện rất gần, ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng nhớ, để có cái nhìn khách quan.

Năm 1974 trong cơn khủng hoảng của Việt Nam Cộng Hòa, thì Bắc Việt cộng câu kết với Trung Cộng, và Hoa Kỳ để Trung Cộng chiếm Hoàng Sa.

Năm 1988 khi nội bộ các phe phái của Lê Duẩn, Trường Chinh và những người cộng sản theo cải cách như Trần Xuân Bách, Trần Độ, Nguyễn Hộ đấu nhau, Liên Xô cắt viện trợ, nền kinh tế tự cung, tự cấp theo con đường Lý Ninh bao cấp sụp đổ, thì Trung Hoa chiến 7 đảo, bãi đá ngầm ở Trường Sa, trong đó có Gạc Ma.

Đau hơn nữa là, trong khi Trung Hoa chiếm Trường Sa thì chiến hạm Liên Xô đang ở biển Đông, và họ đang cai quản cảng Cam Ranh, nhưng họ vẫn làm ngơ để Việt Nam mất Trường Sa. Nhưng hôm nay Việt Nam vẫn cầu cạnh Nga, và mua vũ khí Nga để mong cầm cự với Trung Hoa trên biển Đông.

Năm 2014, khi các phe phái ăn chia không đều đấu nhau trên nghị trường đang còn hăng máu, và kinh tế suy sụp thì, Trung Cộng xây cái sân bay ở đảo Gạc Ma, hòng cai quản cả biển Đông, trong đó có Trường sa và Hoàng sa. Nhưng để che đậy việc xây sân bay, Trung Cộng quậy cái HD-981 ngay thềm lục địa Việt Nam, và lệnh cho biểu tình, cấm biểu tình trong nước Việt loạn xạ, nhưng vẫn giao thương với Việt Nam bình thường.

Theo VTV sáng nay- 09/6/2014 - mọi hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt và Trung cộng không những vẫn diễn ra bình thường, mà còn tăng hơn cùng kỳ năm ngoái 26% đối với nhập khẩu, và 30% đối với xuất khẩu.

Hôm trước, có bạn trẻ hỏi một câu hỏi, mà lịch sử chiến tranh Việt Nam vẫn còn bí ẩn, ít ai để ý, và cũng ít sách vở nào trong nước có câu trả lời thích đáng trong sự kiện Mỹ thả bom 12 ngày đêm hồi tháng 12 năm 1972 - kể từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972 - như sau:

"Bác ơi cho cháu hỏi tại sao Mỹ lại ném Bom Hà Nội  vậy, lịch sử của cộng sản con ko tin lắm"

Tôi đã trả lời như sau,

Cục diện chính trường thế giới lúc đó đồng minh không thể bỏ rơi của Mỹ là Israel - Do Thái - đang đơn cô thế cô, chưa đủ mạnh để chống lại một cách trường kỳ với nhóm các quốc gia Hồi giáo vùng Bắc Phi và Trung Đông. Cuộc chiến 6 ngày với khối Ả Rập của Do Thái, những tranh chấp với phong trào khủng bố Palestine do Yeser Arafat học tập kiểu khủng bố ở các thành phố ở miền nam của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam đang đe dọa nền an ninh quốc gia của Do Thái. Mỹ bắt buộc phải xoay trục từ Thái Bình Dương sang Trung Đông để đạt được 2 mục đích:

1. Nắm yết hầu năng lượng toàn cầu để chỉ huy thế giới với vai trò đại ca mà Mỹ đã nhận từ Anh vào cuối năm 1944.

2. Cứu nguy cho Do Thái, một đồng minh không thể bỏ.

Trước đó, Mỹ đã lừa nước đục thả câu khi LX và Trung Cộng hục hặc, hơn nữa Trung Cộng đang cơn chết đói sau đại nhảy vọt của Mao. Mỹ đi đêm với Romania và Pakistan suốt 3 năm để tiếp cận với Mao Trạch Đông, hòng kéo Trung Cộng về với mình để chống lại Liên Xô mới là đối thủ đáng ngại nhất, vì Liên Xô đã có bom hạt nhân. Trong khi đó, Trung Hoa chưa có bom hạt nhân, và bom hạt nhân của Trung cộng có được là do Liên Xô giúp đở.

Mục tiêu tiêu diệt Liên Xô mới là cái đích chính. Nếu thắng Bắc Việt thì Trung Cộng sẽ chống Mỹ mà quên đi thù hằn với Liên Xô và giành vai trò anh cả đỏ với LX. Hơn nữa, biên giới phòng thủ của Trung Cộng sẽ nằm sát ngay đít Trung Cộng nếu cả Việt Nam theo tư bản, trong khi đó đầu thì đang lo ngay ngáy Liên Xô xâm chiếm. Lúc đó Mỹ sẽ có 2 kẻ thù là cộng sản. Hơn nữa, chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đã cho Mỹ một bài học về việc tôn trọng phên giậu của Trung cộng.

Nên Mỹ phải buông VNCH như buông con tép để bắt con cá lớn là Liên Xô Đông Âu, và thị trường 1 tỷ dân Trung Hoa.

Sau 3 năm đi đêm, ngày 21/02/1972, Nixon gặp Mao để đưa ra Thông Cáo Thượng Hải với cái gọi là ngoại giao bóng bàn, quyết định 3 điều quan trọng:

1. Trung Hoa phải mở cửa chuyển đổi kinh tế để cho Mỹ đầu tư vào thị trường lao động rẻ mạt này, và chống Liên Xô để Mỹ đổi lại 2 việc sau,

2. Giao Đông Dương cho Trung Hoa cai quản.

3. Đồng ý Đài Loan thuộc Trung Hoa lục địa, nhưng Mỹ vẫn bảo vệ Đài Loan bằng cách còn bán vũ khí và xem là đồng minh của Mỹ.

Trước khi đi đến ký kết Hiệp Định Paris tháng 01/1973, Mỹ đã ném bom miền Bắc Việt Nam 12 ngày đêm để đạt 2 mục đích:

1. Đánh lừa Việt Nam Cộng Hòa chứng tỏ Mỹ không bỏ rơi đồng minh VNCH, hòng dụ dỗ VNCH ngồi vào bàn ký kết Hiệp Định Paris để Mỹ rút quân tránh sa lầy tại Việt Nam, chuyển trục sang Trung Đông.

2. Dằn mặt Trung Hoa rằng, tao có thể san thành bình địa bất cứ quốc gia nào bội ước với tao.

Nên cuộc đánh bom miền Bắc là có thật, và nó là bi kịch của người dân miền Bắc Việt Nam nói riêng, và cả dân tộc Việt Nam nói chung cho đến hôm nay sống trong ách đô hộ của cộng sản chưa thoát ra được. Nhưng bi kịch hơn nữa là, Mỹ không muốn thắng ở chiến trường Việt Nam, nên Mỹ ngưng thả bom vào ngày nước Mỹ nghỉ tết Tây. Vì thắng bắc Việt, thì Mỹ sẽ không đánh sụp được Liên Xô và Đông Âu vào năm 1990.

Cuộc ngoại giao bóng rổ năm 2011, và sau đó là một Nixon Mao 2.0 diễn ra năm 2013. Thay vì, cuộc ngoại giao bóng bàn tháng 4/1971 đã làm nên Nixon Mao 1.0 đi đến Thông Cáo Thượng Hải, thì Nixon Mao 2.0 - Obama Tập 2013 - có cái Thông cáo California mà chưa ai biết được.

Bề ngoài ngoại giao bóng bàn 1971 êm thấm với phần thắng thuộc về đội tuyển Trung Cộng. Hơn nữa, về mặt ngoại giao, anh đến thăm tôi là, anh cầu cạnh tôi. Và kết quả Trung Cộng đã thắng trên mọi phương diện từ bành trướng phên giậu hết cả Đông Dương và Miến Điện, Pakistan, sang cả Trung Đông và Bắc Phi như, Iran, Libya ... Trên mặt trận kinh tế, Trung Cộng phát triển vượt bậc nhờ biết dựa vào dân số đông, giá nhân công rẻ mạt, từ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, để đổi lạn bán môi trường tài nguyên bị ô nhiễm. Tính đến hôm nay toàn đất nước Trung Cộng có 28.000 con sông chết! Ngoại giao bóng bàn là để Hoa Kỳ rút klui trong danh dự chuyển trục từ Thái Bình Dương sang Trung Đông.

Hơi khác ngoại giao bóng bàn, ngoại giao bóng rổ là một cuộc ẩu đả giữa 2 đội bóng, nhưng Tập phải bay sang California để cầu cạnh Obama. Ngoại giao bóng rổ là để Hoa Kỳ rút khỏi Trung Đông quay lại Thái Bình Dương. Chuyện hậu trường của bóng bàn cũng hơn 20 năm sau thiên hạ mới rõ. Và dĩ nhiên, chuyện hậu trường bóng rổ cũng thế. Việc phải biết về hậu trường của bóng rổ, là việc của lãnh đạo của các quốc gia phên giậu của cả Hoa Kỳ và Trung Cộng phải cố mà tìm hiểu và biết, để đưa ra sách lược, chiến lược ngoại giao. Nếu không, lịch sử sẽ lập lại những gì đau thương, và mất mát cho người dân không đáng có.

Ông bà mình bảo: "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ" là muốn nói, người già và trẻ con rất chân thật. Nghe hơn 1hrs đồng hồ phỏng vấn cụ Bùi Tín ngày 03/7/2014, nay ông đã 87 tuổi như một cuốn sử thi cho người trẻ

Nhưng rõ ràng, hễ khi kinh tế chính trị Việt vào khủng hoảng thì y như rằng Trung Cộng xâm lăng. Vết dầu của Trung Cộng cứ loang dần, loang dần, để hôm nay những cơ đồ, bờ cõi Ông Cha để lại dần co hẹp. Vì cha con chồng vợ trong nhà không thành một khối thì làm sao lo chuyện đối nhân xử thế với người đời?

Có lẽ, chưa có thời kỳ nào đất nước, và dân tộc Việt vẻ vang bằng thời Nhà Nguyễn mở mang bờ cõi, và cai trị 383 năm - 1558 - 1945. Bờ cõi và giang sơn nước Việt bị vết dầu loang Trung Cộng liếm dần kể từ khi cộng sản bành trướng từ Âu sang Á. Và chắc chắn, vết dầu đó, không chỉ ở trên bộ, trên biển như lâu nay, mà sẽ còn những vùng cấm bay sau khi sân bay ở đảo Gạc Ma xây xong và ngày 15/8/2014.

Asia Clinic, 13h37' ngày Thứ Hai, 09/6/2014

Friday, June 6, 2014

LỜI NÓI SAU CÙNG TẠI TÒA CỦA BỊ CÁO NGUYỄN ĐỨC KIÊN - BẢN ĐẦY ĐỦ

Mình có biết gián tiếp bầu Kiên, chứ chưa trực tiếp gặp mặt bao giờ, những gì mình biết về bầu Kiên cũng khá nhiều. Có một điều rằng, mình thấy đây là một phiên tòa có nhiều thuận lợi cho Bầu Kiên. Dù sao thì cũng nên ghi lại như một lịch sử của dân tộc đối với một tù nhân trị giá 2 tỷ đô la, nó chiếm 1/50 nền kinh tế quốc gia lúc 2012, mà bầu Kiên bị bắt đấy các bạn. Cứ mỗi nhiệm kỳ tể tướng qua đi là có nhiều sai nha sẽ ra đi. Đó là quy luật. Trung Cộng  và Việt Nam không có gì khác nhau từ hình hài đến cốt lõi.

Sáng ngày 2/6/2014)


Nguyễn Đức Kiên: Kính thưa Hội đồng xét xử (HĐXX), tôi rất cảm ơn HĐXX, cảm ơn ông Chủ tọa đã cho phép tôi, dành thời gian cho tôi được nói. Hôm nay, được phép nói những lời cuối cùng trước tòa, một lần nữa tôi xin HĐXX dành thời gian cho tôi được nói những điều tôi rất muốn nói, nói một cách công khai. Trước khi nói về những điều liên quan trực tiếp vụ án, tôi xin nói đôi lời về hệ quả, hệ lụy liên quan đến vụ án.

(Thẩm phán nhấn mạnh đây là lời sau cùng của bị cáo, nên nói tập trung)

Nguyễn Đức Kiên: Tôi rất hiểu là tôi được phép nói những gì trong lời nói cuối cùng.

Đầu tiên, tôi xin HĐXX cho phép tôi cám ơn những người bạn, người thân, cổ động viên đã giúp đỡ, động viên gia đình tôi trong 21 tháng qua. Tôi ghi nhận và trân trọng sự giúp đỡ của mọi người. 
Hơn hết, hơn bao giờ hết, lúc này đây tôi sự giúp đỡ của bạn bè, người thân giúp vợ tôi vượt qua khó khăn lúc này vì trong kinh doanh một người phụ nữ chưa bao giờ phải kinh doanh phải đứng trước tình hình “tiền mặt trả ngay”. Tôi khẳng định rằng tôi không bao giờ phá sản. Những khó khăn mà vợ tôi hôm nay đang phải đứng ra giải quyết thay tôi là khó khăn vô cùng lớn nhưng trách nhiệm trước xã hội, trách nhiệm với việc mình làm, tôi yêu cầu vợ tôi và tôi tin rằng chúng tôi sẽ vượt qua khó khăn này nhưng mà tôi cần sự giúp đỡ của bạn bè, người thân trong lúc này. Những người có thể trong thời gian vừa rồi chưa dám giúp tôi vì sợ liên lụy hoặc chưa biết rõ bản chất vụ án là như thế nào. Tôi tin rằng qua quá trình xét xử, mọi người đã biết được bản chất thực của vụ án này là gì. 

Thứ hai, cho phép tôi được xin lỗi các cổ động viên đội bóng đá Hà Nội vì những lý do bất khả kháng, đội bóng đã không được tiếp tục thi đấu. Tôi đã yêu cầu vợ tôi tiếp tục duy trì đội bóng trẻ để một ngày nào đó đội bóng CLB Bóng đá Hà Nội sẽ được xây dựng lại bởi vì đây là tâm nguyện của tôi. Trong trường hợp tôi không làm được, con trai cả của tôi sẽ làm thay. 

Thứ ba, tôi đề nghị các đồng nghiệp của tôi tại công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF sẽ đi tiếp, sẽ làm tốt những gì mà chúng tôi đã dự định trước đây, những gì mà tôi, anh Đoàn Nguyên Đức, anh Thắng đã từng nói chuyện với nhau rất nhiều để làm sao trước khi nhắm mắt xuôi tay một lần nhìn được đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu tại World Cup. Đây là hoài bão lớn nhất trong tất cả các sự nghiệp mà tôi mong muốn. 

Thứ tư, cho tôi xin gửi lời tri ân tới tất cả các khách hàng của Ngân hàng Á Châu- những người đã đồng hành cùng tôi trong 20 năm hoạt động tại ngân hàng. Tôi cho rằng đây là điều quan trọng nhất để có tôi lớn lên cùng ngân hàng Á Châu trong 20 năm qua. Tôi nghĩ rằng khách hàng của ACB hoàn toàn có thể tin tưởng rằng ngân hàng này là ngân hàng quản trị tốt nhất trong các ngân hàng thương mại VN, tất cả các hoạt động công khai minh bạch và điều hành có hiệu quả.

(Thẩm phán nhắc nhở đây là lời nói với HĐXX)

Nguyễn Đức Kiên: Thưa HĐXX, tôi không còn cơ hội để nói, tất cả những cái này là hệ lụy của vụ án, hệ lụy mà tôi cần làm rõ, muốn nói để HĐXX biết rằng hệ lụy của việc bắt tôi như thế nào. Tôi không hề mong muốn gây áp lực nào lên cơ quan chính quyền, các cấp, các ngành nhưng tôi buộc lòng phải nói những tâm sự, những mong muốn để HĐXX ghi nhận. Thứ năm, tôi muốn nói với các cổ động của ngân hàng Á Châu rằng việc bắt tôi có ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi của họ…

(Tòa ngắt lời)

Nguyễn Đức Kiên: Một lần nữa xin ông thẩm phán cho tôi được nói đầy đủ vì không đầy đủ thì sẽ không giúp tôi nói lời trọng tâm. Tôi cam đoan với HĐXX tôi sẽ nói những điều hoàn toàn mới, chưa từng nói. Đề nghị ông kiên nhẫn và dành thời gian cho tôi.

Tôi xin được nói tiếp, một số cổ đông nhỏ, có thể bị thiệt hại trực tiếp vì việc tôi bị bắt, do một số ngân hàng đã xiết nợ khi giá cổ phiếu xuống. Thiệt hại này có thể làm tán gia bại sản của quý vị, tôi lòng thành xin lỗi vì đây là bất khả kháng của tôi, tôi không làm gì khác được. Những cổ đông lớn không có bất kỳ thiệt hại nào vì đây là những nhà đầu tư lâu dài.

Thứ sáu, đối với hơn 15 ngàn cán bộ nhân viên ngân hàng Á Châu, những người đã, đang giúp Ngân hàng Á Châu làm được nhiều việc rất thành công 20 năm qua. Tôi mong rằng anh chị em tiếp tục làm việc thật tốt, tận tâm cùng ngân hàng xây dựng đất nước này, xã hội này. Tôi yêu cầu vợ tôi, con tôi không bao giờ được bán cổ phần của Á Châu, mong muốn rằng gia đình tôi tiếp tục cùng các anh chị xây dựng ACB, góp phần xây dựng đất nước. Tôi cũng đã yêu cầu vợ tôi, yêu cầu ban lãnh đạo ACB ngày hôm nay không được cắt giảm lương, không được đuổi việc những người này vì họ là thành phần lớn, những người đã tạo dựng nên thành công của ACB ngày hôm nay. Có thể chúng tôi có sai sót nào đó, chúng tôi sẽ gánh chịu những sai sót đó nhưng ACB, họ không bao giờ đứng tên kiện tôi hay tố cáo tôi. Tôi có niềm tin mãnh liệt vào hơn 15 ngàn CBNV này không ai kiện tôi, tố cáo tôi. Còn những người nào nặc danh, mượn danh họ kiện tôi, tố cáo tôi trước sau sẽ bị lôi ra ánh sáng. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng họ hiểu tôi, hiểu những nguyên tắc làm việc của tôi tại ngân hàng Á Châu, hiểu rằng tôi đã đóng góp gì cho ACB trong 20 năm qua. 

Thứ bảy, tôi thành thật và rất mong cán bộ nhân viên ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank) thông cảm cho tôi khi gia đình tôi buộc lòng phải bán cổ phần của ngân hàng này. Đây là việc đau đớn đối với tôi vì không thể một lúc có tiền mặt trả ngay cho các khoản nợ nên tôi đã đồng ý cho vợ tôi bán cổ phần ngân hàng này để trang trải những khoản nợ. Đây là việc làm bất khả kháng, tôi không tiếp tục đi cùng các anh chị nhưng tôi tin rằng có một ngày nào đó, một lúc nào đó, gia đình tôi sẽ quay lại Vietbank.

Thứ tám, tôi muốn nói với gia đình tôi, mẹ tôi, các em tôi, mọi người hãy thông cảm vì sao tôi không cho các em tôi kinh doanh, không cho các em tôi nắm giữ các vị trí quan trọng của ngân hàng dù tôi hoàn toàn có thể làm được điều đó vì tôi cho rằng các em tôi chưa đủ năng lực, chưa đủ trình độ để giữ những vị trí quan trọng. Nhưng hơn ai hết, tôi đã nói với các em tôi nhiều lần, tôi nhìn thấy các rủi ro trong kinh doanh tại Việt Nam nên tôi không muốn các em tôi, vợ tôi phải chịu những rủi ro này.

Tôi muốn nói với các con tôi. Thưa HĐXX, hôm trước tôi đã nói tôi biết tôi sẽ bị bắt nhưng tôi không bỏ chạy, tôi sẵn sàng đứng lại nhận trách nhiệm vì những việc mình làm. Tôi đã gọi 2 con trai tôi, 1 cháu lúc đó 15 tuổi, 1 cháu 9 tuổi, cháu thứ 3 bé quá tôi không gọi. Tôi nói với cháu thứ 2 là có thể con chưa hiểu nhưng con nhớ rằng có cuộc nói chuyện này của bố với các con… (NKD: ông Kiên nghẹn ngào xúc động). Tôi nói với con trai cả tôi con lấy giấy bút ra ghi lại những gì bố căn dặn, tôi nói rằng: Có thể có rủi ro sẽ xảy ra đối với tôi, tôi không biết lúc nào xảy ra nhưng con hãy ghi lại những điều bố nói. 

Thứ nhất để làm người tốt phải làm gì. Thứ hai là những mong muốn của tôi với các con tôi về việc các con lập nghiệp kinh doanh như thế nào. Thứ 3, muốn con trai tôi thay tôi là người đàn ông trong gia đình chăm sóc vợ tôi và các em. Tôi không bỏ chạy, tôi không trốn chạy trách nhiệm vì tôi tin vào chế độ này, đất nước này có kỷ cương phép nước mặc dù thời gian đó rất sớm, tôi hoàn toàn có thể bỏ đi, hộ chiếu của tôi có visa rất dài hạn ở khắp thế giới, tôi có quan hệ rộng rãi khắp nơi nhưng tôi không đi, tôi đứng lại, tôi chờ cái gì sẽ đến với mình, chờ để chịu trách nhiệm với những việc mình làm.

Tôi xin phép nói với vợ tôi vì tôi chưa bao giờ được nói với vợ tôi vì hai lần gần đây gặp tại Tòa chỉ kịp hỏi thăm sức khỏe. Lần đầu tiên khi tôi gặp luật sư để có thể giúp tôi chuyển lời về gia đình, tôi đã nói với luật sư trước mặt cơ quan điều tra hai việc: Việc thứ nhất không bao giờ chạy án, không gặp gỡ bất kỳ ai đang giữ các trọng trách ngày hôm nay, xin xỏ gì cho tôi vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến các vị lãnh đạo, đồng thời nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng vợ tôi. Thứ hai, tôi muốn nói với vợ tôi rằng tôi sẽ tự giải quyết các vấn đề liên quan đến án từ của tôi vì tôi tin rằng mình vô tội, tin rằng mình có khả năng, có đủ tư duy, có đủ đầu óc để chứng minh với HĐXX rằng tôi vô tội.

Thứ chín, để khỏi mất thời gian của HĐXX, tôi cũng xin nói rõ các vấn đề để mọi người khỏi nhầm lẫn và có những suy nghĩ khác nhau. Việc tôi biết được cơ quan điều tra bắt tôi không phải từ những thông tin nào cả mà cả xã hội đều biết, dư luận đều biết, những nhà kinh doanh đều biết và nó được phản ánh ngay trong bút lục hồ sơ vụ án này vì cơ quan điều tra đã định sử dụng, định khống chế anh Lý Xuân Hải để tố cáo tôi. Anh Lý Xuân Hải là người rất thận trọng, anh ấy báo cáo Chủ tịch HĐQT, thường trực HĐQT đã tổ chức họp, gọi tôi đến để thông báo điều đó. 

Tôi đã nói với anh Hải và HĐQT hai câu: Câu thứ nhất, tôi đề nghị anh Hải cung cấp tất cả những tài liệu liên quan đến tôi khi cơ quan điều tra yêu cầu. Thứ hai, vì tố cáo tôi nên tôi sẽ không tham gia vào bất kỳ ý kiến nào của thường trực HĐQT. Tôi chỉ đề nghị anh Hải làm văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ Công an về những việc cơ quan điều tra đang làm việc với anh Hải. Việc này tôi nói công khai, anh Tuấn, anh Kỳ, anh Hải, chú Giá đều chứng kiến. Khi tôi nói chuyện với anh Hải bằng điện thoại, cơ quan điều tra nghe và đều biết tôi ứng xử như thế nào khi tôi biết tôi sẽ bị bắt. Tôi là công dân lương thiện, không ngần ngại điều đó, tôi đứng lại sẵn sàng chấp nhận thử thách đến với mình một cách dũng cảm. 

Thứ mười, tôi rất cám ơn các nhà báo, các phóng viên đã đưa tin, phản ánh các nội dung tại tòa. Tôi cũng đề nghị các anh chị phải rất cẩn trọng vì nếu không sẽ bị cho rằng báo chí bênh vực bị can. Điều này tôi không muốn. Nhưng tôi hiểu sâu sắc rằng một nhiệm vụ thiêng liêng của báo chí là tìm ra sự thật và bảo vệ cho công lý. Tôi mong muốn rằng các anh chị nhà báo, phóng viên sẽ giúp tôi tìm ra được sự thật của vụ án này, vì khi đó sẽ không có vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.


Thứ mười một, tôi xin cám ơn Ban giám thị trại tạm giam Vĩnh Phúc, cám ơn tổ y tế đã giúp tôi sống qua được những ngày khó khăn, tổ y tế đã nhường sẻ thức ăn hàng ngày cho tôi trong thời gian tôi ở trại này (NKD: ông Kiên nghẹn ngào), đã giúp tôi khám sức khỏe ngày 2 lần trong cả năm trời để tôi có thể giữ được sức khỏe ngày hôm nay có mặt tại tòa. Tôi không bao giờ quên những hành động nghĩa cử đó mặc dù tôi biết rằng những cái điều mà tôi không được đối xử công bằng như những bị cáo, bị can khác là do người khác, do cơ quan điều tra gây ra. Tôi cũng cám ơn các cán bộ chiến sĩ của Trại giam T16 trong quá trình dẫn giải đã không gây khó khăn cho tôi, động viên tôi, hỗ trợ tôi và đã sơ cứu kịp thời cho tôi khi tôi bị lên cơn đau tim ngày hôm kia.

Thưa HĐXX, tôi bắt đầu đi vào trực tiếp những nội dung tôi cần gửi đến HĐXX. Tôi rất hiểu và rất biết rằng đứng trước vành móng ngựa không phải là nơi tôi khoe khoang hay kể công nhưng kết luận của cơ quan điều tra và diễn giải của vị đại diện Viện Kiểm sát đã xúc phạm đến danh dự của cá nhân tôi, của gia đình tôi, buộc lòng tôi phải nói dù không muốn nói. 

Thứ nhất, khi còn rất trẻ, đầu những năm 90, tôi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao một số nhiệm vụ rất khó khăn vì lúc đó tôi có những mối quan hệ rất tình cờ, rất đặc biệt với lãnh đạo Nhà nước Nga. Sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ Việt Nam- Nga rất khó khăn, vì những quan hệ tình cờ tôi có, mà tôi đã làm những việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao, gồm 3 việc: Việc thứ nhất, làm sao xóa được nợ của Liên xô cũ đối với Việt Nam; Việc thứ hai, làm sao nối được quan hệ thương mại Việt Nam- Nga; Việc thứ ba, làm sao có thể mua được vũ khí cho quân đội Việt Nam.

Tôi không biết những việc tôi làm có tốt hay không, có đóng góp được đến như thế nào nhưng tất cả những việc này là có tập thể, có ban lãnh đạo Nhà nước, có rất nhiều người tham gia nhưng tôi nhận được sự nhận xét của các đồng chí lãnh đạo là tôi đã làm rất tốt việc những được giao. Tôi không đi sâu việc này vì đây có thể liên quan an ninh quốc gia. Nhưng một người giúp tôi làm việc này trong 5 năm đó chính là bị cáo Lê Vũ Kỳ ngày hôm nay, là một trong hai người trực tiếp phiên dịch cho tôi. Một người nữa là anh Nguyễn Huy Lượng nay đã mất. Tôi sẽ dừng lại ở đây vì hồ sơ việc này cơ quan điều tra đã thu giữ đầy đủ, tôi đề nghị cơ quan điều tra trả lại hồ sơ đó cho tôi vì đó là sưu tầm, tài liệu cá nhân của tôi.

Việc thứ hai rất cụ thể nhìn thấy được, sờ thấy được đấy là đầu những năm 90, ngành điện đã rất nỗ lực để làm sao có thể đưa 4 tổ máy 5, 6, 7, 8 của thủy điện Hòa Bình vào Việt Nam đúng tiến độ để có thể phát điện, góp phần xây dựng đất nước. Tôi và anh Kỳ là những người đã có những đóng góp quan trọng giúp ngành điện đưa 4 tổ máy này về Việt Nam với giá rẻ nhất, hợp lý nhất, đúng tiến độ nhất, đóng góp vào việc xây dựng đất nước. Anh Kỳ đã có công rất lớn trong việc này cùng với tôi.
Thứ ba, trong những năm 90- 95, Tổng công ty may Việt Nam đang đứng trước việc là rất nhiều…

(Chủ tọa yêu cầu dừng lại, nhắc nhở bị cáo nói rõ tâm tư nguyện vọng về các tội danh bị truy tố, không nói sang nội dung ngoài vụ án, nội dung khác có thể viết gửi)

Nguyễn Đức Kiên: Tôi cần nói rõ vì trong kết luận điều tra đã động chạm đến những điều này mà không ai nói với tôi cả. Tôi sẽ chuyển ngay sang những nội dung mà cáo trạng truy tố và trong kết luận của cơ quan điều tra đã nêu.

Một là cơ quan điều tra nói rằng tôi có ý thức, ý định thâu tóm hệ thống ngân hàng Việt Nam, lũng đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam, thị trường ngân hàng Việt Nam, tôi sẽ nêu hai điều chứng minh về việc này bằng hồ sơ chứ không chỉ bằng lời nói:

Thứ nhất, vào những năm thị trường chứng khoán Việt Nam mới bắt đầu, có rất nhiều kẽ hở để có thể bị thao túng, tôi biết rất rõ những kẽ hở ấy ở đâu và có thể kiếm rất nhiều tiền từ kẽ hở đó nhưng tôi không làm. Tôi cùng Lý Xuân Hải đã viết một báo cáo gửi cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước về hiện tượng này và kiến nghị những việc cần làm. Báo cáo này đã được ông Nguyễn Nhạc gửi lên Tổng bí thư Đỗ Mười, TBT Đỗ Mười đã có ý kiến gửi cho các ngành các cấp. Thủ tướng Phan Văn Khải đã có văn bản chỉ đạo các Bộ Tài chính, Chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước xem xét những đề xuất, kiến nghị của chúng tôi. Sau đó các Bộ này và Chính phủ đã có những giải pháp, hướng khắc phục những lỗi này, chống được việc thao túng giá trong thị trường. Đó là việc tôi làm.

Thứ hai, về Ngân hàng Nhà nước, lĩnh vực tôi hoạt động chính đang bị truy tố ngày hôm nay, liên quan mật thiết đến ngày hôm nay. Không phải ngày hôm nay tôi mới nói tại tòa hay là không có bằng chứng mà xin HĐXX ghi nhận cho tôi rằng tôi đã có những đóng góp ý kiến cụ thể bằng văn bản cho lãnh đạo Nhà nước Việt Nam ngay từ khi xây dựng đề án để báo cáo Bộ Chính trị thông qua Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2005- 2010, tầm nhìn 2020. Tất cả những đóng góp ý kiến, báo cáo đó của tôi được thực hiện bằng văn bản. Ngay cả việc sắp xếp chấn chỉnh hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, tôi và một số chuyên gia đã có báo cáo gửi cho lãnh đạo Nhà nước đề xuất việc chấn chỉnh hệ thống đó như thế nào. Tôi không nói sâu nữa mà chỉ nói hai nội dung.

Tôi sẽ tận dụng những giây phút hiếm hoi có thể được nói tại phiên tòa ngày hôm nay trong lời nói cuối cùng, tôi xin đề nghị lãnh đạo Đảng và Nhà nước lưu ý ba việc mà tôi cho rằng đây là những điều rất cần thiết mà một công dân cần nói, cần gửi gắm đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Một là, việc sắp xếp lại các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) không phải là việc sắp xếp số học, không phải cộng các số ngân hàng yếu trở thành ngân hàng mạnh, mà cần phải giải quyết thực chất các ngân hàng. Hãy dùng phương pháp dùng ngân hàng mạnh để kèm ngân hàng yếu. Tôi cho rằng đó là phương pháp hiệu quả nhất. Thứ hai, trong 30 NHTMCP hiện nay đang hoạt động, trong 5 NHTM Nhà nước đang hoạt động, có 3 NHTMNN có vấn đề lớn, trong đó có 1 ngân hàng tên là Vietinbank và có 1 NHTMCP khác. 

Tôi không nêu thêm đích danh ngân hàng nào vì tôi cho rằng có thể gây nguy hiểm cho hệ thống nhưng tôi xin nhắc rằng với tất cả nghiên cứu của tôi có 4 ngân hàng như thế, đề nghị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm. Thứ ba, mục tiêu của tất cả các việc chấn chỉnh hệ thống ngân hàng là gì, là mong muốn rằng hệ thống này hoạt động lành mạnh, đừng để cho ngân hàng nước ngoài chi phối để mất đi trái tim của nền kinh tế. Tôi xin dừng lại ở đó.

Thưa Hội đồng xét xử, thưa ông Chủ tọa, về 4 tội danh tôi bị truy tố, tôi sẽ không nói nhiều về các tội danh khác vì 3 tội danh tôi đã nói lần trước nhưng tội danh lừa đảo chiếm đoạt xin cho tôi được nói kỹ hơn: Thứ nhất, tôi, anh Thanh, chị Yến không lừa đảo chiếm đoạt tiền của ai cả. Đây là lời khẳng định của tôi trước Tòa. Thứ hai, sai sót dẫn đến tài sản của công ty bị chiếm đoạt chính là của Công ty MTV Thép Hòa Phát. Số tài sản này đã bị chiếm đoạt không phải 1 ngày mà kéo dài trong 40 ngày, không phải bằng một việc mà bằng một loạt các hành vi và cái này không liên quan gì đến việc biết hay không biết của anh Dương, anh Long hay anh Hà, nó hoàn toàn nằm trong ý thức của vị giám đốc Công ty MTV Thép Hòa Phát. Và điều đó tôi cho rằng là sai lầm nghiêm trọng của cơ quan điều tra. 

Tại phiên tòa, tôi đã nộp đơn khiếu nại. Và hôm nay, trước mặt Hội đồng xét xử, tôi xin kể đích danh những người nào đã làm sai phạm hồ sơ vụ án. Tôi xin lỗi những người này vì tôi không nhớ họ tên nên cho phép tôi chỉ nói tên, đó là: ông Tiến- đại tá trưởng phòng 10, ông Long- thượng tá phó phòng 10 và hai điều tra viên khác nhưng hai điều tra viên này tôi nghĩ họ làm theo lệnh nên tôi sẽ không nêu tên hai điều tra viên. Thứ ba đó là thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Cục trưởng C46. Họ là những người đã báo cáo sai sự thật lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước về vụ án này. Đó là những người đã đẩy chúng tôi phải ra vành móng ngựa và có thể phải chịu những bản án rất là nặng nề khi chúng tôi không phạm pháp, không vi phạm pháp luật.

Tôi cho rằng đơn khiếu nại của tôi đã được tôi ký tên một cách công khai cần có sự trả lời một cách chính thức của các cơ quản lý có trách nhiệm. Tôi hiểu sâu sắc rằng khi tôi nói ra việc này tức là tôi đã đặt gia đình tôi và tôi trước một mối nguy hiểm vô cùng, nhưng tôi tin vào chính sách, vào chế độ, tôi tin và tôi đặt toàn bộ niềm tin vào 90 triệu người dân Việt Nam, những người này là những người sẽ bảo vệ tôi, gia đình tôi tốt nhất. Xin phép Hội đồng xét xử cho phép tôi nói như thế vì tôi ý thức đầy đủ sự nguy hiểm của vấn đề này khi tôi đã đọc tên chính thức, đích danh những người làm trái pháp luật.

Về các tội danh khác, một lần nữa tôi xin khẳng định trước Hội đồng xét xử: 
Tôi không phạm tội kinh doanh trái phép. 
Tôi không phạm tội cố ý làm trái. 
Tôi không phạm tội trốn thuế. 



Còn việc tôi không phạm tội như thế nào trong phiên tòa, Hội đồng xét xử đã được nghe các LS đưa ra các luận cứ, đã được tôi chứng minh bằng các bằng chứng cụ thể, những lý lẽ cụ thể nên tôi cho rằng không cần thiết nhắc lại trong lời nói cuối cùng.

Thời gian không có nhiều nên tôi xin HĐXX cho tôi nêu một số kiến nghị lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và HĐXX như sau:

Thứ nhất, tôi kính đề nghị ông Nguyễn Phú Trọng- Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Chống tham nhũng Trung ương sẽ xem xét toàn diện, cẩn trọng các vấn đề liên quan đến vụ án, những vấn đề tôi đã nêu tại phiên tòa và mong muốn rằng ông giao cho Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương đánh giá lại toàn bộ vụ án để làm rõ những gì ông đã nhận báo cáo trước đây là không chính xác, để bảo vệ quyền công dân của tôi.

Thứ hai, tôi kính đề nghị ông Trương Tấn Sang- Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng Ban Cải cách tư pháp, tôi mong rằng với cương vị là người đứng đầu Nhà nước, ông sẽ giúp tôi được minh oan. Giúp tôi cũng như để cho 90 triệu người dân Việt Nam nhìn thấy rằng Việt Nam đang thực sự cải cách tư pháp.

Thứ ba, tôi kính đề nghị lên ông Nguyễn Tấn Dũng- Thủ tướng Chính phủ, với cương vị là người điều hành đất nước, tôi mong ông có những hành động thiết thực để bảo vệ hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, hệ thống doanh nhân Việt Nam, trong đó có tôi- những người đang ngày đêm cố gắng hết sức mình lao động vô cùng mệt mỏi để làm sao có thể đóng góp xây dựng đất nước. DÂN CÓ GIÀU NƯỚC MỚI MẠNH, NƯỚC MẠNH THÌ QUÂN ĐỘI MỚI MẠNH, QUÂN ĐỘI MẠNH THÌ MỚI GIỮ ĐƯỢC NƯỚC. Tôi chỉ mong ông thế thôi.

Thứ tư, tôi kính đề nghị ông Nguyễn Sinh Hùng- Chủ tịch Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam rằng: Vụ án của tôi liên quan đến một số nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên tôi mong ông sẽ quan tâm xem xét và có trả lời để rõ Quốc hội ý kiến về những vấn đề này như thế nào, về những văn bản pháp luật do Quốc hội ban hành ra sao và những cơ quan công quyền đã thực hiện những văn bản như thế nào… Tôi mong sớm nhận được sự quan tâm của ông.

Là một cử tri tại phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, khi tôi bỏ phiếu cho các vị đại biểu Quốc hội ứng cử tại khu vực này thì tôi cũng mong rằng các vị sẽ có tiếng nói trong Quốc hội, nhất là Quốc hội đang họp hiện nay để có thể giúp tôi bảo vệ quyền công dân của một cá nhân cần được bảo vệ.

Tôi xin đề nghị Hội đồng xét xử hãy tiếp tục kiên nhẫn.

Tôi đề nghị lãnh đạo Liên ngành Tư pháp Trung ương trong đó có ông Bộ trưởng Bộ Công an, ông Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách Tổng cục 6 hãy xem xét lại những việc làm của cán bộ điều tra, đừng để những thành tích của cán bộ điều tra hay cơ quan điều tra có được từ vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn để đón nhận những tấm huy chương, những bằng khen vì mặt trái của nó là những bản án năm tù oan nghiệt cho chúng tôi những công dân vô tội.

Tôi xin kính đề nghị trực tiếp đến HĐXX những nội dung sau: 

Thứ nhất, tôi đề nghị HĐXX nếu chưa thực sự có đầy đủ thời gian, chưa có được thực sự đầy đủ chứng cứ tài liệu thì HĐXX đừng tuyên án vào ngày 5/6 khi HĐXX chưa yên tâm vì có những tài liệu, những chứng cứ mà chúng tôi đưa ra cần có sự thẩm định một cách kỹ càng của HĐXX. Tôi cho rằng nếu HĐXX vẫn tuyên vào ngày 5/6 thì có thể đó là bản án tuyên đã được định từ trước rất gây oan nghiệt cho chúng tôi. 

Thứ hai, Hiến pháp Việt Nam quy định tại điều 31, điều 4, tôi đề nghị HĐXX nên chờ, kiên nhẫn chờ sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước để làm sao giúp tôi nhận được việc bảo vệ công dân một cách hợp pháp theo hiến pháp quy định. 

Thứ ba, tôi kính đề nghị HĐXX xem xét yêu cầu cơ quan điều tra về việc phong tỏa tài sản của tôi và gia đình. Vì những tài sản này là do mồ hôi nước mắt của tôi làm ra trong 30 năm qua, không liên quan gì đến vụ án. Việc phong tỏa hay kê biên này tôi cho rằng không hợp pháp. Nếu như có phát sinh nghĩa vụ dân sự của vụ án này tôi đảm bảo rằng công ty B&B là một pháp nhân sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình không cần phong tỏa.

Thứ tư, tôi hoàn toàn tin tưởng vào HĐXX. Khi ông thư ký tòa tống đạt lệnh của tòa đưa ra xét xử, tôi có hỏi ông thư ký tòa thành phần HĐXX là ai, tôi rất mừng khi trong thành phần HĐXX có 1 người nguyên là sĩ quan quân đội, đồng ngũ của tôi, có 2 vị là các nhà giáo ở các trường kinh tế - những đồng nghiệp của bố mẹ tôi trong lĩnh vực giáo dục. Và đặc biệt, tôi được biết chủ tọa phiên tòa sẽ là hai thẩm phán rất có kinh nghiệm nên tôi rất mừng và tôi hoàn toàn tin tưởng vào HĐXX. Dù phán xử của các vị như thế nào, có thể gây oan nghiệt cho tôi hay có thể minh oan cho tôi thì tôi cũng không trách các vị vì tôi tin rằng các vị hơn ai hết hiểu rõ bản chất vụ án không như cáo trạng nêu. 

Thứ năm, một lần nữa tôi khẩn thiết đề nghị HĐXX khi đưa ra những phán xử về tôi và những đồng nghiệp, nhân viên của tôi thì HĐXX hãy nghĩ rằng phán quyết của HĐXX không chỉ liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của chúng tôi mà phán quyết của HĐXX sẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho việc nước Việt Nam này là đất nước dân chủ, có pháp quyền, một đất nước mà quyền công dân được bảo vệ. Một phán quyết mà có thể tôi cũng như mọi người và xã hội tâm phục khẩu phục chứ không phải là một phán quyết gây oan sai cho chúng tôi. Dù phán quyết của HĐXX như thế nào chăng nữa thì tôi cũng đề nghị HĐXX hãy cho tôi được tại ngoại chờ thi hành án khi bản án có hiệu lực vì tôi đã không trốn chạy khi có thể trốn chạy, thì không có lý do gì nếu như tôi bị kết tội mà tôi lại trốn chạy. Vì lý do nhân đạo, tôi xin HĐXX cho phép tôi được chữa bệnh vì những điều cần nói tôi đã nói tại phiên tòa, những điều cần gửi gắm đến các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước tôi đã nói tại phiên tòa. Không cần phải chạy án, không cần phải thông cung gì cả, tôi đã làm bằng một cách trực diện tại phiên tòa. 

Có một điều có thể là nhỏ, cũng có thể không cần thiết nhưng tôi hiểu những tác hại ngược của nó khi tôi đã nói những điều này tại tòa, thì nếu như tôi còn bị tạm giam tôi đề nghị HĐXX cho phép tôi được chuyển sang trại tạm giam B14 vì tôi cho rằng ở trại tạm giam T16 dưới quyền của cơ quan điều tra sẽ không an toàn cho tính mạng tôi tiếp theo.

Thưa Hội đồng xét xử, tất cả những điều tôi nói ngày hôm nay là nguyện vọng, ước ao, mong muốn của một công dân luôn tuân thủ pháp luật, tin tưởng pháp luật, tôn trọng pháp luật một cách tuyệt đối, một công dân đã có những đóng góp nhất định đối với Nhà nước này, một công dân đã tạo dựng ra rất nhiều doanh nghiệp với hàng chục ngàn lao động, đã đóng góp thuế rất nhiều cho Nhà nước này, những DN này đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận là những DN nộp nhiều thuế nhất tại Việt Nam trong rất nhiều năm chứ không phải trong 1 năm. 

Tôi biết thời gian dành cho tôi không nhiều, tôi biết sự kiên nhẫn của Hội đồng xét xử có giới hạn nhưng tôi tin tưởng vào 90 triệu người dân Việt Nam, tôi tin tưởng vào đất nước này, tôi yêu đất nước này như một công dân yêu nước. Những lời nói tâm huyết của tôi đây không phải là lời nói để muốn làm người nổi tiếng hay muốn gì cả. Tôi chỉ muốn là người dân thường đóng góp sức nhỏ bé của mình vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tôi xin cảm ơn Hội đồng xét xử đã kiên nhẫn nghe.

Tư Gia, 22h24' ngày thứ Sáu, 06/6/2014