Sunday, August 30, 2009

CHUNG VÀ RIÊNG TRONG VĂN HÓA HỌC


Tình cờ lang thang vào trang Văn Hóa và Thể Thao online thấy bài viết: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Nên có môn Hà Nội học. Thiển nghĩ, sao đất nước này lắm bộ môn thế? Chỉ với khoa học tự nhiên và khoa học xã hội căn bản cùng với sự sai mục tiêu trong giáo dục đã đủ cho bao thế hệ trẻ con Việt còng lưng ra, nhưng trỡ thành những con robot biết nói, chưa đủ hay sao?

Cách nay hơn 10 năm, một dịp xuân về, hội dinh dưỡng học TpHCM có mời nhà văn Băng Sơn từ Hà Nội vào nói chuyện văn hóa ẩm thực Hà Nội. Ông có nói: "Cái tự hào của ẩm thực giới quí tộc Hà Nội là ăn để thưởng thức, chứ không ăn để no; Người có trí ăn nhỏ nhẹ, vừa đủ, thức ăn dọn lên từng ít một, đựng trong những vật dụng cũng nhỏ và thanh tao. Kẻ phàm phu ăn bằng tô, uống bằng bát." Tôi có hỏi 1 câu: "Ông có tổng kết nào về tư tưởng con người cũng nhỏ bé theo diện tích, không gian ở và ăn uống cũng nhỏ bé như ở Hà Nội không?". Thú thật, lúc đó, mình còn trẻ, cái gì cũng sung, cũng ào ào. Hỏi một câu hơi sốc. Nhưng, khi đi ra ngòai cùng trời cuối đất, kể cả Kambodia, tôi chưa thấy nơi đâu mà một người dân phải ở một diện tích và không gian sống nhỏ hẹp như ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Nhiều khi suy nghĩ, không biết chính không gian ở quá chật hẹp làm tư tưởng của con người cũng nhỏ bé theo khg?

Người làm văn hóa là người phải biết đúc kết cái chung của văn hóa dân tộc. Qua đó, nói lên cái hồn của dân tộc. Vì một cộng đồng mất văn hóa là cộng đồng tuyệt chủng, dù cộng đồng ấy vẫn sống và tồn tại trên trái đất. Người làm văn hóa có tâm và có tầm không xé lẻ và đề cao cái mình đang làm. Mà phải biết khái quát hóa, vĩ mô hóa cái mình đang làm (dù chuyên sâu, dù đại diện cho cái riêng trong một tổng thể chung) để đưa nó lên thành cái đẹp, cái qui mô tầm vóc của cái chung. Hà Nội dù là thủ đô nghìn năm văn vật thì Hà nội cũng chỉ là 1 dấu chấm phết trong bức tranh tổng thể của Văn hóa học Việt Nam. Hà Nội không nên và không thể đại diện cho văn hóa Việt. Và cũng không vì có nhiều người viết về Hà nội mà phải thành lập hẳn một bộ môn để giảng dạy trong trường Đại học, mà chỉ nên là một phân ngành lẻ trong tổng thể môn Văn hóa Việt.

Hãy nhìn vấn đề theo nghĩa khoa học và duy lý, không nên nhìn vấn đề với duy ý chí và tầm vóc riêng lẻ. Vì sự riêng lẻ là 1 vế của cặp phạm trù chung riêng, thiếu riêng, chung sẽ mất ý nghĩa. Và thiếu chung cái riêng không thể tồn tại. Vì với trào lưu này, không lẽ, chúng ta lại có thêm những Hà nội học, Huế học, Tây Bắc học, Khu Tư học, Khu Năm học, Trung Nam bộ học, Đồng bằng sông Cửu Long học, Sài gòn học ... lũ khủ một mớ hổ lốn những bộ môn ra đời, dẫm chân nhau hay sao?

GIẢI QUYẾT QUỸ LƯƠNG


Hôm nay đọc bài báo Thuế của ... cửu vạn trên báo Đất Việt, mới hay là tại sao quỹ lương của nhà nước khó lòng làm tăng lương cho cán bộ, công nhân viên chức. Mỗi lần tăng lương của cán bộ - công nhân viên chức chỉ trên giấy tờ thôi thì y như là hàng hóa trong nước đã tăng trước rồi.

Hãy khoan nói đến sự cồng kềnh của bộ máy hành chính, thay vì phải chỉ trả lương cho 1 người, thì phải trả cho 4 người. Thay vì chỉ cần 1 chiếc chuyên cơ cho 1 lãnh đạo tối cao, thì cần đến 4 chuyên cơ. Hãy xét đến hệ lụy của việc lương và tha hóa là người cán bộ, công nhân viên chức nào mà sống liêm chính thì nghèo khổ suốt đời. Sự kiên nhẫn của con người luôn có một giới hạn cho phép. Nó tùy theo mức độ lòng tự trọng và giáo dục tự thân nhiều hay ít. Nhưng, chung qui lại bất kỳ cái gì ở trên đời này đều có giá của nó. Anh đạo cao đức trọng thì giá cao, tôi đạo mỏng đức hèn thì giá thâm thấp tý. Cuối cùng tham nhũng và tha hóa một phần xãy ra cũng từ chế độ lương thấp và luật chưa nghiêm minh mà ra cả. Một bài toán khó mà tới nay chưa tìm ra lời giải đáp.

Hay là có một luật bất thành văn là: Cứ phiên phiến với nhau về luật lệ, lương cứ để thấp và kinh tế thị trường tự do sẽ tự điều chỉnh mức lương cho mỗi người trong xã hội? Nếu thế thì ấy là do cái văn hóa nền duy tình trong giải quyết vấn đề cần duy lý. Nhìn xa hơn nữa ở tầm xã hội, nó lại là nạn nội xâm ghê gớm đối với đất nước và dân tộc. Nhìn xã hội hôm nay có bao nhiêu vấn đề đau nhức, nhưng cuối cùng của sự đau nhức đó lại chỉ chung quy vấn đề là giải quyết lương của CB-CN-VC và luật pháp nghiêm minh trong xử lý tha hóa và tham nhũng.

Friday, August 28, 2009

CẢM NGHĨ VỀ 2 NHÀ BÁO VÀ NGHỀ BÁO.


Hôm nay BBC đưa tin ông Huy Đức mất hợp đồng vì bài "Bức tường Berlin" trên blog riêng của ông. Nhưng lãnh đạo SGTT vẫn thòng 1 câu là thẻ nhà báo vẫn còn và ông Huy Đức vẫn có thể viết cho SGTT khi cần. Có lẽ họ biết với Huy Đức thì hữu nghiệp cũng như thất nghiệp, không ảnh hưởng đến thu nhập, chứ không phải vì thiếu Huy Đức là không có bài cho báo.

Tôi biết Huy Đức đã lâu, từ những năm ông ta bắt đầu viết vê chuyên đề phản biện. Tuy đôi khi, bài viết có xen lẫn chút cảm tính (chỉ đôi khi) nhưng trong đời mình tôi chưa thấy có nhà báo Việt nào viết có tâm huyết và chạm đúng bản chất của vấn đề theo nghĩa triết học như Huy Đức.

Người viết nhẹ nhàng, mộc mạc và thâm thúy, bình dân Nam bộ hơn mà tôi biết và rất cảm mến là Võ Đắc Danh. Danh viết không ồn ào, không ray rứt và như sóng cuộn như Huy Đức. Nhưng trong mỗi bài viết của Đanh đều thấm đẩm tình, thấm đẩm nỗi đau của những cảnh đời cơ cực. Hai con người, hai cách viết khác nhau. Một ở tầm vĩ mô như Huy Đức. Một ở tầm vi mô như Võ Đắc Danh. Nhưng cả 2 phối lại là một bức tranh đa màu sắc của xã hội ta hôm nay.

Không dễ gì được làm nhà báo cho nhà nước ta hôm nay. Nếu những ngày sau 30/4/1975 xét lý lịch cho phép 1 thanh niên 18 tuổi được phép vào học đại học như thế nào thì để được nhận thẻ làm nhà báo dưới nhà nước XHCN khó hơn vạn lần. Họ, những người đang cầm trong tay tấm thẻ nhà báo bây giờ là những con người đã được soi rất kỷ về lý lịch ít nhất 3 đời theo cách mạng. Nhưng, họ vẫn can đảm nói lên tiếng nói của sự thật, của sự trong sáng ở đời. Đáng quí lắm.

TỰ SỰ


Sáng nay đưa thằng con đi Mỹ như mọi năm. Thế là đã 4 lần đưa con lên đường theo mộng viễn du. Tội nghiệp thằng nhỏ. Chưa tới 20 mà đã xa nhà những 5 năm rồi. Ngay từ những năm trước, nó bảo: "Những đứa trẻ như tụi con không có tuổi thơ!". Câu này mãi làm tâm trí mình nhức nhối. Và tự sự mãi câu hỏi: "Con người ta sinh ra đời để làm gì?". Chưa có câu trả lời.

Sau khi đưa con lên chuyến bay 11h25 AM của Cathay, về đọc bài trên Straits Times thấy buồn buồn. Ai cũng có lý tưởng, nhưng thực hiện được lý tưởng thì có được mấy ai? Nhiều khi điều ấp ủ tự nhiên đến một cách tình cờ và may mắn hơn là bằng sự cố gắng đạt được. Như vậy, làm gì có lý tưởng và chân lý ở cõi đời này?

Dù đã 5 năm xa con, nhưng không hiểu sao lần này trong hồn có cái gì đó ủy mị và trống vắng. Từ trước tới giờ chưa bao giờ viết về con một cách ủ dột như thế này. Lúc nào cũng thôi thúc, động viên, gầy dựng ý chí để nó tiến lên. Bây giờ như thế này là tại sao?

Có lẽ tuổi già đã ập đến, con người ta bắt đầu sống về quá khứ nhiều hơn chăng?

Wednesday, August 26, 2009

TÌM, ĐỌC, SUY NGHĨ VÀ BÌNH LUẬN


Hôm nay đọc một bài viết quá dài có tựa đề: Việt Nam trên bàn cờ của các nước lớn của thông tấn xã Việt Nam mà Ba Sam đưa tin, nhưng không có giá trị về mặt thực tiễn tình hình khu vực và thế giới.

Tôi e rằng bài viết này tự đánh giá quá cao về vai trò Việt Nam trong khu vực ở thời điểm lịch sử hôm nay. Vì trí biển Đông hôm nay không còn là vấn đề quan trọng và chiến lược như nữa cuối thế kỷ XX. Người Mỹ đã vô cùng bối rối trong khỏang 1 năm trỡ lại đây khi họ chọn Malacca làm yết hầu siết họng Trung đế quốc, nhưng với con bài Miến Điện, vùng đệm thứ 2 của Trung đế quốc ở phía Nam đã làm phá sản chiến lược biển Đông của Mỹ. Thế chiến lược của thế giới ngày nay đang di dời về Ấn Độ Dương khi Trung đế quốc đã nắm thóp Miến Điện.

Chuyện VNB và biển Đông bây giờ Mỹ chỉ cần tạo thế đối trọng chứ không còn cần thiết phải cần chơi với VN nữa rồi. Ví xét về mặt địa chính trị thì người Mỹ ngồi ở Philippines nhìn vào cái ao làng biển Đông và nhìn ra Thái Bình Dương vẫn tốt hơn là ngồi ở VN để chỉ chăm chú vào cái ao làng biển Đông. Nên Mỹ, Nhật và Phi đã ký kết hợp tác chiến lược đồng minh quân sự.

Sau hiệp định này Trung đế quốc đã phải dè chừng và tháng 8/2004 lợi dụng sự rạn nứt quan hệ Mỹ Phi khi Phi rút hết quân ra khỏi Iraq trước thời hạn 1 tháng nhằm giải thoát cho một con tin của Phi bị bắt và bị đe dọa hành quyết nếu Phi không rút quân. Ngay lập tức tổng bí thư Hu Jintao của TQ sang thăm Phi vào 2005, đem theo hàng loạt lợi ích cho Phi. TQ tăng cường buôn bán với Phi và Phi trở thành một trong những nước hiếm hoi mà TQ phải nhập hàng nhiều hơn xuất. Cán cân mậu dịch được hai bên nâng lên vào khoảng 30 tỉ USD vào năm 2010 và Phi vẫn là nước xuất siêu. Quan trọng nhất là vào 2007, thủ tướng Ôn Gia Bảo TQ ký tài trợ cho Phi gần 4 tỉ USD, mục đích để Phi có thể phát triển đất canh tác trồng lúa và bắp, giúp Phi giảm lệ thuộc vào việc nhập khẩu lúa gạo và có dư để xuất qua TQ trong tương lai. Lợi ích trao đổi mậu dịch giữa Phi và TQ tăng liên tục khoảng 44% mỗi năm từ đầu thập niên 2000 cho tới nay. Vậy xét về mặt lợi ích song phương như vậy thì VN lấy cửa gì để “ngã giá” với TQ đây? Kế tung hoành rất lỗi thời nếu không thay đổi nó.

Với khối Asean, từ trước đến nay khối này là khối mà người ta đánh giá là: Nói nhiều làm ít. Có tính chất danh nghĩa, hội họp đình đám cho các chức sắc nguyên thủ quốc gia trong chuyện ăn chơi nhiều hơn là bàn kế sách chiến lược khu vực và tòan cầu.

Tóm lại, như những gì tôi đã viết đầu bình luận này. Bài viết trên tự sướng quá đáng về vị trí của VN trên bàn cơ tòan cầu và khu vực và xa rời thực tiễn hiện nay về chiến lược biển Đông của Mỹ và Trung đế quốc.

Sunday, August 23, 2009

KHỦNG HỎANG KINH TẾ THỊ TRƯỜNG TƯ BẢN


Hôm nay đọc trên Thông tấn xã Việt Nam có dẫn lời phát biểu của Giáo sư Joseph Stiglitz. Điều này không có nghĩa là kinh tế thị trường kiểu Mỹ là tệ hại. Vấn đề là ông GS này chưa nhìn ra nguyên nhân gốc của khủng hỏang, dù ông có là 1 cựu khoa học gia Nobel kinh tế 2001. Song dù gì kinh tế cũng chỉ là một môn được liệt vào lọai ngành Art. Đã art thì tất cả mọi lý thuyết và phát biểu đều có mặt nặng về cảm tính hơn là duy lý.

Theo tôi đứng ở góc độ khách quan của người ngọai đạo ngành kinh tế thì: Chuyện kinh tế thị trường tự do khủng hỏang là chuyện của thời 1929-1933 đến nay. Khủng hỏang kinh tế thị trường tự do tư bản là do khủng hỏang thừa mà ra. Khủng hỏang thừa bắt đầu tư lòng tham con người. Không là chuyện mới. Thế nhưng, từ đó đến nay thế giới tư bản đã đẻ ra nhiều thuyết, nhiều phương pháp để điều chỉnh thông qua chính sách chia thị phần thế giới của các cường quốc để điều chỉnh nó cũng không điều chỉnh được.

Chỉ cần con người giảm bớt lòng tham. Các cường quốc bớt tham vọng bá quyền là chuyện khủng hỏang mới lắng dịu. Vì suy cho cùng thì tất cả mọi phát minh của con người chỉ chạy theo những sự vật hiện tượng trong xã hội và trong thiên nhiên đã diễn ra và tồn tại sẳn, chứ không có gì mới lạ. Và cứ hãy thử nghĩ rằng: Nếu không có kinh tế thị trường tư bản tự do thì nền văn minh nhân lọai có như ngày hôm nay trong chỉ 200 năm qua không? Đó là 2 mặt của 1 vấn đề mà các nhà lãnh đạo các quốc gia cần tư duy lại một cách nhân bản hơn.

Tạo hóa thật tuyệt vời là ở chỗ đó mà ra.

BỆNH KHÔNG BIẾT HỎI AI?


Nhân một bài viết về "Bột trị hôi nách" của 1 blogger. Tôi viết bài này một cách đại cương.

Hôi nách là một bệnh vốn được coi là nan y, gây nhiều phiền toái trong cuộc sống, cho cả chủ nhân lẫn những người xung quanh. Bệnh vốn thường gắn với tăng tiết mồ hôi vùng nách, đôi khi cả những mồ hôi nơi khác như tay, mặt, đầu và chân. Tuy nhiên, tăng tiết mồ hôi nách và bệnh hôi nách có những điểm khác nhau cơ bản. Tăng tiết mồ hôi được cho là do cường chức năng hệ thần kinh giao cảm, và việc diệt thần kinh giao cảm ở những vùng tương ứng đã được chứng minh có tác dụng làm giảm hoặc mất việc tăng tiết này. Còn bệnh hôi nách lại do cường chức năng tuyến mồ hôi tại chỗ (tức vùng hố nách).

Tuyến bài tiết ở da của con người có hai loại: apocrine và eccrine. Eccrine được phân bố trên hầu hết vùng da của cơ thể và gắn liền với chức năng điều hòa thân nhiệt, nghĩa là khi cơ thể nóng thì nó tiết nhiều và ngược lại (dĩ nhiên ngòai điều hòa nhiệt độ nó còn chức năng khác nữa). Apocrine thì lại khác, nó chỉ được phân bố ở vùng nách, vùng da sinh dục và vú. Đôi khi nó cũng được tìm thấy ở quanh hốc mắt và quanh ống tai ngoài.

Apocrine không có liên quan gì đến việc điều nhiệt mà chịu trách nhiệm sản sinh ra mùi… con người, là mùi để đồng loại nhận ra nhau và quyến rũ lẫn nhau. Người ta nói “vợ chồng quen hơi” chính là quen mùi này. Nhưng khi mùi này nặng quá lại thành phiền toái.

Ngoài việc do cường chức năng tuyến apocrine, bệnh hôi nách còn do tác động của vi khuẩn vùng nách. Vi khuẩn phân hủy sản phẩm tiết của apocrine thành amoniac và các acid béo chuỗi ngắn, những thứ gây ra mùi khó chịu. Nhưng, để acide béo ấy bị phân hủy bỡi vi khuẩn hoặc nấm ở vùng da nách của những người có mồ hôi có độ pH thấp (pH acide < 7.0, bình thường mồ hôi người có độ pH # 7.1-7.2). Yếu tố thứ 2 là kèm thêm mồ hôi có pH thấp. Một số vi khuẩn và nấm thường trú trên da dễ sinh sôi ở pH thấp. Nếu 1 người có mồ hôi chua thường bị hôi nách là vậy. Vì vi khuẩn sẽ phân hủy acide béo có trong mồ hôi thành ra một số hợp chất như: aldehyde, ester và có thể có cả urea ... Các tạp chất này có mùi khắm. Nên sẽ tạo ra mồ hôi mùi hôi.

Cách chữa trị về mặt nội khoa rất đơn giản mà bất kỳ thầy thuốc nào cũng làm được là làm phản ứng trung hòa của mồ hôi vùng nách trỡ lại tính kiềm 1 chút là tự động 1 số lòai nấm hoặc vi trùng thường trú biến mất và sự tạo thành các chất có mùi hôi do vi khuẩn và nấm tạo ra sẽ không còn nữa. Trong dân gian, hợp chất Al2(SO4)3 là Sulphate Nhôm có hóa trị 3 ngậm 18 phân tử nước: Al2(SO4)3 12H2O còn gọi là phèn chua. Khi nướng nó lên sẽ cho ra Al2O3 (Oxide Nhôm có hóa trị 3). Thường trong phèn chua có thêm K2SO4, nên khi khi nước sẽ có 2 lọai Oxide Nhôm và Kali (Potassium oxide). Dùng bột này thoa lên vùng nách khí tác dụng với nước sẽ cho ra Al(OH)3 và KOH là 2 bazơ làm cho mồ hôi người bệnh hôi nách sẽ có tính kiềm và vi khuẩn cũng như nấm không phát triễn nữa và không hôi nách. Nhưng, nếu người bệnh có mồ hôi chua thì chứng hôi nách sẽ tái phát khi có stress hay lo lắng ... Nên phương pháp này khg chữa hết được hôi nách vĩnh viễn mà chỉ tạm thời. Phương pháp thứ 2 là phẫu thuật cắt hạch giao cảm để chống tiết mồ hôi vùng nách thì sẽ không còn hôi nách. Phẫu thuật là phương pháp triệt để hơn dùng bột phèn chua nướng.

Wednesday, August 19, 2009

ĐU DÂY


Các lãnh đạo của chúng ta đang áp dụng binh pháp của Tôn Tử: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Binh pháp này của Tôn tử, được cụ Hồ áp dụng đã thành công từ thời còn nhà nước sơ khai khi dặn cụ Hùynh Thúc Kháng sang Pháp đàm phán chuẫn bị ký hiệp định sơ bộ 1946. Đến chiến tranh Nam-Bắc và lúc đó tôn chỉ của cụ Hồ là: "Giải phóng miền Nam, độc lập tự do cho đất nước bằng mọi giá". Nên cái bất biến là: "Vừa đánh, vừa đàm" tùy theo cái vạn biến của tình hình mà áp dụng chiến tranh nhân dân kết hợp với bạo lực cách mạng .... Một công trình giải phóng rất nhiều đường lối cương kết hợp với nhu rất hòan hảo.

Bây giờ, cũng với tôn chỉ ấy: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Bất biến bây giờ là: "Hòa bình, ổn định chính trị và phát triển kinh tế". Nên phương án đặt ra là: "Việt Nam là bạn của thế giới" để ứng với vạn biến trong bất kỳ tình huống nào. Không ngã bên nào và cũng không để mọi việc phức tạp. Cho nên trước khi Jim Webb đến thì Vũ Đại Vỹ sang bàn chuyện biển Đông. Nhưng khi TNS Jim Webb đến thì thông tin về biển đông lùm sùm trên cả Tuổi trẻ, Thanh niênVietnamnet cũng như truyền hình Việt Nam thể hiện đêm qua (19/8/2009) .... Tóm lại là chính sách đu dây.

Không biết tớ nghĩ thế có đúng không? Dù nó là conspiracy theory!

Tuesday, August 18, 2009

LÀM BÁO THỜI IN TẸT LÉT DỄ THẬT!


Hôm nay đọc báo online thấy 2 trang Vietnamnet và Vitinfo lấy cùng 1 nguồn Newsweek và cùng có 2 bài báo nói lên mối quan hệ chiến lược kinh tế của Mỹ và Trung quốc đều có một nội dung na ná như nhau: Mỹ - Trung sẽ 'ly hôn'? của vietnamnet và Quan hệ Mỹ – Trung đang rạn nứt? của vitinfo. Tớ không biết bài nào đúng bài nào sai? Vì nội dung có những điểm na ná như nhau, mà lại có thông tin nguồn từ Newsweek.

Sau khi lấy nguồn của Vitinfo thì thấy nó là một bài viết tiếng Trung. Còn với vietnamnet thì bài dịch tuy không đưa link nguồn (đây là 1 lỗi lớn có tính đạo văn của các nhà báo ta) nhưng trên Newsweek có 1 bài viết của các Smart list có tựa đế: "‘Chimerica’ is Headed for Divorce" của tác giả Niall Ferguson đăng ngày 15/8.

Thiệt tình, 1 tờ thì đạo văn gần như 100%. Còn 1 tờ thì dịch từ bảng gián tiếp của Trung Quốc. Hết nói, thời buổi in tẹt lét làm báo dễ thật!

Monday, August 17, 2009

SAO LẠI LÀ TRUNG QUỐC "MUỐN"?


Hôm nay đọc bài: "Trung quốc muốn chấm dứt tranh chắp trên quần đảo Trường Sa một cách hòa bình" trên trang Vitinfo, tôi tự nghĩ: Tại sao là Trung Đế Quốc muốn mà không đặt vấn đề là: Trung đế quốc làm gì có chủ quyền ở Trường Sa? Và Trung đế quốc làm gì có thẩm quyền để được phép tham dự vào chuyện muốn hay không muốn chuyện tranh chấp Trường Sa?

Thật nực cười khi nhà cầm quyền Trung quốc lại tuyên bố một điều mà mình không có bất kỳ một bằng chứng chủ quyền nào ngòai chuyện xâm lược cả Hòang sa lẫn Trường sa.

Chúng ta cần phải quyết liệt với Trung quốc về Hòang Sa và Trường Sa, nếu không họ sẽ còn thực hiện giấc mộng bành trướng đến muôn đời sau. Giống như họ đã từng tóm thâu lục quốc và các nước lân cận như Tân Cương, Tây Tạng và bây giờ là một số lãnh thổ của Châu Phi.

Nếu dự án đường ống dẫn khí gas và dầu hỏa từ Miến Điện sang Vân Nam của họ hòan thành vào 2013 thì không biết họ sẽ còn như thế nào sau khi không còn phụ thuộc vào eo biển Malacca?

Saturday, August 15, 2009

SỬA ĐỔI GIÁO DỤC

Bài này có đăng trong phần góp ý của Vietnamnet online, nhưng đã bị biên tập có nhiều lỗi. Nên tôi mang nó về blog của mình để lưu trữ, nhằm nhìn lại mai sau khi giáo dục nước nhà được sáng sủa hơn.


Hôm nay đọc bài trên Việt Nam net về sửa luật giáo dục của cuộc họp thường vụ quốc hội đang diễn ra, tôi có một số suy nghĩ mà nghành giáo dục Việt Nam cần quan tâm đúng hơn là cứ loay hoay quanh quẩn về những điểm không mấu chốt cho vấn nạn giáo dục Việt Nam.

Thứ nhất: Giáo dục Việt Nam cần thay đổi tư duy về định hướng giáo dục. Tư duy giáo dục hiện đại là lấy học sinh và sinh viên làm trọng tâm cho nền giáo dục. Cũng giống như trồng lúa, trọng tâm là cây lúa, chứ không phải là mùa vụ. Cây lúa có chất lượng tốt, sức đề kháng sâu bọ cao, sản lượng lớn thì cây lúa mới chiếm lĩnh không chỉ thị trường trong nước và quốc tế và đem lại uy thế cây lúa nước nhà. Giáo dục cũng vậy, nó phải vì học sinh mà không vì bất kỳ một tư duy ngoài người học thì giáo dục mới tạo nên tầm vóc của nó. Giáo dục phải tạo ra những thế hệ có tư duy độc lập, tự học, tự nghiên cứu được và biết làm việc trong môi trường tập thể. Có những thế hệ học sinh như thế thì không cần đợi đến 50 năm, mà chỉ cần 10-20 năm tầm vóc giáo dục Việt Nam sẽ khác và sẽ có chỗ đứng ở tầm quốc tế.

Thứ hai: Với mục đích giáo dục vì học sinh thì thầy giáo phải có tư duy vì học sinh. Thầy không thể đọc cho học sinh chép, mà thầy là người hướng học sinh tự đi. Không cần giáo trình mà cần mục tiêu đào tạo rõ ràng: Ở cấp học đó học sinh phải tự đi vào vấn đề gì về các khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Chứ không phải học sinh phải thuộc lòng bài thơ, bài văn, lịch sử ngày, tháng, năm có sự kiện gì. Vì nếu cần học sinh biết mở sách nào để tìm học sinh cần tìm chứ khg cần học sinh phải thuộc như cháo, rồi lại quên và không biết nó ở đâu để mà tìm. Muốn vậy, thầy phải là người được thay đổi tư duy dạy để dẫn học sinh đi. Không gia trưởng, mà phải xem học sinh là bạn đồng hành cùng bước trên con đường giáo dục nước nhà.

Thứ ba: Giáo dục cần phải có sự bình đẳng ở mọi nơi. Thành thị cũng như nông thôn về phương tiện vật chất và đẳng cấp giáo dục như nhau. Không để có sự chênh lệch quá mức như hiện nay giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi và miền xuôi. Vì con người sinh ra là có quyền bình đẳng và quyền được sống như nhau. Muốn vậy không chỉ có giáo dục nỗ lực mà tất cả các ngành khác trong xã hội phải cùng nỗ lực để lo cho sự nghiệp giáo dục. Vì dụ như: giao thông phân phối phải tốt, điều kiện sống phải không cách biệt ...

Thứ tư: Chế độ đãi ngộ cho giáo viên phải cao. Trong một xã hội tốt là xã hội phải có chế độ đãi ngộ với những ngành chăm lo con người. Một xã hội tốt không thể nói tốt khi sự đãi ngộ của giáo dục và y tế bị bỏ rơi. Đồng lương của giáo viên phải dư sống nuôi con cái và thừa để đi du lịch mỗi khi hè về, thì thầy mới có tâm, có đủ thời gian vì học sinh. Người thầy không thể lo tốt cho học sinh khi họ phải dạy thêm, làm nghề tay trái để kiếm sống vì đồng lượng không đủ nuôi thân.

Thứ năm: Trồng cây thì phải uốn cây từ lúc còn non. Trồng người thì phải lo chăm sóc từ lúc còn trẻ thơ. Trẻ thơ là tuổi tập ghi nhận thế giới khách quan một cách trung thực và bắt chước một cách trung thực trong cuộc sống sinh động để hành xử. Nên việc giáo dục sửa đổi cần phải rất căn cơ, phải đi từ tuổi thơ là chủ yếu. Nhưng, chúng ta sẽ không thể có một thế hệ tương lai tốt khi trẻ học ở trường một chương trình tốt đẹp, trong khi ngoài xã hội lắm tha hóa. Vì vậy, sửa đổi giáo dục không chưa đủ mà người lớn cần làm gương từ trong gia đình ra ngoài xã hội đến chốn công đường cả về nếp sống và tuân thủ pháp luật nghiêm minh.

Thứ sáu: Cần phải thay đổi cái văn hóa duy tình và tam cương, ngũ thường trong giáo dục bằng cái văn hóa duy lý cho thế hệ tương lai. Để các thế hệ tiếp theo biết nhìn vấn đề và thực hiện hành vi có logic hơn là cảm tính. Văn hóa là cội rễ của dân tộc. Nhưng không nên vì là cội rễ mà không mạnh dạn bỏ đi những thói hư tật xấu của văn hóa làng xã để tạo ra những thế hệ đủ tầm cho đất nước.

Thiết nghĩ, 6 vấn đề lớn trên nếu không được sửa đổi đồng bộ, nghiêm túc thì dù có cải cách giáo dục đến trăm lần. Thay đổi luật giáo dục đến vạn lần thì giáo dục nước nhà vẫn mãi chìm đắm trong bễ bơi quá tầm.

Thursday, August 13, 2009

BẠN HAY THÙ?


Hôm qua, tại một Blog có bạn đã cho rằng Phá thế bế tắc về vấn đề Trung đế quốc bắt ngư dân Việt và đòi tiền chuộc khi có cơn bão và Trung đế quốc nhờ Việt Nam phối hợp tìm ngư dân mất tích. Tiếp thêm hôm sau báo đài Việt Nam tuyên bố Trung đế quốc thả các ngư dân Việt Nam. Một số người đã vội mừng.

Hôm nay báo công an nhân dân lại đưa tin Trung Đế quốc bắt tàu và ngư dân tránh bão tại Hoàng Sa. Như vậy, Trung đế quốc là bạn hay thù của Việt Nam ta?

CHIẾN LƯỢC EO BIỂN MALACCA CỦA TRUNG QUỐC


Như trong bài viết về chiến lược ngoại giao cho Việt Nam, tôi có đề cập đến Eo biển Malacca là tử huyệt của Trung Quốc trong tương lai gần. Cho nên Trung quốc đã tìm mọi kế sách để con đường vận chuyển năng lượng và lương thực về mà không phải qua eo biển Malacca. xử bà Aung San Suu Kyi.

Việt Nam đã rất khôn ngoan khi chưa đưa ra quyết định về Miến Điện. Để thực hiện lá bài chiến lược, hôm qua TQ đã tỏ rõ sự bảo vệ Miến Điện khi bác bỏ quyết định trừng phạt gây áp lực cho chính quyền quân sự Miến Điện xử bà Aung San Suu Kyi. Thế thì mục tiêu của TQ là gì? Hôm nay, Trang RFI của Pháp đã có 1 đoạn phân tích rất trùng hợp với vấn đề eo biển Malacca như sau:


"Cho đến này, các tàu dầu từ Trung Đông hay châu Phi đến Trung Quốc phải vòng xuống phiá Nam qua Singapore và eo biển Malacca để rồi ngược lên phiá Bắc. Tuyến đường này vừa dài, vừa đắt, lại phải đi qua những khu vực mà Hải Quân Trung Quốc không thể khống chế, do đó nếu tàu dầu cập cảng Miến Điện bên bờ Ấn Độ Dương, rồi từ đó chuyển hàng xuyên qua Miến Điện để đến miền Nam Trung Quốc thì đó là một điều rất tốt cho Bắc Kinh.

Chính vì thế mà ngày 27/03/2009 mới đây, Bắc Kinh đã ký với Miến Điện một thoả thuận xây dựng đường ống dẫn dầu khí từ bờ biển Arakan của Miến Điện đến vùng Vân Nam Trung Quốc, mục tiêu để chuyển vận dầu thô Trung Quốc nhập từ Trung Đông và Phi Châu, cũng như khí đốt mà Bắc Kinh mua của Miến Điện. Công trình trị giá 2,5 tỷ đô la dự trù hoàn tất vào năm 2013."


Sau Bắc Hàn là cái bung sung cho Trung Quốc ở phía Đông Bắc. Bây giờ đến Miến Điện làm cái bung sung thứ hai của TQ về phía Đông Nam. Tương lai sẽ là ở đâu làm cái hàng rào chiến lược bảo vệ Trung quốc một khi có hiểm họa chiến tranh đối với TQ?

Wednesday, August 12, 2009

NHÂN CÁCH?


Hôm nay đọc được bài: Nhớ Sơn Nam của Đòan Nam Sinh mà thấy lòng cứ thăn thắt. Cụ Sơn Nam được hay không được xét giải thưởng gì đó mà người ta xét hay không xét trao cho cụ thì với cụ không phải là vấn đề quan trọng. Vì với cả một đời, sống với văn hóa khẩn hoang của cụ thì không có cái giải nào để xứng tầm với cụ. Nhưng, cái quan trọng ở đây là cái văn hóa làng xã còn quá nặng trong đầu của những người làm văn hóa, văn nghệ Việt Nam.

Các cậu, các cô nhà văn Việt ăn xong rồi hư cấu. Có các cậu, các cô hay không có các cậu, các cô thì đời vẫn vậy. Tôi nói thế bỡi vì, từ thuở Việt Nam có chữ quốc ngữ tới khi có cái hội Nhà Văn Việt đến nay, văn đàng Việt chưa có ai được xem là xứng tầm với những con người của thời Tự Lực Văn Đòan, dù các cậu, các cô có cho là Tự Lực Văn Đòan là đồ bỏ, đồ ủy mị. Nhưng mãi hơn 50 năm nay có được ai ngòai những con người sinh ra từ thời ấy?

Dù ai có phong tặng cho ông hay không phong tặng danh hiệu cho ông thì đời vẫn còn có những tấm lòng về "Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê".

TRÁCH NHIỆM CỦA AI?


Hôm nay lại đọc phải một bài báo trên Việt Nam net có cái tựa giật gân hết sức mà thấy thật buồn cưới cho đọan trả lời phỏng vấn của anh công an trên video clip.

Làm công tác bảo vệ an ninh quốc gia đâu chỉ làm chuyện "hành dân" trong nước như lâu nay hệ thống an ninh và công an vẫn làm với dân? Mà phải biết ngăn cản luồng nhập cư, nhập cảng con người và hàng hóa gây ra sự tha hóa đạo đức hay hiểm họa quốc gia từ các nước khác vào Việt Nam.

Thế thì, các anh bạn da đen không mời mà đến, nhưng không có hộ chiếu nhập cảnh vào Việt Nam để tạo thêm những tha hóa đạo đức dân chúng và mất trật tự trị an xã hội này từ đâu ra? Nếu hệ thống an ninh, hải quan và công an ăn lương của dân làm tốt thì có tình trạng này hay không? Hỏi mà xem như không hỏi. Vì anh công an trong video clip lại đổ trách nhiệm vào người dân Việt nam tiếp tay với người xấu nước ngòai nhập cư bất hợp pháp vào Việt nam.

Nhưng, nếu công an, hải quan và an ninh Việt Nam làm tốt khi ăn lương của dân thì có tình trạng những anh bạn da đen không mời mà tới ở nước ta với không có hộ chiếu, visa nhập cảnh hay không? Hỏi mà xem như không hỏi vì có hỏi cũng không có ai có trách nhiệm để trả lời.

VẬT CHẤT VÀ PHẨM GIÁ


Người ta vẫn thường bảo nhau rằng cặp phạm trù Vật chất - Ý thức rất quan trọng trong đời sống không chỉ của con người mà còn cả với các lòai động vật bậc thấp. Phái nhân bản thì cho rằng Ý thức có trước rồi vật chất có sau. Vì họ cho rằng nếu không có ý thức thì có vàng nằm ngòai đường cũng không có ai muốn lấy. Cũng giống như cho 1 cục vàng cho một người bị bệnh tâm thần thì người ấy cũng không xem cục vàng đó bằng đói thì họ cần ăn no, lạnh họ cầm mặc ấm. Phái này bị cho rằng là phái duy tâm.

Phái duy lý thiên về thiếu nhân bản thì cho rằng vật chất phải có trước rồi ý thức mới có sau. Vì họ cho rằng nếu ý thức muốn có thì trước hết mỗi neurone thần kinh phải được cấu thành từ vật chất cơ bản cho ý thức được lưu thông và tương tác mà thành. Phái này được cho là phái duy vật.

Song cuộc đời có cái gì mà chỉ đứng riêng lẻ một mình? Khi chia ra thành chỉ duy tâm và chỉ duy vật như thế thì mỗi phái đã nói lên lý luận không khách quan và thiếu khoa học. Vì họ đã bỏ qua thuyết nhị nguyên luận thuở ban sơ mà nền văn minh Moya làm nên thế giới văn minh cổ đại. Vì cuộc sống không đi theo đơn nguyên luận, một sự vật hiện tượng không đứng riêng lẻ 1 mình mà luôn đứng trên 1 cặp phạm trù. Đó là nhị nguyên luận. Nếu đứng riêng lẻ sự vật hiện tượng đó sẽ tự hủy mình. Ngay cả 1 hòn đá đứng trong vị trí tỉnh của nó thì nó vẫn tồn tại 1 thế năng để chuẩn bị chuyển động. Như vậy, không có cái gì hòan tòan duy vật và cũng không có cái gì hòan tòan duy tâm. Mà trong tâm có vật và trong vật có tâm, nên không ai biết được gà đẻ ra trứng hay trứng nở ra gà trước?

Nói dong dài để nói chuyện hôm nay, đọc bài báo: Y, bác sĩ phải tôn trọng phẩm giá con người trên Vietnamnet tôi thấy nực cười khi người ta không thực hiện được tiền đề căn bản của cặp phạm trù Vật chất-ý thức cho giới làm nghề y nhưng người ta đòi hỏi giới này quá nhiều điều phi lý. Dẫu biết rằng làm nghề y đạo đức là trên hết. Nhưng đạo đức không thể tồn tại trên một nền tảng đói rách. Theo hiểu biết của tôi thì không ở nới đâu trên thế giới này dân nghề y lãnh đồng lương rẻ mạt hơn ở Việt Nam. Nhưng không chỉ có ngành y mà hầu hết các ngành chăm lo phần hồ và phần xác của con người đều có đồng lương rẻ mạt. Thế thì phẩm giá lấy đâu ra khi giá trị con người chưa được quan tâm?

Tuesday, August 11, 2009

HUYỀN THỌAI VÀ NIỀM TIN


Khuya hôm qua lại đọc được bài Đại địa mạch quốc gia của Kiến Trúc sư Trần Thanh Vân. Câu chuyện có tính huyền thọai và lịch sử. Không ai có thể kiểm chứng đúng sai. Chuyện mà khi làm cách mạng được cho là mê tín dị đoan. Nhưng ngay cả trong cuốn hồi ký của GS Nguyễn Đăng Mạnh cũng có đề cập vấn đề cụ Hồ rất giỏi tử vi, kinh dịch. Bây giờ, lại thấy KTS Vân nhắc đền tử vi, kinh dịch với ký ức về GS Trần Quốc Vượng.

Không biết có phải vì một thời người ta đã quá say men chém giết mà quên đi cái nhân bản phương Đông, hay là vì mục đích mà bỏ quên nó, hay vì quá tự mãn với những gì đã đạt được trong nồi da xáo thịt? Đến bây giờ, khi mọi sự yên bình, con người ta sực thấy mình bé nhỏ về khả năng, thiếu hụt về tri thức và chưa được học đủ đầy; Nên người ta bắt đầu đặt lòng tin vào những huyền thọai chăng?

Nếu đầu rồng là ở đất Tây Tạng và đuôi rồng ở khu vục đồng bằng sông Hồng; Thế thì đầu rồng đã thuộc về Trung đế quốc. Vậy đuôi rồng sẽ thuộc về ai? Huyền thọai vẫn là huyền thọai, thực tại khách quan vẫn là thực tại khách quan. Không thể đem chuyện huyền thọai để che lấp thực tại khách quan. Nhân nào thì quả ấy. Trồng cỏ không thể ra táo. Đúc khỉ không thể ra người. Có lẽ thế mà người ta lo sợ, nên người ta bắt đầu tin vào điều mộng mị.

Monday, August 10, 2009

HIỆN THỰC VÀ ƯỚC MƠ


Hôm nay đọc bài Bốn năm tới, Việt Nam sẽ có 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế của Vietnamnet. Tôi không biết giữa hiện thực và ước mơ có 1 khoảng cách lớn hay không? Nhưng từ lý thuyết để đi vào thực tiễn là một quãng đường khá dài, nhiều chông gai và trắc trỡ, nếu không nói là có thể thất bại, không phải là chuyện xưa nay hiếm.

Dẫu biết rằng với sức của một nhà nước và cộng đồng Việt Nam không có gì là không làm được. Nhưng đó là những lĩnh vực thuộc về lao động giản đơn và tiền bạc: xây dựng 1 con cầu, một nhà máy, một con đê ... thì ta có thể. Nhưng xây dựng 1 trường đại học mới để ngang tầm thế giới, đó là chuyện không nhỏ. Nó không nhỏ ở chỗ tính truyền thống, tính tri thức và tính công nhận của cộng đồng thế giới về mọi phương diện từ nghiên cứu đến áp dụng nghiên cứu của trường vào thực tiễn cuộc sống. Đó là chưa nói đến lực lượng nền tảng về tri thức để tạo nên đẳng cấp của 4 trường đại học trên.

Không biết đây có phải là 1 hạt sạn trong báo chí hay là một ước mơ mà không thể trỡ thành hiện thực đối với Việt Nam hay là một cái cớ để làm ra tiền? Chờ xem.

Sunday, August 9, 2009

SẼ RA SAO NGÀY SAU?


Tôi không rõ thời Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ ... đánh thắng bọn Tàu năm xưa, sau khi chiến thắng ông cha ta có ngủ say trên chiến thắng hay không? Mấy hôm nay đọc loạt bài của học giả Vương Trí Nhàn. Người còn khoắc khoãi với những hiện tình văn hóa dân tộc đang tha hóa và đi vào bế tắc vì tự người mình bóp chết tư duy và lối sống dân mình vì cơ chế, mà thấy đau lòng.

Cơ chế không phải tự nó sinh ra. Cơ chế là do con người tự đặt ra, rồi con người tự lấy nó để cầm tù mình vào đó. Song, điều đáng tiếc là cơ chế của người Việt đang sống thì không phải của người Việt tạo ra cho phù hợp với văn hóa Việt, mà do một đấng anh hùng copy mang về từ trời Tây để dân lưng trần chân đất dùng. Thế mới chết.

Hãy thử tưởng tượng bàn chân giao chỉ mà mang đôi dày Tây thì làm sao đi được? Cũng vậy, một dân tộc với văn hóa làng xã, chân dính bùn, quen đem chuyện bếp núc vào chốn công đường thì làm sao có tự duy triết học phương Tây trong hành xử với cộng đồng?

Có phải chăng vì ông cha ta quen nô lệ, ít học, nên bao đời nay dân ta chưa có một nhân vật có đủ tầm đặt ra hướng đi cho dân tộc. Và dân tộc Việt mãi mê xếp hàng với cùng loài ăn cỏ, thuộc bộ nhai lại. Nên mãi u mê và cùng đường sau mỗi lần thoát họa chiến tranh? "Sẽ ra sao ngày sau?" (Lời của 1 bản nhạc tiếng Pháp)

Friday, August 7, 2009

XÉT NGHIỆM CHẨN ĐÓAN CÚM A (H1N1)


Hiện nay, chỉ có phương pháp cấy và xét nghiệm Real time PCR được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đóan cúm A(H1N1). Tại TpHCM, mới chỉ có 4 cơ sở Y tế có chức năng làm các chẩn đóan này là Viện Pasteur, TT Bệnh Nhiệt Đới, BV NHi Đồng I & II.Do giá thành xét nghịệm này đắt (Chạy PCR mất # 200 USD), nên nhà nước hầu như hỗ trợ tiền xét nghiệm này cho những đối tuợng nguy cơ.

Trên thị truờng sinh phẩm Y tế, truớc đây và bây giờ vẫn có xét nghiệm cúm, nhưng là cúm A & B thông thùơng chứ không phải chuyên biệt cúm heo A (H1N1). Bởi vì cúm A có thể gồm rất nhiều con tùy theo tổ hợp 2 subtype H (H1-H15) và N (N1-N9).Do đó bà con không nên rủ nhau lũ lượt đi làm xét nghiệm này bởi vì Positive với xét nghiệm này không hẳn chỉ là cúm heo, mà vẫn có thể là cúm A khác.

Tốt nhất bây giờ là ăn no ngủ kỹ giữ sức khỏe để có sức đề kháng tốt với dịch bệnh. Nếu chẳng may cảm sốt, hắt hơi xổ mũi,...thì các triệu chứng đó vẫn có thể gặp do nguyên nhân siêu vi hô hấp khác chứ không hẳn cứ là cúm heo. Mà có xui xẻo là cúm heo đi chăng nữa, thì nó cũng là loại siêu vi hô hấp có thể tự lui bệnh sau 5-7 ngày với điều trị thông thuờng nếu không chuyển nặng. Vì vậy, không phải ca nào cũng cần Tamiflu. Và bà con nhớ rằng, tỉ lệ tử vong của cúm heo rất thấp so với các lọai bệnh lý khác mà. Hãy bình tĩnh, tỉnh táo....Đừng đổ xô đi xét nghiệm hay tích trữ Tamiflu làm gì cho tốn của.

ĐIỆN HẠT NHÂN!!!


Về lâu dài, Việt Nam phải có vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình. Đó là điều cần quan tâm ở tầm thời đại. Mao Trạch Đông thì hầu hết cái gì cũng sai trong đường lối cai trị Trung đế quốc, nhưng để Trung đế quốc thực sự có tiếng nói như ngày hôm nay thì kinh tế không phải là mấu chốt vấn đề mà là Trung đế quốc có vũ khí hạt nhân và thành công trong việc phát triễn hỏa tiễn tầm xa chính xác mục tiêu. Ý tưởng này là của Mao.

Đến hôm nay, Việt Nam là 1 trong 32 nước có tên lửa, nhưng chỉ là tên lửa tầm gần lọai scud tầm 300km. Để có được sự kính trọng của thế giới bây giờ, việc kinh tế hùng mạnh không quyết định được, khi mà luật lệ thế giới lỏng lẻo như ngày nay. Hầu hết thế giới ngày nay vẫn còn cái luật của thuở ban sơ lòai người: "Mạnh được, yếu thua".

Diễn biến nhiều năm, tháng qua cho ta thấy cái mạnh được yếu thua là chân lý thời nay khi Mỹ đơn phương dựng chuyện thần thọai về Iraq để thủ tiêu và đánh chiếm. Trung đế quốc thì vẽ hình lưỡi bò chiếm hơn 80% biển Đông, bắt bớ ngư dân VN ngay trên vùng biển của VN và đòi tiền chuộc.

Nên để tự bảo vệ mình, Việt Nam phải có đồ chơi đích thực. Song, hôm nay đọc bài Đề nghị hợp tác xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tớ thấy lo lắng nhiều hơn là vui. Lại thêm chuyện khởi công đường cao tốc Bắc Nam lại càng thấy lo lắm lắm!

Thursday, August 6, 2009

TẠI SAO?


Tại sao là câu hỏi mà đã làm nên những hiểu biết đầu đời của trẻ thơ với thế giới xung quanh. Tại sao cũng là câu hỏi đã đem lại nhiều phát minh của các nhà khoa học nhận giải Nobel khoa học. Và hôm nay, câu hỏi tại sao lại vang lên trong đầu tôi khi đọc bài Đi chợ - Thận người của Vietnamnet.

Nỗi đau dân tộc đã trãi hơn 20 năm nội chiến, rồi nỗi đau hận thù Nam Bắc kéo dài gần 1/2 thế kỷ chưa lành vết thương. Bây giờ một nỗi đau lớn là nghèo đói đang diễn ra trên quê hương lắm bi hùng và đầy tủi nhục này làm người có nhận thức không thể yên lặng.

Tại sao? Tại sao? và tại sao dân mình mãi khổ đau, mãi nghèo đói và mãi tự ca nhau những khúc bi hùng, đau thương trong lịch sử mà không biết nhìn thẳng vào cuộc sống thực tại để gắng thóat khúc bi ai?

"Một câu hỏi lớn, nghìn năm chưa lời đáp" (Chế Lan Viên)

Wednesday, August 5, 2009

CẦN QUAN TÂM GÌ VỚI CÚM H1N1?


Cho đến hôm nay, con số thống kê cúm do H1N1 ở Việt Nam có 996 trường hợp nhiễm, nhưng đã có 1 trường hợp tử vong. Theo thống kê thì tỷ lệ tử vong của cúm H1N1 là từ 2-5/1.000. Có nghĩa là cứ 1.000 người bị nhiễm bệnh thì có từ 2-5 người tử vong. Hầu hết những trường hợp tử vong là do: sức đề kháng yếu hoặc phát hiện và điều trị quá trễ. Một tỷ lệ không được xem là nguy hiểm.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra là ảnh hưởng sức khỏe của cúm H1N1 đến chất lượng và năng xuất lao động. Ngòai ra, nó còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp không khói như du lịch ...

Cho nên đối với cúm H1N1 thì vấn đề làm sao người dân biết phát hiện nó, phòng tránh nó và nhập viện khi cần chứ không nên làm lo lắng quá lớn đến cộng đồng.

Monday, August 3, 2009

AI TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN?


Hôm nay đọc bài: Mỹ "tiến thóai lưỡng nan" về biển Đông, tôi không hiểu là Mỹ hay Việt Nam hay Trung Quốc hay các nước có chủ quyền trên biển Đông phải ở vào thế gọi là "tiến thóai lưỡng nan"?

Xét về mặt chiến lược, ở giai đọan này Mỹ không cần nhảy vào biển Đông trực tiếp mà chỉ cần "ngọa sơn quan hổ đấu", cho nên từ khi Obama lên cầm quyền đến nay nhân vật số 1 và số 2 nước Mỹ chưa bao giờ có ý định và hành động đến Việt Nam, mà họ lại đến Sing, Indo và Thái. Qua các động thái trên cho thấy rằng Mỹ quan tâm cái yết hầu của biển Đông là eo biển Malacca như một bài viết của tôi ở đầu topic này.

Đến giờ này có lẽ Việt Nam và Trung quốc là 2 nước bị ở vào thế tiến thóai lưỡng nan hơn cả trên biển Đông vì những lý lẽ sau:

1. Trung quốc đang muốn bành trướng và chiếm biển Đông thì ai cũng biết, nhưng gần đây Mỹ đã có sự đồng thuận với Nga qua bằng chứng Nga cho Mỹ mang quân qua lãnh thổ Nga để vào Afghanistan và Pakistan. Ngòai ra, Mỹ đã giúp Ấn xây dựng lò phản ứng hạt nhân. Các đồng minh Mỹ cạnh Trung quốc được sự hỗ trợ và mua về vũ khí từ Mỹ dưới cái gọi là phòng thủ Bắc Triều Tiên, nhưng là để đối đầu với TQ, vì ai cũng biết BTT là Chí phèo của TQ từ giữa thế kỹ XX.

2. Như vậy, về mặt bao vây chiến lược thì quanh Trung quốc đã có một hàng rào phòng thủ êm ái mà Mỹ và đồng minh lắp sẳn: Bắc có Nga, Nam có Ấn, Afghanistan và Pakistan, Đông và Nam có Nhật, Hàn và Phillipines. Chỉ có Việt Nam là chưa thuộc vào đồng minh mà cũng không thuộc vào là đối tác tin cậy của Mỹ.

3. Việt Nam đang bị ở vào thế TQ ép từ chính quyền TW đến người dân làm nghề trên biển Đông nhiều tháng qua cả trên lục địa bằng vào phải giao các hợp đồng béo bở cho TQ và cho công nhân lao động giản đơn vào VN làm việc chui lên đến con số 35.000, trong khi lao động VN thì thất nghiệp tràn lan đến hàng trăm ngàn. Trên biển thì TQ bắt bớ ngư dân đòi tiền chuộc trong khi biển là biển của VN.

Thế thì trong tất cả các nước có chủ quyền biển Đông, nước nào là nước đang ở trong thế "tiến thóai lưỡng nan"? Một câu hỏi lớn không lời đáp!

Saturday, August 1, 2009

VĂN HÓA TRUNG THỰC?


21H đêm hôm nay trên đài truyển hình Hà Nội có chương trình: "Con đường doanh nhân", tình cờ xem qua ông chủ doanh nhân mà cách đây 2 năm bị thanh tra, lên báo lùm sùm vì quảng cáo quá mức những gì mà sản phẩm ông làm ra là thực phẩm chức năng nhưng làm mọi người cứ tưởng là thuốc chữa bệnh.

Hôm nay, lại thấy ông được khen nức nỡ là một doanh nhân thành đạt và là người đem lại sự cứu rỗi cho bệnh nhân tiểu đường. Ông chủ doanh nghiệp Công ty TNHH Thanh An nói lưu lót và rất có tâm. Khi phương tiện truyền thông đại chúng lấn sân quảng cáo vì tiền thì đất sét cũng có thể trỡ thành thuốc chữa bệnh. Thế ta mới thấy ở nước người quảng cáo bia trên tivi không được uống, không được quảng cáo bất kỳ lọai thuốc nào trên tất cả các phương tiện công cộng.

Không biết tâm của ông chủ như thế nào, nhưng ngồi ngẫm lại thời nay sao ranh giới người tốt, người xấu không rõ ràng, hôm trước là xấu thì hôm sau là tốt. Có phải vì thế mà chúng ta cần một nền văn hóa mà sự trung thực là nòng cốt? Có phải cần chấn chỉnh phương tiện truyền thông đại chúng trong cách kiếm tiền? Khi một tổng kết cho thấy vai trò của giáo dục ở đâu khi đối diện với những con số nhức nhói sau: 89% sinh viên từng sử dụng tài liệu trong phòng thi, 85% từng quay cóp, 42% sao chép luận văn, đồ án, 36% từng xin hoặc mua điểm (theo một khảo sát, điều tra của Bộ Giáo dục – Đào tạo trên 1.827 sinh viên). Đâu là con đường đi cho dân tộc khi văn hóa trung thực không còn?