Tuesday, June 29, 2010

KHI ĐỘC QUYỀN KINH DOANH LÀ MỘT SỰ TỰ NHIÊN - EVN


Khi bắt đầu cởi trói kinh tế để cứu sự sụp đổ mô hình kinh tế bao cấp thì các nhà lý luận, tư tưởng của ta đã copy và paste một cách "thông minh" từ mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân của Hàn Quốc thời Park Chung Hee, nhưng dưới hình thái của nhà nước, và chúng được quản lý theo cách bao cấp theo trường phái xã hội chủ nghĩa: độc quyền kinh doanh và được sự hỗ trợ từ thuế của người dân khi cần tiêu xây. Và họ đặt một cái tên rất mỹ miều là mô hình "kinh tế thị trường định hướng XHCN".

Thế giới chia khoa học ra làm 2 ngành: tự nhiên (natural science) và xã hội (social science). Người Mỹ lại nhìn cái nhìn thực dụng hơn khi đặt các ngành khoa học xã hội thuộc về ngành nghệ thuật (art). Chỉ cần nhìn cách người Mỹ đặt để cho khoa học xã hội sẽ thấy hết về mặt bản chất, một cách triết học là các ngành xã hội học rất cảm tính và thay đổi theo suy nghĩ chủ quan của con người nhiều hơn là sự logic và khách quan của khoa học chứng cứ. Vì thế cho nên từ ngày loài người có mặt trên trái đất đã có nhiều hình thái xã hội thay nhau để phù hợp với đà phát triển của xã hội. 

Trong khi khoa học tự nhiên phát triển theo nhu cầu cuộc sống chính đáng của xã hội loài người, thì khoa học xã hội phát triển để ngăn chặn những đòi hỏi tha hóa của loài người. Nói nôm na cho dễ hiểu thì khoa học xã hội phát triển nhằm bịt các lổ hổng luật pháp, tư duy và hành động đưa đến xấu xa của loài người. Ví dụ như những cải tổ của chính quyền ông Obama cho nước Mỹ hiện nay gồm y tế, giáo dục và tài chính là nhắm bịt các kẽ hở về luật để giảm thiểu tham nhũng, tiêu xây hoang phí của chính sách công nước Mỹ đã làm cho nguy cơ nước Mỹ sẽ mất vị trí siêu cường số 1 thế giới.

Bằng chứng của xã hội loài người đã minh chứng kinh tế thị trường tự do là bản chất của kinh tế loài người. Vì nó theo quy luật cung cầu. Nhưng mở toang cánh cửa như người Mỹ trong nhiều thập niên qua có cái đúng là kích thích sự phát triển vượt bậc. Nhưng cũng có cái hại là tạo ra kẽ hở luật pháp cho những tham nhũng tinh vi như tôi đã có một loạt 3 bài viết về cải cách bảo hiểm y tế của người Mỹ. Nhưng khi sự cỡi trói còn nữa vời như mô hình kinh tế định hướng XHCN như Việt Nam, nó vẫn còn tạo sự độc quyền kinh doanh cho các tập đoàn kinh tế tư bản nhà nước dưới sự bảo hộ chính trị, kinh tế của chính quyền thì cũng lắm chuyện để bàn. Hôm nay tôi xin nói về sự thiệt hại của tập đoàn tư bản năng lượng Việt Nam đã gây ra trong gần 3 tháng qua, khi họ liên tục cúp điện với nhiều lý do, trong đó lý do cơ bản là tại ông trời! Dù quốc hội Việt Nam đã từng họp chất vấn từ 3 năm qua vấn đề thiếu điện của Việt Nam là do tập đoàn EVN hám lợi hơn là vì dân tộc và đất nước.

Trong một bài viết của tôi nói chuyện triết học về tham nhũng và tha hóa hồi cuối tháng 12/2009, tha hóa và tham nhũng về mặt phân tâm học nó là bản chất và là bản năng của động vật nói chung và của loài người nói riêng. Ở đâu có đâu có con người, ở đó có tha hóa và tham nhũng. Mọi luật lệ của một chính quyền đặt ra là để giảm thiểu tha hóa và tham nhũng. Trong đó kẽ hở lớn nhất của luật lệ xã hội là độc quyền. Dù là độc quyền ở dưới hình thức nào cũng là nền tảng cho sự phát triển tha hóa và tham nhũng sinh sôi nẩy nở. Thế nhưng mô hình kinh tế định hướng XHCN hiện nay do các nhà tư tưởng "thông minh" đã đưa sự độc quyền kinh doanh và để vận hành kinh tế đất nước. Đó là thảm họa cho dân tộc và cho đất nước ngắn hạn và lâu dài. Một khi khác tôi sẽ bàn thảm họa khác, hôm nay tôi đã nhờ một bạn blogger của tôi tính dùm thiệt hại mang đến cho kinh tế đất nước và cho doanh nghiệp.

Dưới con mắt nhìn của một doanh nghiệp, để đơn giản, đất nước ta có 90 triệu dân (làm tròn vì cũng đã sấp sỉ rồi). Trong đó, có 30 triệu lao động đang làm việc. Thu nhập bình quân đầu người là 1.000USD/năm. GDP bình quân 90tỷ Obama/năm. Như vậy lương bình quân mỗi lao động đang làm việc là 90.000.000.000USD/30.000.000/12 tháng = 250USD/tháng, tương đượng với 4.750.000tiền cụ Hồ mỗi tháng. Do tỷ trọng tiền lương trên tổng doanh thu ở Việt nam thuộc loại thấp, nên tính tròn số thì trung bình lương ngày của người Việt là 100.000 tiền cụ Hồ. Quỹ lương lại chiếm 40% lãi gộp của doanh nghiệp.

Như vậy nếu mỗi tuần cúp điện 8h vàng ngọc làm việc thì doanh nghiệp phải đóng cửa. Khi đóng cửa doanh nghiệp vẫn phải trả lương là 50.000 tiền cụ Hồ, còn làm việc thì chủ trả 100.000. Nhưng khi làm việc thì sẽ tạo ra cho sản phẩm xã hội một giá trị là 250.000 đồng cụ Hồ (lấy 100.000 chia cho 40% lãi gộp thì ra sản phẩm mỗi người làm công làm ra mỗi ngày là 250.000).

Khi cúp điện, doanh nghiệp phải nghĩ thì 250.000 làm ra sản phẩm của người làm công đã mất, nhưng doanh nghiệp phải trả lương 50% cho người làm công. Vị chi xã hội mất đi 300.000 tiền cụ Hồ làm ra từ doanh nghiệp cho mỗi nhân công lao động. Cả nước có 30.000.000 người làm, như vậy mỗi ngày cúp điện 8h làm việc cả nước mất đi 9.000 tỷ tiền cụ Hồ. Đó là chưa tính những thiệt hại khác  như mất ngủ làm giảm năng suất lao động, đau bệnh, etc...

Suốt gần 3 tháng nay, có chỗ cúp điện 3 ngày 1 tuần như quê tôi. Có chỗ không cúp như khu ở của các quan lớn, có chỗ cúp 1 ngày 1 tuần, có chỗ cúp 2 ngày cúp điện như Thành phố mang tên cụ Hồ. Cứ tính trung bình mỗi tuần cúp điện 2 ngày, mỗi ngày 8 tiếng làm việc cho nó đơn giản và giảm bớt thiệt hai. Vậy mỗi tuần cả nước mất đi 18.000 tỷ tiền cụ Hồ. Xem như mỗi tuần mất đi 1 tỷ tiền Obama. Mỗi năm cứ cho cúp điện tối thiểu là 3 tháng. Ba tháng có 13 tuần, vì mổi tháng gồm 4 tuần và 2-3 ngày. Vậy cả nước bị thiệt hại do cách làm ăn độc quyền là sự tự nhiên của tập đoàn năng lượng quốc gia có sự bảo hộ của chính quyền là khoảng 13 tỷ Obama. Tức tập đoàn EVN là mất đi của đất nước bằng 14,44% tổng GDP đất nước.

Tôi xin phép so sánh một con số nhỏ là chính quyền chỉ dành cho việc chi tiêu ngành của tôi mỗi năm trung bình 5% GDP vì sự nghiệp sức khỏe người Việt tương lai. Nhưng EVN đã làm mất của đất nước một con số tương đương gấp 3 lần như thế. 

Thế thì EVN có công hay có tội với quốc gia dân tộc? Mô hình tập đoàn tư bản nhà nước trong hình thái xã hội kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nên tồn tại nữa hay không? Và có nên có một mô hình xã hội khác đi cái mô hình mà các nhà lý luận đã "thông minh" copy và paste của nước khác về có sửa chữa cho nó lạc hậu với tình hình xã hội Việt nam hiện nay hay không?

Cơ chế là do con người làm ra, rồi chính nó trở thành chiếc vòng kim cô buộc lại con người. Khi cơ chế không còn thích hợp thì phải biết tháo gỡ để phù hợp với thực tế. Có nên chăng, hay là để nó lỗi thời và mình tự hủy diệt mình vì nó?

Cứ xem đây là những câu hỏi của một công dân có trách nhiệm góp ý cho văn kiện đại hội đảng XI sắp diễn ra đầu năm 2011. Xin cảm ơn.

Asia Clinic, thứ 3, 10h03' ngày 29/6/2010

Monday, June 28, 2010

CHẤT LƯỢNG TRỌNG TÀI WORLD CUP 2010 HAY VÌ LỢI NHUẬN?

Hôm nay định viết bài bình luận tiếp theo cho 2 cặp đấu giữa Hà Lan - Tiệp Khắc cũ (Slovakia) và cặp Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha, nhưng tớ xin ngưng loạt bài bình luận này, vì chất lượng trọng tài của World cup 2010 South Africa.

Cứ 4 năm một lần chung vui cùng world cup, một trò chơi mang tính toàn cầu trong thời đại thực dụng. Nên người ta cũng không còn chơi theo kiểu công minh và tinh thần thượng võ như ngày nó mới bắt đầu ra đời nữa. Ngay từ trận khai mạc, ông trọng tài Nhật đã làm thất vọng Mexico và khán giả toàn cầu với việc không cho Mexico ăn cú banh ở phút thứ 31. Nhưng rồi người ta đem luật mới của FIFA ra để bảo vệ trọng tài. Việc này xem như cho qua, vì khả năng Nam Phi đã như thế nào thì việc họ nghỉ sớm sau vòng bảng và Mexico vào tiếp đã chứng minh họ đáng để đi tiếp. Nhưng không ai lại quên ông trọng tài Coulibaly người Baly đã một lần nữa không cho người Mỹ ăn bàn với cúp ra chân rất chuẩn của Maurice Edu, tuyển thủ Mỹ, cận thành.

Nhưng đến vòng đấu loại trực tiếp 1/8, chúng ta cũng tiếp tục thấy những ông vua sân cỏ tiếp tục mắc sai lầm không thể tha thứ được. Trong trận Hàn Quốc gặp Uruiguay, nếu ai đã từng biết đá bóng và xem tinh ý một chút sẽ thấy ông trọng tài Wolfgang Stark, người Đức cũng rất chăm chỉ bắt ép người Hàn quốc một cách vô lý. Có bao nhiêu pha mà người Uruguay đáng được nhận thẻ và ra khỏi sân, nhưng ông ta không rút thẻ phạt, thậm chí không phạt mà còn tạo điều kiện cho Uruguay trên đà tấn công. Cón đối với cầu thủ Hàn quốc thì ông ta rất dễ rút thẻ và phạt vô căn cứ. Nếu không không thiên vị và gây ức chế tâm lý cầu thủ xứ Hàn thì người Uruguay chắc giò đã vào tứ kết? Mặc dù đấu pháp và thế chủ động trên sân nghiêng về phía Uruguay.

Sang đến hai trận đấu ngày hôm qua, ông trọng tài Jorge Larrionda, người Uruguay? đã từ chối một bàn thắng mà chỉ cần xem cử chỉ của thủ môn Neuer người Đức là cũng hiểu rằng bóng đã nằm gọn trong khung thành sau khi chạm sà ngang và đập xuống đất qua cú sút xa của Lampard, tuyển thủ Anh quốc. Mặc dù bình luận trước trận đấu này, tôi vẫn cho rằng người Đức sẽ vào vòng tứ kết và người Anh sẽ xách vali về nước chỉ sau 90 phút thi đấu. Nhưng, khách quan mà nói thì người Đức đã chơi thông minh hơn , kỹ thuật hơn và có thể lực tốt hơn người Anh đêm qua. Nhưng nếu người Anh gở hòa 2-2 và khí thế đang lên của hơn 10 phút cuối hiệp 1, thì điều gì sẽ xảy ra? Bây giờ trận đấu đã xảy ra rồi, ai cũng bảo rằng Đức thắng là xứng đáng, nhưng với khí thế đang hừng hực và chỉ trong vòng 1 phút họ ghi 2 bàn. Nhưng người Đức trong cơ hổn loạn và choáng ván với 2 bàn thua thì không loại trừ người Anh sẽ lội ngược tỷ số thành 3-2 sau hiệp 1. Ai có thể phản bác với logic này? Liệu tình huống xảy ra như tôi đã phân tích thì liệu hiệp 2 người Đức có thể ung dung ghi bàn với thế phòng thủ phản công như những gì đã xảy ra không?

Lại đến trận giữa Á Căn Đình và Mẽ Tây Cơ vào 1h30 rạng sáng nay. Ông trọng tài Roberto Rosetti, người Ý lại biếu không một bàn việt vị mười mươi của Tevez, để đội Á Căn Đình vượt lên dẫn trước trong thế bế tắc tấn công và không thiếu lần chết hụt với những pha phản công sắc bén của người Mễ Tây Cơ. Nếu không có chuyện này thì chắc gì người Á Căn Đình đã thắng người Mễ Tây Cơ?

Ở world cup lần này, hầu hết trình độ bóng đá của các nước đã gần ngang nhau. Hầu hết, ngoại trừ những màn lội ngược dòng của người Mỹ, các đội ăn bàn trước đều đi đến chiến thắng. Lại càng dễ tăng cách biệt khi đội bóng ấy là đội có trình độ cao như Đức và Á Căn Đình. Mọi áp lực sẽ tiêu tan cho đội được đánh giá cao, có kỷ luật đấu pháp tốt. Họ chỉ cần phòng thủ và chờ cơ hội khi đội đang bị dẫn tạo ra sơ hở trong tấn công. Có bạn cho rằng vì lợi nhuận thu từ bóng đá nên người ta đã có ý xếp đặt mọi trận cầu. Lợi nhuận vì quảng bá bóng đá, lợi nhuận vì người xem để bán vé, vì các hãng cá cược, etc...

Chính vì thế, tôi sẽ không bình luận mục world cup 2010 nữa. Vì bóng đá đã mất tính thượng võ và minh bạch của nó.  Mặc dù qua hai đêm, với hai bài bình luận của tôi và đánh giá đội sẽ vào vòng trong có xác suất đúng 100%.

Tối nay, Bồ Đào Nha gặp Tây Ban Nha sẽ là trận thư hùng đầy nét đẹp. Hai trường phái bóng đá đẹp: đá như chơi hơn là đá như làm việc của người Đức và người Ý. Họ sẽ cho ta một trận cầu mãn nhãn. Tôi nghiêng về đội Bồ Đào Nha hơn Tây Ban Nha, vì sự chín mùi và có sự khác biệt về cá nhân nhỉnh hơn. Dù Tây Ban Nha mới vừa vô địch châu Âu năm 2008, và hầu hết họ đang độ chín của nghề. Còn sự đối mặt giữa Hà Lan và Tiệp Khắc cũ, tôi xin lấy một chút lý trí pha một chút đánh giá cảm tính của mình chọn Slovakia (Tiệp Khắc cũ) vì đấu pháp và sự tuân thủ đấu pháp chặc chẽ của họ. 

Xem đây là bài viết bình luận cuối cùng cho world cup South Africa 2010, tất cả các bình luận cho trận tiếp theo sẽ là những comments ở entry này,

Asia Clinic, thứ 2, 14h14' ngày 28/6/2010

Sunday, June 27, 2010

BÌNH LOẠN TRƯỚC CÁC CẶP ĐẤU VÒNG 1/8 (2)

Đêm hôm qua và rạng sáng nay chúng ta đã chứng kiến 2 trận cầu mãn nhãn. Nếu hai trận này là sự đối đầu của trường phái đa năng của châu Mỹ, đại diện Uruguay và đại diên Á châu, Hàn Quốc - và một sự gặp nhau giữa một đội còn biết chơi bóng ra chơi Mỹ và một đội trẻ đại diện châu Phi, Ghana. Như vậy châu Á chỉ còn một đại diện là Nhật sẽ được biết trong vài ngày tới. Vùng Concacaf cũng chỉ còn một đại diện Mexico, mà tối nay sẽ có kết quả. Cuối cùng bóng đá đẹp cũng lên ngôi khi các đội vào loạt trận đấu loại trực tiếp. Ít chơi xâu và trọng tài cũng không phải lắm nhọc nhằn.

Anh - Đức: Tối nay, vào lúc 21h Việt Nam hai đại kình địch châu Âu sẽ vào trận thư hùng - Anh - Đức. Lịch sử của world cup là lịch sử của 2 đại gia bóng đá cựu lục địa trở thành những kẻ bất chung một bầu trời, khi lần trận chung kết world cup 1966 đội Anh đã lên ngôi vô địch do bàn thắng của Geoff Hurst, mà đến nay với trình độ kỹ thuật điện ảnh tối tân, người ta vẫn không thể xác định được trái bóng đập xà ngang rồi rơi xuống đất nằm ở trong vạch cầu môn hay trước vạch cầu môn? Từ đó đến nay 27 lần gặp nhau là 27 lần họ xem như như kẻ không chung bầu trời. Trong 27 lần gặp nhau đó, Anh thắng 12, Đức thắng 10 và họ hòa nhau 5 lần. Hai lần giao hữu gần đây nhất vào ngày 23/8/2007 và ngày 20/11/2008 thì tỷ số luôn là 1-2 với ai ở sân nhà đều bạn trận.

Xét về mặt chuyên môn ở cấp câu lạc bộ, người Anh mấy năm gần đây luôn thống lĩnh bầu trời bóng đá châu Âu về tính hấp dẫn, độ vào sâu các cup và lấy cúp. Người Đức vừa để mất cúp C1 danh giá nhất châu lục, mà ngày nay gọi là Champion League về tay người Ý, vì Special One - Mourinho. Về mắt chuyên môn xem như hai đội tuyển quốc gia Anh, Đức là ngang nhau. 

Nhưng về mặt thể lực các cầu thủ, có vẻ người Đức có nhỉnh hơn vì sự trẻ trung của đội hình và tư duy chiến thuật tấn công chớp nhoáng của Joachim Lowe. Huấn luyện viên tuyển Đức muốn đội Đức không còn là cổ xe tăng mà phải là tay đua tốc độ F1 trên đường đua world cup. Nhưng họ chỉ bùng sáng trong trận hạ người Úc mất người sớm với 4 bàn. Cứ tưởng họ đã lột xác vì tư duy chiến thuật thành công. Nhưng họ đã ngã ngựa với một Serbia quả cảm, sau khi thắng nhọc nhằn Ghana chỉ 1-0. Xem ra họ cũng chẳng là đại gia so với những gì người ta đã tưởng.

Đồi với người Anh, họ bắt đầu chậm chạp và đáng chê trách khi 3 trận vòng ngoài họ chỉ kiếm vỏn vẹn 2 bàn thắng. Những niềm hy vọng Rooney, Lampard, Joe Cole, etc... chỉ còn là chiếc bóng của mình. Với một Gerad cần mẫn và Defoe lém lĩnh giúp họ thoát qua vòng bảng sau khung cửa hẹp. Mọi thất vọng đang diễn ra cho ông Capelo, khi ông giúp họ thắng như chẻ tre ở vòng loại world cup thì vào đến đây đội Anh của ông không bằng đội anh của năm 2006. Tại sao?

Hầu như gần đây các giải đấu câu lạc bộ đình đám là nhờ những cầu thủ mua sắm từ tân lục địa. Nó đã làm chết đi những mầm non bóng đá tại nước sở tại như Anh, Đức. Ngoài ra, những trận đấu quanh năm suốt tháng đã vắt hầu hết sức lực của các tuyển thủ Anh. Lẽ ra giờ này họ đã được nghỉ hè, nhưng họ phải cật lực với tập luyện vội vàng với đội tuyển và vào giải đấu lớn nhất hành tinh. Bằng chứng cụ thể qua vòng bảng đã có 2 đại gia cựu lục địa Ý, đương kiêm vô địch world cúp 2006 và Pháp, đương kiêm á quân 2006 đã xách vali về nước với những màn trình diễn vô hồn.

Một doanh nghiệp không thể có 2 người xếp giống nhau về mọi mặt, Nói nôm na là hai hổ không thể ở chung một chuồng. Nhưng ở đội Anh lại có 2 tiền vệ giống nhau về mọi mặt. Gerard và Lampard, họ giống nhau về thủ lĩnh, đến tầm bao quát và dứt điểm ăn bàn. Tuy Gerard có phần nhỉnh hơn về phòng thủ, nhưng Lampard lại là người không phổi, anh có chạy như con thoi đi về, lúc thủ, lúc công mà không hề biết mệt. Đó là nỗi ám ảnh "bỏ thì thương, vươn thì tội" không huấn luyện viên nào muốn bỏ đi một người, trong họ. Đôi khi xem họ thi đấu rất nhiệt tình, nhưng nó giống như một cặp nhảy cứ giẫm lên chân nhau. Trong khi đó, tuyến tiền vệ là sống lưng và là nơi giải quyềt mọi vấn đề trong một trận đấu.

Người Đức nổi tiếng với tấn công biên và những cú đánh đầu của Klose. Người anh với triết lý bóng đá kick and run (đá và chạy), nhưng họ là số một trong việc ăn bàn bằng đầu. Song đội tuyển Anh hiện nay nỗi ám ảnh bị thủng lưới vì không chiến là niềm ác mộng. 

Dù vậy, vấn đề còn lại là chiến lược, chiến thuật của Lowe và Capelo như thế nào trong buổi tối hôm nay. Dù Capelo có đầy kinh nghiệm và bản lĩnh, tôi dự đoán người Đức sẽ giải quyết trận đấu trong 90 phút và nếu có kéo dài 120 phút thì khả năng người Đức là 60-40 cho người Anh. Mọi chuyện may mắn trên chấm phạt đền không thể biết ai sẽ ra về.

Argentina - Mexico: Những năm gần đây giải vô địch châu Mỹ có mời 2 đại diện Concacaf là Mỹ và Mexico tham gia. Nên sự hiểu nhau giữa Mexico và Argentina không còn là chuyện lạ. Lịch sử gặp nhau trong 80 năm qua từ kỳ world cup 1930 đến nay, họ gặp nhau 25 lần. Trong đó, lịch sử đứng về phía Argentina với 11 lần thắng, 10 lần hòa và 4 lần thua. Sáu lần gặp nhau gần đây nhất từ 2004 đến giờ, Argentina có 2 lần thắng với tỷ số cách biệt 3-0 và 4-1 trong 2 năm 2007 và 2008. Mexico chỉ thắng 1-0 năm 2004. Nhưng world cup 2006 ở vòng đấu bảng họ hòa nhau 1-1.

Sự khác biệt sẽ làm nên tất cả. Với Messi và lối chạy chỗ thông minh ở khu vực cấm địa đối phương của các tuyển thủ Á Căn Đình, tôi tin rằng họ sẽ giải quyết Mexico trong vòng 90 phút với tỷ số cách biệt ít nhất 2 bàn. Hiệp 1 của các trận đấu người Argentina ở vòng đấu bảng luôn có ít nhất 1 bàn thắng. Nên mọi chuyện sẽ an bài với người Mexico ngay ở hiệp 1 trận đấu rạng sáng ngày mai. Dù họ có hiểu người Argentina như thế nào đi nữa. Có thể đêm nay là đêm nói lời chia tay của đại diện Concacaf cuối cùng.

Mời bà con bình loạn trước trận đấu cho nó máu. Chúc mọi người một ngày cuối tuần với world cup sôi động,

Asia Clinic, ngày chúa nhật, 11h59', 27/6/2010

Update lúc trận Anh - Đức đã đến phút thứ 87 bản nhạc của ban nhạc Modern Talking của Đức: You can win if you want cho mọi người nghe chơi.

TRI ÂN VỚI CÁC BẠN BLOGGERS CỦA TÔI

Chiều hôm qua đang bận việc, bạn hiền là lãnh đạo tờ báo PLTP gọi xin phép lấy một đoạn ngắn ở phần kết hồi ký Một chút quá khứ và một chút hiện tại phần 2: Thời tuổi thơ cắp sách. Qua đó, anh ta cũng muốn xin cảm ơn với các bạn Bloggers của tôi đã rất lịch sự và không quá cay cú khi bàn luận. Anh ấy có xin lời bình của một bloogers' friend để đăng báo về vấn đề giáo dục trẻ mùa hè. Bạn blogger với nickname là My cũng làm tôi thơm lây. Xin cảm ơn bạn.

Nhưng gần đây có một số bạn Nặc Danh hay không Nặc Danh đã có những bình luận khá nặng nề. Lời nói không mất tiền mua/Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau. Ca dao dân mình rất hay, vừa lòng nhau không có nghĩa là cho qua, không tranh luận và phản biện. Phản biện cũng có 3 loại: trí thức nói nhẹ nhàng thâm thúy và nghe lọt tai như con ong trút mật cho đời, và làm thay đổi được định hướng của đối tượng cần nghe. Loại trí thức nhưng vì cái riêng của mình bị xâm phạm, nên nói có nhiều cay cú, có thể nói có ý hay, nhưng làm người nghe phản cảm, đôi khi làm phản tác dụng. Loại còn lại, hầu hết là nói nặng lời đả kích nhiều hơn là góp ý, loại này chỉ gây ra tại hại và không ai muốn nghe, thậm chí còn làm cho hư sự. Mong rằng các bạn đến với blog của tôi nên bình luận thâm thúy và nhẹ nhàng dễ nghe hơn.

Tôi xin đăng lại bài báo nói về giáo dục mùa hè cho trẻ đã đăng trên báo PLTP chủ nhật, ngày 27/6/2010 này để mọi người cùng đọc.





Họ đã nghỉ hè như thế nào?

Phải chăng những người thành đạt đã học hành cật lực suốt mùa hè như trẻ em hiện nay?
Liệu có cần phải tốn kém hàng chục triệu đồng để rèn kỹ năng, khám phá cuộc sống? Liệu có nên bao bọc mùa hè của trẻ trong cuộc sống nhung lụa, tiện nghi, khu nghỉ mát sang trọng, đắt tiền?...
Những nhà thơ, nhạc sĩ, nhà khoa học chia sẻ ký ức về những khám phá, trải nghiệm trong thời gian nghỉ hè đã vun bồi tâm hồn, trí tuệ và cả kiến thức định hướng sống cho họ.
Gian khổ vẫn tươi vui, hồn nhiên
Tuổi trẻ của thế hệ tôi hơi đặc biệt vì đó là những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp cực kỳ gian khổ. Ngoài giờ học ở trường, chúng tôi có rất nhiều thời gian vui chơi. Khi thì lên đồi núi hái sim kết hợp kiếm củi cho mẹ, khi thì đi câu cá để tự cải thiện bữa ăn, khi thì tập hát, tập múa để tham gia văn nghệ ở lớp, ở trường.
Vừa qua, tôi được đọc một bài thi của một học sinh gốc Việt đang học tại Úc, một bài thi được giải cao tại nước này. Em viết về chuyến về thăm đất nước. Em kể những điều đáng học tập của học sinh Việt Nam nhưng bày tỏ hai điều ái ngại cho học sinh trong nước. Đó là không được tranh luận bất kỳ điều gì với thầy (!) và sân trường không một cọng cỏ, không có gì để vui chơi ngoài tiết học (!). Thật là hai chuyện đáng suy nghĩ hơn cả những phong trào đang được phát động rầm rộ hiện nay. Mỗi thế hệ một hoàn cảnh nhưng tuổi trẻ thì ai cũng như ai. Cần tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong những năm tháng vui tươi, trẻ trung, hồn nhiên và phát huy được mọi năng lực nội tại của tuổi trẻ.
GS-TS NGUYỄN LÂN DŨNGĐại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII, chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học ĐHQG Hà Nội








Trẻ em huyện Côn Đảo (Vũng Tàu) vui chơi hè. Ảnh: TRÀ GIANG

“Lêu lổng” với bà mẹ thiên nhiên
“Lêu lổng” là từ không đẹp đẽ dành cho một đứa trẻ. Suốt thời 10-15 tuổi, “mỹ từ” ấy luôn được mẹ dành cho tôi. “Mày lêu lổng thế này hở con?”. Mùa nghỉ hè của đứa trẻ nhà nghèo thì sẽ làm gì nếu không lê la đầu đường cuối hẻm? Mẹ không bao giờ nhớ ra rằng trong suốt nhiều năm học, đứa con của bà luôn nằm trong tốp 10. Còn lêu lổng, thằng bé không thể cãi được khi bao nhiêu lần về nhà chân tay bùn đất vì lội sông, tát cá. Bao nhiêu lần chân đất vì mất dép trong những cuộc trèo me, hái mận vườn nhà người khác. Không lêu lổng sao được khi áo rách vì gai, quần toạc vì trèo hàng rào. Bàn tay 10 móng đen thui vì moi hang bắt dế. Lêu lổng - không thể cãi được.
“Lêu lổng” là một từ chẳng đẹp nhưng thiên nhiên mang lại cho tâm hồn đứa trẻ nhiều điều không có trong trường học. Mùi cỏ dại sau cơn mưa dễ gì mô tả được nếu khứu giác không chạm vào nó trong một buổi chiều sau mưa nằm dài trên bờ ruộng với chiến lợi phẩm vài củ khoai non đào trộm. Bầu trời bảy sắc cầu vồng hay ánh bạc chói lòa làm bạc cả cây lá trong vườn chỉ trong khoảnh khắc vài giây của cơn mưa kỳ lạ làm sao mô tả nếu ta đóng cửa kín mít trong nhà. Và tiếng quẫy mình đành đạch của những chú cá rô theo cơn mưa tràn vào sân nhỏ… Không nghịch ngợm, tò mò, lêu lổng, tay chân lấm lem đất cát thì làm sao thấy được những hạt bắp vùi xuống trong vỉa đất ven hàng rào nhà mình đã thành những thân bắp xanh non. Làm sao thấy được trái bắp lớn dần trong nách lá sắc như dao cạo và cuối hè ôm dăm mười trái đưa mẹ: “Mẹ nấu chè đi. Con tự trồng đấy!”.
Thiên nhiên bình đẳng với mọi đứa trẻ. Đứa có quê thì về chạy nhảy trên đường làng, đứa ở thành phố thì tìm ra ao hồ, sông ruộng, rừng cao su, cổ treo lủng lẳng chiếc ná thun làm bằng chạc ổi, bắn vu vơ vài chú chim vô tội. Để khi lớn lên bỗng ân hận vì trò tai ác của mình khi nhìn thấy chiếc tổ chim có đủ một gia đình. Thiên nhiên dạy lòng ăn năn, lòng khoan dung.
Tôi - đứa trẻ ngày xưa ngồi nhớ lại cái học của mình để tự hỏi trẻ con hôm nay vì sao cặp nặng, vì sao mắt kiếng dày, vì sao đi chơi nhiều nơi sang trọng vẫn không được gọi là nghỉ hè. Dăm ba ngày trong resort, dăm hôm ngâm mình trong hồ bơi sang trọng rồi trở về đốt cháy những ngày hè còn lại trong những lớp Anh văn, toán…
Mùa hè đi qua như chưa từng đến.
Con cái chúng ta hôm nay xem ra khổ thật!
Nhà thơ ĐỖ TRUNG QUÂN
Trò chơi hè định hướng tương lai
Kỳ nghỉ hè năm 16 tuổi, sau khi thi đậu lớp trung học đệ tứ (tương đương lớp 9) được kết quả hạng bình (loại giỏi), mấy em trong xóm nhờ tôi dạy tiếng Tây (tiếng Pháp). Lớp học 10 cái ghế con con, tôi cầm quyển sách tiếng Tây tập làm thầy giáo dạy cho 10 đứa nhóc những chữ vỡ lòng. Tôi dạy các em học nhưng nói đúng ra là chơi trò chơi dạy học, rất hào hứng. Mùa hè qua đi, tôi thấy mình trưởng thành hơn và tìm thấy niềm vui trong công việc dạy học. Từ đó tôi nuôi ước mơ thành thầy giáo và sau khi đậu tú tài, tôi thi vào sư phạm.
Thời của chúng tôi, trọn vẹn ba tháng nghỉ hè là ba tháng nghỉ ngơi, đi chơi. Mùa hè là mùa khô ráo ở miền Trung, các gánh hát bội cũng thường về diễn ở làng. Bọn trẻ chúng tôi lại háo hức say sưa với những tuồng tích: San HậuNgũ Hổ Bình LiêuPhúc Lộc Thọ… tưới đẫm vào tâm hồn những đứa trẻ và chúng tôi thẩm thấu nghệ thuật từ những gánh hát ấy.
Nhạc sĩ VŨ ĐỨC SAO BIỂN








“Hè ngày ấy của chúng tôi thật đúng là hè với những vần thơ còn âm vang mãi trong tâm trí tôi cho đến giờ này nhưng không rõ tác giả là ai.
Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã điểm,
Đàn chim non hớn hở dắt tay về.
Chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê,
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ.
Bây giờ, hè trẻ phải đi học cật lực, trẻ bây giờ kiến thức có thể giỏi hơn chúng tôi thời đó. Nhưng tôi vẫn thấy thế hệ trẻ bây giờ vẫn thiếu một cái gì đó mà tôi chưa thể nghĩ ra. Một khoảng trời bình yên trong ánh mắt, một tâm hồn ngây thơ hay một trời mộng mơ của tuổi thơ đúng nghĩa. Ai biết trả lời giùm!”.
My:
“Tôi ở Sài Gòn. Thật ra là Thị Nghè, ngay nhà thờ. Sau bốn câu thơ cuối trong bài bác là hè thiệt là hè. Là tụ tập với đám bạn “xóm nhà lá”, nghèo nhưng chơi được nhất. Là vô Sở Thú (Thảo Cầm Viên) leo cây bắt chim non, hái trâm và nhớ những cây nào trái gần chín để dành lần sau. Là vô Canh Nông tắm sông với không dưới hai lần bị ông già Ba Tri (?) giấu quần áo (hồi đó rủ nhau đi tắm sông dùng mật mã là “đâm chuột”. Đâm chuột là đâm tí, lái lại là đi tấm, là đi tắm. Sau này má giải mã được bị đòn quá trời). Là biết hết đường Hùng Vương (giờ là Xô Viết Nghệ Tĩnh) có bao nhiêu cây me cũng như trong viện dưỡng lão giờ nào mấy soeur đọc kinh để bắn me chua và me tây (trái, ăn hột thôi). Bị đòn hoài nhưng giờ thấy lành và nhớ quá.”
(Trích blog bác sĩ Hồ Hải)
Asia Clinic, 8h56', chúa nhật, ngày 27/6/2010

Saturday, June 26, 2010

BÌNH LOẠN TRƯỚC CÁC CẶP ĐẤU VÒNG 1/8 (1)

Kể từ hôm nay tớ sẽ có loạt bài bình luận các cặp đấu vòng loại trực tiếp. Tối nay có 2 cặp đấu đầu tiên của vòng 1/8. Trận đầu giữa Uruguay và Hàn Quốc. Trận thứ hai là cuộc thư hùng giữa Mỹ và Ghana. Tớ xin bình loạn để mọi người cùng bàn cho vui để xả stress nhen.

Hàn Quốc và  Uruguay: Uruguay là một trong những nền bóng đá truyền thống của Nam Mỹ. Ở Uruguay sự xen kẻ các chiến thuật tấn công và phòng thủ phản công tùy theo từng đối thủ. Có lẽ họ là bài học thích đáng nhất cho người Brasil lần world cup này. Với một đội hình khá đồng đều, nhiều hảo thủ được thi đấu ở cựu lục địa, Họ có thể sánh vai với các cường quốc bóng đá khác như Argentina và Brasil. Bằng chứng họ đã kết thúc vòng bảng với một sự trọn vẹn: thắng 2 và hòa 1, nhưng không để lọt lưới bàn nào. 

Hàn Quốc có lẽ là đội bóng có thể lực dồi dào nhất các đội bóng của chấu Á. Người Nhật cũng phải công nhận điều này, theo họ Hàn Quốc có thể lực là vì họ ăn thịt chó. Nói về mặt khoa học, 1gr đạm sinh ra bằng một gram đường khi được hấp thu và chuyển hóa ra 4Kcal, trong khi 1gr mỡ lại sinh ra khoảng 9Kcal. Song ai cũng biết ăn đạm nhiều sẽ có sức khỏe tốt. Các thống kê ở vòng loại cho thấy các cầu thủ Hàn quốc đã chạy 300km trong 3 trận vòng loại vừa qua. Nhưng khi gặp đối thủ Nam Mỹ, Argentina họ đã phơi áo với tỷ số 4-1. Họ sẽ dùng phòng thủ phản công trong trận này.

Nếu đêm nay Uruguay dùng bóng đá đẹp của Nam Mỹ họ sẽ giải quyết trận đấu trong 90 phút với sự khác biết của Forlan, chàng tiền đạo một thời của MU, hiện đang chơi cho Aletico Madrid. Anh đang rất có duyên ghi bàn trong những tháng gần đây của những tháng cuối của đời một cầu thủ. Nhờ anh mà Aletico Madrid đã nhận cúp C3 vừa qua. Anh cũng có duyên ghi bàn trong những trận qua của vòng loại bảng. Tuy Hàn quốc có Park Ji Sung, đội trưởng Hàn quốc và là cần thủ MU hiện tại. Nhưng ngoài kỷ luật và thể lực, Hàn quốc không có gì đặc biệt.

Mỹ và Ghana: Khác với Mỹ, Ghana sẽ vào trận với sự thăm dò và dè dặt. Hiệp một sẽ là tỷ số 0-0. Cơ sở của điều này là do Ghana luôn áp dụng kiểu đá tiêu cực suốt vòng loại. Sự may mắn đã giúp họ vào vòng 1/8 vì họ ở một bảng đấu không khó khăn. Nhưng người Mỹ thì khác, họ càng đá càng sung. Thống kê cho thấy Mỹ và Hàn quốc là hai đội tuyển có đoạn đường chạy dài nhất 300km trong 3 trận của vòng loại.

Ghana với chiến thuật tiêu cực và chờ địch thủ sơ hở để kiếm bàn thắng rồi sau đó là về phòng thủ. Nét đặc trưng của Ghana kỳ này đại diện Thụy Sĩ đã ra về.

Viết đến đây thì 2 đội Hàn quốc và Uruguay đã ra sân. Xem xong trận Hàn quốc sẽ bình tiếp, tư gia, 20h58', thứ 7 ngày 26/6/2010


Nhưng người Mỹ qua vòng đấu ở ngoài đã cho thấy họ bắt đầu trận đấu rất chậm. Bằng chứng ở hai trận đầu vòng bảng họ luôn bị dẫn tỷ số trước, và họ luôn là người rượt đuổi. Đến trận cuối cùng phải thắng mới vào, họ mới nhập cuộc tương đối nhanh. Một yếu điểm người Mỹ lần này là các chân sút vẫn chưa tìm đến khung thành đối thủ trong một số tình huống ngon ăn. Họ vẫn phải dựa vào cựu binh luống tuổi Landon Donovan. World cup lần này có lẽ là lần cuối cho tiền đạo có khuôn mặt dễ nhìn, khi anh đã 3 lần liên tục tham gia giải đấu. Nếu người Mỹ có tỷ số sớm cho trận đấu họ sẽ đưa Ghana vào tròng khi Ghana vội vã gở bàn. Nhưng nếu họ bị Ghana ăn rình, một cuộc rượt đuổi ngoạn mục sẽ xảy ra như những trận đấu vòng bảng.

Chưa có trận đấu nào của người Mỹ mà không có bàn thắng. Đó là đặc điểm của kiểu chơi bóng đá của Mỹ. Và cũng chưa có trận đấu nào mà Mỹ tham gia mà nhàm chán. Nhưng nếu 90 phút với tỷ số là 0-0 thì 120 phút còn lại sẽ là của người Mỹ. Nếu Ghana không biết xử trận đấu trong vòng 90 phút, vì thể lực của người Mỹ luôn là vô địch trong các đội tham gia world cup. Lúc ấy có thể người Mỹ sẽ giải quyết trận đấu trong những phút 2 hiệp phụ. 

Dù yêu quí cách chơi của người Mỹ, và đội Mỹ là đội bóng đang lên trong vòng 1 thập niên gần đây, nhưng tôi vẫn cho rằng người Ghana sẽ thắng trong trận này ở 90 phút của trận đấu.

Hãy chờ xem,

Tư gia, 22h03', thứ 7, ngày 26/6/2010

WORLD CUP 2010: SAU MỘT VÒNG BẢNG

Thú thực tuần này quá nhiều bi hài, mà toàn bi hài đã nói ở những bài trước, nên thấy không cần viết , viết bóng đá để xả stress cho những bi hài và cúp điện. Như đã nhận định ở bài trước, bóng đá tấn công chỉ xảy ra khi một đại gia trong làng túc cầu vòng loại kỳ này bị ở thế đường cùng. Còn lại các trận đấu luôn giữ thế phòng ngự phản công. Ngoài bóng đá Nam Mỹ và sự vô tư trong cách chơi của môn soccer của người Mỹ làm ra những đêm tràn đầy xúc cảm bằng rượt đuổi tỷ số, hay ép tim ở những phút đấu bù giờ, còn lại là những trận đầy tiêu cực kiểu bóng đá Thụy Sĩ.

Sự khác biệt: Nếu Brasil không có Robinho, họ cũng chỉ đủ khả năng chơi áp chế người Bồ trong 45 phút hiệp I. Mọi sự khác biệt không có gì xảy ra, ngoài một lần gây sóng gió của tiền đạo Nilmar. Còn lại là sự giằng co ở khu trước vạch 16.50 và một hiệp 2 áp đảo của người Bồ, với những pha có thể làm Brasil có thể thua trận cuối cùng của vòng bảng.

Đối với Argentina cũng vậy, dù đang nhất bảng sau 2 lượt trận, ông Maradona có thay đổi đội hình cho trận cuối gặp Hy Lạp vẫn giữ Messi để làm nên sự khác biệt. 

Những cầu thủ như Messi của Argentina, Robinho của Brasil, Ronaldo của Bồ và Roben của Hà Lan dù chưa xuất hiện, nhưng họ sẽ làm nên sự khác biệt của một trận cầu, khi các đối thủ lớn gặp nhau.

Dù đồng đều và kỹ thuật cá nhân tốt, với những pha đan bóng ngắn nhanh và đẹp, nhưng Tây Ban Nha không có cầu thủ tạo nên sự khác biệt sẽ khó lòng đi đến chiến thắng cuối cùng trong giải đấu cao nhất của làng túc cầu năm nay. Song, với lối chơi kỷ luật và đấu pháp tốt như Nhật có Honda biết xử lý những pha bóng quyết định ở những khoảnh khắc quan trọng, dù không được đánh giá cao, nhưng họ cũng là đối thủ đáng gườm cho bất kỳ đối thủ nào ở sự đối đầu trực tiếp.

Những đáng yêu: Đáng yêu nhất qua vòng bảng là sự vô tư, chơi hết mình mà không thực dụng như những gì người Mỹ đã làm với thế giới còn lại. Đội bóng Mỹ luôn hừng hực khí thế tấn công dù họ gặp đối thủ nào. Những cuộc rượt đuổi tỷ số và bàn thắng ở phút bù giờ trong trận với Algeria đã làm cho bóng đá hấp dẫn và đẹp. Tôi thích nhìn gương mặt với vầng trán, đôi chân mày nói lên sự quyết đoán, thông minh, và đôi mắt trong như mắt trẻ thơ của đội trưởng Landon Donovan, đội Mỹ. Suy cho cùng, người Mỹ biết nơi đâu là chỗ để chơi, và nơi đâu là chỗ để chiến đấu và giành giật, và luôn hết mình nên họ luôn đi đầu.

Nếu world cup năm nay thiếu vắng các đội bóng Tân lục địa - châu Mỹ - thì world cup sẽ không còn gì để xem. Đặc biệt Nam Mỹ và vùng Concacaf đã mang lại những nét đẹp trong tấn công và vẽ những đường banh nghệ thuật do những đôi chân tài hoa của họ. Nhưng cũng phải tôn vinh những triết lý bóng đá đẹp của châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hà Lan. Những gương mặt chơi bóng đáng yêu còn lại của cựu lục địa. 

Những hạt sạn và tiếc nuối: Nhìn lại 8 cặp đấu loại trực tiếp kỳ này bóng đá toan tính và thực dụng đã ra đi gần hết. Vài hạt sạn còn lại rồi cũng sẽ ra đi.

Dù năm nay người Đức có lột xác từ cổ xe tăng lầm lì thành chàng trai trẻ với những thành công trận đầu, nhưng để thay đổi tư duy bóng đá của họ, không phải là chuyện một sớm một chiều. Họ và người Anh đáng phải gặp nhau sớm để giải quyết bớt những cái không đẹp của bóng đá là điều hợp lý và logic của cái đẹp đang lên ngôi trong kỳ world cup đầy thực dụng này.

Hy vọng người Mỹ sẽ giải quyết sự thực dụng của Ghana, đại diện châu Phi cuối cùng còn lại, để bóng đá đẹp lên ngôi với những gì vốn có của nó. Paraguay là một gương mặt thực dụng Nam Mỹ gặp Nhật cũng là một trận đáng xem.

Chỉ đáng tiếc cho world cup 2010 là sự loại nhau sớm giữa Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha ở vòng 1/8 sắp diễn ra, và sự ra đi sớm của Bờ Biển Ngà. Dù yêu mến lối đá đẹp của Brasil châu Âu (Bồ Đào Nha), nhưng tôi vẫn thấy tiếc nuối sự ra đi của voi rừng lục địa Đen. Số phận của Bờ Biển Ngà đã thấy rõ khi 2 mùa liên tục họ đều phải chia tay sớm khi họ luôn nằm vào bảng tử thần. Khó có thể họ có được một thế hệ cầu thủ vừa tốt vừa chín như kỳ world cup này. Nếu có một phép màu, tôi muốn vị trí của Ghana sẽ là Bờ Biển  Ngà thì bóng đá sẽ hấp dẫn và trọn vẹ hơn.

Bóng đá đẹp lên ngôi: Dù sau vòng 1/8 rồi đến vòng tứ kết chúng ta sẽ còn nhìn thấy và cảm nhận nhnữg tiếc nuối cay đắng hơn khi các cặp thắng giữa Hà Lan - Slovakia và Brasil - Chi Lê sẽ phải loại nhau. Cũng vậy, các đội thắng giữa cặp Anh - Đức và Argentina - Mexico sẽ có người phải ra về sau vòng tứ kết. Nhưng với những sự khác biệt, trong khoa học và trong bóng đá sẽ không có gì khác nhau, khi các đội sở hữu những thành tố khác biệt sẽ làm nên bóng đá đẹp lên ngôi trong kỳ world cup này.

Xem bóng đá để hiểu văn hóa và tư duy của một dân tộc, khi xem bóng đá mà cảm nhận được hết điều này, lúc đó ta sẽ thấy vì sao bóng đá là môn thể thao vua?

Asia Clinic, 8h54' ngày 26/6/2010

Friday, June 25, 2010

MỘT CHÚT QUÁ KHỨ VÀ MỘT CHÚT HIỆN TẠI 5


Câu chuyện cúp điện thường quy hằng tuần năm nay làm tôi lại nhớ đến loạt entry viết dỡ về quá khứ và hiện tại đã bỏ quên gần tháng nay. Năm 1968 là năm có nhiều mốc khá quan trọng cho hầu hết người dân Việt, trong đó có gia đình tôi. Đó là năm gia đình ông bà tôi và chúng tôi lại được đoàn tụ và cũng có những người thân trong gia đình, dòng họ ra đi. Người ra đi về chốn vĩnh hằng, có người thì lên đường theo tiếng gọi của cuộc nội chiến Bắc Nam.

Câu chuyện đã hơn 42 năm, nhưng vẫn nhớ như in trong đầu. Dù đã cách đây nữa đời người, nhưng ngày ấy chúng tôi không biết nghĩa của từ cúp điện là gì? Nơi chúng tôi ở khi ấy dù chỉ là một trại định cư và khu ấp chiến lược, chỉ có một chiếc tivi 21 inchs trắng đen của Nhật hiệu Panasonic do chính quyền cấp cho mọi người cùng xem ở một cái sân của ngôi chùa cất tạm để dân di cư đến cầu phúc. Tối nào lũ trẻ chúng tôi cũng được người lớn cho phép ra sân chùa để xem tivi. Thời đó, chương trình tivi thịnh hành ai cũng thích là chương trình cải lương của các đoàn Kim Chung, Hương Mùa Thu, etc... được chiếu trên truyền hình những đêm thứ 7 và chúa nhật hằng tuần, ai cũng mê. Những diễn viên cải lương gạo cội thời ấy, họ không được đào tạo trường lớp như bây giờ, họ hát rất chân phương, giọng của mỗi người có cái đặc trưng riêng, chỉ nghe thôi, không cần nhìn hình cũng biết họ là ai. Không ai lẫn vào ai, dân giã nhưng truyền cảm như Út Trà Ôn và Hữu Phước. Buồn như Út Bạch Lan, Thanh Sang và Phượng Liên. Ấm mà truyền cảm như Minh Phụng. Trong vắt và luyến láy như Minh Cảnh và Tấn Tài, đa năng vừa cải lương rất mùi, đóng phim rất đạt mà hát tân nhạc cũng hay là Hùng Cường, lanh lảnh như Minh Vương, hát tân nhạc loại country và cải lương cũng mùi như nhau có Hương Lan con gái Hữu Phước. Mỗi người một vẻ, khác với bây giờ, ai hát giọng cũng như ai, nhưng thiếu cái hồn của môn nghệ thuật những người đi mở cõi. Nên bộ môn nghệ thuật này bây giờ ngày càng đi vào cõi chết, không thể trụ vào lòng người vì nhiều lẽ. Lẽ vì không còn thời thế, hoàn cảnh để có tâm trạng cho ra những vỡ tuồng hay như Nữa đời hương phấn hoặc Tướng Cướp Bạch Hải Đường hoặc Chuyện Tình Lan và Điệp, ... Lẽ vì nghệ sĩ làm mất phần hồn của những người con "Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long" trong bài thơ "Nhớ Bắc" của cụ Huỳnh Văn Nghệ đã tâm tình. Bên tân nhạc cũng thế, nhờ vào bối cảnh lịch sử mà mới có Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, hay Vũ Thành An, hay Trầm Tử Thiên, etc... Bây giờ sướng quá, cuộc sống ít những sự kiện làm động lòng người, nên tân nhạc bây giờ cũng vậy, mì ăn liền là chính.

Tết Mậu Thân 1968 là cái tết đặc biệt và kinh hoàng của dân Việt. Đêm trừ tịch năm ấy là năm đủ, tháng chạp có 30 ngày và cũng là ngày 29/01/1968 Tây lịch, chúng tôi chuẩn bị ăn giao thừa. Trước giao thừa năm nào đài truyền hình và truyền thanh cũng thông báo hai bên chiến tuyến ngưng chiến để người dân đón giao thừa và ăn tết. Tôi còn nhớ như in ngày này vì trong năm Đinh Mùi, 1967 tôi có một em trai chào đời. Má tôi ngày ấy, cứ hễ mỗi đứa con sinh ra bà luôn lấy lá số tử vi. Từ lá số tử vi, bà xin ông thầy tử vi luận đặt tên cho mỗi đứa có cái tên đúng với mệnh, cục để con cái có cuộc đời ít trắc trở. Nhưng sau này lớn lên, tôi có nghiên cứu chút ít tử vi và nhân tướng học, thấy dù có xem tử vi để đặt tên hay không thì cái tên cha mẹ tự đặt ngẫu nhiên cũng ứng với mệnh cục và số tử vi của mỗi người. Điều này vẫn chưa lý giải thấu đáo vì sao? Nhưng nếu ta có một người quen biết xem tử vi cao thì chỉ cần nói ngày, giờ, tháng, năm sinh âm lịch, họ có thể luận ra tên của cha mẹ đặt cho hầu như chính xác. Tôi đã từng gặp người như thế, cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần là một người có khả năng này. Bây giờ đốt đuốc tìm không ra ai giỏi như cụ Thu Giang.

Tôi còn nhớ má tôi đang chuẩn bị cúng giao thừa, tiếng pháo xung quanh bắt đầu đì đùng thì những tiếng đạn nỗ giòn. Má tôi bảo năm nay làm ăn tốt, nên mọi người đốt pháo dữ quá. Không ngờ đó là tiếng đạn, bom lẫn tiếng pháo nổ, mà khó ai nhận ra. Đến khi một người cậu họ của tôi là lính nghĩa quân ở gần nhà chạy về trốn với bộ đồ thường dân và báo là mấy ông Việt Cộng đánh dữ quá, thì cả gia đình mới biết. Hồi đó, nhà nào cũng có hầm trú bom, dù ở giữa thị thành. Thế là bỏ tất cả, nhà tôi suốt đêm xuống hầm trú bom. Tuổi nhỏ chẳng biết gì, chỉ thấy má tôi cứ lâm râm khấn vái cho gia đình và ông bà tôi còn ở trên quê được bình an, tai qua nạn khỏi.

Phải khám bệnh, nên để đó, khi rảnh viết tiếp. Asia Clinic, 16h49' ngày 25/6/2010

Cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân, 1968 là một bất ngờ lớn cho VNCH. Một luật bất thành văn hồi đó trong cuộc nội chiến Bắc Nam, do những nước lớn đầu têu cho cả 2 bên Bắc và Nam Việt là: phải ngừng bắn ít nhất 3 ngày tết để dân tình chung vui tết cổ truyền dân tộc. Nhưng miền Bắc đã phá luật và áp dụng chiến lược quân sự của Quang Trung để có một cái tết mà cho đến bây giờ, ở khắp miền đất nước ngày đầu năm là những ngày giỗ liên miên bất tận. Ở Bình Định từ ngày ấy đến nay, ngày mồng một đầu năm âm lịch luôn là ngày để cháu con đi thăm mộ thế hệ đi trước. Ngày tết ở Bình Định không còn là ngày vui, mà là ngày đi nghĩa trang để tưởng nhớ. Vợ tôi chính gốc người Hoa, người Hoa rất sợ đi nghĩa trang vào ngày tết, cô ta cũng thấy lạ khi mỗi lần tết đến, tôi đưa vợ con đi thăm mộ vào sáng tinh sương của ngày đầu năm mới.

Sau này lớn lên, tôi bắt đầu tìm hiểu những bài bạch hóa của các nước trong trang Project Syndicate - A World of Ideas, đặc biệt của nhà cố vấn ngoại giao đại tài Richard Holbrooke, tôi mới hiểu nhiều điều xung quanh cuộc tổng tấn công này. Từ những năm giữa cuối thấp kỷ 1960, Bắc Việt và khối Vasavar đã biết chắc là họ sẽ thắng tại Việt Nam, khi Nixon làm cuộc Việt Nam hóa chiến tranh. Vì người Mỹ vào Nam Việt không phải vì chính nghĩa họ tôn thờ: chủ nghĩa tư bản, mà vì họ nhắm vào thị trường đông dân do tính thực dụng của họ. Với sự thực dụng đó, họ đã đi đêm với Mao và lôi kéo Trung quốc về phía họ. Và kết cục như thế nào về lịch sử cuộc nội chiến ở Việt Nam, cũng như sự sụp đổ Liên Xô và Đông Âu như thế nào mọi người đã rõ. Bây giờ, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu 2008, người Mỹ đang cố lôi kéo Nga về phía mình, để chống lại Trung Quốc đang nhăm nhe vị trí số 1 siêu cường. Bổn cũ soạn lại. Thế giới này không phải là thế giới của những nước nhỏ, mà là thế giới của tam quốc phân tranh: Mỹ - Nga - Trung. Các nước nhỏ nào có những minh quân, nước đó sẽ phát triển và phồn vinh. Ngược lại, nếu nước nhỏ nào có những hôn quân, ắt sẽ đầy dân tộc đó vào chuyện "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ" như Bình Ngô Cáo của cụ Ức Trai đã từng nói. Tất cả những cuộc chiến tranh và cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu là những toan tính có lợi cho các cường quốc. Chính họ chủ động tạo ra để phân chia bản đồ thị trường thuộc địa theo kiểu mới. Đó là điều mà các nguyên thủ quốc gia các nước nhược tiểu như chúng ta cần phải hiểu.

Mời mọi người nghe bài "Ngụ ngôn mùa Đông" của Trịnh Công Sơn để cảm nhận nội chiến Việt Nam. Một bản nhạc mà có lẽ thế hệ sau 1975 ít được nghe?

Quay lại cuộc chiến tết Mậu Thân 1968, ở Bình Định diễn ra liên tục 8 ngày, từ giao thừa đêm trừ tịch đến hết ngày mồng tám tháng giêng năm ấy. Bao nhiêu người chết, bao nhiêu gia đình bị ly tán đến giờ này chưa có ai thống kê lại. Nhưng có những cái chết oan khiêng vì tư thù mượn chiến tranh để giải quyết. Có những đứa trẻ lớn lên phát triển tâm sinh lý lệch lạc vì gia đình trắng những khăn tang cho những người trai ra đi vì cuộc chiến. Có lẽ, không nên nói nhiều về cuộc chiến tết Mậu Thân, vì điều này ai cũng rõ sự thật với thời đại thông tin toàn cầu ngày nay. Ngày mồng 8 là ngày cuối cùng và cũng là ngày gia đình tôi có những cuộc chia ly và đoàn tụ lớn.

Đoàn tụ: Sau ngày mồng 8 tháng giêng tết Mậu Thân 1968 ông bà tôi bỏ căn nhà lớn nhất thôn lúc ấy xuống đoàn tụ với má con tôi. Dù bỏ căn nhà ấy để ra đi, ông Ngoại tôi rất tiếc công sức làm lụng vất vả bao năm bằng máu và nước mắt và xây nên nó vào đầu năm 1963, nhưng phải bỏ để bảo toàn tính mạng trong cuộc chiến. Căn nhà đó được Ông Nguyễn Văn Thiệu ra thăm và dùng là tiền đồn phía Tây Đầm Thị Nại, với quân canh lính gác. Nó đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc đánh đồn, oanh tạc, nhưng ngày nay nó vẫn còn đứng vững với tường nứt và nhiều vết đạn, hố bom quanh nhà. Ngày ấy gia đình tôi không có người nhiều chữ, nên dù chính quyền trưng thu căn nhà cho việc chiến tranh, nhưng Ông Ngoại tôi không được nhận đồng nào. Đó là một thiệt thòi cho người ít học. Hơn nữa, giữa đạn bom, chết chóc bảo toàn mạng sống vẫn quí hơn là giữ của. Có lẽ vì thế mà ở miền Nam thời ấy xuất hiện những con người chỉ chuyên nói về thân phận con người, và họ sống mãi với thời gian nhờ vào những nhạc phẩm, thi phẩm, tác phẩm văn chương ...?

Nghỉ trưa cái, khi rảnh sẽ viết tiếp, Asia Clinic, 12h08' ngày thứ 7, 26/6/2010


Ông Ngoại tôi làm nghề đánh cá Vược. Cá Vược chỉ có ở đầm Thị Nại. Cá rất to, mỗi con dài khoảng 2 mét, nặng khoảng từ 50 đến 100kg. Lưới đánh cá Vược rất to, được đan rất chắc chắn. Người đánh cá Vược phải to khỏe, mới đủ sức đánh bắt cá này. Tôi chưa thấy đâu có loại cá này, nên không thể mô tả đầy đủ bằng hình ảnh. Nhưng theo Ngoại tôi, cá Vược là cá Chẻm sống lâu nên lớn như thế. Bộ lòng cá Vược là ngon tuyệt, chỉ bộ lòng của nó cũng lên đến 5-7 kg. Bao tử cá Vược cũng to, chỉ cần làm sạch nhúng nước sôi và đem ra cắt nhỏ nhậu bá phát, nó ngọt và giòn như ăn sườn cóc lếch, nhưng mềm hơn.

Từ ngày ông Ngoại tôi xuống Qui Nhơn, ông không còn đi đánh cá mà chỉ đi đánh bạc. Mỗi lần ông đi đánh bạc xóc đĩa hay tứ sắc, ông thường thuê người quảy nừng đựng bạc đi đánh. Từ đó bao nhiêu tài sản gia đình của Ngoại tôi đi theo những canh bạc và gia đình trở nên khốn khó.

Nhưng ông Ngoại tôi là người có ý thức được cái học là cái phải cần cho thế hệ chúng tôi. Mỗi lần đánh bạc ăn được tiền, ông thường dẫn tôi ra nhà sách Đại Chúng trên đại lộ Gia Long mua tặng tôi những cây viết Paker hay Pilot có ngòi viết mạ vàng, mà tôi rất thích. Tôi còn nhớ mãi cuốn sách đầu tay mà Ngoại tôi mua tặng tôi là cuốn Tâm hồn cao thượng của dịch giả Hà Mai Anh dịch từ tác phẩm của văn hào Ý Edmon De Amicis. Sau này lớn lên, tôi nghiệm lại tính cách và tư tưởng của tôi có ít nhiều ảnh hưởng từ ông Ngoại của tôi. Một người ông không biết chữ, nhưng nhân cách rất bao dung, vị tha và có tầm nhìn xa cho con cháu. Trái tim nhỏ bé của tôi có được là nhờ được ông Ngoại hun đúc từ những tác phẩm mà ông mua tặng. Nào câu chuyện thơ ngụ ngôn của La Fonten được cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch rất hợp cho giáo dục trẻ thơ, hay Quốc văn giáo khoa thư cũng do ông Ngoại tôi mua tặng. Tôi không hiểu và cũng không hỏi ông Ngoại mình là ông không biết chữ, nhưng sao ông lại biết những cuốn sách này?

Bà Ngoại tôi vẫn làm nghề buôn bán cá. Má tôi làm nghề buôn bán hàng nông sản từ quê đưa lên. Tất cả những con người quê mùa, ít chữ trong gia đình tôi, họ sống chân chất và lam lũ nuôi dạy chúng tôi nên người một cách tự nhiên bằng tấm gương sống bình dị của họ. Không có một sự chuẩn bị hoành trang nào cho tương lai. Cũng chẳng có một kế hoạch dài hơi, hay đầu tư chúng tôi từ rất sớm như trẻ con bây giờ. Chúng tôi lớn lên như đàn gà con được sinh ra, lớn lên và tự bươi móc cả việc học hành và việc kiếm sống để thành người hôm nay.

Chia ly: Cuộc chia ly lớn trong gia đình tôi là sự ra đi vì cuộc chiến của ba dượng tôi. Ông bị trúng đạn bắn tỉa chết vào ngày mồng 8 tháng giêng 1968 âm lịch, tại xã Kỳ Sơn trong lúc đang quan sát tình hình sau cuộc chiến. Do vẫn còn giới nghiêm vì cuộc chiến Mậu Thân, nên chỉ có má tôi đưa ông về chôn ở Lục Trung, xã Kỳ Sơn, Tuy Phước, Bình Định. Mãi đến ngày nay mộ ông vẫn còn ở đó. Bình Định có những ngọn núi được xem như Ngũ Hành Sơn ở Quãng Nam là: Kỳ Sơn (Núi Lân), Phụng Sơn (Núi Phụng), etc... Người ta bảo, những vùng đất này là đất kết, mộ phần tổ tiên ở đó sẽ giúp con cháu thành tài. Nên dù bây giờ mộ phần tổ tiên đã được đưa về những nơi qui hoạch, mộ ba dượng chúng tôi vẫn còn ở đó. Ba dượng tôi là người hiền lành và đôn hậu. Dù má tôi có hai dòng con, nhưng ông luôn đối xử chúng tôi như nhau. Tôi nhớ mãi khuôm mặt chữ điền, dáng người thấp hơn má tôi, nhưng da trắng hồng hào. Nhớ nhất mỗi lần ông về phép, ông thường dẫn tôi đi thả lưới, bắt cá ven đầm Thị Nại.

Ở quê tôi có câu ca dao "Mồng năm, mười bốn, hăm ba/Cử ba ngày đó không đi ra đường". Ba dượng tôi đi lính nghĩa quân, về ăn tết, nhưng rồi bị cuộc chiến Mậu Thân, nên ở lại nhà. Má tôi bảo không cho ba dượng tôi đi nhập ngũ đầu năm vào ngày mồng năm, nhưng ông vẫn cứ đi. Vì ông sợ đi lao công tù binh, khi mọi người đang trong quân ngũ chống chọi với cuộc đánh, mà ông trốn ở nhà có gì thì bị kỹ luật. Hơn nữa đến mồng năm tết thì cuộc chiến cũng giảm dần, khi người Mỹ và lính Cộng Hòa luồn ra hậu cứ của quân giải phóng đánh ngược trở lại. Tin tức chiến trường bao nhiêu thắng lợi của quân VNCH dồn dập đưa về. Không ngờ lần đi ấy là lần đi cuối cùng của ông. Từ đó, chúng tôi trở thành con em gia đình tử sĩ của VNCH.

Cuộc chia ly lớn thứ hai là các bác và chú, câu họ tôi họ theo phía bên kia sau cuộc chiến Mậu Thân. Không ai biết họ đi đâu, gia đình cầm chắc là họ đã chết nhưng mất xác. Chỉ sau 1975, một ngày đẹp trời họ xuất hiện trước cửa nhà với bộ đồ quân ngũ cách mạng, lúc đó họ hàng mới biết là họ đã đi theo phía bên kia từ tết Mậu Thân.

Đoàn tụ và chia ly là qui luật của cuộc đời. Mỗi ngày có 24 giờ đồng hồ. Mỗi đời người có ba vạn sáu ngàn ngày cũng chỉ để con người lo việc đoàn tụ và chia ly. Sáng ra chia ly để kiếm sống, tối về đoàn tụ sum vầy. Nếu ai đã từng chiêm nghiệm được điều này, thì chuyện hợp tan của những người thân yêu nhất cũng là luật định của cuộc đời. Không vui quá khi đoàn tụ, mà cũng không nên buồn quá khi chia ly. Ấy mới là ngộ được luật của Đạo và Đời.

Sẽ viết phần 6: HỌC VÀ CHƠI TUỔI THƠ NGÀY ẤY

Asia Clinic, 12h 17' thứ 2, ngày 28/6/2010

Tuesday, June 22, 2010

CHỌN QUỐC HOA

Cách nay 6 hôm, bộ văn hóa truyền thông và du lịch có cuộc hội thảo về chọn Quốc hoa. Trong đó, cục Mỹ thuật đã cùng ban soạn thảo đã đề ra 13 tiêu chí chọn Quốc hoa. Theo một bài báo thì mười ba tiêu chí ấy như sau:

1. Có nguồn gốc hoặc được trồng lâu đời ở Việt Nam
2. Thích nghi và được trồng ở hầu khắp mọi miền đất nước
3. Thời gian nở hoa quanh năm hoặc kéo dài trong năm
4. Thể hiện được bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tinh thần cốt cách, ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam
5. Bền đẹp về hình thức, mầu sắc và hương thơm
6. Thông dụng trong đời sống sinh hoạt của nhân dân (hoa cắt, hoa chậu, trồng phong cảnh, trang trí…)
7. Có giá trị về mặt kinh tế, mang lại lợi ích cho nhiều người dân
8. Có giá trị thẩm mỹ, hội họa (đã được sử dụng trong các công trình điêu khắc, hội họa, kiến trúc)
9. Có giá trị văn học, nghệ thuật (đã được đưa vào thơ ca truyền thuyết, lễ hội…)
10. Được đại đa số người dân yêu thích, chấp thuận và tôn vinh
11. Có giá trị lịch sử (gắn với nhân vật hoặc sự kiện lịch sử)
12. Có khả năng mở rộng và phát triển trong tương lai
13. Không trùng lặp với Quốc hoa của các quốc gia khác
Đã có nhiều đề nghị đưa ra, và cũng đã có loại hoa mà lâu nay được mọi người xem là Quốc hoa nước Việt. Trong đó có một đề nghị nên chọn Tam hoa là Quốc hoa đại diện cho nước Việt đã được đăng trên báo Tia Sáng online. Đọc bài viết thì nghe cũng có lý, nhưng so với 13 tiêu chí thì Tam hoa của tác giả không đáp ứng được yêu cầu.
Lần theo sự kiện Quốc hoa trên toàn thế giới, châu Á đã có 27 nước có Quốc hoa. Châu Âu có 33 quốc gia đã có Quốc hoa. Bắc Mỹ có 14 nước có Quốc hoa. Nam Mỹ có 9 quốc gia có Quốc hoa. Châu Phi có 15 nước đã có Quốc hoa. Châu Đại Dương có 3 nước có Quốc hoa. Có những nước không chọn hoa làm Quốc hoa mà chọn cây hoặc lá làm Quốc hoa. Chọn cây là Quốc hoa ví dụ như Úc chọn cây keo làm Quốc Hoa, một loại cây mà được mọc nhiều trong các vùng thung lũng khô cằn của nước Úc. Nó chịu được sự khắc nghiệt của khí hậu hoang mạc và bán hoang mạc do những dãy núi bao quanh làm cho lượng mưa đã đổ hết xuống vùng ven biển bên sườn Nam nước Úc.Chọn lá làm Quốc hoa thì có Canada - lá Phong - Ai đã từng đến vùng Ôn đới, cận Ôn đới sẽ thấy hành tinh xanh có sức sống mạnh như thế nào khi chuyển mùa. Và màu lá Phong là hình ảnh đẹp mỗi lúc vào Thu Đông. Có nước chọn hoa Nhài làm Quốc hoa như Thái Lan và Nepal. Nước Mỹ chọn một loại hoa mọc nhiều trong vườn nhà, loại màu tím có tên là European Columbine thuộc loài có tên khoa học là Aquilegia Vulgaris và tên tiếng Việt là Hoa Lâu Đẩu.

Đối với Việt Nam, riêng Sen, loại hoa mà lâu nay người Việt cứ nghĩ trong thâm tâm của mình là Quốc hoa của nước Việt, không hiểu vì lý do gì? Nhưng lý do gần gủi nhất và có lý nhất là do cụ Hồ ở làng Sen và Sen là đại diện cho loại hoa mà "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Ngoài ra, hoa Sen là loài hoa thanh cao để cúng Phật, một đạo mà được xem là Quốc giáo của Việt Nam. Song, hoa Sen đã được nhiều nước trên thế giới chọn làm Quốc hoa, trong đó có Ấn Độ và Sri LanKa.

Mai cũng là một loại hoa đặc trưng ngày tết của Việt Nam, nhưng nó cũng đã được Đài Loan chọn làm Quốc hoa. Trung quốc cũng chọn hoa Mẫu Đơn làm Quốc hoa, và Mẫu Đơn là một loại thuộc loài Mai. Mai chỉ được trồng ở miền Trung và Nam Việt Nam, mà không phổ biến khắp 3 miền.

Đào cũng đã được Nhật Bản chọn làm loài Quốc hoa cho họ. Đào cũng chỉ có ở miển Bắc Việt nam, vì nó là loài cây mọc ở vùng cận Ôn đới và Ôn đới.

Tôi muốn đề nghị nên chọn Bông Lúa (hoa cây lúa) làm biểu tượng Quốc hoa cho Việt Nam. Xét về tất cả 13 tiêu chí đưa ra ở trên. Ngoài ra, nếu ai đã từng sống nhiều tháng ở miền Tây sông nước, đặc biệt vào mùa nước nổi, nhìn và theo dõi cây lúa nước miệt đồng bằng sông Cửu Long lớn lên, trầm mình trong nước, nước lên đến đâu lúa cao theo nước đến đó, mới thấy hết sức sống của cây lúa giống dân Việt đến nhường nào? Chúng ta đã có Quốc huy đất nước với nhành lúa bao quanh, sao ta không thể chọn bông Lúa để làm Quốc hoa? Có ai trong chúng ta đã không một lần ngửi mùi hương bông Lúa trổ đòng thơm như sữa mẹ, ngọt ngào và mộc mạc như thôn nữ tuổi xuân thì. Có ai là người Việt mà không biết xúc động và sảng khoái mỗi bận đi qua cách đồng lúa mênh mông với mùi bùn pha lẫn mùi đặc trưng của lúa? Không ai trong chúng ta dùng từ "hoa" có vẻ cao sang gắn cho Lúa, chúng ta chỉ dùng từ "bông lúa" để gọi cho hoa cây lúa. Mộc mạc nhưng chân chất và bình dị. Không khoa trương nhưng chắc chắn và vững bền. Hoa tuy nhỏ, nhưng trổ từng chùm gắn kết như lòng dân Việt đứng lên đánh giặc ngoại xâm. Nhưng rất tiếc là người Cambodia đã chọn bông Lúa làm Quốc hoa của họ, dù họ chỉ mới lập quốc trở lại từ 1979. Chỉ có một điều này phạm húy vào 13 tiêu chí mà cục Mỹ thuật và ban soạn thảo đề án Quốc hoa đưa ra.

Ngoài bông Lúa, có một loài hoa cũng thỏa 13 tiêu chí đã cho, đó là hoa Huệ (Huệ ta). Hoa Huệ trắng cũng phạm húy một điều là nước Pháp và Tòa thánh Vatican đã lấy làm biểu tượng Quốc hoa cho họ. Trong khi hoa Huệ vàng thì nước Leichtenstien lấy làm biểu tượng. Ngoài ra với sự sang trọng của hoa Huệ lại không mấy phù hợp với lịch sử khổ đau, nhục nhằn của dân tộc Việt. Trên thế giới có nhiều loài hoa đã được nhiều nước lấy làm Quốc hoa. Iraq, Iran, Arabia Saudi, Syria, Maroc, Anh, Bulgaria, Bồ Đào Nha, Luxembourg, Romania cùng lấy hoa Hồng làm biểu tượng Quốc Hoa. Hay ngay cả hoa Gừng nhưng cũng có đến 2 nước Cuba và Nicaragua cùng lấy làm Quốc hoa, etc... Không lẽ chỉ vì Cambodia đã lấy Bông Lúa làm Quốc hoa mà ta lại từ chối Bông Lúa.

Nếu từ chối Bông Lúa, thì loại hoa còn lại có thể đáp ứng được 13 tiêu chí, mà chưa có nước nào chọn lựa để làm biểu tượng là hoa Rau Muống cũng rất có lý và phù hợp với dân tộc Việt. Nó cũng lớn lên từ mọi hoàn cảnh, sống và phát triển bất chấp mọi nhục nhằn và môi trường xấu tốt. Bình dân, gần gũi với một dân tộc có 80% làm nông như chúng ta, lam lũ mà can trường. Tại sao không? Theo tôi, không cứ gì phải là hoa sang trọng, quí phái và được chơi kiểng như bộ văn thể du đưa ra mới chọn để làm Quốc hoa. Quốc hoa phải cần gần gửi với đời sống văn hóa và lịch sử dân tộc. Bông Lúa là loại nên chọn làm vị trí số 1 cho Quốc Hoa. Còn nếu quá gay gắt như những tiêu chuẩn của bộ văn thể du thì chỉ còn có Hoa Rau Muống là đáp ứng yêu cầu. Hoa Rau Muống có gì là xấu?

Đã là hoa thì không có loại hoa nào là không đẹp. Hoa nào bình dị mà sống trong gian khó vẫn trổ đẹp thì càng đúng với dân mình. Và tiêu chí biểu trưng lấy loại hoa gắn liền với văn hóa và lịch sử dân Việt là tiêu chí quan trọng hàng đầu cần quan tâm hơn là những tiêu chí khác.

Nếu ai đó còn nghĩ là cần phải chọn loại hoa cao sang để làm biểu trưng thì hãy tham khảo thêm Mỹ chọn lấy Quốc Hoa có tên là Aquilegia Vulgaris, ai giỏi tiếng Anh và La Tinh thử dịch ra chữ Việt với cái tên thật dân giã nó là gì?

Không biết việc chọn Bông Lúa hay hoa Rau Muống làm Quốc Hoa của tôi có nên không? Mà đâu cứ gì phải là Hoa thì mới chọn làm Quốc hoa nhỉ? Tớ thấy 13 tiêu chuẩn của bộ văn thể du hơi bị thiếu IQ nhỉ?

Asia Clinic, 16h58' ngày 22/6/2010