Scandinavia

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
Scandinavia

Scandinavia (tiếng Việt: Xcan-đi-na-vi hoặc Xcăng-đi-na-vi được phiên âm từ tiếng Pháp: Scandinavie) là khái niệm chỉ một phần hay toàn bộ vùng Bắc Âu. Trong địa lí, bán đảo Scandinavia là bán đảo với xương sống là dãy núi Scandinavia, được bao bọc bởi biển Baltic, biển Bắc, biển Na Uy của Đại Tây Dươngbiển Barents của Bắc Băng Dương. Bán đảo Scandinavia tương đương lãnh thổ đất liền hiện nay của Na Uy, Thụy Điển và một phần miền bắc Phần Lan. Trong lĩnh vực văn hoá, lịch sử và ngôn ngữ, Scandinavia được hiểu bao gồm Đan Mạch, Na UyThuỵ Điển.

Bắc Âu còn bao gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Phần Lan, Iceland; đảo Greenland, quần đảo Faroe (thuộc Đan Mạch). Ở các vùng này tiếng Đan Mạchtiếng Thuỵ Điển được coi là ngôn ngữ thiểu số hay ngoại ngữ. Tất cả các nước Bắc Âu là thành viên của Hội đồng Bắc Âu.

Trong một số tài liệu, dựa trên tiêu chí ngôn ngữ, người ta cũng xếp Phần Lan vào khu vực Scandinavia. Số khác cho rằng Phần Lan và Scandinavia là hai khu vực phân biệt, chúng được xếp chung vào một vùng có tên là Fenno-Scandinavia. Trong lịch sử, Phần Lan đã từng là một phần của Thuỵ Điển trong suốt hơn một trăm năm. Ngày nay vẫn còn một bộ phận người thiểu số Thuỵ Điển sống ở Phần Lan. Tiếng Thuỵ Điển cũng là ngôn ngữ chính thứ hai của đất nước này. Tuy nhiên tiếng Phần Lan lại không có mấy điểm tương đồng với ngôn ngữ hàng xóm của họ. Nó cũng không nằm trong nhóm ngôn ngữ German của hệ ngôn ngữ Ấn-Âu mà thuộc nhóm ngôn ngữ Phần Lan-Ugri của hệ ngôn ngữ Ural. Do lịch sử nhiều năm bị phụ thuộc mà một số người Phần Lan không thích xếp đất nước họ và Thuỵ Điển chung vào một nhóm.

Từ nguyên[sửa | sửa mã nguồn]

Tên gọi Scandinavia bắt nguồn từ phiên âm Latinh Skathinawjö của một khái niệm viết bằng ngôn ngữ Thuỵ Điển cổ. Ở đây Skathi- có nghĩa là "nguy hiểm" hoặc "thiệt hại", còn –awjö là "đảo" hoặc "bán đảo". Gộp lại, Scandinavia có thể mang nghĩa là "bán đảo nguy hiểm". "Nguy hiểm" ở đây có lẽ chỉ các dòng hải lưu bao quanh bán đảo Scandinavia. Cụm từ Scandinavia ít nhiều có quan hệ ngữ nguyên với các từ như Skåne hay Skanör (tên một vùng đất phía nam Thuỵ Điển). Cũng có người cho rằng sự "nguy hiểm" bên trên chỉ đến các bờ cát tại vùng Skanör rất nguy hiểm cho giao thông đường biển. Một số người lại cho rằng nguồn gốc của Scandinavia liên quan đến tên gọi của nữ thần Skadi (Skade) của người Bắc Âu.

Thuật ngữ "người Scandinavia" cũng dùng để chỉ các dân tộc Bắc German, những người nói ngôn ngữ Scandinavia có nguồn gốc Bắc Âu cổ.

Sự tương đồng trong quốc kỳ các nước Scandinavia[sửa | sửa mã nguồn]

Điểm đặc biệt đáng ghi chú là các cờ đều có chung hình thập tự gọi là thập tự Scandinavia, bắt nguồn từ quốc kỳ của nước Đan Mạch.

Đan Mạch (Danmark)
Flagge Dänemarks Quốc kỳ Đan Mạch có tên là Dannebrog, là biểu hiệu của quân thập tự vào thời Trung cổ. Đây là lá cờ chính quyền cổ xưa nhất còn được dùng đến ngày nay.
Thuỵ Điển (Sverige)
Flagge Schwedens Quốc kỳ Thụy Điển có màu nền xuất phát từ màu của huy hiệu hoàng gia, tương tự nguồn gốc màu của lá cờ Đan Mạch
Na Uy (Norge/Noreg)
Flagge Norwegens Quốc kỳ Na Uy chỉ dựa một phần vào màu của huy hiệu gia đình nhà vua. Nó dựa vào lá cờ của Đan Mạch. Từ năm 1380 cho tới 1814, Na Uy thuộc Liên minh Đan Mạch-Na Uy, coi như là một phần của Đan Mạch. Màu xanh ở đây biểu tượng cho màu xanh đậm của Fjord và không khí trong lành.
Phần Lan (Suomi/Finland)
Flagge Finnlands
Quốc kỳ Phần Lan được gọi là Siniristilippu ("cờ chữ thập xanh"). Những màu sắc trên lá cờ biểu hiện các đặc điểm thiên nhiên của đất nước này. Màu xanh lam tượng trưng cho bầu trời và sông hồ, còn màu trắng tượng trưng cho tuyết và những đêm trắng, một hiện tượng thiên nhiên thường thấy vào mùa hè tại Phần Lan.
Iceland (Ísland)
Nationalflagge Islands Quốc kỳ Iceland gồm nền cờ màu lam, trên có chữ thập màu trắng và màu đỏ. Màu lam biểu thị cho đại dương, màu trắng biểu thị tuyết trắng, hai màu này là quốc sắc của Iceland. Thập tự đỏ phản ánh lịch sử Iceland từng thuộc nước Đan Mạch. Cho tới 1944 Iceland là một phần của Đan Mạch.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Bán đảo Scandinavia

Dãy núi Scandinavia

Bắc Âu

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]