CA SĨ LỆ QUYÊN:
Về quê, tiếng cười và nước mắt...
14:51' 21/07/2004 (GMT+7)

“Tiếng hát Lệ Quyên đã một thời làm mê say bao nhiêu người. Và âm sắc nhẹ nhàng bay bổng của thuở ấy, bây giờ còn đậm đà hơn, hữu sắc hơn. Quyên đã yêu, đã hát, và cái đẹp của tâm hồn Quyên đã bay đi mọi nơi, trong nước, ngoài nước, châu Mỹ, châu Âu, châu Á… Từ đất nước xa xôi, Quyên vẫn gửi tiếng hát đắm say của mình về. Mỗi nhạc sĩ đều hết sức yên tâm về cách thể hiện tác phẩm rất nghệ sĩ, rất nhiều suy nghĩ và tự tin của Lệ Quyên”, không quá ngoa ngôn, nhạc sĩ Hồng Đăng đã viết về chị -  người từng được xem là một trong những cánh chim đầu đàn của dòng nhạc nhẹ Việt Nam.

Ca sĩ Lệ Quyên(ảnh: Đức Huy)

Gen “sân khấu”

“Cái Quyên từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu lạ lùng”, mẹ chị - NSƯT Khánh Hợi đã nhận xét với PV Người Viễn Xứ về cô con gái của mình như thế! Chả phải là “mẹ khen con”, nhưng không có “gen” sao được khi Lệ Quyên sinh ra trong một gia đình mà hầu hết các thành viên đều là những người có tiếng trong giới nghệ thuật. Bố là cố NSND Sĩ Tiến - soạn giả cải lương, mẹ là NSƯT Khánh Hợi, chú là cố NSƯT Sĩ Hùng, thím là NSƯT Tường Vy… Mới chỉ 5, 6 tuổi đầu, Lệ Quyên đã bắc ghế đứng nhún nhảy hát trong các đám tiệc mà chẳng hề ngần ngại. Mê những bài hát Ý, Indonesia… có tiết tấu sôi động thời ấy, thế mà rồi chị lại đi học đàn bầu chỉ vì không đủ… tuổi vào khoa thanh nhạc!

Học đàn bầu, ngâm thơ, hát cải lương, lắm tài thế nhưng chẳng có ai khuyến khích chị đi học thanh nhạc cho tới khi gặp thầy Lô Thanh. Năm 1975, chị đi từ Bắc vào Nam để ngâm thơ minh hoạ cho các buổi bình thơ… Gặp được thầy Lô Thanh, thầy khuyên chị nên học thanh nhạc, nhưng không nên theo opera mà hát nhạc nhẹ thì thích hợp hơn. Thầy Lô Thanh lại còn giới thiệu chị làm quen với cô Mỹ Bình (người được xem là có “gen” đào tạo các ca sĩ nổi tiếng như Ái Vân, Thanh Lam, Hồng Nhung…). Nhớ lại những người “thầy” tên tuổi đã định hình phong cách cho mình, ca sĩ Lệ Quyên không thể quên nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương: “Mỗi người một cách, thầy Lô Thanh, cô Mỹ Bình và nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương là ba người đã “khai sáng” cho tôi”.

Ca sĩ Lệ Quyên và mẹ - NSƯT Khánh Hợi (ảnh: Đức Huy)

Tháng 8 năm 1979, chị đi lưu diễn Mexico, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy… Sau chuyến đi này, rồi lại đến Giải thưởng "Người hát ca khúc Tiệp Khắc hay nhất năm 1981", càng làm Lệ Quyên được nhiều người biết đến như người thổi “hơi thở mùa xuân” vào dòng chảy âm nhạc VN.

Chồng chị - anh Hứa Khoa khi ấy làm trong lãnh sự Pháp, chẳng mê gì ca nhạc VN nhưng đã tò mò khi nghe một người bạn Việt kiều, rủ đi xem một cô ca sĩ hát giống “Whitney Houston”. Trông Lệ Quyên hát trên sân khấu, anh chẳng ấn tượng gì với “cái mặt son phấn xanh đỏ” kia. Sau đêm diễn, Khoa mời đoàn hát đi ăn. Khi ấy, Hứa Khoa mới nhìn thấy một Lệ Quyên không son phấn, giản dị và “đẹp”! Anh kể lại: “Khi quen nhau, thấy Lệ Quyên cũng bình thường như bao người, nhưng cưới rồi thì tôi thật sự hãnh diện. Bạn bè bên Pháp cũng như ở VN, ai cũng nói tôi có phước. Tấm lòng cô ấy tốt, lại đảm đang, khéo vén cho chồng cho con”.

Cuộc sống nơi Torcy

Lệ Quyên sang Pháp từ tháng 1 năm 1990. Kể về những ngày tháng ấy, đến bây giờ chị vẫn còn khóc: Mang thai 7, 8 tháng chị vẫn còn “vác bụng” đi hát. Chìu vợ, nên anh Hứa Khoa cũng chẳng thúc giục chị làm giấy tờ. “Thuyền theo lái, gái (phải) theo chồng”, dù lòng chị chẳng muốn rời xa quê hương. Xứ lạ quê người, buồn vì nhớ nghề, chị cứ khóc suốt. Để khuây khỏa, ba tháng sau, Lệ Quyên đi làm cho một hãng làm quà tặng quảng cáo. Đôi bàn tay trước đây chỉ quen cầm micro và hoa tặng… bây giờ phải làm những việc thủ công! Cuộc sống bên Pháp tất bật, chỉ thỉnh thoảng Lệ Quyên mới đi hát, nhưng là hát có chọn lọc.

Gia đình Lệ Quyên (ảnh chụp tại Hà Nội)

Lệ Quyên không thích hát ở Paris lắm, khi thấy những nhà hàng bên ấy có khi chỉ như nhà hàng Việt, hoặc không bằng. Chỉ những show đàng hoàng, được mời với sự trân trọng, Lệ Quyên mới hát với thù lao khoảng 3 – 4000 quan. Khán giả đâu phải nơi nào cũng hiểu tiếng Việt (nhất là thanh niên). Có những trung tâm ca nhạc biết tiếng, mời Lệ Quyên hát nhưng cũng có không ít nơi “xem nhẹ” chị vì cho rằng Lệ Quyên là “cộng sản Bắc kỳ Hà Nội”. Biết sau nhiều lời mời hát có chứa ẩn ý chính trị, chị khước từ một cách khéo léo. Không bàn luận nhiều về chuyện một số ca sĩ quay lưng lại với đất nước, Lệ Quyên chỉ từ tốn: “Là một ca sĩ phải vô cùng sáng suốt”. Tự hào “trong thời gian sống ở nước ngoài, không dính dáng chút nào về chính trị”, nhưng Lệ Quyên lại thấm thía câu từ mẹ chị truyền lại: “Các cụ bảo, sinh vì nghề, tử vì nghiệp, nhưng chỉ có về VN thì ca sĩ Việt mới tiến triển được”.

Ngôi nhà của chị nằm tại Torcy (cách Paris khoảng 17km). Cách đó một trạm xe bus là khu nhà của cộng đồng người Việt. Trong nhà trồng rất nhiều hoa hồng, như tên của cô con gái chị: Hứa Hồng Nhung. Khu vườn nhỏ đủ rộng để có thể mời bạn bè đến chơi, nướng thịt ngồi ăn mỗi cuối tuần. Nghỉ làm ở hãng quà tặng quảng cáo, Lệ Quyên đi học khóa đào tạo người trông trẻ. Nhiều khi cha mẹ và con cái không đủ thời gian trò chuyện, tâm sự với nhau. Nhưng, Lệ Quyên có một thói quen vẫn giữ đó là: mỗi sáng chạy bộ 40 phút. Sau khi ăn tối xong, hai vợ chồng chị dắt con chó nhỏ đi dạo vòng quanh hồ. Những cái hồ cạnh ngôi nhà Torcy làm nỗi nhớ Hà thành trỗi lên trong Quyên xốn xang: “Mỗi lần nhìn ra hồ là Quyên lại nhớ Hồ Hoàn Kiếm…”.

“Trở lại phố xưa”

Buổi sáng Hà Nội. Vợ chồng Lệ Quyên và nhạc sĩ Nguyễn Cường ngồi uống cà phê ở một quán nhỏ tại phố Hàng Giày. Gọi điện cho nhạc sĩ Trần Tiến, biết tin Lệ Quyên về, giọng của Trần Tiến òa ra vì vui và bất ngờ. 15 phút chạy xe đến quán cà phê phố Hàng Giày, Trần Tiến đã thành hình ca khúc tặng Lệ Quyên: “Thành phố muối mặn”. Người được tặng đã không ngăn nổi mình òa khóc vì hạnh phúc khi nghe những lời ca được nhạc sĩ viết ra như từ trong tim mình.

Vợ chồng ca sĩ Lệ Quyên (ảnh: Đức Huy)

15 năm xa cách Sài Gòn, 17 năm rời xa Hà Nội, chị nhìn hai thành phố với tình cảm trải rộng toàn đất nước: “Việt Nam thay đổi nhiều quá! Mọi thứ đều phát triển kể cả trong âm nhạc”. Trở lại VN, thời tiết thay đổi nên giọng Lệ Quyên khàn đặc. Giấy phép cho chương trình "Trở lại phố xưa" chỉ có trước đó 5 ngày. Còn lại 5 ngày trước khi liveshow diễn ra, chị phải lao vào lo phụ chuẩn bị quảng cáo, bán vé… Đêm diễn ấy, kinh tế là vấn đề sau cùng, chỉ bởi vì sự trở về lần này là khởi điểm của ba niềm mong ước: muốn khán giả nhớ lại một tiếng hát Lệ Quyên của ngày xưa; muốn đem tiếng hát ấy giới thiệu đến khán giả trẻ và trên hết, đó là đỉnh điểm của tình yêu – nhớ nghề của Lệ Quyên. Giọng như… rè đi, mỗi bài hát chỉ tập với ban nhạc có mỗi một lần và cả sự căng thẳng... khiến chị hát trong đêm “Trở lại phố xưa” (15.07.2004 tại Nhà hát Lớn Hà Nội) bằng một sự “kiên cường”. Hoa sữa, Hơi thở mùa xuân, Tiếng sóng biển, Trên đỉnh phù vân, Họa mi hót trong mưa… những ca khúc từng như ”một thời” của chị được hát với cảm xúc “thấy mình như đang mơ”. Nhiều lúc nước mắt chảy ra, chị phải kìm lại để không bị nghẹn ngào.  Đồng nghiệp và khán giả lên chúc mừng: “Giọng hát em vẫn còn chinh phục lắm”; hay: “Trông Quyên vẫn còn “sân khấu” lắm!”… Những lời chúc mừng, động viên, càng níu giữ bước chân người xa xứ…

Ba người con: Hứa Hồng Anh Laura (16 tuổi), Hứa Hồng Nhung Diane (13 tuổi) và cậu nhóc 8 tuổi Hứa Minh Trí Stephene nói tiếng Việt vẫn còn ngọng nghịu lắm lắm. Ba cô cậu đều than thở với bố mẹ: ra đường thì thấy bụi, khói xe, trời thì nóng! Vậy mà chỉ 3 ngày sau, cả ba đã nói với mẹ rằng: “Đây mới là gia đình thật sự của con”. Chị vẫn còn nhiều dự định lắm: nào là đi thăm mồ mả họ hàng, tìm gặp lại thầy cô, đồng nghiệp cũ, dẫn các con đi miền Tây, Nha Trang… nhưng mong ước lớn nhất của chị (cũng như của gia đình, bè bạn) vẫn là: “được trở về hát trên quê hương mình…”

DUY THỦY

Gửi tin này qua email In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC :
Ca sĩ Cẩm Ly lên xe hoa (20/07/2004)
Hát ru (16/07/2004)
“Tâm sự một lời ca” (10/07/2004)
Sau hai “Bảo” sẽ đến Võ? (07/07/2004)
“Chúng tôi đang giữ gìn di sản văn hóa” (03/07/2004)
Sự hợp tác mới của hai ca sĩ trẻ? (01/07/2004)
Hoài Niệm Đá - Tình Khúc Mai Thu Sơn (30/06/2004)
“Cảm ơn những tháng ngày cơ cực!” (29/06/2004)
Lấy lòng công chúng hơn là thành… Thánh! (23/06/2004)
Đến với nhạc bằng... thơ! (19/06/2004)
Lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa cho Nhã nhạc Huế (17/06/2004)
Piano kỹ thuật số sẽ thay thế piano dây? (14/06/2004)
Ballet Swan Lake: mở màn tăng xuất diễn! (10/06/2004)
Hát thơ - tưởng lạ nhưng cũ! (01/06/2004)
Trò chuyện với người viễn xứ... (29/05/2004)