NHỮNG NGÀY XA QUÊ HƯƠNG:
Chuyện về người Việt ở Paris, Bonn và Brussels...
05:16' 07/10/2004 (GMT+7)
 
Soạn: AM 162933 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Chiều ngoại ô Paris

MỘT

Quá cảnh tại sân bay Singapore 3 giờ trước khi bay sang Paris - thành phố cổ với huyền thọai về một tình yêu đẹp của chàng gù Quasimodo kéo chuông nhà thờ Đức Bà với nàng Esmeralda xinh đẹp, thành phố nơi mà nhà văn Victor Hugo đã viết nên tác phẩm "Những người khốn khổ" bất hủ từ đây, kinh đô của thời trang thế giới… Tất cả chúng tôi ai cũng sửng sốt trước vẻ đẹp và hiện đại của sân bay Singapore. Chính vì vậy trong thâm tâm ai cũng cho rằng, không chỉ sân bay mà thành phố Paris sẽ phải nguy nga, tráng lệ hơn nhiều. Nhưng, thật bất ngờ, sau 13 giờ bay và sự thay đổi múi giờ đã làm cho cả đoàn mệt mỏi thì sự kiên cố, đơn giản của sân bay Paris đã làm cho tất cả chúng tôi phải choàng tỉnh. Ngược lại với cái nhìn ban đầu về Paris thì những nụ cười và tác phong nhanh nhẹn của các cán bộ hải quan ở đây đã làm cả đoàn vui vẻ và lấy lại tinh thần.

Rời sân bay về trung tâm thành phố bằng xe hơi. Sự hiện đại của hệ thống giao thông, sự quy củ của những phương tiện giao thông và đặc biệt kiến trúc cổ kính, sự đồ sộ của thành phố Paris đã tạo cho tôi nhớ tới những chiến thắng vẻ vang và oai phong của một nước Pháp ở thế kỷ 18 dưới sự trị vì của hoàng đế Napoléon vĩ đại. Đường phố Paris vắng vẻ và thanh lịch. Trên đại lộ chỉ lác đác vài người già dạo trên những con đường sạch sẽ và đầy lá vàng rơi. Người Paris sống và đi lại nhiều dưới lòng đất. Hệ thống tàu điện ngầm của Paris có hàng nửa thế kỷ nay và đang là phương tiện giao thông chủ yếu của người Paris. Dưới lòng đất Paris thật sự trở thành một thành phố ngầm nhộn nhịp và sôi động. Châu Âu đang là những ngày giữa thu, nên hai bên đường những hàng cây ngô đồng xén thẳng tắp từ chiều cao cho đến bề rộng đang ngả màu vàng sẫm. Cái màu mà có lẽ chẳng có một lọai mực vẽ nào có thể pha trộn được để vẽ nên bức tranh hoàn hảo về mùa thu của Châu Âu. Dọc hai bờ sông Sein từng đám thanh niên đang trượt patin hoặc nằm phơi nắng. Ở Châu Âu càng có nước da nâu rám nắng thì mới là người giàu có. Bởi vì như vậy chứng tỏ bạn mới là người có tiền để đi du lịch. Xa xa trên những chiếc ghế đá là các đôi trai gái ngồi hôn nhau say đắm như không biết trời đất là gì.

Soạn: AM 162935 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Một trạm tàu điện ở Bonn

Theo lịch trình xe đưa chúng tôi về khách sạn Novotel – Accor ở Quận 13 là nơi có cộng đồng người Việt sinh sống, làm ăn nhiều nhất Paris. Dọc trên hai con đường dẫn đến khách sạn, những quán ăn mang tên Việt Nam san sát bên nhau với những món ăn rất Việt như: Phở, bánh cuốn, bánh xèo, chè khoai môn…Thế mới biết rằng ẩm thực là một nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc. Và không phải điều kiện sống thay đổi có thể làm cho con người ta quên đi được những món ăn mà tuổi thơ hay thời gian khổ nhất đã từng nếm nơi quê nhà. Nó như đã ăn sâu vào tâm thức của từng người dù cho đó chỉ là hương vị của một món ăn chơi.

Sau một tuần làm việc và tham quan tại Paris, chúng tôi di chuyển sang thành phố Bonn (thủ phủ cũ của Tây Đức) là một thành phố lớn của CHLB Đức. Khác với sự cổ kính, nên thơ của Paris, Bonn là một thành phố hiện đại với nhiều công trình đang được xây dựng dọc theo hai bên bờ sông Rhein. Cuộc sống của người Đức có vẻ hối hả và công nghiệp hơn nhiều. Có thể so sánh nhịp sống của hai thành phố này như Hà Nội và Sài Gòn của Việt Nam vậy. Hẹn làm việc với chúng tôi là ông Herzlich giám đốc công ty Ibis. Không sai một phút, ông ta đã có mặt tại phòng lễ tân của khách sạn với đầy đủ giấy tờ liên quan tới cuộc bàn luận. Khi làm việc xong bắt tay và tạm biệt ra về. Không có buổi gặp mặt liên hoan thân mật như các doanh nghiệp hay các đối tác trong nước ta vẫn thường làm. Người Đức là vậy: chính xác và mạnh mẽ như một cỗ xe tăng.


Soạn: AM 162937 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Mùa thu ở Bonn

HAI

Dù xa Việt Nam, sống ở Châu Âu nhưng những ngày qua chúng tôi cảm thấy thật gần gũi vì giữa thành phố Paris và Bonn xa lạ, thi thoảng vẫn được nghe giọng nói của người Việt. Đó là những bà con Việt kiều đang sống và làm việc tại đây. Thậm chí đoàn chúng tôi đã được Anh Hữu Vinh giám đốc doanh nghiệp Dinhdong chiêu đãi một bữa bún riêu cua Bonn ngay chính tại nhà. Ở Bonn rất nhiều người Việt và thậm chí các doanh nghiệp Đức đều biết đến anh Vinh - Một giám đốc trẻ với 5 nhà hàng lớn tại Bonn, thành phố Kolenz và một công ty chuyên xuất nhập khẩu, kinh doanh các lọai hàng mỹ nghệ. Đi xuất khẩu lao động và ở lại làm ăn tại Đức 20 năm nay, ngoài các nhà hàng và công ty anh còn mua được một biệt thự trị giá 1,5 triệu USD. Công ty và nhà hàng của anh đã tạo công ăn việc làm cho 200 người chủ yếu là người Việt. Lương bình quân cho một lao động chân tay là 1.000 - 1.500EUR. Tính ra tiền Việt là khoảng từ 20 đến 30 triệu tiền Việt Nam. Nghe thì rất to nhưng mức sinh họat tại châu Âu - nhất là Đức và Pháp, thì vô cùng đắt đỏ.

Chị Lan quê ở Nghệ Tĩnh sang Bonn từ năm 2000 theo diện đoàn tụ kết hôn kể: Hai vợ chồng chị cả tháng thu nhập được khoảng 2.600 đến 3.000EUR. Thuê nhà hết 600EUR, ăn uống và các chi tiêu khác hết 1.000EUR. Tằn tiện cả tháng cũng để dành được 1.000EUR. Tuy nhiên đó là không đau ốm vì chi phí khám bệnh tại các nước Châu Âu rất tốn kém. Trường hợp em Hường thì lại khác hẳn. Quá hạn visa 1 năm nhưng lại muốn ở lại nên hiện nay em phải đi giúp việc cho một gia đình người Việt tại Bonn. Thu nhập một tháng của em chỉ được 650Eur/tháng. Đó là nhà chủ cũng thương cho hoàn cảnh của em lắm mới thuê em vì nếu bị chính quyền sở tại biết thì cũng gay go to. Như Hường thì không thể đi bác sỹ được vì nếu xuất hiện tại bệnh viện em phải có hộ chiếu, visa và như vậy thì em sẽ bị trục xuất về nước ngay. Phần lớn người Việt mới qua Đức trong khoảng những năm 90 trở lại đây chủ yếu là lao động chân tay tại các tiệm ăn. Một số có ít vốn thì có thể sang cửa tiệm ăn hoặc buôn bán nhỏ. Rất ít người có thể lọt vào khối văn phòng, công ty. Anh Minh nói: khoảng 10 năm gần đây cơ hội làm giàu cho người Việt tại Đức là tương đối khó. Nếu không có trình độ thì chủ yếu phải lao động chân tay và cơ hội có nhà ở là tương lai rất xa. Cũng như người lao động đến và làm thuê tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh vậy.

Soạn: AM 162947 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Nhà hàng Colorful -Paris

Số Việt kiều sinh sống tại Paris khoảng 400 ngàn người - bằng dân số của thành phố Kolenz của Đức, cho nên việc làm ăn có vẻ dễ dàng hơn đôi chút. Mặt khác chính phủ Pháp thoáng hơn trong chính sách nhập cư vì vậy cơ hội việc làm cho người Việt tại các công sở, văn phòng ở pháp dễ dàng hơn. Tuy nhiên phần đông bà con Người Việt mới sang định cư tại Pháp trong thời gian gần đây vẫn là mở cửa hàng ăn và buôn bán nhỏ. Người pháp rất thích món ăn của Việt Nam. Trên đường Choisy ở Quận 13, có hàng loạt tiệm ăn Việt Nam, nhưng khách hàng lại toàn là các cô cậu người Pháp. Quán ăn Phú Đôn đông khách từ 14giờ đến 24giờ. Người Châu Âu ăn tối rất muộn và mỗi buổi họ ăn, nói chuyện từ 3 - 4giờ đồng hồ. Mấy em phục vụ người Nam Hà (Sở dĩ tôi biết chắc các em là người Nam Hà vì sự nhầm lẫn trong cách phát âm giữa từ ”l” và “n”) chạy toát cả mồ hôi nhưng vẫn không kịp. Thế nhưng biết có người Việt Nam là em nào cũng tranh thủ ghé qua hỏi chuyện: “Việt Nam mình nay giàu lắm, thay đổi nhiều lắm phải không chị? Em muốn về quá nhưng không đủ tiền. Ở đây làm thì có tiền hơn Việt Nam nhưng buồn lắm chị ơi! Chỉ biết đi làm tối ngày thôi…”.

Hầu như ở Quận nào của Paris cũng có các siêu thị của người Châu Á. Ở đó bạn có thể mua đủ thứ từ cà pháo, mắm tôm đến bánh phở, bánh đa nem. Paris nhiều quán phở đến nỗi có cả nghề làm bún, bánh phở bỏ mối cho các quán phở ngay tại trung tâm thành phố. Tuy nhiên một bát phở bò khoảng 8 đến 10EUR, trong khi vé tàu điện ngầm đi khắp thành phố Paris chỉ có 1,3EUR. Đó là một khoản tiền mà không phải bất cứ một sinh viên, hay một người lao động chân tay nào ở Paris có thể dùng thoải mái hàng ngày như ở Việt Nam.

Soạn: AM 162951 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Mùa thu ở Paris

BA

Suốt những ngày sống tại Pháp và Đức khi gặp gỡ bất cứ người Việt nào đang sống và làm việc tại đấy đều có một tâm trạng là háo hức nghe kể chuyện về Việt Nam. "Việt Nam mình giỏi quá! Thi toán quốc tế giải nhất cơ mà! Đợt vừa rồi trong cuộc thi Robot Thái Bình Dương đoàn Việt Nam được giải nhất và giải cho ý tưởng hay nữa phải không chị?"; "Có phải Việt Nam mới xây xong cầu Mỹ Thuận còn đẹp hơn cả cái cầu bên Úc không chị? Năm nay lũ đồng bằng sông Cửu Long có to như năm ngoái không?"... Có lẽ không cần phải diễn đạt nhiều mà với hàng chục, hàng trăm câu hỏi của tất cả bà con Việt kiều sống xa Tổ quốc đã nói lên tất cả sự quan tâm, nỗi niềm nhớ thương đau đáu về sự tiến bộ, đổi thay của quê nhà.

Thay cho lời kết của bài viết tôi muốn kể câu chuyện nhỏ về một nhóm bồi bàn tại nhà hàng Cafe Maison Du Dragon ở 146 - 160Bd Adolphe Max - BRUSSELS - Bỉ nơi tôi dừng chân trên tuyến đường từ Paris qua Bonn. “Chàng thanh niên 32 tuổi quê ở Sóc trăng xa quê 18 năm chưa một lần về thăm quê hương nhưng vẫn biết rằng Việt Nam đã có tiền 500 ngàn đồng mới. May mắn là tôi đã có tờ tiền mới đem theo và đưa cho cậu xem. Thật không thể tả nỗi háo hức, vui sướng của cậu khi cầm tờ giấy bạc. Quên cả xin phép tôi cậu cầm đồng tiền chạy ào vào nhà bếp nơi có rất nhiều đồng hương của cậu để khoe, mặc cho ánh mắt không vui của anh quản lý người Trung Hoa. Cậu chạy ra líu ríu xin lỗi tôi và có ý muốn đổi một đồng để làm kỷ niệm. Nhất định có dịp em sẽ về quê và khi đó người nhà em sẽ rất ngạc nhiên vì em có tờ giấy bạc này. Một lời đề nghị cảm động và dễ thương!...".

Paris tháng 9 năm 2004

MINH THI

 

BÀI ĐÃ XUẤT BẢN:
Tôi muốn dừng chân trên chính quê hương mình (06/10/2004)
Thăm Nhà Văn hóa Thăng Long - Warszawa (04/10/2004)
“VIETYEU 2004" hẹn ngày gặp lại! (28/09/2004)
Vui hội trăng rằm tại Budapest (27/09/2004)
Những bước chân mềm mại (23/09/2004)
Tranh chức vô địch Hoa Kỳ (22/09/2004)
Tổ chức ĐH Thanh niên VN tại Châu Âu lần 1 (21/09/2004)
Chuyện về nhà tỷ phú Thoong "gió bầu" (13/09/2004)
Chuyện về một Tiến sĩ Harvard người Việt (11/09/2004)
Như ngọn gió lành từ Budapest (06/09/2004)
Vì trẻ em bất hạnh hai nước (31/08/2004)
Từ một sự trở về (27/08/2004)
Nhà Văn hoá Thăng Long - Warszawa, Ba Lan (24/08/2004)
“Sống và làm việc vì hạnh phúc của con người” (20/08/2004)