Thắng cảnh Phú Yên
Thứ Năm, 05/06/2008 22:48 (GMT+7)
 Tìm Kiếm
Xuân 2008
Giai phẩm 2008
Cuối tháng xuân 2008
tdtg
Phú Yên - Đất & Người Đất anh hùng
Thứ Tư, 07-05-2008, 07:38 (GMT+7)
Sămbrăm và phong trào chống Pháp những năm 1935 -1939
Kỳ 2: PHONG TRÀO SĂMBRĂM Ở MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

Kỳ 1: Cuộc đời Sămbrăm

 

Sau khi tiếp tục tinh thần chống Pháp và nhận nước thánh từ Sămbrăm, các đại biểu của buôn làng trở về vận động đồng bào tổ chức những cuộc đấu tranh ngay tại quê hương. Phong trào đồng loạt nổ ra ở miền tây các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên. Người ta gọi phong trào này là Phong trào Sămbrăm, có nơi gọi là phong trào xu nước hay nước xu đỏ, cũng có nơi gọi lập phong trào lấy nước phép đánh Tây.

 

080507-calui.jpg

Sông Cà Lúi, nơi Sămbrăm tắm mát thuở thiếu thời. – Ảnh: K.DUY

 

Ở Phú Yên, thanh niên đồng bào Chăm, Ba na ở vùng Thồ Lồ, nay thuộc xã Phú Mỡ huyện Đồng Xuân, đã náo nức luyện tập bắn cung, ném lao chuẩn bị vũ khí và phương tiện chiến đấu, kéo đến xin chỉ thị của Sămbrăm để tiến đánh đồn Pháp, nhưng cuộc tập kích chưa kịp nổ ra thì Sămbrăm bị giặc Pháp bắt.

 

Mặc dù Sămbrăm - vị thủ lĩnh tối cao bị bắt, nhưng phong trào chống Pháp vẫn không ngừng phát triển, biến thành những cuộc đấu tranh vũ trang. Đồng bào vùng Thồ Lồ kiên quyết không hợp tác với giặc Pháp, đấu tranh không đi làm xâu, không cống nạp các loại vật phẩm theo yêu cầu của Pháp. Quân đội Pháp nhiều lần kéo đến chinh phục  vùng này nhưng đều thất bại. Từ đó, Thồ Lồ nổi lên như một hình ảnh thần kỳ, danh tiếng dội vang khắp vùng chung quanh. Trong suốt quá trình cai trị, thực dân Pháp không hề thiết lập được chính quyền tay sai tại vùng Thồ Lồ (6).

 

Tại Kon Tum và Gia Lai, phong trào Sămbrăm phát triển thành những cuộc đấu tranh vũ trang rất sôi nổi của người Xơ Đăng ở Đắc Tô, Đắc Glây, Tumơrông, Công Plông, của người Ba na ở vùng An Khê, Kannát, Đắc Bot. Thực dân Pháp phải huy động 4 tiểu đoàn đến đàn áp cả năm trời mà vẫn không dập tắt được. Tại Côngplông, phong trào nước xu do ông Thuần lãnh đạo được toàn thể nhân dân trong vùng hưởng ứng. Trong những năm đầu, ông Thuần phát động phong trào bất hợp tác với giặc, không đi phu, không đóng thuế, không đi lính cho Pháp. Đến năm 1936, ông xây dựng lực lượng vũ trang công khai chống giặc. Quân Pháp mở nhiều đợt tấn công vào Côngplông nhưng đã bị nghĩa quân chống trả mãnh liệt. Đặc biệt, với chiến thắng Con Biêu năm 1937, nghĩa quân đã bẻ gãy được cuộc tấn công quy mô của địch.

 

Tại các vùng Lonki, Paklao, xã Panran, đồng bào Xơ đăng nhanh chóng xây dựng lực lượng vũ trang, lập làng chiến đấu, đặt bẫy gài chông chống lại giặc Pháp. Cuộc chiến đấu diễn ra liên tục và sôi nổi, nghĩa quân đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch, làm chết và bị thương nhiều tên xâm lược và một chánh tổng tay sai đã bị nghĩa quân trừng trị.

 

Đặc biệt trong các năm 1936-1937, cuộc khởi nghĩa vũ trang do ông Đăng lãnh đạo đã huy động phần lớn các chánh tổng, chủ làng thuộc các huyện Đắc Tô, Đắc Glây tham gia. Sau khi thành lập lực lượng vũ trang, ông Đăng lấy làng La Luar quê hương ông làm căn cứ, xây dựng phòng tuyến cắm chông trên sông Đắc Pao (chạy từ Đắc Tô đến Đắc Glây), bọc quanh căn cứ  La Luar khá vững chắc. Tất cả thanh niên trong các huyện Đắc Tô, Đắc Glây đều được huy động vào lực lượng nghĩa quân, ngày đêm canh gác, bố phòng cẩn mật quanh phòng tuyến. Tại căn cứ này, vào đầu năm 1939, lực lượng khởi nghĩa đã tổ chức một cuộc chiến đấu quyết liệt với một lực lượng lớn quân đội Pháp có trang bị hỏa lực mạnh.

 

Tại Đắk Lắk, phong trào Sămbrăm phát triển đều khắp trong tỉnh. Ở các vùng người Ê đê, mỗi buôn đều có lực lượng vũ trang, lấy lực lượng tự vệ công khai làm nòng cốt. Đồng bào rèn giáo mác, làm cung tên, mua súng kíp để chờ ngày khởi nghĩa. Ở khu vực nguời M’Nông (huyện Lak) thủ lĩnh N’Yan tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang khắp các buôn làng người M’Nông Rlăm, Mnông Gar và biến núi Yang Krinh thành căn cứ địa vững chắc. Công sứ Đắk Lắk mở nhiều cuộc càn quét vào căn cứ Yang Krinh quyết bắt cho được N’Yan, đàn áp phong trào, nhưng các cuộc hành quân của chúng đều thất bại trước sự chống trả mãnh liệt của nghĩa quân. Mãi về sau, núi Yang Krinh vẫn là vùng bất khả xâm phạm của người M’Nông.

 

Ở huyện Vân Canh tỉnh Bình Định, phong trào Sămbrăm phát triển đến các vùng thuộc xã Canh Sơn và Thừa Lãnh. Đồng bào các địa phương rầm rộ đi lấy nuớc thần để cầu mong khỏe mạnh, giàu có, thực dân Pháp sẽ bỏ đi, không còn cảnh sưu thuế. Người ta dùng hình tượng dê trắng, trâu trắng (ám chỉ thực dân Pháp), heo xấu (chỉ bọn phong kiến tay sai), vận động đồng bào các dân tộc đoàn kết đấu tranh chống thực dân, phong kiến, bỏ những tập tục lạc hậu, phạt vạ. Phong trào có ảnh hưởng mạnh mẽ, nhiều cuộc đấu tranh du kích nổ ra, mặc dù bị địch khủng bố dã man, song phong trào này vẫn kéo dài đến năm 1939.

 

Ở Quảng Ngãi, từ năm 1937, nhân dân các dân tộc miền tây của tỉnh đã tham gia phong trào Sămbrăm. Quyết liệt và mạnh mẽ nhất là đồng bào Cor ở Trà Bồng do Phó mục Gia đứng đầu, trung tâm là vùng núi Cà Đam. Mùa hè năm 1938, nhân dân các dân tộc Trà Bồng dưới sự chỉ huy của ông Phó mục Gia, Đinh Hốt… đã kéo về châu lỵ Trà Bồng đốt phá nhà lao, giết Chánh Tam, tay sai gian ác của địch và đánh đồn Tràø Bồng. Tiếp đến đầu năm 1939, nghĩa quân  dưới sự chỉ huy của các ông Đinh Chân, Đinh Nhâm, Đinh Bói phục kích đánh địch tại Gò Rô, giết một số lính Pháp đi càn quét các làng quanh vùng Tà Dục. Bọn địch càn lên làng Khuông, bị quân ông Đinh Rức chặn đánh tại Kônglăng. Tháng 10/1939, nghĩa quân các ông Đinh Hốt, Đinh Na chặn đánh địch đi càn quét làng Tà Dục tại đèo Tà Ớt, buộc địch phải bỏ cuộc càn quét. Từ đó trở đi, địch không còn kiểm soát nhiều làng xã ở vùng cao miền tây Quảng Ngãi.

 

Tại Quảng Nam, đồng bào các dân tộc Xơ đăng, Ca dong ở Trà My, Phước Sơn hưởng ứng mạnh mẽ phong trào nước xu dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh địa phương là ông Điền, ông Đúc. Cuối năm 1937, đồng bào ở các bản làng thuộc các xã Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang, Trà Mai… (huyện Trà My) rào làng, làm lễ cúng Giàng và tổ chức lực lượng nổi dậy chống thực dân Pháp. Đầu năm 1938, bằng vũ khí cung nỏ, lực lượng khởi nghĩa đã lập được chiến công tại dốc Dược, giết nhiều tên địch, trong đó có một sĩ quan chỉ huy, đồng thời làm phá sản cuộc hành quân lớn của giặc Pháp lên vùng cao Trà My. Sau đó, đồng bào Ca dong làng Tu Du dưới sự chỉ huy của Xen Đung đã chủ động bố trí trận địa, phục kích tại Non Đoan, chặn đánh quân Pháp khi chúng kéo vào làng Tu Du. Bị đánh bất ngờ, giặc Pháp hốt hoảng, tháo chạy về đồn Trà My.

 

Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp do Sămbrăm phát động và tổ chức vào nửa cuối thập niên 30 thế kỷ XX có những đóng góp quan trọng đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân cả nước nói chung, khu vực Tây Nguyên và miền Trung nói riêng. Phong trào có ý nghĩa to lớn, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý thức độc lập tự chủ của đồng bào các dân tộc thiểu số chống ách áp bức nặng nề của chế độ thực dân cai trị. Sămbrăm, vị thủ lĩnh cao nhất của phong trào, đã chọn phương pháp đấu tranh, cách tổ chức xây dựng lực lượng, đoàn kết các dân tộc phù hợp với phong tục tập quán, điều kiện thực tại, kinh nghiệm đấu tranh của đồng bào nên phong trào đã được hưởng ứng mạnh mẽ và phát triển trên một địa bàn rộng lớn. Bề ngoài, phong trào mang màu sắc thần bí, nhưng bên trong sôi sục tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm.

 

Nhiều buôn làng, dưới sự chỉ huy trực tiếp của các thủ lĩnh ở địa phương, đã xây dựng không gian cư trú của buôn làng thành căn cứ chống giặc. Tuy chỉ bằng những phương tiện đấu tranh thô sơ là cung tên, lao, giáo, cạm bẫy, chông gai… nhưng với tinh thần gan dạ, dũng cảm vì quê hương, đồng bào các địa phương đã chống trả ngoan cường, làm phá sản nhiều cuộc hành quân càn quét đánh phá của quân đội Pháp. Nhiều nơi, phong trào bị thực dân Pháp huy động lực lượng khủng bố tàn khốc. Song có những buôn làng bằng nhiều cách đối phó khác nhau vẫn giữ vững tinh thần đấu tranh, tồn tại kiên cường trước sức mạnh chiến tranh của quân xâm lược.

 

Thủ lĩnh Sămbrăm và cuộc đấu tranh gắn liền tên tuổi của ông xứng đáng được ca ngợi, tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau. Việc bảo tồn, phát huy những di tích gắn với sự kiện và nhân vật lịch sử này là cách làm mang lại hiệu quả tốt, góp phần làm cho các thế hệ đi sau nhận thức rõ hơn về truyền thống tốt đẹp của cha ông, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước. Ngôi mộ Sămbrăm, một di tích quan trọng trong hệ thống các di tích đó, đang được Bảo tàng Phú Yên tiến hành lập hồ sơ trình xếp hạng để tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích, di sản văn hóa.

 

KIM CHI - HỮU AN

 

 In bài này      Gửi bạn bè      Gửi phản hồi     Xem lịch Xem theo ngày
Các tin khác

Kỳ 1: CUỘC ĐỜI SĂMBRĂM (06/05)
Gậy ông đập lưng ông (18/04)
Từ tấm ảnh gia đình người liệt sĩ đến chuyến đi sâu nặng nghĩa tình Nam - Bắc (04/04)
Chiến thắng đường số 5 - một chiến công của quân và dân Phú Yên (31/03)
Đốt nén hương lòng (23/03)
Chuyện chưa kể về nữ tướng Nguyễn Thị Định và những nữ du kích Phường 6 năm xưa (21/03)
Ba người lính già và Tết Mậu Thân 1968 (23/02)
H02-xứng danh đơn vị anh hùng (22/02)
Ký ức về trận tập kích cứ điểm Núi Sầm (11/01)
Học sinh Phú Yên biểu tình bạo động đốt Chi cảnh sát Tuy Hòa năm 1972 (09/01)
Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh
Tuyển sinh 2008

dautu
Đất anh hùng
PY qua ảnh
Dong duoc
THS
Tuyển giảng viên
Cty DELTA
Báo Phú Yên điện tử - http:// www.baophuyen.com.vn. Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên
Giấy phép xuất bản số 210/GP-BC của Bộ Văn hóa - Thông tin cấp ngày 17-11-2005
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, TP.Tuy Hòa. Điện thoại: 057.842261 - 842488 - 841043, Fax: 057.841275.
E-mail: tsbpy@dng.vnn.vn. Ghi rõ nguồn "Báo Phú Yên điện tử" khi sử dụng lại thông tin từ website này
Copyright 2005 Báo Phú Yên Online Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ Powered and Designed by THS Group