Chủ Nhật, ngày 01/09/2008   
 
 THÔNG TIN CẦN BIẾT
 TÒA SOẠN CỦA BẠN

bannertoasoan.jpg

Tên người Việt Nam
29/03/2007
Nước ta có 54 dân tộc. Chính tên các động vật, thực vật là tiền thân của một số họ. Về sau, trong quá trình giao lưu với người Hán, người Việt đã tiếp thu thêm một số họ nữa. Ở Việt Nam hiện có 1.020 họ, riêng người Kinh đã có hơn 300 họ.

      Một số dân tộc thiểu số ở nước ta, lúc đầu vốn không có họ. Sau do ảnh hưởng văn hóa người Kinh, các dân tộc ấy cũng mang họ người Kinh hoặc được nhà vua ban cho họ (người Khmer Nam Bộ được vua nhà Nguyễn ban cho họ Sơn, Dung, Thạch, Kim, Lâm; Người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận được ban cho các họ Ông, Ma, Trà, Chế). Một số dân tộc thiểu số ở Quảng Trị đi theo cách mạng lấy họ Hồ...
      Họ và tên là để phân biệt huyết thống, cho ta thấy nguồn gốc ông cha... Họ và tên dùng để phân biệt người này với người khác. Riêng tên chính và tên đệm để phân biệt giới tính (nam, nữ) - ví dụ: Thị, X, Hơ (H') dùng cho nữ giới; Văn, Kơ (K'), Y dùng cho nam giới. Ngoài ra, họ và tên còn có chức năng thẩm mỹ: tên đệm, tên chính, bí danh, bút danh, nghệ danh, pháp danh... thường gắn với một ý nghĩa nhất định và phần nhiều là ý nghĩa tốt đẹp. Đặt tên là việc hệ trọng trong gia đình, gia tộc, vì thế thường được chọn lựa kỹ. Tên thường được chọn lựa kỹ càng về mặt ngữ âm và nhất là về ngữ nghĩa (hay về ý, đẹp về âm).
      Xưa kia con người không có tên. Chính nhờ việc đặt tên (mệnh danh) thì loài người bắt đầu có sự khai phá trời đất, làm cho vạn vật thoát khỏi sự hỗn mang ban đầu. Họ và tên trở thành một bộ phận quan trọng trong cuộc đời mỗi con người, gắn bó mật thiết với máu thịt của chúng ta.
      Khi đã có tên, con người đã được xã hội (công nhận) đặt cho một dấu ấn và chỉ định cho một thân phận (như một số phận của định mệnh, mà số phận của mỗi người là do chính người đó, qua sự điều khiển vô thức mà hình thành nên). Do những bối cảnh văn hóa, xã hội lịch sử của các dân tộc khác nhau nên kết cấu họ tên (toàn bộ các bộ phận cấu thành họ tên và mối quan hệ giữa các bộ phận đó) cũng khác nhau. Nói chung có ba loại kết cấu họ và tên khác nhau: Các dân tộc có họ đặt trước tên như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản...; Các dân tộc có tên đặt trước như Anh, Mỹ, Pháp, Italy, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Đức... Ở Việt Nam có dân tộc Êđê...; Những dân tộc chỉ có tên mà không có họ như người Tây Tạng (tộc Tạng), tộc ở Myamar... Việt Nam có dân tộc Sơ Đăng, Ơ Đu.
      Ngoài ra còn có một số kết cấu họ tên của những tộc người mà ta không thể quy vào loại nào được. Ví dụ: Tên họ của một số tộc người (trên thế giới) còn có đệm thêm tên bố, tên ông, tên chú và các biệt danh khác. Ở Việt Nam, người Hà Nhì Đen lấy tên bố làm tên đệm cho con.
      Ở Việt Nam từ sau 1975, do xu hướng mở cửa, hội nhập, do những biến động về chính trị, xã hội, việc đặt tên người của các dân tộc cũng mang nhiều màu sắc mới (nữ nhiều nơi bỏ chữ “thị”, nam bỏ đệm theo dòng họ, tên nam nữ khó phân biệt, tên dân tộc thiểu số đặt theo tên người Kinh...). 
      Việc đặt tên (khi con ra đời hay khi có chức danh trong xã hội) thường theo các nguyên tắc là: Ngắn gọn để dễ nhớ, để gây ấn tượng; Tránh trùng: để dễ phân biệt cái "riêng" của từng người; Biệt giới: phân rõ nam, nữ; Thẩm mỹ: tên đẹp.
   Ngày trước ở nông thôn hay đặt "tên xấu xí" vì sợ quỷ tha ma bắt, nói lên thân phận thấp kém của mình: thằng Tèo, cái Tộp, Lò Văn Ứt (đói), Đèo Văn Khổ... Còn nhà giàu có quyền, có thế, dân thành thị thường đặt "tên đẹp", nhất là phụ nữ làm cho số người trùng tên tăng quá nhanh.
      Số ít bỏ cách đặt tên truyền thống, đặt tên quá dài: tên nam giới tới 4 âm tiết (Nguyễn Xuân Tất Thắng, Lơmu Hà Kroong, Chama Leađiêu...); Tên nữ giới từ 5 âm tiết (Vũ Quốc Anh Thục Vy, Công Tằng Tôn Nữ Thị Ngọc Lan...) Ngoài ra còn có hiện tượng ghép họ bố và họ mẹ (Ví dụ: Nguyễn Võ Thu Uyên). Theo ý kiến một số người, cách đặt tên như vậy làm cho tên dài không cần thiết. Hiện tượng nữ giới bỏ đệm "thị" và thay vào đó một cái đệm bất kỳ theo nhu cầu thẩm mỹ, để nam nữ bình quyền (ví dụ: con gái tên Trần Hồng, Nguyễn Anh Vân, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Thanh Hải...) khiến rất khó phân biệt nam hay nữ.

      Cách gọi tên đời thường ở Việt Nam

      Người Việt Nam (đủ các dân tộc) khi ở nhà, trong chòm xóm, bản làng, buôn, plei, palei, phum, sóc... thường gọi nhau theo kiểu nôm na đời thường (tránh gọi tên tục, tên cúng cơm).

      * Ngôi thứ trong gia đình gọi: anh Cả, anh Hai, anh Ba, anh Bảy, anh Mười... anh Cả Đỏ (Nguyễn Lương Bằng), anh Bảy Cường (Phạm Hùng), anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt). Ở miền Nam, con trưởng gọi là "anh Hai"...

      * Gọi theo học hàm, học vị và gắn với tên làng: Tam nguyên Yên đổ hay cụ Hoàng Và (Nguyễn Khuyến), ông Tú Vị Xuyên (nhà thơ Tú Xương)…

      * Gọi theo chức sắc, địa vị xã hội: cụ Chánh Hảo, Đại tá Hùng, Tướng Giáp, Hưng Đạo Đại vương (Trần Quốc Tuấn)...

      * Gọi theo niên hiệu: Vua Gia Long; Gọi theo miếu hiệu: Lý Thái Tổ.

      * Gọi theo nghề nghiệp: bác tài Long, võ sỹ Tấn, nghệ sỹ ưu tú Thanh Hoa, y tá Nguyệt...

      * Gọi theo bút danh: nhà thơ Chế Lan Viên (Phan Ngọc Hoan), Tố Hữu (Nguyễn Kim Thành), Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí)…

      * Gọi theo pháp danh: Hòa thượng Thích Hiển Pháp (Trần Như Ngọc)…

      * Gọi theo tên chồng: bà Ngô Bá Thành (Phạm Thị Thanh Vân)…

      * Có thể một người có nhiều tên: Lúc bé gọi là cu Tý, cái Hĩm- tên khai sinh là Đỗ Nhật Linh, Phùng Thái Phượng... Lớn lên viết văn lấy bút danh là Đinh Hải An, Điền Hoa... Khi về già, thích nghỉ ngơi lại lấy các tên như: Trần Dân cư sỹ, Tuệ trung thượng sỹ, Lãng Nhân, Ngu Ông, Ngu Nhân...

Nguyễn Khôi

  
Gửi bài này Bản in

 BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
HCM1.jpg
Trang chủ | Liên hệ | Quảng cáo | Giới thiệu