Một số tượng rồng ở thời Lý, thời Trần

1- Tượng rồng thời Lý.

Hình rồng chạm nổi trên bia và bệ đá thời Lý thấy khá nhiều, nhưng tượng tròn thì rất hiếm. Đôi rồng ngoắc đuôi nhau quấn quanh cột chùa Dạm có đường kính chừng 150cm thuộc loại to và nổi rất cao có thể xem là bước chuyển trung gian giữa chạm nổi với tượng tròn. Tượng rồng bò trên khối đá tự nhiên ở đáy ao rồng chùa Phật Tích chỉ còn một phần. Rõ hơn cả là những cặp tượng rồng quấn quít trên đế bia chùa Long Đọi (Hà Nam) và đế bia tháp Chương Sơn (Nam Định), nhưng những con rồng ở cả hai nơi này đều đã bị

gẫy mất đầu. Trong khi đó đôi nơi vốn là di tích thời Lý cũng tìm thấy những đoạn tượng rồng nhỏ bằng đất nung. Tổng hợp những dấu tích tượng rồng trên, chúng ta có con rồng như ở cột chùa Dạm và phù hợp với những hình rồng chạm nổi khác. Đó là con rồng rắn mà thư tịch thời Lý (thơ Dương Không Lộ) và thư tịch thời Trần (thơ Trần Nguyên Đán) đều gọi theo tên Hán - Việt là "Long xà": Lấy gốc là con rắn, con trăn thuộc vùng đồng trũng và sông nước làm mình rồng, cho nó uốn lượn thoăn thoắt thu nhỏ dần về đuôi, trên thân mọc ra bốn chân với những móng cong nhọn sắc của chim, thêm chiếc đầu ngóc lên với đầu tóc mượt dài, môi trên quyện với răng nanh và được bao lại thành chiếc mào như ngọn lửa, trên đầu chưa có sừng nhưng lại có hoa văn hình chữ S là dấu hiệu về mây - mưa - sấm - chớp, miệng há vờn viên ngọc, dưới cằm và các khuỷu chân đều có túm râu cũng uốn mượt như tóc. ở những hình chạm, quanh thân rồng còn có vài dải mây, nhưng quanh đồ án rồng lại có nhiều hoa lá, ở đế bia Long Đọi và Chương Sơn chạm rồng có phần sườn chạm các đợt sóng nước. Như vậy bản thân con rồng có cả yếu tố âm và yếu tố dương, môi trường sống của nó gợi ra vùng trời song cơ bản là gắn với mặt đất, là con vật lưỡng tính và lưỡng cư, rất được người Việt coi trọng. (ảnh 16a, b, c,)



16a - ổ rồng để bia chùa Long Đọi



16b - Rồng góc tháp chùa Phật Tích



16c - Rồng trang trí chùa Phật Tích 

2- Tượng rồng thời Trần

Sang thời Trần, hình rồng được chạm nổi trên bia và bệ đá, cả trên gạch rất nhiều, nhưng đã có nhiều tượng rồng được làm thành những cặp thành bậc cửa ở một số chùa (như chùa Dâu - Bắc Ninh, chùa Phổ Minh - Nam Định, chùa Đậu - Hà Tây...), một số lăng mộ (điển hình là lăng Trần Anh Tông - Quảng Ninh) và trước cung điện (trong thành nhà Hồ). Những cặp tượng rồng này hoàn toàn đúng nghĩa là tác phẩm tạo hình trong không gian ba chiều, vượt qua tính chất trang trí cho một vật phẩm khác như đế bia thời Lý, nó là tác phẩm điêu khắc độc lập tự thân tồn tại.

Tượng rồng trong các chùa làng (như chùa Trăm Gian - Hà Tây, chùa Dâu - Bắc Ninh...) dài chừng trên dưới 1m, mình bụ mập, thường khúc uốn xít, sống lưng chỉ hơi lượn, dáng thô. Tượng rồng trong các di tích có tính nhà nước (như chùa Phổ Minh, lăng vua Trần, thành nhà Hồ) chẳng những có kích thước lớn mà cũng được tạc kỹ lưỡng hơn. Tượng rồng ở lăng vua Trần Anh Tông dài tới 170cm, đặc biệt tượng rồng trong thành nhà Hồ bị gẫy mất đầu rỗi vẫn còn dài những 362cm. Những con rồng này thân mập tròn nhưng vẫn thanh, uốn sóng nhiều khúc, giữa một số khúc còn có những nhánh hoa guột. Phần lớn tượng rồng Trần bị mất đầu, đến thời Nguyễn làm lại. Tuy nhiên ở một ít tượng rồng còn cả đầu như ở lăng Trần Anh Tông vẫn còn mào và hoa văn chữ S, song đã có cặp sừng nhọn. Tượng rồng trong thành nhà Hồ (1397) bị gẫy mất đầu, tương truyền do nó phun ra lửa (ý chỉ mào) thường gây hỏa hoạn cho các làng phía trước, nên bị dân chém đầu. Điều đó cùng với thân mình tròn thon, uốn khúc nhịp nhàng đã hồi tưởng lại những con rồng thời Lý. Những tượng rồng thành bậc ở lăng mộ An Sinh và ở trong thành Nhà Hồ dù ở dưới núi rừng hoang sơ hay trong khung cảnh cung điện nguy nga, nó vẫn bề thế, uy nghi, khẳng định một chiều sâu văn hóa và lịch sử dân tộc, trình ra một hình tượng nghệ thuật độc đáo có tiếp nhận một số yếu tố bên ngoài, song cơ bản là phát triển từ ngọn nguồn bản địa. (ảnh 17a, b)




17a - Rồng thành bậc cửa chùa Dâu




17b - Rồng thành bậc cửa thành nhà Hồ