Ca mổ tách rời cặp song sinh Việt-Đức - 20 năm nhìn lại và đi tới
Thời sự Y Dược - Tin trong nước [ 11/10/2008 | 13:16 GMT+7 ]
GiaoDucSucKhoe.net (Theo Kim Liên - Sài Gòn Giải Phóng)

Ngày 4-10-1988 đã trở thành một ngày rất đặc biệt trong tâm trí của những người hoạt động trong lĩnh vực y khoa và nhiều người dân TPHCM. 8 giờ 30 phút sáng hôm ấy khi lưỡi dao đầu tiên – lưỡi dao của trí tuệ tập thể, của lòng kiên định, của sự quyết đoán – đặt lên da thịt của hai đứa bé song sinh, đó cũng là giờ khắc ghi dấu bước chuyển mình mang tính đột phá của ngành y Việt Nam.

20 năm sau, cũng là 8 giờ 30 phút ngày 4-10-2008, những người làm nên giây phút lịch sử ấy đã cùng ôn lại câu chuyện 20 năm trước. Câu chuyện phía sau những thành tựu.

Việt-Đức và câu chuyện tình người

Ngày 25-2-1981, hai em bé song sinh dính liền nhau đã chào đời tại Bệnh xá Sa Thầy, tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Mẹ của hai bé là Lâm Thị Huê và cha là Nguyễn Thân từng sống ở vùng bị rải chất độc màu da cam.

Sau 3 tháng được chăm sóc tại Bệnh viện Kon Tum, hai bé đã được đưa ra Bệnh viện Việt-Đức Hà Nội. Tên Việt-Đức được khởi nguồn từ đây và do Giáo sư Tôn Thất Tùng đặt cho hai bé. Ông đã từng có phương án tách rời hai cháu nhưng trước tình trạng phương tiện phẫu thuật còn thiếu thốn đã khiến ông do dự.

Theo cố Giáo sư Tôn Thất Tùng, để thực hiện ca mổ này, các phẫu thuật viên phải chọn lựa sự khắc nghiệt là hy sinh một cháu. Cháu còn lại cũng phải chịu cảnh tàn phế.

Vợ chồng Đức và GS-VS Dương Quang Trung trong ngày gặp mặt 20 năm. Ảnh: Q.H.

Mùa đông năm 1982, thời tiết Hà Nội quá lạnh không tốt cho tình trạng sức khỏe của Việt-Đức đang ngày càng trở nên phức tạp nên Việt-Đức đã được chuyển vào Bệnh viện Phụ sản (nay là Bệnh viện Từ Dũ) nuôi dưỡng.

Tháng giêng năm 1983, Hội nghị quốc tế lần thứ I về “Hậu quả lâu dài của các chất diệt cỏ làm trụi lá trên môi trường và sức khỏe con người Việt Nam” được tổ chức tại TPHCM đã thu hút được nhiều nhà khoa học, nhà báo đến thăm bệnh viện.

Lúc đó, Việt-Đức gây được sự chú ý đặc biệt với các nhà báo nước ngoài. Cũng năm này, một người bạn Nhật - ông Fujimoto Bunro - đã sang thăm Việt-Đức. Về nước, ông đã phát động phong trào quyên góp tiền bạc để chế tạo chiếc xe đặc biệt cho hai cháu và thành lập Hội Negaukai (Hội Vì sự phát triển của Việt-Đức).

Chiều ngày 22-5-1986, Việt bỗng nhiên sốt cao, toàn thân co giật, tím tái, vài giờ sau bị hôn mê. Tính mạng của Đức cũng bị đe dọa. Lúc đó, Sở Y tế TPHCM thực sự lúng túng với phác đồ điều trị cho hai bệnh nhi bé bỏng này. 20 năm sau, kể lại câu chuyện này, bác sĩ Nguyễn Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - vẫn còn bồi hồi: Giữa lúc đó, sự xuất hiện của một nhà báo đã đem lại sự may mắn cho hai cháu.

Ngày 29-5, anh Kumagai – phóng viên Hãng Truyền hình Nhật Bản NDN sau khi quay xong chương trình Việt Nam rút quân khỏi Campuchia đã trở về TPHCM và đến thăm Việt-Đức. Nắm được tình trạng nguy kịch của hai cháu nên đã nhanh chóng truyền thẳng tin tức của Việt-Đức về Tokyo.

Nhận được tin từ Việt Nam, nhiều tổ chức nhân đạo và tiến bộ của Nhật Bản đã sử dụng các phương tiện truyền thông thông báo trên toàn nước Nhật tình trạng nguy kịch của Việt-Đức. Một phong trào giúp đỡ Việt-Đức đã được dấy lên trong lòng công chúng Nhật Bản với niềm thông cảm sâu sắc.

Ngày 11-6-1986, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản đã cử ông Konoe, lúc đó là Trưởng ban Đối ngoại của hội - cùng một số bác sĩ sang Việt Nam đề nghị chuyển ngay Việt-Đức sang Tokyo để điều trị cấp cứu cho Việt, giữ lấy cuộc sống cho Đức. Phía Nhật đã chuẩn bị sẵn một chuyên cơ đặc biệt với đầy đủ trang thiết bị y tế cấp cứu sẵn sàng cất cánh từ sân bay Tokyo.

Trong suốt 4 tháng 10 ngày Việt-Đức điều trị tại Nhật, gần như ngày nào các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đưa tin. Việt-Đức đã được nhân dân Nhật quyên góp trên 22,5 triệu yên. Hội Chữ thập đỏ Nhật trả chi phí mướn chuyên cơ đưa hai cháu đi-về và toàn bộ chi phí điều trị.

Một tháng trước ngày ca mổ tách rời được tiến hành, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản cũng liên tục gửi đến bệnh viện các trang thiết bị cần thiết cho ca mổ, trị giá trên 10 tỷ đồng Việt Nam.

Cuộc đại phẫu tuyệt vời

Sau khi ổn định, Việt-Đức đã lên đường trở về Việt Nam ngày 29-10-1986. Từ ngày đó, Việt không phục hồi não lại được.

Trong suốt 2 năm 1986, 1987, Đức chịu nhiều khổ sở do Việt không còn tỉnh táo. Đứng trước tình hình sức khỏe của Đức ngày càng sa sút và sự sống luôn bị đe dọa, Sở Y tế TPHCM với sự tập hợp của nhiều chuyên khoa ở nhiều đơn vị đã quyết định thành lập ê kíp mổ.

Ngày 4-10-1988, ca mổ tách rời Việt-Đức được thực hiện tại Bệnh viện Phụ sản với ê kíp gồm 70 bác sĩ, cán bộ y tế. Trải qua 15 giờ căng thẳng nhưng hoàn toàn chủ động, ca mổ đã tách rời thành công Việt-Đức, đem lại cuộc sống riêng biệt cho mỗi cháu.

Rất nhiều người dân thành phố mang tên Bác còn giữ trong lòng ấn tượng sâu sắc về sự kiện y khoa này. Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn – một người dân, một trí thức thành phố vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc ấy, ông viết: “Ngày 4-10-1988, một cuộc đại phẫu tuyệt vời tại Bệnh viện Phụ sản đã trả lại cho hai cháu Việt-Đức quyền được sống riêng biệt. Hàng triệu người trong và ngoài nước đã theo dõi ca mổ với biết bao hồi hộp, lo âu và rồi lại cảm phục mừng rỡ khi hai cháu được tách rời”.

Trong tập sách “Việt-Đức tình người” viết năm 1988, nhà báo Minh Thu – Trần Trọng Thức đã ghi dấu lại tấm lòng người dân TPHCM với sự kiện này: “Khi những bài tường thuật trên báo, những thước phim truyền hình mô tả diễn biến ca mổ Việt-Đức được truyền đi… nhiều người đã không giấu được xúc động. Chỉ một ngày sau, bà con khắp nơi đổ về Bệnh viện Phụ sản thăm Việt-Đức, thăm kíp mổ từ sáng tinh mơ đến lúc tối mịt bằng đủ phương tiện. Không chỉ ở TPHCM mà bà con các tỉnh như Hậu Giang, Phú Khánh, Bình Trị Thiên, Minh Hải… cũng tấp nập về bệnh viện này”.

Cũng từ sự kiện này, y khoa Việt Nam đã được ghi danh trên bản đồ y khoa thế giới. Nhiều hãng thông tin quốc tế đã thông tin liên tục và đánh giá rất cao. Hàng loạt các thành tựu y khoa của Việt Nam sau này cũng đã ảnh hưởng rất nhiều từ sự kiện này.

20 mươi năm sau nhìn lại, Giáo sư-Viện sĩ Dương Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM tâm sự: “Làm sao tôi quên ngày 4-10-1988, bên trong cánh cửa phòng mổ Bệnh viện Phụ sản hôm ấy là quyết tâm cao độ của tập thể 70 con người. Họ không chỉ trung thành với sứ mạng ngành y mà còn mang trong lòng suy nghĩ, một thái độ lao động cần cù, thông minh và sáng tạo. Họ xứng đáng là đại diện cho tinh hoa ngành y thời điểm ấy và cả sau này”.

20 năm sau, ngày 4-10-2008, những người có mặt tại lễ kỷ niệm không khỏi xúc động khi thấy nụ cười tươi rói của vợ chồng Đức với bó hoa tươi thắm trao tặng cho những bác sĩ “ông nội-ông ngoại”, “bà nội-bà ngoại” của mình. Cậu bé của kỳ tích y khoa năm nào nay đã trở thành một người đàn ông thực thụ, hạnh phúc với mái ấm riêng-chung của mình như bao người bình thường khác. 

 Về trang chủ    Bản để in
Các bài viết cùng chuyên khoa [Nhi khoa] trong chuyên mục [Thời sự Y Dược] :
  • Trẻ em toàn quốc sẽ được tiêm miễn phí vắc xin 5 trong 1 [11/5/2010 | 6:08 GMT+7]
  • Trẻ ồ ạt nhập viện vì bệnh tay chân miệng  [30/4/2010 | 6:19 GMT+7]
  • Quá tải bệnh nhi  [23/4/2010 | 10:49 GMT+7]
  • Bệnh tay chân miệng vào "mùa" [20/4/2010 | 21:49 GMT+7]
  • 90% bệnh nhân thủy đậu là trẻ em [16/4/2010 | 6:29 GMT+7]
  • Bệnh học đường gia tăng: Học quá tải, bàn ghế sai tiêu chuẩn! [12/4/2010 | 6:59 GMT+7]
  • Bùng phát bệnh viêm não, viêm màng não ở trẻ [6/4/2010 | 20:17 GMT+7]
  • Trẻ viêm não tăng [1/4/2010 | 12:08 GMT+7]
  • Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng cao [16/3/2010 | 6:55 GMT+7]
  • Trẻ em VN: giảm suy dinh dưỡng lại tăng béo phì [1/3/2010 | 6:05 GMT+7]
  • Tiếp nhận dự án chăm sóc trẻ sơ sinh của Quỹ Bill & Melinda Gates [22/2/2010 | 6:55 GMT+7]
  • Quyền lợi của bệnh nhi bị "thắt" lại  [19/1/2010 | 10:13 GMT+7]
  • Thanh Hóa: Khai trương phòng phẫu thuật tim hở cho trẻ em [18/1/2010 | 7:15 GMT+7]
  • Tách thành công cặp song sinh dính gần hết gan [18/1/2010 | 6:57 GMT+7]
  • Bệnh sởi tăng mạnh [23/11/2009 | 12:06 GMT+7]
  • Trẻ dưới 6 tuổi: Sẽ nhận lại tiền mua thuốc [8/11/2009 | 6:48 GMT+7]
  • Thêm trẻ nhập viện nghi do uống sữa [21/10/2009 | 6:27 GMT+7]
  • Trẻ mắc bệnh hô hấp tăng đột biến ở TPHCM [8/10/2009 | 6:55 GMT+7]
  • Hai bé gái sinh đôi dính ngược đầu nhau [18/9/2009 | 20:28 GMT+7]
  • Mổ nội soi nang ống mật chủ [9/9/2009 | 6:45 GMT+7]



Kiểm tra BMI online
Chiều cao  (cm)
Cân nặng  (kg)
BMI
Nhận xét