Tổng biên tập
Thầy thuốc ưu tú
BS.Trần Sĩ Tuấn
Đường dây nóng 24/24h
0906277704
Nhận các thông tin phản ánh
bức xúc về KT-XH
Thứ bảy, 24/7/2010, 8:10 (GMT+7)

Kỳ II: Clausewitz

Tác giả Lanning đã trích dẫn lời bình của nhà lý luận quân sự Mỹ Hart, cho là Clausewitz nổi tiếng hơn ở phương Tây, nhưng giá trị có thể không bằng Tôn Tử, vì Tôn Tử giản dị mà sâu sắc, sáng sủa và phần nào hiện đại hơn. Còn nhà lý luận quân sự Thụy Sĩ Joméri (đầu thế kỷ 19) cũng là một bậc thày thì uy tín không bằng được Tôn Tử và Clausewitz, Joméri (xếp thứ 26) và Clausewitz đều sống vào thời Napoléon.

Cuốn Vom Krifge (Luận về chiến tranh) của Clausewitz được đánh giá cao là sách binh pháp được nghiên cứu và trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, Clausewitz (1780-1831) người Đức, là con một sĩ quan Phổ đã về hưu. Năm 12 tuổi ông đã đi lính và chứng kiến một trận đánh quân Pháp. Năm 21 tuổi, ông được nhận vào học trường quân sự Phổ mới mở ở Berlin. Ở đó ông nghiên cứu lý thuyết của Frédéric II (vua Phổ có tài làm tướng) và Machiavelli (chính khách Ý thế kỷ 16), lịch sử quân sự Phổ và các nước khác. Sau đó, đi chiến đấu, ông bị Pháp bắt làm tù binh trong một năm, do đó có điều kiện nghiên cứu đối phương.

 Clausewitz.

Ông trở về Phổ, được cử làm thày dạy quân sự cho hoàng tử, nhân đó ông viết Những nguyên tắc chiến tranh, bàn về thế thủ và thế công, mối quan hệ giữa hai vấn đề. Ông cũng tiên đoán Napoléon sẽ thất bại nếu đánh Nga vì mức tiến bộ của quân đội Nga, vì đường xa và mùa đông giá lạnh. Năm 1812, Phổ liên kết với Pháp là kẻ thù cũ để đánh Nga. Clausewitz chống lại chủ trương ấy, chiến đấu trong hàng ngũ Nga trong hai năm. Rồi ông thuyết phục Phổ bỏ Nga đánh Pháp. Trở lại với quân đội Phổ, ông chiến đấu đến khi Napoléon bị thua. Ông nhận chức tướng và giám đốc trường Đại học quân sự Berlin. Trong 10 năm, ông cố gắng tổ chức lại quân đội Phổ và suy nghĩ để viết cuốn Bàn về chiến tranh. Ông bị dịch tả chết năm 51 tuổi. Khi ông mất, sách chưa hoàn chỉnh. Mấy năm sau, vợ ông thu thập sắp xếp tư liệu để cho xuất bản. Trong 10 tập thì 3 tập đầu lấy tên Bàn về chiến tranh là quan trọng nhất. 

Ý chủ đạo của Clausewitz: chiến tranh và chính trị là nhất thể, chiến tranh phải là phương tiện để các chính khách lãnh đạo thực hiện mưu đồ chính trị "Chiến tranh là sự thực hiện chính trị với một phương   tiện khác."

Ông tạo ra một khoa học quân sự. Ông khuyên nên chú ý đến những yếu tố như tình trạng mệt mỏi, những sai lầm nhỏ, cái may, cái rủi khiến cho những kế hoạch rất tốt đáng lẽ thành công mà lại thất bại. Ông nhấn mạnh là để có bất cứ thắng lợi nào, thì lập luận bao giờ cũng phải xuất phát từ thực tế. Ông cho là những mục tiêu dường như quá dễ dàng lại có thể rất khó khăn  và đôi khi không thể đạt được.

Ông khẳng định là nhiệm vụ cơ bản của một đội quân là giao tranh và tiêu diệt chủ lực  của kẻ thù bằng một trận quyết định. Chiến dịch toàn thể phải nhằm tiêu diệt quân đội đối phương. Theo ông, vị tướng muốn đánh thắng những trận quyết định và thực hiện các mục tiêu chính trị thì tất cả sĩ quan và binh lính đều phải tin vào ý nghĩa cuộc chiến, có tinh thần cao. "Một cảm xúc mạnh mẽ phải kích thích tài năng của chỉ huy quân sự, có thể là tham vọng như đối với César, hoặc là hận thù như đối với Hannibal, hoặc là sự kiêu hãnh đánh một trận huy hoàng như đối với Fréderic II . Hãy mở tấm lòng đến với những cảm xúc tương tự, hãy cương quyết tìm một sự kết thúc vinh quang, thì số phận sẽ mang vinh quang đến cho mình!

Clausewitz hy vọng tác phẩm của mình sẽ không bị lãng quên, sau vài ba năm (Nguyễn Du thì nói tam bách dư niên hậu). Nhưng thực tế đã đạt quá ước vọng của ông. Đầu thế kỷ 20, các sĩ quan mọi nước đều nghiên cứu Clausewitz. Do chứng kiến những hiện tượng Cách mạng Pháp 1789 gây ra (toàn dân tòng quân, chiến tranh và hệ tư tưởng), ông đi đến gắn chiến tranh với chính trị. Do chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị, một nước tham chiến phải dốc toàn lực về mọi mặt, chứ không thể chỉ chú trọng đến mặt quân sự.

Mục tiêu trước mắt cuộc chiến là  đánh bại quân đội địch, dĩ chí lật đổ chính quyền địch, chứ không phải là tiêu diệt dân nước địch. Mục tiêu cuối cùng của chiến thắng quân sự  phải là hòa bình. Ông không phải là người chủ trương "chiến tranh triệt để", "chiến tranh toàn thể".

Hữu Ngọc