Tin tức -Sự kiện 
Giới thiệu chung 
Kinh tế - Xã hội 
Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2010 
Đào tạo - Bồi dưỡng 
Thủ tục hành chính 
Tổ công tác thực hiện   Đề án 30 
Văn hóa - Du lịch  
Văn nghệ 
Kỷ lục Tiền Giang 
Số liệu Thống kê 
Giá cả thị trường 
Các doanh nghiệp 

Lịch làm việc của lãnh đạo

Thư điện tử

Lịch cúp điện - nước

Dự báo Thời Tiết tỉnh Tiền Giang

Thư viện Tiền Giang giới thiệu sách mới




 Văn nghệ

Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu...

Từ những ngày còn rất nhỏ tôi đã thường nghe người ta hát ru em, có một bài ca dao:

"Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ,

Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu

Anh về học lấy chữ nhu

Chín trăng em (cũng) đợi, mười thu em (cũng) chờ!"

Sau này, lớn lên lập gia đình rồi có con, tôi vẫn thường ôm con tôi vào lòng, kẻo kẹt trên chiếc võng thưa mà hát lại câu hát ru này! Tại sao lại "đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ" nhỉ? Tôi đem hỏi má tôi, thì bà cho tôi biết là ngày trước, chỉ ở Sài Gòn mới có đèn xanh, đèn đỏ - tức là đèn tín hiệu giao thông - còn ở Mỹ Tho thì vào cái quãng thời gian ra đời câu hát đó, vẫn chưa có đèn điện. Nên "đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu..." chắc là để nói đến mấy ngọn...đèn dầu chai leo lét, đêm đêm được người dân Mỹ Tho thắp lên trên các chiếc ghe, chiếc đò đậu trên bến sông Tiền! Hồi đó làm gì có đèn dầu hỏa, chỉ có đèn mù u, đèn chai, đèn khí đá (đất đèn) nhà nào giàu lắm mới sắm nổi đèn "măng-sông" thôi! Cũng tương tự như thế, hoàn cảnh ra đời của câu hát ru: "Đèn xanh, đèn đỏ coi không có rõ nói đèn tàu. Rút gươm đâm họng máu trào..." là để nói về cái chết của Anh hùng dân tộc Trương Định. Thôi cứ cho là "ngọn tỏ, ngọn lu" vì không có điện đi. Nhưng còn câu "Anh về học lấy chữ Nhu..." mới làm cho tôi thắc mắc, học chữ nhu (mềm dẻo) là học cái gì? Chẳng lẽ cô gái khuyên chàng trai học chữ "nhu" là học tánh hiền hoà hay mềm yếu sao? Má tôi biết cũng không nhiều, vả lại bà cũng theo ông, theo bà lâu lắm rồi, nên tôi cứ ôm nỗi ấm ức trong lòng. May sao, tôi gặp lại được ông bác - nhân vật quan trọng trong bài viết "Mỹ Tho một thời để nhớ" của tôi - và càng may mắn hơn, tôi mua được một quyển sách (xin lỗi) đại hạ giá của học giả Vương Hồng Sển có tựa đề "Sài Gòn...tạp-pí-lù", trong đó có nhắc nhiều đến Mỹ Tho thời Pháp thuộc. Theo Vương học giả và ông bác mà tôi quen - trong lần tái ngộ tại quán cà phê công viên - thì Mỹ Tho ngày xưa ngay bến sông Tiền chỗ ngã ba sông có một cái nhà ga và một bến tàu thủy, mà tàu thủy ngày xưa nếu nói đến loại tàu lớn, tiện lợi và hiện đại nhất phải nói đến tàu đò Nam Vang của ông Diệp Văn Kỳ (con của ông Diệp Văn Cương, một nhà tư sản hồi đó rất có công sức trong việc thành lập bến tàu đò lục tỉnh). Chạy tuyến Sài Gòn  - lục tỉnh, tàu rộng lớn, từng "ca-bin" được trang bị như một khách sạn nổi trên sông với đủ hạng, mỗi ngày chạy hai chuyến Mỹ Tho - Sài Gòn và ngược lại. Xe lửa Mỹ Tho cũng chạy ngày hai chuyến, mà xe lửa ngày đó cũng không gọi là hiện đại gì cho lắm. Người Pháp đặt tên cho tàu hoả này là "le tortillard" (xe cong queo) nhưng xe không phải cong queo mà vì xe chạy cà rịch, cà tang, máy yếu đến nỗi mỗi khi gần tới hai cây cầu Tân An và Bến Lức, còn cách nửa cây số thì đã hú còi súp lê (siflet) inh ỏi, nghe rậm đám lắm! Nhưng khi tới dốc thì xe từ từ chậm lại, rồi có lúc gặp trời mưa đường "rầy" trơn thì xe...tuột dốc chạy lùi trở lại! Lúc đó thì xúm lại, chụm thêm củi cho nồi "súp de", chờ máy nóng, lấy trớn lên dốc cầu rồi...chạy nữa! Vì vậy, những ngày mưa xe thường đến ga Sài Gòn trễ hơn bình thường...Nãy giờ tản mạn chuyện xe lửa mà quên trở lại chuyện "đèn Mỹ Tho...", ông bác nói đèn Mỹ Tho cũng giống như mà tôi giải thích vậy thôi, duy có điều cái chữ "nhu" trong bài ru em, không phải là "nhu nhược" hay mềm yếu, mà chữ "nhu" có nghĩa là chữ "nho" đọc trại ra cho ăn vận với câu ngọn lu" ở trên thôi. Chữ nho ngày xưa rất được quý trọng, lúc đó hình như chưa có chữ quốc ngữ của Alexandre de Rhodes,  Trương Vĩnh Ký hiệu đính và đưa vào dạy. Cô gái trong bài ru em chỉ muốn chàng trai về học chữ nho để biết chữ với người ta, không mắc cỡ cùng "trương bạn" . Chữ nho ngày xưa dạy con người giữ đạo "tam cương, ngũ thường", dạy người ta lòng ái quốc "dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" (dân là quý, đất nước là trọng, còn vua là...con dzé ro), hay là "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". Cô gái ấy thiệt là người yêu nước và tinh tế lắm (theo lời ông bác) mới khuyên chàng trai kia đi học chữ nhu, và chung thủy đến "chín trăng em đợi, mười thu em chờ". Chứ đâu có như các cô bây giờ (xin lỗi) trong đó có người yêu ngày xưa của tôi, lúc tôi lên đường tìm kế mưu sinh thì nàng đã cất bước sang ngang! (lời ông bác chứ không phải của tôi).

Không biết lời giải thích của ông bác có hợp cảnh, hợp tình không? Chứ tôi thấy thắc mắc dường như được giải toả phần nào, và vô cùng cảm ơn cuốn sách của học giả Vương Hồng Sển! Hoá ra, "Mỹ Tho đại phố" quê tôi, ngày xưa cũng có một nền văn minh về giao thông (xe lửa, tàu đò) và ẩm thực (hủ tíu Mỹ Tho, cơm rang, cháo vịt cầu quay) vang danh khắp Nam kỳ lục tỉnh.

Hoàng Đức



Số khách:

Website thông tin kinh tế xã hội tỉnh Tiền Giang - www.tiengiang.gov.vn
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang
Giấy phép do Cục báo chí cấp số: 477/GP-BC cấp ngày 29 tháng 10 năm 2004
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Chiến - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang
Ban biên tập website Tiền Giang.
Địa chỉ: Số 23 đường 30/4 - Phường 1 – Thành phố Mỹ Tho
Điện thoại: 073.3977184, Email: bbtwebsite@tiengiang.gov.vn
® Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang" hoặc "www.tiengiang.gov.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này