Đã ngót một nghìn năm, kể từ khi Hoa Lư trở thành Cố đô, vùng đất  Ninh Bình cổ xưa giờ đã có nhiều đổi khác nhưng âm hưởng giá trị văn hoá lịch sử của kinh đô Hoa Lư vàng son một thưở vẫn còn vang vọng.

Kinh đô Hoa Lư trong lịch sử

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi Hoàng đế, lập nên triều đại nhà Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy Hoa Lư quê hương là kinh đô. Kinh đô này tồn tại được 41 năm với sự chuyển tiếp 3 triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý. Đại Cồ Việt là nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam sau một thời gian dài Bắc thuộc.
Kế nghiệp vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành với những chiến công vang dội đánh đuổi giặc Tống trên cả 2 tuyến bộ và thuỷ, dẹp giặc Chiêm Thành đem lại thái bình cho đất nước. Lịch sử Đại Cồ Việt là trang sử vẻ vang của dân tộc trong thời kỳ đầu xây dựng và bảo vệ đất nước. Lê Hoàn là vua Việt Nam đầu tiên cử hành lễ cày tịch điền vào mùa xuân hàng năm. Từ đó, các vua thời sau đều giữ lệ ấy. Những sinh hoạt lễ hội, nghệ thuật đã trở về lại với người dân Việt. Đinh Tiên Hoàng đặt ra chức Ưu bà để dạy múa hát cho quân đội. Bà Phạm Thị Trân - bà tổ nghệ thuật chèo là một Ưu bà trong kinh đô Hoa Lư. Năm 1010, Lý Thái Tổ lên ngôi khi đất nước trên đà hưng thịnh, Hoa Lư không còn phù hợp với vận mệnh phát triển mới với quyết định sáng suốt dời đô về Thăng Long. Từ đó Hoa Lư trở thành cố đô. Thực chất đã có thời gian các cố đô khác như Tây Đô, Huế là kinh đô thay Thăng Long Hà Nội nhưng mốc son lịch sử phát triển của Hà Nội được xác định từ khi vua Lý dời đô tại Hoa Lư. Hoa Lư được xem là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở nước ta. Đây từng là trung tâm văn hóa lớn, được coi là nơi sản sinh nghệ thuật sân khấu chèo và trung tâm phật giáo đầu tiên của Đại Việt.

 

Dấu ấn một vùng văn hóa

Cây Trò ngàn năm tuổi ở rừng Cúc Phương

Tam Cốc - Bích Động

Dục Thuý Sơn

Ngọc Mỹ Nhân

Chùa Bích Động

Văn hoá truyền thống Ninh Bình vừa có nét riêng bản địa, vừa mang sắc thái vùng miền do yếu tố hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn minh, văn hoá  tích hợp

Ninh Bình có đủ cả rừng, biển, trung du, miền núi và đồng bằng -  là hình ảnh về một đất nước Việt Nam thu hẹp. Nơi đây vừa là gạch nối, vừa là ngã ba của ba nền văn hoá lớn sông Hồng - sông Mã - Hoà Bình. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trầm tích có xương răng đười ươi và các động vật trên cạn ở Núi Ba (Tam Điệp) thuộc sơ kỳ đồ đá cũ, cách ta khoảng 30 vạn năm; ở Thung Lang (Tam Điệp) có niên đại cách ta khoảng 30 nghìn năm; động Người Xưa (Cúc Phương) có di chỉ cư trú của con người thời văn hoá Hoà Bình cách ta khoảng 7.580 ± 100 năm. Di tích của con người văn hoá Hoà Bình còn tìm thấy ở một số hang động ở Tam Điệp, Nho Quan. Sau thời kỳ văn hoá Hoà Bình, các nhà Khảo cổ cho rằng, vùng đồng bằng ven biển Thanh Hoá, Ninh Bình là nơi định cư của con người thời đại đồ đá mới Việt Nam. Di chỉ Đồng Vườn (Yên Thành, Yên Mô) đã được định niên đại muộn hơn di chỉ Gò Trũng (Di chỉ Gò Trũng có niên đại C14: 4.700 ± 50 năm cách ngày nay). Cư dân cổ di chỉ Đồng Vườn đã phát triển lên cư dân cổ di chỉ Mán Bạc (Yên Thành, Yên Mô) ở giai đoạn văn hoá đồ đồng từ cuối Phùng Nguyên đến đầu Đồng Đậu, cách ta 3.300 - 3.700 năm.

Lịch sử, địa lý Ninh Bình thay đổi theo từng thời đại nhưng vẫn sáng mãi niềm tự hào là mảnh đất địa linh nhân kiệt.

Ninh Bình,  vùng đất địa linh, "Là nơi chứa những vật báu của trời, nơi nổi tiếng có nhiều thắng cảnh". Dải đất này đã được các nhà chiến lược quân sự từ thời phong kiến coi "là cổ họng giữa Bắc, Nam" (Đại Nam nhất thống chí). Những danh thắng như Sông Vân, núi Thuý đã đi vào huyền thoại, là biểu tượng của Ninh Bình. Đây là một vùng "Tứ giác nước" được tạo bởi sông Đáy, sông Hoàng Long và sông Vân.

Sông Vân còn gọi là Vân Sàng, gắn với truyền thuyết về Lê Hoàn khi thắng Tống trở về, Dương Vân Nga đã đem một đoàn cung nữ ra đón và mở tiệc giao hoan với nhà vua ở trên dòng sông. Cái tên Vân Sàng (giường mây) đã ra đời từ đó.

Núi Thuý còn gọi là núi Non Nước. Một quả núi nhỏ ở ngã ba sông, đã chứng kiến dấu tích của nhiều thời kỳ lịch sử. Ngay từ thời Lý Nhân Tông vào năm Quảng Hựu thứ 7 (1091) ông cha ta đã xây tháp Linh Tế trên núi. Trải qua mưa nắng tháp bị đổ, đến thời Trần Hiển Tông, nhà sư Trí Nhu đã xây lại tháp Linh Tế ở trên đỉnh núi, sáu năm mới xong (1337 - 1342). Các vua Lê cũng đặt hành cung ở trên núi Thuý để thời thường đến chơi thăm. Nhà Nguyễn cũng cho đặt "Nữ Tường" (Tường bao quanh), chòi Pháp, xưởng đúc súng ở trên núi...Núi Thuý còn là đề tài của các thi nhân xưa và nay. Hiếm có ngọn núi nào có trên 30 bài thơ văn khắc vào núi như núi Thuý và còn đến hàng trăm bài thơ vịnh cảnh của các nhà thơ qua các triều đại: Trần Anh Tông, Phạm Sư Mạnh, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Phạm Huy ích, Ngô Thì Nhậm, Ninh Tốn, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Phạm Văn Nghị...

Ninh Bình còn nổi tiếng với nhiều hang động kỳ thú như: Tam Cốc, Bích Động, động Thiên Tôn, động Hoa Sơn, động Bàn Long, động Tam Giao, động Mã Tiên... Bích Động thời phong kiến đã được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động" (Động đẹp thứ nhì dưới trời Nam, sau Hương Tích, Hà Tây). Địch Lộng là "Nam thiên đệ tam động" (động đẹp thứ ba dưới trời Nam).Ở phía nam thành phố Ninh Bình có một quả núi giống hình một cánh diều bay gọi là núi Cánh Diều, lại có hình như một người thiếu nữ nằm ngửa nhìn trời gọi là Ngọc Mỹ Nhân (Người con gái đẹp như ngọc).

Đất Ninh Bình không chỉ là "địa linh" mà còn là nơi "nhân kiệt". "Địa linh" ấy đã tạo nên những "Nhân kiệt" như anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh, các danh tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, hoàng hậu Dương Vân Nga, Quốc sư Nguyễn Minh Không, nhà thơ Trương Hán Siêu, bảng nhãn Vũ Duy Thanh, tiến sĩ Ninh Tốn, danh nhân văn hoá Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật...Còn biết bao danh nhân, danh tướng, danh sỹ sinh ra trên dải đất này! Thời nào Ninh Bình cũng có nhân tài.

Chính yếu tố "địa linh", "nhân kiệt" là nhân tố quan trọng và chủ yếu nhất làm nên gương mặt lịch sử  - văn hoá Ninh Bình qua các thời đại. Là vùng đất có vị trí chiến lược trong suốt hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc, nên bao cuộc hành quân thần tốc vào Nam hay ra Bắc vẫn âm vang mặt đất nơi này. Đây còn là vùng đất rút lui chiến lược để vào Thanh Hoá của tướng Đô Dương thời Hai Bà Trưng, đất phát tích của Đinh Bộ Lĩnh, là kinh đô của cả nước trong 42 năm, là căn cứ để nhà Trần 2 lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông, đất dựng nghiệp của Trần Ngỗi...Đất Ninh Bình ken dày vết chân lịch sử. Kinh đô Hoa Lư với ngót nửa thế kỷ của hai vương triều Đinh - Lê dựng nền chính thống, độc lập. Nơi hoạch định kế sách và phát xuất các đạo hùng binh năm 981 - 982 phá Tống, bình Chiêm, Lê Đại Hành đã kiến tạo võ công oanh liệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Hoa Lư cũng là nơi khai sinh ra vương triều Lý với áng văn "Chiếu dời đô" lịch sử. Ở Ninh Bình có nhiều chùa cổ như: Chùa Bàn Long ở thôn Khê Đầu Thượng, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư được hình thành từ trước thế kỷ thứ X. Tấm bia ở vách núi Đại Tượng khắc vào thế kỷ XVI, niên hiệu Nguyên Hoà, tức là đời vua Lê Trang Tông (Duy Ninh) (1533 - 1548), cho biết: “Từ thành cổ Hoa Lư men theo núi đá đi về phía Nam đến làng Khê Đầu ở đó có chùa Bàn Long. Đây là danh thắng từ ngàn xưa. Trải các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, chùa này càng thêm nổi tiếng”.

Chùa Hoa Sơn ở thôn Áng Ngũ, xã Ninh Hoà, huyện Hoa Lư cũng có trước thời Đinh. Chùa đã có từ lâu, là nơi nuôi ấu chúa. Cho nên có tên là Phôi Sinh Tự. Nhân dân vùng này quen gọi là chùa Bà Đẻ.

Chùa Thiên Tôn thuộc thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư ngày nay, cũng được xây dựng từ trước thời Đinh. Tương truyền khi mới đứng đầu một sứ quân, trước lúc đem quân đi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh nghe đồn động Thiên Tôn thờ thần Trấn Vũ Thiên Tôn rất thiêng và ở đó có chùa, đã sửa lễ mong Phật và Thần Thiên Tôn giúp đỡ.

Ninh Bình còn khoảng 15 chùa khác cũng nổi tiếng nằm trong các hang động đẹp là: Chùa Bàn Long (xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư); chùa Hoa Sơn (xã Ninh Hoà, huyện Hoa Lư); chùa Đìa, chùa Am, chùa Am Tiêm (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư); chùa Phong Phú, chùa Trung Trữ (xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư); chùa Động Mát (xã Yên Sơn, thị xã Tam Điệp); chùa Hang (xã Yên Mạc, huyện Yên Mô); chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn); chùa Thanh Sơn (xã Gia Vân, huyện Gia Viễn); chùa Linh Cốc (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư); chùa Kỳ Lân (xã Gia Phương, huyện Gia Viễn)... Điều độc đáo thứ ba về chùa ở Ninh Bình là một số ngôi chùa nằm trong hang động đẹp, đều được các vua chúa đến thăm và đặt tên chùa.

 Chùa Địch Lộng

Chùa Bàn Long đã được chúa Trịnh Sâm đến thăm và đặt tên là “Bàn Long Tự”. Chùa Bích Động chúa Trịnh Sâm cũng đến thăm và đặt tên là “Bích Động”. Chùa Địch Lộng đã được vua Minh Mạng đến thăm và tặng cho 5 chữ “Nam thiên đệ tam động”. Năm 1842, vua Thiệu Trị cũng đến thăm chùa Địch Lộng và ban tặng cho chùa 100 quan tiền. Chùa Hoa Sơn, vua Tự Đức cũng đến thăm và đặt tên cho chùa là Hoa Sơn...

Ngoài ra, một số chùa ở Ninh Bình còn được nhà vua trực tiếp cho xây dựng. Chùa Sở ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư do vua Trần Thái Tông về đây lập Hành cung Vũ Lâm đã cho xây dựng. Vua Trần Thái Tông còn lập ra chùa A Nậu thuộc thôn Đái Nhân, nay thuộc thành phố Ninh Bình, cấp cho chùa 160 sào ruộng... Như thế một số chùa ở Ninh Bình đã gắn liền với tên tuổi các vua, chúa qua các triều đại phong kiến. Đó cũng là niềm tự hào của Ninh Bình.

Đến nay, có hàng chục ngôi chùa ở Ninh Bình đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá.

Đặc biệt, trong di sản văn hoá Ninh Bình, phải kể đến văn hoá dân gian được hình thành rất sớm, đồng hành và trải dài suốt tiến trình lịch sử dân tộc, từ thời đá cũ đến thời kỳ Bắc thuộc cho tới ngày nay.

Di sản văn hoá dân gian ở Ninh Bình tập trung khá đậm đặc ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Tam Điệp, Yên Mô, là những vùng đất cổ. Còn hai huyện Yên Khánh và Kim Sơn là những vùng đất mới hình thành, nên di sản văn hoá dân gian ở đây có phần thưa nhạt hơn các vùng trên.

Văn học dân gian Ninh Bình khá đa dạng, phong phú cả về đề tài, thể loại và số lượng. Song, phong phú và đa dạng hơn cả là ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyền thuyết, cổ tích và giai thoại. Đặc biệt là những truyện kể dân gian khá nhiều. Trong những công trình nghiên cứu đã được công bố từ trước tới nay, ta bắt gặp rất nhiều cổ tượng mẫu của tảng nền văn hoá dân gian như những hình tượng ông khổng lồ, những con rắn, con thuồng luồng, con cú, con giải, con rái thần... Có những huyền tích lý giải sự ra đời của những ngọn núi, dòng sông, tên làng, tên đất... Lại có những huyền sử, huyền tích về các nhân vật lịch sử như vua Đinh, vua Lê. Các hoàng tử, công chúa, quận chúa, tướng lĩnh các thời hay những huyền thoại ly kỳ về kho vàng khổng lồ thời Cảnh Hưng do Thượng thư Ninh Tốn cất giấu ở hang động Tam Điệp hơn 200 năm trước... Hầu hết truyền thuyết, truyện cổ tập trung phản ánh quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên, chiến thắng thú dữ và quân xâm lược ngoại bang để xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.  

Ninh Bình có ngót 92 vạn dân, trong đó có tới hơn 200 ngàn người Mường. Vì vậy, văn hoá Mường cũng là một bộ phận đáng kể trong di sản văn hoá dân gian Ninh Bình. Những huyền thoại, huyền tích ở đây lý giải sự ra đời của người Mường, các bản làng, các tộc Mường, cùng những phong tục tập quán, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của họ.

Ninh Bình còn là vùng quê có vốn ca nhạc cổ truyền nằm trong những sinh hoạt ca nhạc cổ của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những dịp làng quê mở hội truyền thống, cùng với các đám rước, có phường bát âm tấu những bài lưu thuỷ, bình bán, kim tiền, có múa rồng, múa lân, múa sư tử, kéo chữ, đánh đu, đấu vật chọi gà... Nhiều thể loại ca hát - diễn xướng dân gian cùng với nhiều lễ hội cổ truyền mang đậm sắc thái văn hoá cư dân lúa nước đồng bằng Bắc Bộ. Tiêu biểu nhất là hát - diễn chèo, tuồng, múa rối, hát ru, cò lả, hát xẩm, hát văn, ca trù, đối đáp giao duyên... Ninh Bình cũng là cái nôi của hát - diễn chèo từ thời vua Đinh.

Một yếu tố khác vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ làm nên diện mạo đa dạng, phong phú của văn hoá Ninh Bình, đó là sự lưu lại dấu ấn văn hoá của các tao nhân mặc khách đất nước khi qua vùng sơn thanh thuỷ tú Ninh Bình. Có thể gọi đây là hiện tượng "Di mặc danh nhân" (lưu lại nét bút danh nhân). Bao đế vương, công hầu, khanh tướng, danh nhân văn hoá lớn về đây, xếp gương, đề bút, sông núi hoá thành thi ca! Nhân cách bác học và phẩm cách văn hoá lớn của các danh nhân đó đã thấm đẫm vào tầng văn hoá địa phương, được nhân dân tiếp thụ, sáng tạo, làm giàu thêm sắc thái văn hoá Ninh Bình.

Văn hoá ẩm thực Ninh Bình có những nét đặc thù riêng của nền văn minh lúa nước, của văn hoá sông Hồng. Mỗi vùng miền trên dải đất này lại có những món đặc sản riêng làm say lòng du khách. Vùng đất mở Kim Sơn nổi tiếng với những bát bún mọc, với món gỏi Nhệch, nhâm nhi với ly rượu nếp Lai Thành. Sắc màu, dư vị của những món ăn, thức uống này được chế biến, chưng cất với cả một nghệ thuật, kỹ năng dày công tích luỹ. Những người cao niên ở đất Lai Thành cho biết: Muốn có rượu ngon cũng phải dày công lắm, bởi không chỉ có men gia truyền, nước phải từ giếng khơi mà thứ gạo nếp để nấu rượu cũng phải chọn đất để cấy. Có như vậy rượu mới thơm, trong, sóng sánh và chỉ nhấp nhẹ một ngụm đã cảm nhận được dư vị đặc biệt của nó, cay ngọt, lâng lâng lan toả khắp cơ thể. Bún mọc Quang Thiện lại mang một nét đặc trưng khá độc đáo. Để có được bát bún ngon, người làm bún phải rất kỳ công từ khâu chọn gạo xay, sàng, lọc sao cho khi chế biến sợi bún trắng, dẻo, săn tròn. Việc làm mọc còn cầu kỳ hơn. Thịt phải là thịt bắp, lọc hết gân mỡ ra mới cho xay giã, ướp gia vị, viên thành từng viên nhỏ, thả vào nồi nước sôi, sau 7 đến 10 phút, viên mọc đã nổi lên trên mặt nước trắng hồng, trong suốt, một mùi thơm ngọt lan nhẹ xung quanh.

Đến với Yên Mô, ta sẽ được thưởng thức đặc sản nem Yên Mạc, rượu Yên Lâm, bánh đa chợ Lồng. Nghe nói ngày xưa khi các nho sinh trên đường vào Kinh đi thi thường ghé qua chợ Bút để mua sắm, tối hội nhau ở Mạc Đình để thưởng thức món nem Yên Mạc với rượu Yên Lâm, vừa để ngâm vịnh, hoạ thơ. Để rồi "Nem Yên Mạc níu chân người - Rượu bầu thơ túi một đời tìm nhau"Ngày nay nem Yên Mạc đã vươn xa, có mặt ở nhiều khách sạn, nhà hàng cả trong và ngoài tỉnh. Nem Yên Mạc do được tinh chế khá công phu, sợi nem nhỏ, đỏ hồng, rời, tươi, ướp gia vị là lá ổi tàu để được hàng tuần, nên trong ngày Tết không chỉ ở Ninh Bình mà không ít người từ Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng còn tìm về mua để dùng đãi khách quý.

Khó có thể kể hết ra được những di sản văn hoá dồi dào trên mảnh đất này. Chỉ có thể nói rằng cái hồn của vùng đất mang tên Ninh Bình nằm ở trong tình của đất, trong sự thâm thuý của nền văn hoá, trong nết ăn, nết ở của con người nơi đây.

Mthu Tổng hợp