NỘI DUNG CHÍNH

Back Next

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ HAI

TỰ NHIÊN VÀ DÂN CƯ

 

8.  THỰC VẬT

8.1     Quần hệ thực vật rừng

Thành phố Đà Lạt có 25.646ha đất lâm nghiệp. Theo quan điểm hệ sinh thái của GSTS Thái Văn Trừng, Đà Lạt có 4 kiểu rừng chính:

- Rừng kín thường xanh mưa ẩm, á nhiệt đới, núi thấp.

- Rừng kín hỗn hợp cây lá rộng - lá kim, ẩm á nhiệt đới, núi thấp.

- Rừng thưa cây lá kim hơi khô, á nhiệt đới, núi thấp.

- Rừng thưa cây lá kim hơi khô, nhiệt đới.

Hai kiểu rừng kín có tác dụng phòng hộ tốt hơn 2 kiểu rừng thưa, nhưng diện tích lại chỉ bằng 1/7 diện tích rừng thưa.

Hai kiểu rừng kín có nhiều loài cây quý hiếm, nhưng số lượng cá thể không đáng kể so với rừng ở các huyện khác trong tỉnh và các tỉnh khác trong nước ta.

Do tác động của con người, các kiểu rừng này biến động, có thể được cải thiện tốt lên, có khi bị thoái hóa hình thành các kiểu phụ thứ sinh hay bị hủy diệt.

8.1.1 Rừng kín thường xanh mưa ẩm, á nhiệt đới, núi thấp (rừng kín cây lá rộng thường xanh, rừng lá rộng, rừng tạp)

Rừng có hai tầng, không có tầng vượt tán, tầng cao bao gồm các cây họ Dẻ (Fagaceae), họ Re (Lauraceae), họ Chè (Theaceae), họ Mộc Lan (Magnoliaceae) chiếm ưu thế rõ rệt. Cây thường có tầm vóc trung bình cao, 15 - 20m, đường kính 0,40 - 0,60m.

Tầng cây dưới tán không liên tục và có chiều cao khác nhau, bao gồm các cá thể của những loại cây chịu bóng, xen lẫn với cây con của những loài ở tầng trên.

Tầng cây bụi thấp, khá dày gồm có các loài thuộc các họ Rubiaceae, Theaceae, Myrta­ceae, Euphorbiaceae. Trong tầng này còn thấy xuất hiện các loài dương xỉ thân gỗ (Crylthea podophylla, Cibotium barometz dưới tán và Crylthea spimulosa ở rìa rừng). Trong tầng cây bụi thấp nhiều loài tre trúc mọc riêng rẽ từng cây thuộc các chi Arundinaria Phyllostachys, nhiều loài thuộc họ Cọ Dừa (Palmaceae) có thân cao như cau rừng (Pinanga baviensis), móc (Caryota ocflandra). Tầng cỏ gồm có các loài dương xỉ của các chi: Asplenium, Diplazium, Plagiogryria, Polystichum, Tectaria, Angiopteris. Ở rìa rừng xuất hiện một loài guột lá to (Dieranopteris splendida). Những thực vật phụ sinh gồm có nhiều loài dương xỉ thuộc các chi: Trichomanes, Hymenophylum, Vandseboschia, Asplenium, Vittaria, Lemmophyllum, các loài cây trong các họ: Ericaceae, Vacciniaceae, Araliaceae, Apocynaceae. Dây leo có ít hơn thuộc các họ: Gnetaceae, Connaraceae, Asclepidiaceae, Ampelidaceae. Ít cây có bạnh vè, ngay cả trong số các loài có tầm vóc to lớn. Kiểu rừng này có thể thấy ở đèo Prenn.

8.1.2 Rừng kín hỗn hợp cây lá rộng, lá kim, ẩm á nhiệt đới, núi thấp (rừng hỗn giao lá rộng, lá kim)

Kiểu rừng này nằm đan xen với kiểu rừng kín cây lá rộng thường xanh, nhưng ở vị trí độ cao lớn hơn.

Cấu trúc của nó cũng như rừng kín cây lá rộng thường xanh, chỉ khác trong thành phần các loại cây xuất hiện thêm các cây trong lớp hạt trần, có lá rộng hơn lá kim như: thông tre (Podocarpaceae), ngo tùng (Keteleeria).

Những loại cây có giá trị hiện còn ở kiểu rừng này:

- Keteleeria davidiana Beissner: Ngo tùng.

- Pinus dalatensis Ferré: Thông 5 lá.

- Libocedrus macrolepis Benth.: Bách xanh.

- Taxus baccata var. wallichiana (Zuce) Hooks: Thông đỏ.

- Dacrydium pierrei Hikel: Hồng tùng

- Podocarpus wallichianus C. Prel.: Kim giao

- Podocarpus imbricatus Bulusne: Bạch tùng

Ngay trên đường Lý Tự Trọng, Phan Bội Châu, có thể bắt gặp cây bách xanh, ngo tùng.

Hai kiểu rừng kín thường xanh này còn 2.057 ha chiếm 7,11% diện tích, có tác dụng tốt cho phòng hộ môi trường, phân bố rải rác ở các đỉnh núi cao và ven khe dốc hiểm trở: Prenn, Datanla, hồ Tuyền Lâm, Cam Ly, xã Xuân Trường, Xuân Thọ, Tà Nung.

Tùy theo mức độ xuống cấp, hai kiểu rừng này được chia thành các trạng thái sau:

Rừng giàu có diện tích nhỏ (44 ha), đã bị khai thác một phần nhỏ, cấu trúc vẫn còn hai tầng đặc trưng, đường kính cây gỗ
> 35cm.

Rừng trung bình có 1.190,83 ha, chiếm 4,11% diện tích, trữ lượng 179,815m3, bị khai thác vừa phải, độ tàn che của rừng 0,5 - 0,7%, độ che phủ thảm tươi 30 – 50%. Tái sinh tự nhiên dưới tán rừng gồm các loài: dẻ, trâm,... Mật độ tái sinh 2.000 – 5.000 cây/ha, khả năng phục hồi có nhiều triển vọng.

Rừng nghèo có 161,04 ha, chiếm 0,55% diện tích. Loại rừng này đã bị tàn phá mạnh, kết cấu nhiều tầng, chủ yếu là tầng cây gỗ nhỏ và thảm tươi. Cây gỗ lớn rải rác, chất lượng xấu có các loài dẻ, giỗi, xoan đào, chò xót, trâm,... Tầng cây gỗ nhỏ có các loài cóc, dẻ, truỗng, trâm,... Tầng cây bụi thảm tươi có các loài lá nến, thẩu tấu,... Độ che tán rừng 2,2-0,4%, độ che phủ của thảm tươi 50 - 70%. Tái sinh tự nhiên dưới tán rừng gồm các loài dẻ, trâm, trường, giổi,... Mật độ: 500 - 1.000 cây/ha. Nếu được bảo vệ tốt, khả năng phục hồi rừng có nhiều triển vọng.

Rừng non có trữ lượng có 555,38 ha. Đây là trạng thái phục hồi sau khai thác kiệt bao gồm những quần thụ non với những loài tương đối ưa sáng, thành phần loài phức tạp không đều tuổi. Vượt lên tán rừng kiểu này có thể còn sót lại một số cây của quần thụ cũ nhưng trữ lượng không đáng kể.

Rừng non chưa có trữ lượng có 106,04ha. Đây là trạng thái phục hồi rừng sau nương rẫy, đặc trưng là lớp cây tiên phong ưa sáng, mọc nhanh, đều tuổi, một tầng.

Các trạng thái rừng lá rộng hỗn giao với tre nứa, rừng tre nứa, đặc trưng bởi loài le và lồ ô nhỏ, thường phân bố ở ven khe, có diện tích nhỏ (67,37ha), lá kiểu phụ thứ sinh nhân tác (do con người chặt phá) của hai kiểu rừng kín thường xanh.

8.1.3 Rừng thưa cây lá kim, hơi khô, á nhiệt đới, núi thấp (rừng thông Đà Lạt)

Loài cây chủ yếu là thông 3 lá (Pinus kesiya Royle ex Gordon), có diện tích 14.628ha, chiếm 50,6% diện tích rừng và đất rừng.

Thông 3 lá chủ yếu cho gỗ, cây có đường kính nhỏ, tỉa thưa dùng làm bột giấy; cây có đường kính lớn được dùng trong xây dựng và làm đồ gia dụng.

Trong 4 kiểu rừng, rừng thông 3 lá chiếm vị trí đáng kể nhất, vừa phòng hộ cho các con sông lớn, bảo vệ các hồ đập, thủy lợi, thủy điện, tôn tạo cho các danh thắng, phục vụ du lịch - nghỉ dưỡng.

Rừng thông 3 lá có thể thay thế cho 3 kiểu rừng kia nếu bị chặt phá. Cấu trúc của nó vừa ổn định, bền vững, vừa có xu thế trở lên rừng nguyên sinh hỗn giao lá rộng, lá kim.

Các trạng thái hiện tại của rừng thông 3 lá rất đa dạng từ hỗn giao theo tầng, 1 tầng tán chính, tầng tán bậc thang hoặc tái sinh tự nhiên theo đám, đến các mật độ dày, thưa, trung bình, rừng thông rải rác đều các dạng thảm cỏ cây bụi và trảng cỏ khác nhau làm cho cảnh sắc thật phong phú, hấp dẫn.

Hai kiểu rừng kín kể trên và kiểu rừng thưa lá kim này đều nằm gọn trong vành đai á nhiệt đới, núi thấp, mưa ẩm, độ cao 1.000 - 1.800m.

Đà Lạt là trung tâm phân bố của thông 3 lá.

Tuy vậy, thông 3 lá có thể mở rộng khu phân bố tự nhiên của nó lên cao tới 2.000m (dãy Lang Biang) hoặc xuống thấp đến độ cao 600 – 800m (huyện Bảo Lâm).

Rừng thông 3 lá có cấu trúc hỗn giao theo tầng. Thông 3 lá chiếm tầng cây gỗ ưu thế, có thể đạt chiều cao đến 25 – 30m. 1 ha chưa bị chặt có đến khoảng 1.000 cây thông.

Cây gỗ nhỏ lá rộng chiếm tầng phụ, có chiều cao 10 – 12m. Thành phần thực vật tương đối đơn giản, khoảng trên 10 loài, chủ yếu thuộc họ Fagaceae. Do bị chặt phá, nhiều cá thể ở dạng bụi, thậm chí có khi, có nơi cả tầng bị mất hẳn. Thực vật ở tầng này phần lớn chịu bóng, chống chịu được lửa rừng, đâm chồi gốc khoẻ, có chồi dầy, cây chồi phát triển nhanh, khả năng kinh doanh tầng cây gỗ nhỏ lá rộng này trước đây chưa được chú ý tới.

Tầng thảm cỏ - cây bụi nhờ chiếm khoảng không gian 3 – 3,6m trên mặt đất và 2 – 0,5m đến mặt đất. Tố thành loài cây rất phong phú. Họ Hoà Thảo (Poaceae) có số loài nhiều nhất và chiếm ưu thế. Ở thảm cỏ, cỏ lâu năm giữ vị trí quan trọng, cỏ 2 lá mầm xuất hiện với số loài khá nhiều, nhưng lượng cá thể của từng loài ít, mọc rải rác với những loài 1 lá mầm. Quyết thực vật với các loài Dicranopteris linearis, Pteridium aquilimum xuất hiện từng đám lớn. Thảm cỏ phát triển theo mùa: mùa mưa cỏ phát triển mạnh, đến mùa khô cây chết tạo thành thảm khô dễ bắt lửa gây cháy rừng.

Diễn thế

Rừng thông 3 lá dễ dàng thay thế cho hai kiểu rừng kín thường xanh kể trên nếu bị phá hoại.

Ở những khu rừng thông 3 lá mật độ dày trung bình, nếu trong thời gian dài không bị chặt phá và lửa gây cháy, tầng cây bụi và cây con của các loài lá rộng (Indigofera, Rhododendron langbianensis, Melastoma villosum, Engenia sp., Pieris ovalifolia, Craibiodendron stellatum, Carpinus polanei, Lithocarpus sp., Quercus sp.,...) sẽ thay thế dần thảm cỏ và ngày càng chiếm địa vị ưu thế trong tầng cây bụi gỗ nhỏ tầng dưới, đẩy xu hướng diễn thế trở lại trạng thái rừng nguyên sinh của nó, tức là rừng hỗn giao lá rộng, lá kim.

Nếu rừng thông bị chặt phá (kể cả việc khai thác chọn thô) và lửa cháy thường xuyên, trảng cỏ với 2 loài ưu thế Kerriocholoa siamensis Eremochloa ciliaris xuất hiện. Ở những khu rừng gần khu dân cư, do cắt cỏ, chăn thả gia súc, đã tạo nên một thảm cỏ với sự hiện diện của một số loài cỏ bụi như : Lantana camara, Saccioleppis indica, Axonopus compressus,... Cuối cùng khi tầng thông mất đi, trảng cỏ xuất hiện. Có trường hợp trảng cỏ rất thấp (5 - 15cm) gồm nhiều bụi cỏ nhỏ mà các loài ưu thế là Aristida cumingiana, Dimeria sp., Eremochloa ciliaris, E. ciliaris, Fimbustylis diphylia, Lantan camara, Malastoma villosum,...

Trảng cỏ với 2 loài ưu thế: Aristida cumingiana, Dimeria sp. có thể xem như giai đoạn thoái hóa thấp nhất của thảm thực vật rừng thông 3 lá dưới tác động của con người.

Rừng thông 3 lá là rừng thứ sinh, cây ưa sáng, mọc nhanh. Nếu giữ gìn tốt, không bị chặt phá và lửa cháy thì rừng thông 3 lá có xu hướng trở lại trạng thái rừng lá rộng nguyên sinh. Nếu giữ trong 5 – 7 năm lửa chỉ cháy qua 1 lần thì duy trì được sự ổn định. Nếu bị chặt phá và lửa cháy thường xuyên thì thành rừng thưa và suy thoái thành trảng cỏ, cây bụi.

Tăng trưởng

Thông 3 lá ở giai đoạn non chiều cao tăng chậm, trong 20 năm đầu chỉ đạt 30 -40% tùy chất lượng đất. Giai đoạn này thường bị cỏ quyết chen lấn. Vào mùa khô nếu thảm cỏ bị cháy thì thiêu hủy luôn cả thông non.

Trong giai đoạn non, rễ cọc phát triển mạnh, sau đó rễ bàng mới phát triển. Do vậy tầng đất mặt dầy và tơi xốp thuận lợi cho giai đoạn thông non tái sinh. Tăng trưởng gỗ bình quân của rừng thông 3 lá ở Đà Lạt hiện tại đạt 8 - 12m3/ha/năm.

Trong khu vực phân bố tự nhiên của thông 3 lá, những nơi gần nguồn gieo giống tự nhiên, trên những diện tích rừng sau khai thác, nơi nương rẫy bỏ hoang, có lửa cháy qua, thảm thực bì được dọn sạch hoặc mặt đất bị cày xới lên, thông con tái sinh tự nhiên dễ dàng xuất hiện.

Lửa là nhân tố sinh thái để hình thành rừng thông, và lửa cũng là nhân tố dẫn đến sự suy thoái, hủy diệt rừng thông.

Cấp tuổi của rừng thông

Rừng thông 3 lá tự nhiên được chia theo các cấp tuổi:

- Rừng non: 10 – 20 tuổi

- Rừng sào: 20 – 30 tuổi

- Rừng trung niên: 30 – 50 tuổi

- Rừng gần thành thục: 50 – 60 tuổi

- Rừng thành thục: 60 – 70 tuổi

- Rừng quá thành thục: > 70 tuổi

Rừng non có 323,1ha, chiếm 1,11% diện tích, đường kính ở vị trí 1,3m (D1,3) = 10cm.

Rừng sào có 665,15 ha, chiếm 2,3% diện tích, D1,3 = 10 – 19cm.

Hai trạng thái rừng non và rừng sào phân bố rải rác theo đám, xen kẽ trong rừng gần thành thục và thành thục.

Rừng trung niên có 3.686 ha, chiếm 12,75% diện tích.

Tùy theo mật độ, có thể còn chia hai trạng thái rừng sào và trung niên theo các cấp nhỏ hơn:

- Rừng sào non: 1.000 – 1.500cây/ha.

- Rừng sào lớn: 700 – 1.000cây/ha.

- Rừng trung niên nhỏ: 500 - 700cây/ha.

- Rừng trung niên lớn: 400 - 500 cây/ha.

- Rừng gần thành thục có 8.712ha, chiếm diện tích lớn nhất (30,66%) và trữ lượng cũng lớn nhất, mật độ trung bình khoảng 300 – 400cây/ha.

- Rừng thành thục có diện tích nhỏ (74,1ha), mật độ trung bình 200 - 300cây/ha.

- Rừng thông rải rác có 1.168ha, phân bố đường kính không đều (20 - 60cm), mật độ 40 – 50cây/ha, gồm nhiều cấp tuổi khác nhau, trữ lượng bình quân 40m3/ha.

Nhìn chung, rừng thông Đà Lạt thưa, độ dày của rừng trung niên trở lên chỉ đạt 0,45 – 0,5. So với mật độ chuẩn, mật độ thực tế chỉ đạt 40 – 50% của 20m3/ha/năm (8 – 12m3/ha/năm).

Hơn nữa, tầng cây gỗ nhỏ lá rộng mọc ở dưới tầng tán của thông lại bị chặt phá làm củi, đốt than nên đã tạo điều kiện cho ánh sáng chiếu xuống mặt đất làm thảm cỏ phát triển mạnh. Về mùa khô thảm cỏ chết đi làm mồi cho nạn lửa hoành hành.

8.1.4 Rừng thưa cây lá kim hơi khô nhiệt đới (rừng thông 2 lá)

Loài cây chủ yếu là thông 2 lá (Pinus merkusii Jungh và de Vriese) và dầu trà beng (Dipterocarpus obtusifolius Teysm.).

Thông 2 lá có thể là loài cây duy nhất của tầng trên, nhưng nhiều khi cũng mọc xen với dầu trà beng.

Kiểu rừng này hiện có rất ít, gần 20 ha, phân bố ở phường 5 tiếp giáp với xã Tà Nung (Rông Trời). Kiểu rừng này phân bố chủ yếu ở cao nguyên Di Linh. Đây là điểm tiếp giáp của hai cao nguyên Di Linh và Lang Biang.

Tuy có phân bố ở Đà Lạt nhưng kiểu rừng này nằm ở độ cao thấp hơn so với 3 kiểu rừng kể trên (2 kiểu rừng kín thường xanh và 1 kiểu rừng thông 3 lá).

Từ năm 1980 đến năm 1990, nhiều diện tích kiểu rừng này đã bị chặt phá và một số được trồng lại bằng loài thông 3 lá.

Trong tầng cây bụi thấp thường thấy có loài Vaccinium chevalierii (chua nem) và Schima crenata (vối thuốc). Loài cỏ thường có là Kerriechloa siamensis, Dicranofteris linearis (guột), Nephrolefis hirsuta (quyết móng trâu), Imperata cylindrica (cỏ tranh) và các loài thuộc chi Exotheca, Polytocca, Cymbopogon,...

Nhờ rễ có nấm cộng sinh, thông 3 lá và thông 2 lá đều có thể mọc được trên đất xấu. Nếu được cày xới, cây sinh trưởng vẫn xanh tốt.

Thông 3 lá giai đoạn non sinh trưởng nhanh hơn thông 2 lá, trong vòng 4 – 5 năm dễ dàng vượt lên trên tầng thảm cỏ, cây bụi. Ở giai đoạn non, thông 2 lá mọc chậm, từ năm thứ 10 trở đi mới sinh trưởng nhanh và đuổi kịp thông 3 lá.

Thông 2 lá chủ yếu cho nhựa, cây 15 – 20 tuổi bắt đầu lấy nhựa, bình quân
5kg/cây/năm, có thể khai thác trong 30 năm.

8.1.5 Sự biến động của thảm thực vật rừng

Ở Đà Lạt, tính đa dạng sinh học của thảm thực vật rừng đã bị suy giảm.

Tuy Đà Lạt có 4 kiểu rừng nhưng tổng thể chỉ có kiểu rừng thông là bao trùm cả. Ngay diện tích rừng thông 3 lá có cấu trúc hỗn giao theo tầng, bền vững cũng chỉ còn ở một số khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt, chiếm dưới 5%, còn chủ yếu hiện nay là cấu trúc một tầng, trên mặt đất chỉ có thảm cỏ.

Do quá trình đô thị hóa, nhiều diện tích rừng quanh khu vực dân cư bị thu hẹp lại, một số danh thắng như: thác Cam Ly, hồ Than Thở, Thung lũng Tình Yêu,... không còn hoang vu như xưa.

8.2 Thực vật thuỷ sinh

Trong các ao hồ ở Đà Lạt, thực vật thuỷ sinh chỉ còn lại một số lượng nhỏ nhưng cũng có ích trong nuôi cá nước ngọt.

Thực vật nổi trên mặt nước gồm có các loài bèo: bèo ong, bèo hoa dâu, bèo tấm, bèo Tây (lục bình), sen, súng, trang,...

Thực vật nằm trong nước có các loài rong: rong nhám, rong đuôi chồn, rong đuôi chó, rong mái chèo.

Thực vật phù du (phytoplankton) có các loài tảo: tảo silic, tảo lam, tảo lục, tảo giáp, tảo mắt.

Sự phát triển của các quần hệ tảo trong các hồ biến thiên theo từng mùa vụ. Trong các tháng 2, 3, 4, loài chiếm ưu thế là tảo lam (Merismopedia) và các loài tảo lục thuộc các chi Scenedesmus, Tetraedon, Crucigenia, Astinastrum. Tảo silic chủ yếu là Melosira, còn các loài khác phát triển ít hơn.

Thực vật phù du là mồi ngon của các loài cá. Cá không ăn tảo lam vì mùi hôi nhưng rất thích tảo lục, nhất là cá mè trắng.

8.3 Rau

Năm 1898, Trạm Nông nghiệp được thiết lập ở Dankia.

Trong báo cáo ngày 15-12-1901, kỹ sư A. D’André - Thanh tra Nông nghiệp, Trạm trưởng Trạm Nông nghiệp Lang Biang - cho biết trạm có diện tích 16,6706 ha, trồng thử nghiệm một số loài rau ôn đới: măng tây, cà tím, xà lách, xà lách xon, cải bắp (các giống đỏ, Cabus, Joanet, Milan, Bruxelles, Quintal), cải bông, su hào, dưa leo, dưa chuột, hành tây, củ cải, củ dền, cà rốt, đậu xanh, đậu Hà Lan, cần, ngò tây, cà chua, a-ti-sô,...

Về sau, các loại rau này được trồng trong những nông trại và vườn nhỏ ở Đà Lạt.

Ngoài một số giống rau do nông dân tự gây giống, trước năm 1960, nông dân các ấp Tân Lạc, Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Đa Thành, Đa Phú, Ánh Sáng,... đã trồng thêm các giống mới nhập từ Pháp.

Từ năm 1960, nông dân tiếp nhận một số giống rau của Pháp, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản,... do Trung tâm Thực nghiệm rau hoa Đà Lạt (Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Đà Lạt) phổ biến, quan trọng nhất là các giống cải bắp, khoai tây, hành tây.

8.4 Hoa

Đà Lạt được mệnh danh là Thành phố cao nguyên, Thành phố sương mù, Phố núi, nhưng phổ biến nhất là Thành phố hoa với nhiều loài hoa đa dạng: hoa rừng, hoa dại, hoa trồng trong công viên, trong vườn, hoa thương phẩm, hoa thân mộc, hoa miền núi, hoa vùng đồng bằng, hoa phương Đông, hoa phương Tây.

Từ năm 1898, đồng thời với canh tác thử nghiệm các giống rau, Trạm Nông nghiệp ở Đan Kia đã di thực các giống hoa: hoa hồng, cúc, cúc trắng, cúc tím, dong riềng, bóng nước (balsamine), sen cạn (capucine), cô-cơ-li-cô, thược dược, mõm sói (gueule de loup), bất tử (immortelle), forget-me-not, cẩm chướng, cẩm nhung, á phiện, tư tưởng (pensée), phong lữ (géranium), móng rồng (phlox), hoa tím (violette), cúc lá nhám (zinnia),...

Về sau, người Pháp mang thêm đến Đà Lạt những giống hoa từ quê hương họ và trồng trong các vườn hoa quanh các biệt thự. Người Việt Nam có dịp đi ra nước ngoài hay định cư ở nước ngoài cũng mang về cho gia đình ở Đà Lạt những giống hoa lạ. Ngoài ra, qua con đường bưu điện và nhập khẩu, nhiều giống hoa mới cũng có mặt ở Đà Lạt bổ sung cho bộ sưu tập hoa của Đà Lạt ngày càng phong phú.

Người Kinh ở Đà Lạt là người tứ xứ đã mang từ vùng đồng bằng lên các loài hoa: vạn thọ, trà mi, dừa nước, sam, mười giờ,...

Từ năm 1993, Công ty Dalat Hasfarm hoạt động, nhiều loài hoa và giống hoa mới xuất hiện trên thị trường: tuy-líp (tulipe), cúc, cẩm chướng, hồng, lys,...

Ngoài ra, Đà Lạt còn có một số loài hoa ít thấy ở các nơi khác: mai anh đào (Cerasus cerasoides L.), phượng tím (Jacaranda mimosaefolia), mi-mô-da (Mimosa sp.), liễu tràm (Callistemon lanceolatus Sw.), cẩm tú cầu (Hydrangea hortensia D. C.), tư tưởng (pensée: Viola tricolor L.), hoa tím (violette: Viola odorata), forget-me-not (Myosotis sp. L.),…

Hiện nay, Đà Lạt có trên 400 loài hoa đã có từ lâu đời ở địa phương hay xuất xứ từ châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan,...), châu Âu (Pháp, Hà Lan,...), châu Mỹ, châu Phi, châu Úc, sinh sản vô tính hay hữu tính, trong đó họ Lan (Orchidaceae) và họ Cúc (Asteraceae) là hai họ có nhiều chi và nhiều loài nhất.

Hoa trong vườn

Ngoài những loài hoa được trồng với mục đích cắt cành, Đà Lạt còn có nhiều loài hoa được trồng với mục đích trang trí cho sân vườn: a-ga-păn (Agapanthus africanus (L.) Hoffm.), báo vũ (Zephyranthes rosea (Spreng.) Linds.), Iris (Iris halophyla Pall.), chuối hoa (Canna indica L.), thiên lý (Telosma cordata (Burm.f.) Merr.), cúc trắng (Marguerite: Chrysanthemum maximum Ramax.), thu hải đường (Begonia integrifolia), kim ngân (Lonicera japonica Thunb.), đỗ quyên (Azalea japonica (Mollis) Pers.), đỗ quyên Lang Biang (Rhododendron langbianensis), trạng nguyên (Poinsettia pulcherrima (Willd. ex Klotzsch) Grah.), phong lữ (Pelargonium in­quinans (L.) W.Ait.), xác pháo (Salvia splendens Sello), mãn đình hồng (Althaea rosea (L.) Cav.), bông giấy (Bougainvillea spectabilis Willd.), lồng đèn (Fuchsia japonica L.), Ngọc Hân (Angelonia salixifolia, Hymb.), huyết huệ (Hippeastrum equestre Herb.), mai địa lan hay mộc tài (Impatiens balsamina L.), ngọc nữ (Verbena peruviana Britt.), chuông vàng (Spathodea campanulala Bean.), hoa lài hai màu (Brunfeldsia hopeana Benth.), mõm sói (Antirrhinum majus),…

8.5 Cây cảnh

Trong những năm gần đây, kinh tế phát triển, mức sống nhân dân khá hơn, cây cảnh đã được trồng để trang trí vườn tược, nhà ở, vườn hoa, công sở,… và bán cho du khách hay chuyên chở đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Đa số cây cảnh là cây thường xanh và chịu bóng, dễ mọc rễ, được lấy từ rừng núi hay gây trồng và uốn tỉa để tạo hình khối mang tư tưởng triết học và thẩm mỹ.

Các cây cảnh quen thuộc là: đỗ quyên, trường sinh, kim ngân, phát tài, bồ đề, tùng, bách, sanh, si, hoa giấy, ngũ sắc, cần thăng, tầm xuân, chân chim, đinh lăng,…

Nhận thấy nhiệt độ ở Đà Lạt tăng dần, một số người chơi cây cảnh đã trồng thử nghiệm một số cây cảnh thích nghi với vùng đồng bằng: bằng lăng, mai vàng,…

8.6 Cây ăn trái

Cây ăn trái ôn đới cần có một điều kiện rất quan trọng là độ lạnh cần thiết trong thời gian hưu miên (nghỉ đông). Trong thời gian này cây hoàn toàn bất động, chồi ngủ, lá rụng hết, chỉ còn trơ lại cành. Đà Lạt có khí hậu tương đối lạnh, nhất là các tháng 1 và 2, độ lạnh tối thiểu tương đối có thể thỏa mãn nhu cầu đòi hỏi trong thời gian hưu miên của một số loại cây. Do đó, từ đầu thế kỷ đến nay, nông dân Đà Lạt đã trồng một số cây ăn trái ôn đới: hồng, đào, mận, dâu tây,… Phần lớn các giống cây ăn trái trồng tại Đà Lạt đều có xuất xứ từ Pháp, Mỹ, Trung Hoa, Nhật Bản.

8.7 Cây công nghiệp

8.7.1 Chè

Cây chè (Camellia sinensis (L.) O. Kuntze) là một loài cây công nghiệp được trồng tại sở trà Cầu Đất (xã Xuân Trường) từ năm 1922.

Chè Cầu Đất được đánh giá là chè có chất lượng cao, được chế biến thành trà đen, trà xanh, phục vụ cho xuất khẩu.

8.7.2 Cà phê

Tại Đà Lạt, cây cà phê được trồng đầu tiên vào khoảng năm 1930 tại Xuân Trường, Trại Hầm, sau đó mở rộng sang các vùng khác.

Ngoài các giống cà phê chè (Coffea arabica L.), Đà Lạt còn có một địa phương canh tác cà phê vối (Coffea robusta) là xã Tà Nung.

8.8 Cây lương thực

Nông dân Đà Lạt trồng lúa, bắp, khoai lang, chuối nước,… nhưng diện tích nhỏ.

8.9 Nấm

Từ năm 1990, nấm linh chi đỏ (Ganoderma lucidum (W. Xurt.: Fr.) Karst) đã được tìm thấy ở Đà Lạt và nuôi trồng thành công.

Năm 1993, Công ty Nông phẩm Đà Lạt do Xí nghiệp giống lâm nghiệp Đà Lạt liên doanh với 3 công ty của Nhật Bản và Đài Loan sản xuất nấm mỡ (Agaricus bisporus (Lange) Sing.).

Ngoài ra, một số công ty trách nhiệm hữu hạn trồng nấm mèo (Auricularia porphyrea Lev.), nấm linh chi (Ganoderma lucidum), nấm hầu thủ (Hericium erinaceum), nấm Đông - cô (Donko) (Lentinus edosdes),...

8.10. Cây dược liệu

Đà Lạt không những có nhiều cây thuốc vùng nhiệt đới nhưng còn có một số cây thuốc vùng ôn đới, đặc biệt là cây a-ti-sô.

Cây canh ki na (Quinquina : Cinchona ledgeriana (How.) Moens) đã được A. Yersin trồng ở xã Xuân Thọ từ năm 1927 tại Trạm Thực nghiệm canh-ki-na có diện tích 16ha.

Vỏ cây canh-ki-na được dùng làm thuốc chữa sốt, sốt rét, thuốc bổ.

Từ năm 1980, Trung tâm giống cây thuốc và Trung tâm Nghiên cứu Dược liệu đã di thực và thuần hóa nhiều cây thuốc có nguồn gốc từ nước ngoài (Trung Quốc, Liên Xô, Ô-xtrây-li-a) và các tỉnh trong nước: bạc hà, bạch chỉ, bạch truật, cà Úc, cỏ ngọt, dương cam cúc, dương địa hoàng, đương quy, địa hoàng, hà thủ ô đỏ, hoàng bá, hồi, huyền sâm, lan gấm, lão quang thảo, quế, sâm Ngọc Linh, solanum, thanh hao hoa vàng, tục đoạn, vân mộc hương, xuyên khung,..

Trung tâm còn phục tráng, nhân giống các cây sinh địa, ba gạc, tam thất.

 

Về đầu trang

Back Next

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng