Lược Sử

Giáo Phận Mỹ Tho

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

A. Lược Sử Giáo Phận Cần Thơ

Giáo phận Mỹ Tho được thành lập năm 1960, nhưng có quá trình hình thành và phát triển từ 200 năm trước, vì Mỹ Tho nằm trên vùng truyền giáo thuộc Lục Tỉnh Nam Kỳ, phần đất do các cha dòng Phanxicô, rồi Hội Thừa Sai Paris và Thánh Bộ cùng với linh mục, tu sĩ và giáo dân Mỹ Tho cùng nhau chung lòng góp sức xây dựng giáo phận.

Vùng đất tại giáo phận Mỹ Tho được các thừa sai dòng Tên, Hội Thừa Sai Paris đến tận nơi rao giảng Lời Chúa, hay người công giáo từ miền Trung vào đây sinh sống? Câu trả lời còn ở phía trước. Chỉ biết chắc, từ khi cha F. José Garcia (dòng Phanxicô) coi sóc vùng Chợ Quán năm 1723, ngài mở rộng vùng truyền giáo xuống các tỉnh miền Tây như: Cái Mơn, Cái Nhum, Cà Hom (Thủ Ngữ), Mi-tho (Mỹ Tho), La-nung, Lan-loc, Ke-be (Cái Bè), Ruot-ngua (Ruất Ngựa), Rac-la (Rạch Lá), Rach-mieu (Rạch Miếu); vùng này có 3 cha coi sóc.

Năm 1730-1749, cha Francisco de la Concepción và cha Manuél de Vallermo hoạt động ở vùng cửa sông Cửu Long, coi các họ đạo Cà Hon (Thủ Ngữ), từ trụ sở chính, các ngài mở rộng vùng truyền giáo lập nhiều họ lẻ. Theo cha A. Launay: năm 1747, từ Thủ Ðức tới Hà Tiên các cha dòng Phanxicô coi sóc 5,500 giáo dân, trên tổng số 9,000 giáo dân do các cha Phanxicô coi sóc trên toàn giáo phận Ðàng Trong. Năm 1790-1800, còn 3 cha dòng Phanxicô: Francisco de Paulo, Juan Colat và Juan Mottaner coi sóc các họ: Chợ Quán, Cao Miên, hạt Tam Lách (Mỹ Tho, 8,500 giáo dân). Ðến năm 1813, các cha Phanxicô không còn hoạt động ở vùng này nữa.

Năm 1822, vùng Mỹ Tho thêm một số cha dòng Phanxicô ngành Capuxinô, phần lớn là người Ý, các thừa sai của Thánh Bộ hoạt động từ thời Ðức cha Pigneau de Béhaine (Bá Ða Lộc). Thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức và Văn Thân bách hại, ngoài vụ tàn sát nhiều giáo dân tại Ðịnh Tường, Ba Giồng (Tân Hiệp), Hữu Ðạo (Cai Lậy), Thủ Ngữ, vào năm 1861-1862, giáo dân vùng Mỹ Tho bớt thiệt hại hơn so với các giáo phận trong vùng. Tại đất Mỹ Tho đã thấm máu nhiều vị anh hùng, đặc biệt Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu (linh mục) và Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông (giáo dân).

Năm 1938, phần đất thuộc giáo phận Mỹ Tho ngày nay có 18 giáo xứ, 61 giáo họ, 20 linh mục Việt, 2 linh mục Pháp và 16,702 giáo dân.

Ngày 27-11-1960, Tòa Thánh ban Sắc chỉ Quod Venerabilis Fratres thành lập giáo phận Mỹ Tho gồm 5 tỉnh: Ðịnh Tường, Long An, Hậu Nghĩa, Gò Công, Kiến Tường (Mộc Hóa) và 2/3 tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh). Ðức cha Giuse Trần Văn Thiện làm giám mục tiên khởi. Khi thành lập, giáo phận Mỹ Tho có 39 giáo xứ, 32 nhà thờ, 54 nhà nguyện; 50,249 giáo dân, 43 linh mục, 28 đại chủng sinh học tại Giáo hoàng Học viện Piô X Ðà lạt và Ðại chủng viện Saigòn, 77 tiểu chủng sinh học ở Cần Thơ và Saigòn. Khoảng 153 tu sĩ thuộc các dòng: Sư huynh La San, Mến Thánh Giá Cái Nhum. Ðến năm 1974, giáo phận Mỹ Tho có 186 giáo xứ và họ đạo, 71 linh mục, 78 đại chủng sinh và 63,158 giáo dân.

Sau ngày đất nước Việt Nam thống nhất (30-4-1975), các tỉnh được phân bổ lại, giáo phận Mỹ Tho hiện nay gồm các tỉnh: Tiền Giang, Long An và 2/3 tỉnh Ðồng Tháp (gồm thị xã Cao Lãnh, các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông và Tháp Mười).

Ngoài việc xây dựng những cơ sở vật chất như tòa giám mục, Tiểu chủng viện Gioan XXIII và một số trường trung tiểu học như: Thánh Giuse, Rạng Ðông, Thánh Gioanna, Ðức cha Giuse Trần Văn Thiện rất quan tâm đến việc đào tạo con người qua các hoạt động Công giáo Tiến hành, bác ái. Ngài cũng cho phát hành tờ nguyệt san Ðồng Tháp trong toàn giáo phận. Vào năm 1974, giáo phận Mỹ Tho có 63,158 giáo dân (chiếm 3,8% dân số), 41 giáo xứ, 71 linh mục, 186 nữ tu, 88 trường trung tiểu học và 4 cơ sở từ thiện xã hội.

Ðể chuẩn bị cho người kế nhiệm, Ðức cha Giuse đã tấn phong linh mục Anrê Nguyễn Văn Nam làm giám mục phó ngày 10-6-1975.

Từ năm 1975 cho đến khi qua đời (24-2-1989), Ðức cha chỉ tập trung cho việc giảng dạy giáo lý và giáo dục cộng đồng dân Chúa.

Ngày 24-2-1989, Ðức cha Anrê Nguyễn Văn Nam chính thức nhận chức giám mục chính tòa Mỹ Tho và cai quản giáo phận cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1999. Ngày 23-3-1993, cha Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, giám đốc Ðại chủng viện Thánh Quý (Cần Thơ), được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục phó giáo phận Mỹ Tho cho đến năm 1998 và sau đó được thuyên chuyển về Saigòn làm Tổng giám mục Saigòn (1-3-1998).

Ngày 26-3-1999, cha Phaolô Bùi Văn Ðọc, tổng đại diện giáo phận Ðà Lạt, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục chính tòa giáo phận Mỹ Tho và ngài về nhận giáo phận ngày 27-5-1999.

B. Sức Sống Tiềm Tàng Nơi Giáo Phận Mỹ Tho (trích bài viết của Hoàng Anh)

Từ Saigon xuôi về miền Tây theo đường sông hoặc đường bộ, mọi người sẽ lần lượt đi qua nhiều địa danh tiếp giáp với thành phố thuộc giáo phận Mỹ Tho như Bến Lức, Gò Công, Ðức Hòa- Ðức Huệ... Và trước khi vượt qua cây cầu Mỹ Thuận nổi tiếng, hoặc từ một hướng khác qua phà Rạch Miễu, qua vùng Ðồng Tháp Mười... để sang giáo phận Vĩnh Long, mọi người còn có thể tiếp cận với nhiều địa danh nổi tiếng khác như thị xã Tân An với ngôi nhà thờ kiểu dáng Á Ðông nằm ven đường quốc lộ, Dòng Mến Thánh Giá Tân An, họ đạo Ba Giồng cổ xưa, thành phố Mỹ Tho với tòa giám mục và dòng Thánh Phaolô, họ đạo Kinh Cùng trong vùng nước nổi...

Ven đường hoặc trong thôn vườn, Mỹ Tho cũng có nhiều thay đổi nơi dáng vẻ với các ngôi nhà cao tầng, các biệt thự mới xây dựng, các nhà máy hiện đại... Cũng không khó để tìm gặp những hình ảnh như thế trong tôn giáo. Bên cạnh nhiều ngôi chùa mới, các thánh thất to đẹp là những thánh đường mới tôn tạo, trùng tu. Trong bối cảnh của ngày hôm nay, giáo phận Mỹ Tho cũng đang mở cửa và nhịp bước chung cùng với xã hội.

Ðã 4 năm trôi qua kể từ ngày 27-5-1999, Ðức Giám Mục Bùi Văn Ðọc nhận nhiệm sở thay người tiền nhiệm, Ðức Cha Anrê Nguyễn Văn Nam, nghỉ hưu do tuổi cao sức yếu. Bốn năm là một chặng hành trình ngắn nhưng cũng đã có không ít những dấu ấn của vị giám mục đương nhiệm.

Nơi vùng sâu vùng xa, ở nông thôn, nhiều người dễ dàng nhớ đến những công trình có sự tiếp tay của Tòa giám mục Mỹ Tho trong vài năm gần đây trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như các giếng nước tầng sâu, trạm y tế, trường học tại huyện nghèo Tân Phước mới được thành lập; điểm ươm cây giống tại giáo xứ Ngũ Hiệp, cung cấp cây giống với giá hỗ trợ cho nhà vườn và người nông dân... Song song với nhiều công việc ngoài xã hội, Tòa giám mục cũng đã khởi động nhiều công việc sẽ có tầm ảnh hưởng về lâu dài trong đời sống tôn giáo của cộng đoàn giáo hữu địa phương. Ðức Giám Mục Bùi văn Ðọc cho biết: "Nhiệm vụ chính yếu của một giám mục vẫn là việc chăm lo đời sống tinh thần cho đàn chiên của mình cùng với các cộng sự là linh mục tu sĩ, các đoàn thể giáo dân. Và để những công việc này được vận hành, không thể không nghĩ đến việc đào tạo nhân sự".

Nói đến nhân sự, không thể không nhắc đến những chức việc nơi miệt vườn.

Trong những ngày ngược xuôi về giáo phận Mỹ Tho, tôi đã tìm đến Chợ Bưng. Giáo xứ Chợ Bưng nằm trong một vùng quê êm ả, cách ngã ba Trung Lương hơn chục cây số. Tham dự thánh lễ tại đây vào một buổi chiều thứ Bảy, tôi ngạc nhiên về sức sống của một cộng đoàn nhỏ bé. Ngôi nhà thờ có tầm vóc chỉ bằng một nhà nguyện với sức chứa khoảng 300 người đã đón tiếp hơn trăm giáo hữu của mình. Trước lúc thánh lễ khởi đầu, cộng đoàn đã dành ra ít phút học giáo lý theo cách hỏi đáp của sách giáo lý Tân Ðịnh bản mới. Thánh lễ được cử hành một cách trang nghiêm, không bị náo động bởi nhiều hình ảnh thường gặp nơi thành phố, ở bên trong cũng như bên ngoài nhà thờ. Trong thánh lễ, ca đoàn chỉ vỏn vẹn mươi người hát cùng với cộng đoàn, cả phần đáp ca thường ngày. Qủa là dầy công phu. Khi tôi nói lên cảm nghĩ của mình về thánh lễ, linh mục Hà Văn Quận, cha sở họ đạo cho biết: "Ca đoàn tự mầy mò tập hát cho nhau. Nhiều công việc khác trong họ đạo cũng thế, người giáo dân chung tay góp phần với một cung cách giản dị, không hề đỏm đáng".

Sự chung tay góp phần của người giáo dân, nhất là tại các họ đạo vùng thôn quê, vùng sâu vùng xa nhiều khi chỉ là những công việc giản dị, nhỏ bé nhưng rất thiết thực. Có thể dễ dàng tìm kiếm đây đó những hình ảnh sinh động của đường hướng tông đồ giáo dân trong Giáo hội, hoặc sức sống tiềm tàng nơi những người tín hữu kể cả khi vắng bặt chủ chăn... nơi biết bao họ đạo hẻo lánh như thế.

Trong hàng ngũ giáo dân của các họ đạo Nam bộ ngày trước, mọi người hẳn đã quen tai với những chức việc như ông câu, ông biện. Ngày nay, những tên gọi này đã được thay thế bằng những tên khác theo cơ cấu của một giáo xứ được quy định trong Giáo luật, trong Quy chế Hội Ðồng Mục VụcGiáo Xứ của các giáo phận. Liên quan đến vai trò của giáo dân, giáo phận Mỹ Tho cũng đã tiến hành soạn thảo bản Quy chế Hội Ðồng Mục Vụ Giáo Xứ sẽ được áp dụng trong thời gian trước mắt nơi giáo phận mình. Ðiều này cũng cho thấy phần nào sự quan tâm của đức tân giám mục đối với giáo dân trong những năm tháng khởi đầu công việc của một chủ chăn.

Quy chế Hội Ðồng Mục Vụ Giáo Xứ của giáo phận Mỹ Tho đã được Hội đồng Linh mục của giáo phận, đứng đầu là linh mục Trần Phước Cương, chánh sở Lương Hòa Hạ, soạn thảo xong vào giữa năm 2003. Bản Quy chế gồm 4 chương 21 điều quy định cụ thể những công việc mục vụ giáo xứ; vai trò, thành phần, nhiệm kỳ và việc tuyển chọn vào Hội Ðồng Mục Vụ Giáo Xứ được xem như một bước đi cần thiết giúp người giáo dân phát huy đúng mức vai trò của mình trong đời sống cộng đoàn.

Sự quan tâm này không chỉ dừng lại với bản Quy chế mà còn được thể hiện trong việc huấn luyện đội ngũ chức việc của các họ đạo. Ông Nguyễn Văn Gia, Chủ tịch Hội Ðồng Mục Vụ Giáo Xứ Chợ Bưng cho biết: "Tôi tham dự đều đặên các khóa huấn luyện Hội Ðồng Mục Vụ Giáo Xứ hàng năm, từ năm 2000, vàsau ba năm liên tiếp mới được Toà Giám Mục cấp giấy chứng nhận. Những khóa này giúp người giáo dân ý thức hơn về vai trò và nhiệm vụ của những chức việc trong họ đạo đồng thời cũng được bồi dưỡng thêm về giáo lý, về đời sống đạo".

Liên quan đến người giáo dân còn có những khóa bồi dưỡng dành cho giáo lý viên, ca trưởng của các ca đoàn..

Linh mục Giacôbê Hà Văn Xung, thư ký Tòa Giám Mục Mỹ Tho cho biết: "Những năm gần đây, các khóa huấn luyện, các lớp bồi dưỡng diễn ra đều đặn hàng năm, mỗi khóa kéo dài 5 ngày, với số lượng người tham dự khoảng 200. Mỗi giáo xứ gởi 2 học viên cho mỗi khoá. Trong năm 2003, khóa dành cho Hội Ðồng Mục Vụ Giáo Xứ đã diễn ra vào tháng 5 và khóa dành cho giáo lý viên diễn ra vào trung tuần tháng 7 năm 2003. Kế tiếp sẽ là lớp bồi dưỡng về thánh nhạc. Ngày nay các sinh hoạt như thế đã diễn ra một cách thuận lợi và chỉ tổ chức một lần cho tất cả các họ đạo thuộc địa bàn ba tỉnh. Ngân sách của giáo phận dành cho những công việc này cũng không phải là nhỏ và chính điều này cũng cho thấy tầm quan trọng của việc đào tạo người giáo dân trong bối cảnh hiện nay".

Ở vào một cương vị khác nhưng linh mục đoàn của giáo phận cũng có nhiều dịp bồi bổ tinh thần trong một năm. Ðây hiển nhiên là mối quan tâm hàng đầu của giáo phận vì các linh mục là những cộng sự viên gần gũi nhất với vị chủ chăn của mình và được giao phó những trọng trách nơi các cộng đoàn.

Ngày nay, nhiều giáo phận đã tổ chức các khóa thường huấn hàng năm. Giáo phận Mỹ Tho nhiều năm gần đây cũng vậy. Linh mục Giuse Nguyễn Tuấn Hải, một trong những linh mục trẻ nhất của giáo phận hiện là phó thư ký Tòa Giám Mục cho biết: "Tôi thụ phong linh mục năm 2002 và năm nay mới 29 tuổi. Tuy mới xa mái trường chủng viện, xa những năm tháng dài miệt mài học tập, nhưng tôi nghĩ các khóa thường huấn dành cho các linh mục, dù chỉ kéo dài một tuần lễ nhưng đem lại rất nhiều lợi ích, nhất là nơi lớp người trẻ như chúng tôi. Ở đây mọi người có thể tiếp thu nhiều đề tài chuyên đề xúc tích, nhiều kinh nghiệm và kiến thức của các nhà chuyên môn... Cụ thể tại khóa thường huấn năm rồi, giáo phận đã mời nữ tu Trần Thị Giồng, dòng Ðức Bà đến trao đổi các vấn đề chuyên môn về tâm lý mục vụ".

Ngoài các khóa thường huấn, các linh mục còn có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm qua các đợt tĩnh tâm thường niên của giáo phận, các buổi tĩnh tâm hàng tháng của các giáo hạt.

Việc đào tạo nhân sự của giáo phận Mỹ Tho còn được chăm chút bằng cách gửi các linh mục trẻ đi du học tại nước ngoài trong nhiều ngành đào tạo. Các linh mục Phạm Ðăng Thiện, Lê Tấn Bảo đang theo học tại Roma; Nguyễn Thành Sang, Trần Quốc Hưng tại Pháp; Lê Minh Cảnh tại Úc; Phạm Bá Ðương tại Bỉ; Bùi Văn Hoàn tại Philippines....

Về nhân sự, một khía cạnh quan trọng khác là ơn gọi. Chia sẻ mối ưu tư về vấn đề này, linh mục Nguyễn Văn Sáng, cha sở họ đạo An Tôn hạt Mỹ Tho nói rằng: "Hiện nay, một trong những điều kiện tuyển sinh vào chủng viện tối thiểu là phải có bằng tú tài. Nơi các họ đạo vùng sâu vùng xa, điều này không phải là dễ dàng nhất là khi phải cộng thêm nhiều yếu tố khác liên quan đến ơn gọi". Dù vậy, tình hình ơn gọi tại giáo phận Mỹ Tho hiện được xem là khả quan với số lượng 32 đại chủng sinh đã được tuyển chọn và 47 chủng sinh dự bị. Con đường đến với ơn gọi của nhiều thanh thiếu niên công giáo đã diễn ra muôn mầu muôn vẻ nhưng không kém phần sinh động.

Mai Văn Thượng, một chủng sinh dự bị mới ngoài tuổi hai mươi đang ở tại Tòa Giám Mục cho biết: "Gia đình tôi ở Ngũ Hiệp, một họ đạo thôn quê miệt Cai Lậy. Dù hoàn cảnh gia đình chật vật nhưng để theo đuổi con đường tu trì, tôi đã cố gắng học xong hệ trung học chuyên nghiệp, và riêng tôi có nhiều may mắn được phục vụ ở Tòa Giám Mục với những công việc thường, ngày, được Ðức Cha và quý cha tòa giám mục quan tâm nâng đỡ ơn gọi của tôi. Ðể có thể được tuyển chọn, các ứng sinh phải trải qua các cuộc sát hạch của giáo phận và sau cùng là thủ tục hành chánh ngoài xã hội. Hiện tôi đang tiến hành thủ tục hành chánh này".

Những phác họa trong việc huấn luyện giáo dân, đào tạo hàng giáo sĩ của giáo phận Mỹ Tho, gắn với một chặng đường mới của vị giám mục đương nhiệm, đã phần nào giúp mọi người mường tượng về sức sống tiềm tàng của một giáo phận nơi cửa ngõ miền Tây. Nhìn rộng hơn ngoài xã hội, giáo phận Mỹ Tho cũng đã có nhiều bước đi hòa nhịp với các vùng nông thôn đang trên đường phát triển...

Trên chặng đường về, tôi lại thêm một lần xúc cảm trước công trình cầu Bến Lức đang trong giai đoạn hoàn thành, về ngôi nhà thờ Tân An lộng lẫy, và trong tầm nhìn bao quát là những vùng quê hiền hòa êm ả... Về giáo phận Mỹ Tho, chúng tôi chỉ mới đề cập được phần nào sự phong phú nơi vùng đất này và thầm mong ngày gặp lại.

C. Ðịa Lý và Dân Số

Ranh giới: Giáo phận Mỹ Tho hiện nay nằm trong 3 tỉnh: Tiền Giang, Long An và 2/3 tỉnh Ðồng Tháp. Trên địa bàn Mỹ Tho có nhánh sông Tiền chảy dài trên Biển Hồ xuyên qua tỉnh Ðồng Tháp, Tiền Giang và đổ ra vùng biển Gò Công. Trên địa bàn tỉnh Long An có hai sông lớn là Vàm Cỏ Ðông và Vàm Cỏ Tây.

Diện tích chung: 9,262 km2 với số dân 4,278,000 người.

Ða số dân sinh sống bằng nông nghiệp.

Sắc tộc: Phần lớn là người Kinh, có một số ít người Hoa, Khơ Me...

D. Một số điểm đặc sắc của giáo phận

1. Nhà thờ Chính Tòa:

Nhà thờ Chính Tòa với thánh hiệu Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được khởi công xây dựng ngày 11-8-1906 và hoàn thành năm 1907.

2. Họ đạo Ba Giồng:

Họ đạo Ba Giồng thuộc làng Tân Lý Ðông, gần chợ Củ Chi, nằm về mạn Ðông Bắc Saigòn, trogn tỉnh Mỹ Tho. Hiện nay tại đất thánh họ đạo còn có những ngôi mộ cổ (1664) chôn cất tổ phụ các giáo hữu.

3. Danh lam thắng cảnh:

Giáo phận Mỹ Tho có một số di tích thuộc nền văn hóa Óc Eo (thế kỷ I) như: Bình Tả ở huyện Ðức Hòa - Long An, Gò Tháp (Tân Kiều - Tháp Mười), Gò Thành (Tân Thuận - Chợ Gạo).

Một số chùa Phật giáo nổi tiếng như: Tôn Thạnh, Linh Sơn (còn gọi là Chùa Núi), Kim Cang (Long An), Kiến An Cung. Ở Tiền Giang có chùa Vĩnh Tràng, Hội Thọ, Thanh Trước, Linh Thửu.

Ngoài ra còn có những danh lam thắng cảnh khác như: Tràm Chim, Tam Nông, Vườn cò Tháp Mười, Chợ chiếu Ðịnh Yên...

 

(dựa theo Niêm Giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam

và bài viết về Giáo Phận Mỹ Tho của Hoàng Anh)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page