Chiến thắng Phù Ly
10:3', 12/12/ 2006 (GMT+7)

Phù Ly là một địa danh đã đi vào lịch sử Bình Định. Lần đầu tiên xuất hiện vào năm Hồng Đức thứ nhất (1470), khi vua Lê Thánh Tông đánh thắng Champa, mở mang lãnh thổ đến núi Thạch Bi, Phù Ly là một trong ba huyện đầu tiên thuộc phủ Hoài Nhơn. Đến thời Minh Mạng, vào năm 1832, nhà Nguyễn chia Phù Ly ra thành hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát. Từ đó Phù Ly không còn là một đơn vị hành chính cấp huyện nhưng tên Phù Ly vẫn còn được dùng trong dân gian để chỉ chung vùng đất Phù Mỹ - Phù Cát và một số địa danh gắn liền với khu vực trung tâm của Phù Ly xưa như sông Phù Ly, chợ Phù Ly, miếu Phù Ly…

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Bình Định là vùng tự do. Phù Mỹ và Phù Cát là một địa bàn trọng yếu không chỉ đối với Bình Định mà còn đối với cả vùng Nam Trung Bộ. Thực hiện âm mưu phá hoại hậu phương kháng chiến của ta, vào giữa năm 1948 thực dân Pháp đã tiến hành một kế hoạch tấn công càn quét với quy mô lớn vào khu vực Phù Ly. Trọng điểm đánh phá của chúng là vùng giáp ranh giữa hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát, dọc theo tỉnh lộ 633 nối thông quốc lộ 1 với cửa biển Đề Gi.

Để đánh lạc hướng quân ta, ngày 20-7-1948, địch cho đổ bộ một đơn vị nghi binh lên bãi biển Vĩnh Tuy (thuộc Phổ Thạnh, Quảng Ngãi). Ngày 31-7, chúng huy động một lực lượng lớn bao gồm cả hải, lục, không quân tấn công vào Phù Ly. Ngay từ sáng sớm, tàu chiến địch cập cửa Đề Gi bắn pháo yểm hộ và cho quân đổ bộ lên bờ. Phối hợp với cánh quân tiến vào từ hướng biển, 10 chiếc máy bay Dakota thả 120 lính dù xuống cánh đồng thôn Khánh Lộc (thuộc địa phận xã Cát Hanh, Phù Cát), 100 lính dù khác chúng thả xuống cánh đồng thôn An Lạc (Mỹ Hòa ) và sân vận động Phù Mỹ (nay là thị trấn Phù Mỹ). 10 giờ cùng ngày địch lại đổ bộ thêm 2 đại đội lên bãi biển Đề Gi và chợ Gồm, một đại đội khác đổ bộ vào khu vực chợ An Lương (Mỹ Chánh).

Toàn bộ quân địch đều nhằm hướng chợ Phù Ly tiến tới với ý định hợp quân tại đây để triển khai càn quét và đánh phá. Nhưng ngay từ những giờ phút đầu tiên quân địch đã bị các lực lượng vũ trang của ta đánh cho tơi tả. Kế hoạch càn quét của địch hoàn toàn thất bại. Rạng sáng ngày 1-8, chúng buộc phải tháo chạy về cửa Đề Gi, rút lui bằng đường biển.

Đây là trận thắng lớn đầu tiên và có ý nghĩa hết sức quan trọng của quân và dân Bình Định trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. 30 tên địch đã bị tiêu diệt tại chỗ, trong đó có 1 quan tư và 2 quan hai, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng của địch. Trong chiến công này nổi lên những tấm gương chiến đấu vô cùng dũng cảm của các chiến sĩ tiểu đoàn 50 do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lập chỉ huy, trong đó đặc biệt là đại đội 51A do đồng chí Quách Tử Hấp làm đại đội trưởng đã trực tiếp quần nhau với địch ở chợ Phù Ly, đại đội 51B do đồng chí Lương Trung chỉ huy đánh địch quyết liệt ở khu vực miếu Phù Ly. Đại đội Tây Sơn thuộc tỉnh đội Bình Định do đồng chí Nguyễn Đạt chỉ huy cũng đã chiến đấu dũng cảm với địch ở An Tân, Khánh Lộc (Cát Hanh).

Di tích của chiến thắng oanh liệt này hiện nay chỉ còn là những địa điểm, địa danh, nơi đã xảy ra chiến trận. Đó là thôn Phù Ly, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, chợ Phù Ly, miếu Phù Ly… Năm tháng đã đi qua, dòng sông Phù Ly đã bị bồi cạn, miếu Phù Ly đã sập đổ chỉ còn lại nền nhưng những chiến công Phù Ly đã được ghi vào những trang sử hào hùng của quê hương và dân tộc, vẫn luôn khắc sâu mãi trong lòng dân Bình Định và cả nước.

. Theo Địa chí Bình Định

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nơi thành lập chi bộ Hồng Lĩnh  (10/12/2006)
Khu vườn nhà của Tăng Bạt Hổ  (08/12/2006)
Vỡ mộng bá vương  (08/12/2006)
Danh tướng Ngô Văn Sở và vua Càn Long  (07/12/2006)
Bàu Sấu  (06/12/2006)
Bãi Nhạn - Núi Tam Tòa  (01/12/2006)
Chuyện tình của một vị tướng  (01/12/2006)
Tân phủ Càn Dương  (28/11/2006)
Gò Đá Đen  (27/11/2006)
Nguyễn Nhạc và gươm thần Pra Khan  (24/11/2006)
Dấu tích Chiêm đô trên đất Bình Định  (20/11/2006)
Có một “Triệu Tử Long” thời Tây Sơn  (17/11/2006)
Núi Bà - Đá Vọng Phu  (16/11/2006)
Người làm nên trận thắng oanh liệt cuối cùng cho nhà Tây Sơn   (10/11/2006)
Phế tích hai tháp Tân Kiều, Chà Rây  (09/11/2006)