Loại
Địa chỉ hiện nay
tỉnh Kiên Giang
Diện tích
639,24 km2
Dân số
219.960 người (2008)

Huyện Giồng Riềng

Giồng Riềng là huyện của tỉnh Kiên Giang; Tây Bắc giáp huyện Tân Hiệp; Tây Nam giáp huyện Châu Thành; Đông Bắc giáp thành phố Cần Thơ; Đông Nam giáp tỉnh Hậu Giang; Nam giáp huyện Gò Quao. Về hành chính, huyện bao gồm thị trấn Giồng Riềng và 17 xã là: Thạnh Lộc,Thạnh Hưng,Thạnh Hoà, Thạnh Phước, Ngọc Thuận, Ngọc Chúc, Ngọc Thành, Ngọc Hoà, Hoà Lợi, Hoà Hưng, Hoà An, Hoà Thuận, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phú, Bàn Thạch, Long Thạnh, Bàn Tân Định

Lịch sử
 

Ngày 20-05-1920, Pháp thành lập quận Giồng Riềng, thuộc tỉnh Rạch Giá, gồm có tổng Giang Ninh với 7 làng là: Hoà Hưng, Ngọc Hoà, Vị Thanh, Hoà Thuận, Thạnh Hoà, Ngọc Chúc, Thạnh Hưng. Quận lỵ đặt tại làng Thạnh Hoà. Ngày 07-08-1952, quận Giồng Riềng bao gồm tổng Giang Ninh với các làng: Hoà Hưng, Hoà Thuận, Ngọc Hoà, Thạnh Hoà, Thạnh Hưng, Thạnh Lợi, Vị Thanh, Bàn Tân Định, Long Thạnh, Vĩnh Thanh.

Sau năm 1956, chính quyền Sài Gòn đổi tên là quận Kiên Bình. Sau 30-04-1975, Giồng Riềng trở thành huyện của tỉnh Kiên Giang, gồm có thị trấn Giồng Riềng và 8 xã là: Thạnh Hưng, Thạnh Hoà, Bàn Tân Định, Ngọc Chúc, Hoà Hưng, Long Thạnh, Vĩnh Thạnh, Thuận Hoà. Ngày 10-10-1981, lập thêm các xã mới: Tân Bình Thành, Vĩnh Thuận Lợi tách từ xã Ngọc Chúc; Tân Nguyên, Hiệp Lộc, Thạnh Phước tách từ xã Thạnh Hưng; Hoà An, Hoà Lợi tách từ xã Hoà Hưng; chia xã Thuận Hoà thành 3 xã Thạnh Lợi, Hoà Thuận, Ngọc Hoà.

Ngày 27-09-1983, lập thêm các xã mới: Long An tách từ xã Long Thạnh; Thạnh Bình tách từ xã Thạnh Hoà; Bàn Thạnh tách từ xã Bàn Tân Định; Vĩnh An Phú, Vĩnh Phước Hoà tách từ xã Vĩnh Thạnh. Ngày 31-05-1991, giải thể các xã: Hiệp Lộc, Thạnh Phước, Hoà Lợi, Ngọc Hoà, Vĩnh Thuận Lợi.

Ngày 18-03-1997, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 23 - CP, thành lập xã Thạnh Phước trên cơ sở 4.483 ha diện tích tự nhiên và 8.980 nhân khẩu của xã Thạnh Hưng; thành lập xã Thạnh Lộc trên cơ sở 4.673 ha diện tích tự nhiên và 9.576 nhân khẩu của xã Thạnh Hưng; thành lập xã Hoà Lợi trên cơ sở 4.020 ha diện tích tự nhiên và 6.951 nhân khẩu của xã Hoà Hưng; thành lập xã Hoà An trên cơ sở 3.010 ha diện tích tự nhiên và 7.658 nhân khẩu của xã Hoà Hưng. Xã Thạnh Hưng sau khi điều chỉnh địa giới hành chính có 5.035 ha dịên tích tự nhiên và 11.695 nhân khẩu. Xã Hoà Hưng sau khi điều chỉnh địa giới hành chính có 4.210 ha diện tích tự nhiên và 8.535 nhân khẩu.

Ngày 14-11-2001, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 84/2001/NĐ - CP,  thành lập xã Ngọc Thành trên cơ sở 2.397 ha diện tích tự nhiên và 8.039 nhân khẩu của xã Ngọc Chúc; thành lập xã Ngọc Thuận trên cơ sở 3.739 ha diện tích tự nhiên và 8.540 nhân khẩu của xã Ngọc Chúc; thành lập xã Bàn Thạch trên cơ sở 2.106,4 ha diện tích tự nhiên và 9.663 nhân khẩu của xã Bàn Tân Định. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành lập 2 xã Ngọc Thành và Ngọc Thuận, xã Ngọc Chúc còn lại 2.677 ha diện tích tự nhiên và 10.896 nhân khẩu. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành lập xã Bàn Thạch, xã Bàn Tân Định còn lại 3.289,3 ha diện tích tự nhiên và 11.364 nhân khẩu.

Cuối năm 2003, huyện Giồng Riềng có thị trấn Giồng Riềng và 15 xã là: Thạnh Hưng, Thạnh Phước, Thạnh Lộc, Thạnh Hoà, Bàn Tân Định, Ngọc Chúc, Hoà Hưng, Hoà Lợi, Hoà An, Long Thạnh, Vĩnh Thạnh, Hoà Thuận, Ngọc Thành, Ngọc Thuận, Bàn Thạch.

Ngày 26-07-2005, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 97/2005/NĐ - CP, theo đó, thành lập xã Ngọc Hoà trên cơ sở 3.009,68 ha diện tích tự nhiên và 11.170 nhân khẩu của xã Hoà Thuận, thành lập xã Vĩnh Phú trên cơ sở 2.730 ha diện tích tự nhiên và 4.968 nhân khẩu của xã Vĩnh Thạnh. Sau khi thành lập xã Ngọc Hoà, xã Hoà Thuận còn lại 4.312,62 ha diện tích tự nhiên và 16.500 nhân khẩu. Sau khi thành lập xã Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thạnh còn lại 2.470 ha diện tích tự nhiên và 9.563 nhân khẩu. Huyện Giồng Riềng có 17 xã và 1 thị trấn như hiện nay.

Kinh tế
 

Thế mạnh kinh tế chủa huyện vẫn là sản xuất nông nghiệp. GDP năm 2001 chiếm 8,3% GDP toàn tỉnh. Nhiều năm qua, huyện đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như: mô hình xen canh lúa - màu - cá ở ấp Xẻo Mây, Bờ Xáng (xã Thạnh Hoà); mô hình bưởi da xanh ấp Thạnh An (Thạnh Lộc); mô hình lúa - màu ở ấp Hoà Phú (Ngọc Hoa); mô hình măng tre, ấp Ngọc Tân (Ngọc Chúc); mô hình nuôi tôm càng xanh, ấp Kinh Tràm (Hoà An)... Năm 2007, 100% xã, thị trấn đều xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp với tổng diện tích 5.850 ha, trong đó có 8 mô hình sản xuất cho thu nhập cao. Đặc biệt, mô hình trồng rau màu trên đất liếp kết hợp nuôi cá cho thu nhập bình quân 120 triệu đồng/ha; mô hình xen canh 1 vụ lúa với 2 vụ màu đem lại thu nhập 77,7 triệu đồng/ha. Ngoài ra, nông dân trên địa bàn huyện còn có nhiều mô hình sản xuất kết hợp làm dịch vụ khác đem lại hiệu quả cao như: làm dịch vụ máy cày, máy xới, máy suốt, lò sấy, máy gặt đập liên hợp, kinh doanh vật tư nông nghiệp...

Năm 2007, sản lượng lương thực của huyện đạt trên 151.000 tấn (tăng 1,34 lần so với năm 2001); lương thực bình quân đầu người tăng 397 kg/khẩu/năm; lúa chất lượng cao từ 55% năm 2001, tăng lên 85% năm 2006. Đối với kinh tế hộ, nhiều gia đình tập trung ruộng đất, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất, kết hợp làm dịch vụ; cải tạo lại đồng ruộng, đất vườn, thực hiện mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp cho thu nhập khá cao; nhiều hộ gia đình có mức thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm.

Do có nguồn nước ngọt từ sông Hậu đổ về, từ những năm 1990 bà con nông dân ở Giồng Riềng đã tận dụng diện tích mặt nước dọc các bờ kênh để nuôi cá bống tượng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những hộ không nằm gần các kênh thì nuôi cá đồng trong ruộng lúa, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2008, tỉnh Kiên Giang đã thí điểm nuôi 12 ha tôm càng xanh trên nền đất lúa tại ấp Hòa A, xã Hoà Lợi, huyện Giồng Riềng, kết quả bước đầu khác lạc quan. Thay vì duy trì vụ hè thu năng suất bấp bênh, chi phí cao, nông dân ấp Hoà A nuôi tôm càng xanh từ đầu tháng 4, đến tháng 10 thu hoạch xong là trục vùi gốc rạ, rồi tiến hành xuống giống vụ lúa đông xuân. Như thế, trên cùng một diện tích, mỗi năm thu được 2 nguồn lợi từ 1 vụ tôm, 1 vụ lúa. Tuy mới là thí điểm, song điều kiện thổ nhưỡng của vùng quê này đang mở ra nhiều triển vọng mới cho phong trào nuôi tôm càng xanh.

Xã hội
 

Đây là huyện có đông đồng bào Khmer với tỉ lệ chiếm 18% trên tổng số dân (năm 2008). Hiện còn nhiều xã chưa có đường ô tô đến được trung tâm. Một bộ phận khá đông bà con không có đất hoặc thiếu đất canh tác. Thực hiện chương trình 135 của Chính phủ, những năm qua, huyện đã cung cấp con giống gà, vịt, heo để nuôi và hỗ trợ tiền, gạo để giúp đồng bào khó khăn ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, giải pháp này không mang lại hiệu quả lâu dài, bởi phần lớn bà con vốn nghèo, cuộc sống thiếu trước hụt sau nên không có tiền mua thức ăn cho gia súc, gia cầm để duy trì và phát triển bầy đàn.

Năm 2004, huyện thí điểm hỗ trợ bò giống cho những hộ Khmer nghèo ở xã Bàn Thạch. Đây là xã có tới 57% hộ dân tộc Khmer và tỷ lệ hộ nghèo còn tới 17,3%. Kết quả thu được khác khả quan. Người dân địa phương cho biết, nuôi bò không tốn kém chi phí thức ăn như các loại vật nuôi khác, mà giá bán trên thị trường lại cao, nên người chăn nuôi có lãi. Con bò thích nghi với điều kiện khí hậu nơi đây và xã có nguồn cỏ tự nhiên khá dồi dào. Mặt khác, nuôi bò tận dụng được lao động nông nhàn cả trong và ngoài độ tuổi lao động nhưng lợi nhuận thu về cao gấp 4 - 5 lần đồng vốn đầu tư. Trước tình hình đó, chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội Giồng Riềng đã giải ngân cho mỗi hộ nghèo ở xã Bàn Thạch vay 5 triệu đồng để mua bò sinh sản, nhờ đó nhiều hộ đã thoát được cảnh nghèo.

Cơ sở hạ tầng nông thôn luôn là vấn đề nan giải của các địa phương ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Năm 2007, tỉnh Kiên Giang đầu tư 33,6 tỷ đồng cho huyện Giồng Riềng xây dựng tuyến đường liên xã: xã Thạnh Hưng - Thạnh Phước - Vĩnh Thạnh, có tổng chiều dài 18 km, bề rộng mặt đường 3,5 m, lề đường mỗi bên 1,5 m. Năm 2009, huyện đang có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước ấp Ngọc Bình xã Ngọc Chúc từ nguồn vốn chương trình 134 của chính phủ. Năm 2008, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ huyện Giồng Riêng đầu tư 315 triệu đồng xây dựng cầu giao thông nông thôn ở xã Ngọc Hoà. Cây cầu có chiều dài 40 m, được bàn giao cho huyện ngày 10-09-2008. Riêng ở xã Hoà Hưng, từ nhiều năm qua, người dân gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển bằng đường bộ qua kênh Tám Phó, bởi những chiếc cầu bắc qua kênh đều là cầu ván nhỏ hẹp, đã xuống cấp. Từ chương trình “Xóa cầu khỉ nông thôn” do Báo Sài Gòn Giải Phóng phát động, bạn đọc của báo đã đóng góp tiền, người dân địa phương bỏ công sức xây cầu bê tông bắc qua kênh, thay cho cầu ván.