Thơ - Văn hội viên

Vườn rau của vợ chồng Tướng Bích

16/12/2012 | 04:25

       VƯỜN RAU CỦA VỢ CHỒNG TƯỚNG BÍCH

 

Mấy lần Thiếu tướng Trần Danh Bích hẹn tôi đến ăn cơm rau của vợ chồng anh trồng. Tôi lần lữa mãi vì bận công việc. Sáng 16/12/2012 – trước thời điểm một ngày cách đây 40 năm Tổng thống Mỹ Níchxơn tuyên bố oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng và các thị xã, thành phố Miền Bắc bằng B52, tôi mới tới nhà để mục sở thị vườn rau của vợ chồng anh. Ngôi nhà 4 tầng của anh chị nằm trên diện tích 93 m2 ở số 6, lô 1, ngõ 217 Đê La Thành, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội.

Tôi và Thiếu tướng Trần Danh Bích là hai người bạn vong niên từ ngày hai anh em ở cùng Sư đoàn bộ 471 với nhau. Anh hơn tôi 6 tuổi. Cách đây 40 năm, anh là Phó Trưởng Ban Kế hoạch của Sư đoàn. Lúc ấy, tôi phụ trách Bản tin của Sư đoàn thuộc Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị. Anh Bích với tôi hợp nhau ở điểm yêu đàn nhạc, thơ phú. Sau giải phóng Sài Gòn, hai anh em mất mấy ngày trời cùng đi lùng mua bằng được 2 chiếc xe máy Yamaha… Thời gian trôi đi thật nhanh. Mới đó mà đã 40 năm rồi…

Trước khi lên thăm vườn rau của vợ chồng anh ở trên sân tầng thượng, cháu Thủy – con gái lớn của anh chị đã dẫn tôi vào phòng máy làm việc của cháu. Cháu mở máy vi tính giới thiệu với tôi hàng chục bức ảnh mà cháu đã chụp các loại hoa và rau quả từ vườn rau của bố mẹ. Tôi đã bị hoa mắt trước những bức ảnh của cháu chụp các thành phẩm của vợ chồng anh Bích. Tôi chọn mấy bức ảnh đẹp nhất nhờ cháu gửi email cho tôi để tôi đưa vào bài viết.

- Sở dĩ cháu muốn chú xem những bức ảnh “tư liệu” về vườn rau của bố mẹ cháu là vì, có những sản phẩm đã được thu hoạch. Bây giờ chú không còn thấy hoa và quả trên cây nữa. Cháu Thủy giải thích với tôi.

- Chú không ngờ bố mẹ cháu lại có một vườn cây và rau phong phú như thế giữa lòng Thủ đô. Tôi nói với cháu và đề nghị cho tôi được tận mắt nhìn tại “thực địa”.

Trước khi bước ra vườn rau, anh Bích, chị Viển dẫn tôi đi dọc ban công của ngôi nhà. Thật ngạc nhiên, trước mắt tôi là cả một dãy rau cải xanh và cây súp lơ xanh um được trồng trong những chiếc hộp xốp.

- Tết này chúng tôi sẽ có nhiều súp lơ để ăn và biếu bạn bè từ dãy rau này đấy.

Quả thật, hàng chục chiếc hộp xốp lớn trồng đầy những gốc rau cải và rau súp lơ đang lên xanh tốt kia đã khiến tôi vô cùng thích thú. Thú thật lúc này tôi  nghĩ: Nếu cắt những lá rau cải và rau súp lơ kia đem luộc thì sẽ có những đĩa rau xanh biếc, tươi rói vô cùng hấp dẫn.

Trên một khoảng sân thượng rộng hơn 50 mét vuông, xanh biếc màu xanh của hoa và rau. Có lẽ anh không thuộc loại túp người mê bonsai hoặc cây thế. Hai loại cây ấy không tìm thấy trong ngôi nhà của tướng Bích. Cây thì được anh trồng trong chậu, hoa được treo trên giàn. Còn rau thì được anh chị trồng trên những chiếc hộp xốp xếp cạnh nhau san sát. Tôi hoa cả mắt trước vườn cây và rau xanh tốt của vợ chồng anh. Tôi lẩm nhẩm điểm danh: Ổi, khế, chanh, lộc vừng, thanh long... Giàn phong lan với 20 loại đang đâm chồi, nở lộc, đâm hoa. Phong phú nhất có lẽ là các loại rau: Đậu đũa, đậu cô ve, cà chua, xà lách, mùi, hành, su hào, mồng tơi, rau đay, rau ngót Nhật Bản, cải xanh, súp lơ…lạ nhất là luống rau ngót Nhật Bản. Anh Bích giới thiệu:

- Một người bạn đã mang từ Nhật Bản về tặng tớ 20 ngọn rau ngót này. Nó rất dễ trồng. Chỉ cắm những ngọn rau này xuống đất là nó bén rễ ngay. Tớ đã cung cấp giống rau này cho 5-6 gia đình trồng và giờ họ đã có rau ăn rồi. Rau ngót Nhật Bản rất ngọt. Nếu nấu canh cua thì cần hái 10 ngọn là nồi canh đã ngọt lừ, chẳng cần cho mì chính hay bột nêm đâu. Nhà Thành Long có đất trồng không mình tặng một ít giống.

Tôi cười:

- Nhà em ở tận tầng 19 chung cư, làm gì có đất mà trồng.

Nhìn giàn mướp, giàn thiên lý nằm phía trên giàn phong lan, tôi thấy vợ chồng anh thật khéo biết tận dụng không gian. Đúng là vườn rau của anh chị mùa nào thức nấy, không thiếu một thứ gì. Anh Bích khoe:

- Hoa lan do tớ đảm nhiệm. Vườn rau là của bà ấy trồng và chăm sóc. Tớ chỉ lo mỗi việc là tưới nước thôi.

Tôi biết, Đại tá, bác sĩ Trần Thị Viển là dân “cày đường nhựa” (chị quê ở phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên). Không hiểu chị học ở đâu và bao giờ mà bây giờ về hưu lại là người giỏi trồng và chăm sóc rau làm vậy ? Bây giờ, với vườn rau này, gia đình chị chẳng phải lo mua rau ăn hàng ngày. Tôi biết, vợ chồng tướng Bích trồng cây, trồng rau không phải vì ví tiền. Với tiền lương hưu Thiếu tướng của anh và lương hưu Đại tá của chị thì anh chị thừa sức lo cho cuộc sống đầy đủ của mình trong thời buổi khó khăn kinh tế hiện nay. Anh chị trồng cây, trồng rau vì thú vui và cũng là để “ứng phó” với rau quả không an toàn hiện nay ở thị trường. Nhưng có lẽ vượt lên tất cả đó chính là anh chị muốn góp một chút vào môi trường xanh và trong lành cho thành phố đang ngày càng ô nhiễm và chật trội.

Rời vườn rau xuống nhà, chị Viển dẫn tôi ra ban công tầng hai trước sảnh vào phòng khách:

- Chú xem, tôi còn sản xuất giá sạch cho ông ấy và các cháu ăn hàng ngày đây này.

Tôi nhìn những chiếc chậu sành mọc đầy giá tua tủa, lắc đầu, nói vui:

- Chị thật qua chu đáo. Ai cũng tự cung tự cấp thực phẩm được như chị thì chợ người ta bán cho ai ?

Chị Viển tha thiết mời:

- Hôm nay chú ở lại, tôi đãi món bánh xèo. Trừ trứng, còn tất cả nguyên vật liệu đều được lấy từ cây nhà, lá vườn mà chú vừa xem đấy. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối.

- Ở lại đi. Anh Bích cũng thật lòng mời.

- Thôi để hôm khác em đưa vợ em cùng đến để bà ấy được ngắm vườn cây, vườn rau của anh chị một thể. Hôm nay em bận quá!

Tôi cảm động trước thịnh tình của anh chị. Nhìn vợ chồng tướng Bích, tôi "ghen" với hạnh phúc của họ. Dẫu bây giờ họ đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm rồi nhưng cuộc sống của họ thật đẹp. Năm nay anh vừa được Ban Liên lạc Sư đoàn 471 mừng thọ 70. Anh chị đang rất hạnh phúc trong ngôi nhà ngập tràn màu xanh cùng với gia đình cô con gái đầu lòng.

Tướng Trần Danh Bích quê ở xã Tân Hưng, Tiên Lữ, Hưng Yên. Anh là một trong 70 vị tướng cách mạng sinh ra trên đất Hưng Yên. Anh học cùng lớp cấp 3 thị xã Hưng Yên với chị Trần Thị Viển. Chàng lớp phó điển trai Trần Danh Bích đã sớm có tình cảm với với cô bạn gái người thị xã kém mình một tuổi. Chưa tốt nghiệp lớp 10, Trần Danh Bích đã lên đường nhập ngũ. Đến năm 1969, từ chiến trường Trường Sơn ra Bắc, anh gặp lại cô bạn gái cùng lớp Trần Thị Viển, lúc này đang là sinh viên Đại học Quân y. Giữa năm 1971, họ đã làm lễ cưới. Họ ở bên nhau được vài ngày thì cũng là lúc anh phải lên đường trở lại Trường Sơn. Còn chị, sau đó cũng ba lô lên đường vào thẳng Quảng Bình làm bác sĩ Viện Quân y 112 Cục Quân y đang đóng ở xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy. Sau Hiệp định Pari, anh được lãnh đạo Sư đoàn cho ra Quảng Bình gặp chị. Cuối năm ấy, cháu Trần Thị Hương Thủy đã chào đời trên đất thép Quảng Bình.

Đất nước thống nhất năm 1975, Viện Quân y 112 giải thể. Sau khi đi học chuyên khoa, chị được điều về làm Chủ nhiệm khoa Đông y Viện Quân y 110, đóng ở Bắc Ninh. Năm 1985, chị được điều về làm Chủ nhiệm Khoa Nội 3, Viện Y học Dân tộc Quân đội. Năm 1990, chị được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Y học Dân tộc Quân đội. Năm 2003, chị nghỉ hưu.

Năm 1971, anh Bích đang là Tham mưu trưởng tác chiến Binh trạm 27 Trường Sơn thì được điều về Sư đoàn 471 là Phó Trưởng Ban Kế hoạch Tác chiến. Giữa năm 1976, anh được điều ra làm Trợ lý Phòng Bí thư, Tổng Cục Xây dựng kinh tế Bộ Quốc phòng. Người được anh bàn giao nhiệm vụ Trưởng ban Kế hoạch Sư đoàn lúc bấy giờ là Đại úy Ngô Văn Dụ. Anh Ngô Văn Dụ bây giờ là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Năm 1978, anh Trần Danh Bích được Quân đội cho về Học viện Lục quân học văn hóa để tốt nghiệp cấp 3 và học tiếng Nga chuẩn bị sang Liên Xô đào tạo. Do biến động của thời cuộc, anh ở lại học tại Học viện Lục quân. Năm 1980, ra trường, anh được điều về làm trợ lý Cục Cán bộ. Chưa ngồi nóng ghế ở Cục Cán bộ, anh được điều sang công tác tại Cămpuchia, làm Thường trực Cục Cán bộ ở Cămpuchia. Cuối năm 1983, anh được về nước trở lại Cục Cán bộ, phụ trách theo dõi cán bộ quân đội ở Cămpuchia và phía Nam. Năm 1988, anh được đề bạt chức vụ Phó Trưởng phòng. 6 tháng sau anh lên chức Trưởng phòng và được thăng quân hàm Đại tá. Năm 1990, anh được bổ nhiệm làm Cục Phó Cục Cán bộ. Năm 1996 được bổ nhiệm làm Cục trưởng. Cũng năm này, anh bảo vệ xuất sắc (9,3/10 điểm) luận án Tiến sĩ với đề tài “Cơ cấu hợp lý đội ngũ cán bộ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới” tại Học viện Chính trị. Năm 1998, anh được thăng quân hàm Thiếu tướng. Năm 2000, anh về làm Phó Giám đốc Chính trị, Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị. Năm 2005, anh nghỉ hưu…

Rời ngôi nhà xanh của vợ chồng tướng Bích, tôi cứ nghĩ và tin rằng: Với môi trường sống trong lành và hạnh phúc của ngôi nhà màu xanh của mình, nhất định anh sẽ có điều kiện và sức khỏe dồi dào để tiếp tục cống hiến nhiều cho Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội.

Bài ảnh: Thành Long và Hương Thủy.

HÌNH ẢNH TỪ VƯỜN CÂY, VƯỜN RAU

CỦA VỢ CHỐNG TƯỚNG TRẦN DANH BÍCH

Ban công ngập đấy rau súp lơ.

Vợ chồng tướng Bích bên luống rau ngót Nhật Bản.

Thiếu tướng Trần Danh Bích chăm sóc giàn phong lan 20 loại của mình.

Đại tá, bác sĩ quân y Trần Thị Viển chăm sóc vườn rau trên sân thượng.

Hoa phong lan

Và hoa phong lan

Ổi trĩu cành.

Chanh sai quả.

Thanh long chín ửng.

Cà chua đầy giàn.

Su hào sắp được thu hái.