Thử nghiệm phiên bản mới tại đây

Người Việt ở Brazil - Kỳ 3:

“Miss Saigon” ở Sao Paulo

29/06/2014 07:20 (GMT + 7)
TT - Cuối thập niên 1990, một Việt kiều tên Duy Tước từng mở nhà hàng Việt Nam ở Sao Paulo, nhưng rồi đóng cửa chuyển nghề sau hai năm kinh doanh.

>> Kỳ 1: Đến đất khách, cùng “làm xách”
>> Kỳ 2: “Nhất Nghĩa...” và Công ty Goóc doanh thu 30 triệu USD/năm

Nhiều khách Brazil dùng bữa tối ở Miss Saigon - Ảnh: tr.n.

Ngày 5-11-2013, cộng đồng người Việt ở Brazil lại chào đón một nhà hàng Việt Nam mở cửa cũng tại Sao Paulo mang tên Miss Saigon.

Xích lô, áo dài và nón lá

Trước khi chọn đặt tên nhà hàng là Miss Saigon, ông Phước dự tính lấy tên là Phở, song người Brazil sẽ phát âm phở thành “Po” không có nghĩa gì hết. Tên “Saigon” cũng định chọn nhưng đã có người châu Á khác đăng ký bản quyền nhà hàng tên này tại Brazil từ lâu! “Miss Saigon là kết quả được chọn khi gợi nhớ quê hương, đồng thời người Brazil sẽ phát âm được dễ dàng”. 

Một cảm giác thân thuộc khi chúng tôi nhìn thấy chiếc xích lô nhỏ có tấm nệm vẽ hình thiếu nữ Việt mặc áo dài kèm chữ “Miss Saigon”, những chiếc chụp đèn trên trần là nón lá khi đến nhà hàng Miss Saigon ở số 1374 đường Alameda dos Jurupis, quận Moema, phía nam TP Sao Paulo.

Là nhà hàng chuyên bán món ăn Việt ở Brazil và do người Việt làm chủ, Miss Saigon mở cửa mỗi ngày từ 17g-22g30 (thứ hai nghỉ). Sau khi dùng xong một bát phở đậm đà hương vị Việt Nam nơi bàn ăn cạnh dãy tường trang trí bằng bức tranh phong cảnh vịnh Hạ Long, chúng tôi được chủ nhà hàng là ông Võ Văn Phước, một người gốc Quy Nhơn, tay bắt mặt mừng kể lại cơ duyên mở nhà hàng.

“Cũng như nhiều người Việt khác ở Sao Paulo, gia đình tôi đã hàng chục năm sinh sống bằng nghề làm xách, sản xuất đồ khuyến mãi và buôn bán ở chợ trời. Dù vậy, từ lâu tôi luôn ấp ủ giấc mơ mở một nhà hàng Việt Nam vì tôi rất đam mê nấu ăn. Vợ và các con tôi hay khen tôi nấu ăn ngon trong nhà. Bây giờ đã qua tuổi ngũ tuần, tôi thử cơ hội nấu ăn phục vụ người ngoài xem sao” - ông Phước cười khi kể đến đây.

Mất một năm cho việc chuẩn bị từ thuê mặt bằng, sửa sang trang trí quán, tuyển nhân viên phục vụ, vợ chồng ông Phước khai trương Miss Saigon trong sự chúc mừng của đồng hương. Chị Huỳnh Thị Thúy, một người Việt định cư tại Brazil từ năm 1998, cho biết: “Ông Phước là người đầu tiên trong cộng đồng người Việt ở Brazil làm xách, tậu được nhà, sắm xe hơi. Mở nhà hàng VN là niềm tâm huyết cuối cùng trong cuộc sống nhiều thành công của ông ấy ở Brazil nên bà con kiều bào tại Sao Paulo rất ủng hộ”.

Ban đầu chính vợ chồng ông Phước đứng nấu trong bếp nhà hàng với thực đơn tự soạn chỉ gồm các món thuần túy VN, từ phở đến bánh xèo, bún bò Huế, bún thịt nướng... Các loại rau đặc trưng đều có, từ rau răm, húng quế tự trồng cho đến rau thơm và giá sống mua ở chợ châu Á tại Sao Paulo.

“Vợ chồng tôi đêm đêm nằm đặt tay lên trán suy nghĩ không biết chắc người Brazil thích món ăn Việt không. Nhưng ở đất khách hơn 30 năm nay cũng hiểu tâm lý và gu ẩm thực của dân Brazil thích món gì: họ sẽ thích chả giò và bánh xèo! Khẩu vị người Brazil thích ăn mặn nên món Việt mình cũng phải mặn. Nước lèo của phở cũng phải mặn hơn kiểu thông thường dù vẫn giữ mùi thơm của quế” - ông Phước nói về những kinh nghiệm quý.

Hai cha con ông Võ Văn Phước trước nhà hàng Miss Saigon - Ảnh: Tr.N.

Từ 2 tô phở/ngày lên 40 tô/ngày

Miss Saigon đã gây chú ý nơi truyền thông địa phương như trang mạng thông tin về nhà hàng ở Sao Paulo (sao-paulo.restorando) đánh giá: “Sự phong phú hương vị tạo ra thành công cho Miss Saigon. Các món ăn truyền thống VN được xem là bổ dưỡng, dùng nhiều nguyên liệu tươi, ít dầu mỡ”. Trong khi đó, ông Phước vui mừng cho biết: “Thời gian đầu bán được 2 tô phở/ngày. Bây giờ sau hơn nửa năm khai trương có thể bán 30-40 tô/ngày vào cuối tuần”. Dù vậy, ông cũng thừa nhận nhà hàng chưa có lãi vì chi phí khá cao (thuê mặt bằng tốn 10.000 USD/tháng, trả lương cho tám nhân viên bếp và phục vụ).

Erisson, một bồi bàn người bản xứ làm ở Miss Saigon, bưng chén chè trôi nước có mùi gừng thơm phức cho chúng tôi tráng miệng, vui tính kể rằng anh có thâm niên trong nghề bồi bàn 14 năm và làm rất nhiều chỗ rồi nhưng thích nhất là làm cho Miss Saigon vì “ông bà chủ rất tốt bụng, thân thiện với nhân viên chứ không như những chủ nước ngoài khác”. Làm tại đây Erisson cũng “dần mê món ăn Việt như bún thịt nướng”.

Giữa tháng 5-2014, ông Phước thuê hai đầu bếp trẻ từ TP.HCM qua nấu ăn cho Miss Saigon là anh Trần Hiếu (người gốc Huế) và anh Phạm Đức Tài (quê ở Long An) đều có thâm niên 9-10 năm nấu ăn ở các nhà hàng, khách sạn tại TP.HCM. Nhờ hai đầu bếp mới này, Miss Saigon lập tức tung ra thực đơn mới bổ sung trên 20 món Việt mới như cá nướng, xúp hải sản, cơm chiên hải sản...

Trở thành những người Việt mới nhất sang Brazil với thị thực làm việc (working visa) có thời hạn ban đầu là hai năm, đầu bếp Trần Hiếu tâm sự với Tuổi Trẻ: “Ở VN lương tôi cũng khá nhưng thích qua Brazil làm việc để mang những món VN thuần túy giới thiệu với người bản xứ. VN có những món rất ngon và đặc trưng, tôi sẽ cố gắng nấu thật ngon để chinh phục thực khách ở đây”.

Dịp Tết Giáp Ngọ 2014, Đại sứ quán VN tại Brazil đã chọn Miss Saigon làm nơi tổ chức tiệc mừng xuân quy tụ 120 kiều bào gốc Việt ở Sao Paulo. Chia sẻ với PV Tuổi Trẻ, đại sứ VN tại Brazil Nguyễn Văn Kiền hào hứng nói: “Tôi rất mừng khi Brazil có một nhà hàng VN như Miss Saigon. Quán ăn Việt không chỉ là chuyện quảng bá ẩm thực Việt trên xứ người mà còn là nơi thuận lợi để bà con kiều bào gặp gỡ, thư giãn, chia sẻ vui buồn cuộc sống với nhau để thắt chặt hơn mối quan hệ cộng đồng”.

Đại sứ Nguyễn Văn Kiền kể thêm rằng “các quan chức Chính phủ Brazil, ngoại giao đoàn các nước khi gặp vẫn thường hỏi tôi ở thủ đô Brasilia có quán ăn VN nào không để họ đến thưởng thức món ăn truyền thống của người Việt. Bởi vậy tôi mong có thêm nhiều nhà hàng VN được mở tại Brazil, đặc biệt là tại thủ đô”.

Ông Võ Văn Phước bày tỏ nếu Miss Saigon thành công, ông có thể nghĩ đến việc mở thêm Miss Saigon 2 tại thủ đô Brasilia với sự hỗ trợ từ “hậu duệ”. Con trai út ông Phước là Võ Thiện Tâm (sinh năm 1994), hiện là sinh viên ngành quản lý nhà hàng Trường ĐH Anhembi Morumbi (Sao Paulo), cho biết anh thích nấu ăn và sẵn sàng nối nghiệp nhà hàng VN của cha sau khi được đào tạo bài bản ở trường.

TRUNG NGHĨA

Cô Beatriz Marques, tổng biên tập tạp chí ẩm thực Menu xuất bản tại Sao Paulo, nhận xét với Tuổi Trẻ: “Đối với một người chưa từng đến VN như tôi, quả là một trải nghiệm kỳ lạ khi đến dùng bữa tại Miss Saigon không chỉ một mà đã hai lần. Tôi rất thích độ tươi ngon của thức ăn Việt. Một người bạn đồng nghiệp của tôi từng sống ở VN vài tháng và khi đến Miss Saigon, anh đánh giá khung cảnh ở đây lịch sự, có những món ngon rất truyền thống kiểu Việt như chả giò và phở bò. Tôi nghĩ tất cả món Việt này có thể sẽ trở nên nổi tiếng tại Brazil. Người Brazil cũng quen ăn xúp với mì sợi nên phở không phải là món ăn lạ lẫm và lại hấp dẫn nhờ có mùi vị đặc biệt cực thơm!”.

Kỳ tới: Bạc cắc thành bạc triệu

0
Ý kiến bạn đọc (0) Gửi ý kiến của bạn
TT - “Cộng đồng người Việt tập trung đông nhất ở Sao Paulo mà cũng chỉ khoảng 30 gia đình nên chúng tôi như chung một đại gia đình.
Báo Tuổi Trẻ giữ bản quyền nội dung trên website này; chỉ được phát hành lại nội dung thông tin này khi có sự đồng ý bằng văn bản của báo Tuổi Trẻ