Chiến khu cách mạng Ngọc Trạo
QĐND - Thứ sáu, 11/07/2008 | 22:52 GMT+7

Quán triệt nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) về tổ chức lực lượng và xây dựng căn cứ địa cách mạng chuẩn bị tiến hành cuộc khởi nghĩa vũ trang, lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến, tỉnh ủy Thanh Hóa và Ban cán sự Bắc Thanh Hóa quyết định chọn làng Ngọc Trạo làm điểm xây dựng căn cứ địa cách mạng của tỉnh.

Làng Ngọc Trạo khi ấy thuộc tổng Nhật Trạch, nằm ở phía bắc huyện Thạch Thành, cách phố Kim Tân (huyện lỵ Thạch Thành 15 km), là nơi được núi non bao bọc xung quanh, lại có các đường giao thông tới Kim Tân, phố Cát, Hà Trung, Vĩnh Lộc và Nho Quan (Ninh bình), Nam Định, Hòa Bình. Tuy nhiên, về lâu dài, Ngọc Trạo chưa phải là nơi có địa thế lý tưởng vì địch có thể lợi dụng các tuyến đường để cơ động lực lượng tiến công căn cứ. Ngoài ra, một số đồn binh của địch đóng ở Bỉm Sơn, Cẩm Thủy, Kim Tân đều cách Ngọc Trạo không xa.

Cuối tháng 6-1941, các đồng chí Đặng Châu Tuệ, Đặng Văn Hỷ và Trần Tiêu Quân họp bàn biện pháp xúc tiến xây dựng chiến khu Ngọc Trạo, mở rộng địa bàn quanh Ngọc Trạo, thành lập các đội tiếp tế, tự vệ và tổ chức đường dây liên lạc từ Ngọc Trạo đi Hà Trung, Nga Sơn, Nho Quan (Ninh Bình), Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Thiệu Hóa... Ngày 10-7-1941, Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định cử 11 cán bộ là những chiến sĩ đầu tiên của tỉnh, lên đường xây dựng chiến khu. Sau một thời gian tập kết lực lượng và chuẩn bị địa bàn, ngày 19-9-1941, tại Hang Treo, một địa điểm của căn cứ Ngọc Trạo, thay mặt Tỉnh ủy, Ban lãnh đạo chiến khu Ngọc Trạo quyết định thành lập Đội du kích Ngọc Trạo. Đội du kích gồm 21 chiến sĩ ưu tú, tiền thân của lực lượng vũ trang Thanh Hóa sau này. Đội du kích Ngọc Trạo được biên chế thành 3 tiểu đội: Tiểu đội cảm tử, Tiểu đội trinh sát, Tiểu đội súng và các bộ phận y tế, cứu thương, liên lạc. Đội có 11 khẩu súng, còn lại là vũ khí thô sơ, mã tấu, cung nỏ, gậy gộc. Trang bị của các chiến sĩ là quần áo màu nâu non, xà cạp xanh, túi dết vải. Mỗi chiến sĩ được cấp một gói lương khô làm từ cám trộn mật, đề phòng khi phải di chuyển xa dân. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn mọi mặt, dù nằm lán trại “mưa dầm, cơm vắt”, nhưng các chiến sĩ rất lạc quan, giữ vững quân kỷ và thực hiện bám đất, bám dân. Tiếng tăm về vùng căn cứ cách mạng lan dần khắp các huyện trong tỉnh. Nhiều thanh niên các làng, xã hăng hái tìm đường lên chiến khu tham gia Đội du kích. Đến cuối tháng 9-1941, quân số lên đến 80 đội viên.

Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10-1941, thực dân Pháp và phát xít Nhật thẳng cánh đàn áp phong trào cách mạng đang dâng cao trong cả nước. Chúng liên tiếp chém giết, bắt bớ tù đày những người Cộng sản nhằm tiêu diệt Đảng, tiêu trừ phong trào cách mạng của nhân dân ta. Khó khăn lớn nhất của chiến khu Ngọc Trạo lúc này là thiếu lương thực và hậu cần. Địch đã bắt đầu đánh hơi thấy hoạt động của ta, đồng thời chiến khu lại thiếu sự liên lạc, chỉ đạo thường xuyên của Xứ ủy nên bắt đầu bộc lộ những khiếm khuyết. Thời gian đầu, Đội du kích đóng ở Hang Treo, cách Ngọc Trạo hơn 10km, giáp giữa Thạch Thành và Hà Trung. Về sau, lực lượng phát triển đông, Ban lãnh đạo quyết định chuyển về Ma Màu, cách Ngọc Trạo chừng 3km. Song một thời gian ngắn sau đó, mưa lũ lớn kéo dài, lán trại sụp đổ, lương thực thiếu, đội viên đau ốm nhiều, Đội lại phải chuyển từ Ma Màu về làng Ngọc Trạo để tiếp tục huấn luyện và hoạt động.

Phát hiện thấy hoạt động vũ trang của chiến khu, tên tri huyện Sầm Văn Kim đã nhiều lần dẫn lính về làng Ngọc Trạo thăm dò, địch ở đồn binh Bỉm Sơn và Cẩm Thủy cũng thường xuyên lùng sục. Đầu tháng 10-1941, một số đội viên du kích về thị xã bắt liên lạc và làm nhiệm vụ bị sa vào tay giặc. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định tăng cường lực lượng cho Ngọc Trạo và lấy Đa Ngọc (thuộc huyện Yên Định) làm điểm tập kết chuyển quân lên chiến khu. Khoảng 100 chiến sĩ tự vệ các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa được triệu tập nhằm tăng cường cho chiến khu Ngọc Trạo. Tuy nhiên, nguồn tin bị lộ bí mật.

Ngày 7-10-1941, tên cố đạo người Pháp Đờ-la-ve biết được và báo ngay cho quân Pháp. Lập tức, quân Pháp ở Thanh Hóa tăng cường kiểm soát chặt chẽ vùng Đông Bắc tỉnh, chặn đường rút quân của ta và điều thêm quân về Đa Ngọc. Ngày 8-10-1941, địch kéo quân về nhà thờ Phúc Địa, gặp lực lượng tăng cường của ta. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch lập tức diễn ra. Phía ta, một đồng chí hy sinh, một bị thương, số còn lại tìm đường lên chiến khu, nhưng bị địch đuổi sát, 10 chiến sĩ bị chúng bắt.

Ngày 18-10-1941, địch huy động 500 quân (chủ yếu là ngụy) dưới sự chỉ huy của Chánh mật thám khét tiếng Phơ-lơ-tô, cùng với tên đồn trưởng Bỉm Sơn Đuy–mô-ra và thanh tra mật thám Trung Kỳ Rốt-xơ, tiến đánh chiến khu. Đồng thời, địch sử dụng đông đảo lực lượng tuần đinh tham gia hành quân càn quét. Chúng đánh thẳng vào trung tâm chiến khu, quân ta người ít, vũ khí thiếu thốn, thô sơ nhưng đã anh dũng chiến đấu đánh trả địch với một tinh thần dũng cảm, ngoan cường. Trước so sánh lực lượng chênh lệch, đêm 19-10-1941, theo lệnh của lãnh đạo chiến khu, Ban lãnh đạo cùng Đội du kích rút lui về Cẩm Đào, Xuân Áng. Sau một thời gian được nhân dân che chở, giúp đỡ, Đội đã củng cố lại lực lượng và được lệnh phân tán về các địa phương tiếp tục hoạt động

Đội du kích Ngọc Trạo là đội du kích thoát ly đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, tiền thân của lực lượng vũ trang Thanh Hóa sau này. Nhiều chiến sĩ của Đội sau đó trở thành những cán bộ, chiến sĩ nòng cốt của các huyện và làm nòng cốt trong đội quân đi giành chính quyền trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, giành chính quyền về tay nhân dân.

Hà Thành

Gõ tiếng việt: Off Telex