QC Shop

Về giá trị đương đại của Nho giáo Việt Nam

Vũ Khiêu(*)

Nguồn: Tap chí Triết học, số 8 (219), tháng 8 - 2009

So sánh với việc một số nước Đông Á đã vận dụng thành công những mặt tích cực của Nho giáo vào xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, bài viết phân tích một cách ngắn gọn nhưng súc tích những giá trị đương đại của Nho giáo mà Việt Nam cần khai thác một cách hợp lý trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đó là vấn đề mối quan hệ giữa Nho giáo và kinh tế, vấn đề tu dưỡng đạo đức, vấn đề tư tưởng Nho giáo về quản lý đất nước, vấn đề kết hợp giữa đạo đức và pháp luật,… Cuối cùng, bài viết khẳng định, nếu không đặt vấn đề nghiên cứu Nho giáo một cách nghiêm túc thì sẽ là cơ hội cho sự phục hồi những nhân tố tiêu cực của Nho giáo.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nho giáo ra đời tại Trung Quốc và, trong hàng ngàn năm lịch sử, có những ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ đời sống xã hội của đất nước này. Khổng Tử - người sáng lập Nho giáo- được đánh giá khác nhau qua các thời đại. Học thuyết của ông trải qua nhiều thăng trầm và chịu nhiều biến đổi, có lúc được ngợi ca hết lời, có lúc lại bị mạt sát thậm tệ.

Gần đây, trên cơ sở những thành tựu lớn về mọi mặt kinh tế - xã hội, Trung Quốc đã đặt lại vấn đề Nho giáo và đánh giá lại Khổng Tử trên cơ sở khách quan và khoa học. Việc nghiên cứu về Khổng Tử đã diễn ra liên tục và dồn dập qua các cuộc hội thảo, nghiên cứu và học tập tại các trường đại học, qua các sách báo về Nho giáo được xuất bản ngày một nhiều. Đặc biệt, từ khi Hội Nho học quốc tế được thành lập, việc nghiên cứu Nho giáo không chỉ diễn ra ở Trung Quốc, mà còn trở thành một trong những vấn đề học thuật chủ yếu ở các nước Đông Á và trên toàn thế giới.

Một số nước Đông Á đã có sự phát triển nhanh chóng về các mặt kinh tế, xã hội và khoa học, kỹ thuật. Nhiều nhà sử học và xã hội học đã cho rằng, chính Nho giáo là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của những nước ấy.

Ở Việt Nam, Nho giáo đã từng bao đời là hệ tư tưởng thống trị trong kiến trúc thượng tầng của xã hội. Nho giáo đã từng giúp cho giới cầm quyền Việt Nam từ thế kỷ thứ X xây dựng một hệ thống hành chính và quản lý xã hội bao gồm những người trí thức được đào tạo công phu về kiến thức, về cách ứng xử xã hội, về phẩm chất kẻ làm quan. Sau Cách mạng tháng Tám, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã sử dụng rất nhiều danh ngôn của Khổng Mạnh trong không ít bài nói và viết của mình.

Trải qua hai cuộc kháng chiến gian khổ, Việt Nam đi vào thời kỳ xây dựng kinh tế, xã hội và văn hóa với muôn vàn khó khăn, trong một hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn, vất vả. Nền kinh tế thị trường và chính sách đổi mới đúng đắn của Đảng ta đã đem lại những kết quả đáng mừng. Nhưng, nhiều hiện tượng tiêu cực lại đã nảy sinh trong đời sống xã hội, trong mọi quan hệ hàng ngày. Nhiều tiêu chuẩn tối thiểu của đạo đức đã bị một số tầng lớp xã hội coi thường. Thái độ và hành vi đối xử với cha mẹ, cũng như quan hệ giữa vợ chồng, con cái, anh em đang diễn ra khá tùy tiện và nhiều lúc rất đáng chê trách. Phải chăng đạo đức Nho giáo có những điều tốt đẹp mà xã hội ta đã không giữ lại?

Trách nhiệm đặt ra cho thời đại chúng ta là, trên cơ sở khoa học, một mặt, nhìn lại những hạn chế của Khổng Tử và học thuyết Nho giáo do ông sáng lập; mặt khác, khẳng định những giá trị tinh thần mà ông và học thuyết của ông đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam nói riêng, cho các nước Đông Á nói chung, thậm chí cho cả nhân loại.

1. Vấn đề khai thác và vận dụng Nho giáo trong xã hội Việt Nam ngày nay

Đã từ lâu, Việt Nam và nhiều nước Đông Á chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của Nho giáo. Nếu các nước láng giềng Đông Á đã khai thác được những nhân tố tích cực của Nho giáo, thì không có lý do gì Việt Nam lại không làm được điều ấy. Bởi vì, Việt Nam và các nước ấy có những điểm tương đồng về kinh tế, chính trị và văn hóa. Song, do trên các lĩnh vực này ở các nước cũng có nhiều điểm khác nhau, nên tất yếu có những ứng xử khác nhau đối với Nho giáo.

Nhà cầm quyền ở các nước Đông Á đã biết khai thác học thuyết Nho giáo nhằm củng cố trật tự gia đình và xã hội. Họ đã đạo đức hóa những quan hệ cố hữu giữa thống trị và bị trị, giữa chủ đất và nông dân, giữa xí nghiệp và công nhân. Quá trình nghiên cứu cho thấy rằng, giai cấp tư sản ở những nước nói trên đã khai thác Nho giáo một cách thông minh, có bài bản.

Còn ở Việt Nam, những mối quan hệ xã hội nói trên đã được thay thế bằng mối quan hệ bình đẳng và làm chủ của nhân dân. Bài học rút ra ở đây là, không phải bất cứ truyền thống nào, bất cứ di sản văn hóa nào cũng được đánh giá như nhau và xử lý như nhau ở những hoàn cảnh khác nhau và tầng lớp khác nhau.

2. Vấn đề giải quyết một cách hợp lý mối quan hệ giữa Nho giáo và kinh tế

Trải qua hàng chục thế kỷ, những nhà Nho bảo thủ thường trích dẫn những lời nói của Khổng Mạnh để biện minh cho những chính sách bảo thủ về mặt kinh tế.

Việc Nho giáo đề cao nông nghiệp đi đôi với hạ thấp công nghiệp và thương nghiệp đã có tác động tiêu cực không nhỏ tới sự kéo dài tình trạng trì trệ trong kinh tế ở Việt Nam và nhiều nước phương Đông. Ngày nay, trong quá trình phát triển đất nước, những nước này đã phải xóa bỏ sự ràng buộc của Nho giáo, như tư tưởng coi thường lợi ích vật chất, khinh rẻ kỹ thuật và mạt sát công, thương nghiệp như đã nói ở trên.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đều dựa vào những quan điểm hợp lý trong Nho giáo để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, vừa khuyến khích vật chất, vừa cổ vũ tinh thần, gắn lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, thống nhất nghĩa lợi, kết hợp sự tu dưỡng đạo đức với việc tính toán làm giàu. Các nước đó đều cố gắng khai thác Nho giáo ở mặt khuyến khích làm giàu chính đáng và nhắc đến câu của Khổng Tử: “nước vô đạo mà anh trở nên giàu có là một điều đáng xấu hổ, nhưng nước có đạo mà anh lại không làm giàu được cũng là một điều đáng xấu hổ”.

Việt Nam chúng ta cũng cần phải xuất phát từ tình hình cụ thể của đất nước để vận dụng những tư tưởng tích cực như trên của Nho giáo. Chúng ta phải cổ vũ mọi người làm giàu cho mình và cho đất nước. Song, không được làm giàu một cách phi pháp và bất nghĩa, cũng không được đưa những khẩu hiệu đạo đức xuông ra để cản trở công việc làm giàu chính đáng.

3. Vấn đề tu dưỡng đạo đức ở Nho giáo

Nho giáo là một học thuyết xã hội và đạo đức, vấn đề tu thân được đặt lên hàng đầu: “Từ Thiên tử ở địa vị cao nhất cho đến người dân bình thường đều phải lấy việc tu thân làm gốc”. Những nước được mệnh danh là “con rồng châu Á” đã có những kinh nghiệm rất đáng quý trong việc khai thác Nho giáo nhằm bảo đảm ổn định chính trị và xã hội, nhất là trong thời kỳ chuyển biến mạnh mẽ của đất nước. Các nước nói trên đã không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân mỗi người trong việc tu thân, mà còn quy định trách nhiệm cụ thể của gia đình, trường học, xã hội, nhà nước đối với việc này.

Đối với Việt Nam, tu dưỡng đạo đức là một vấn đề vô cùng quan trọng, như Hồ Chủ tịch đã luôn nhắc nhở nhân dân ta. Tuy nhiên, Việt Nam có những điểm khác với các nước nói trên và do đó, sự khai thác Nho giáo cũng có nhiều điểm khác.

Việt Nam đã trải qua cuộc Cách mạng tháng Tám, một cuộc cách mạng từ dưới lên. Cuộc cách mạng này đã lật đổ chính quyền của thực dân và phong kiến. Nó trả lại cho nhân dân địa vị làm chủ đất nước, lên án sự áp bức bóc lột, khẳng định sự bình đẳng nam nữ, bước đầu thực hiện sự công bằng xã hội. Trong tình hình nói trên, Nho giáo có nhiều điểm không phù hợp với những quan hệ mới trong xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điểm chúng ta có thể tiếp thu được ở tư tưởng Nho giáo, như vấn đề đặt nhiệm vụ tu thân lên hàng đầu, huy động mọi lực lượng gia đình, xã hội và cá nhân để đẩy mạnh việc tu thân. Tất nhiên, đây không phải là tu thân theo kiểu đạo đức nhằm phục vụ cho vua chúa phong kiến, mà là tu thân với tinh thần đạo đức mới, phục vụ cho nhân dân lao động trong sự nghiệp hôm nay.

4. Vấn đề khai thác những quan điểm Nho giáo trong quan hệ gia đình

Ở những nước Đông Á theo Nho giáo, chúng ta thấy, gia đình có những đóng góp lớn đối với quá trình phát triển của đất nước. Gia đình đào tạo ra những người mà xã hội đang đòi hỏi. Gia đình nuôi dưỡng một cuộc sống tình cảm giữa các thành viên với nhau và giữa gia đình với xã hội. Các nước nói trên đã giữ lại mối quan hệ mang tính Nho giáo với tôn ti trật tự cổ truyền trong gia đình để ràng buộc con người vào trật tự xã hội, tạo nên mối quan hệ có tính chất gia đình kiểu Nho giáo giữa nhà nước và công dân, giữa chủ và thợ.

Ở Việt Nam, Cách mạng tháng Tám đã phá tung mọi xiềng xích bất bình đẳng trong gia đình, trong đó có những di hại của Nho giáo. Việt Nam đấu tranh cho sự bình đẳng giữa vợ chồng, quan hệ dân chủ giữa mọi thành viên, đặt sự nghiệp Tổ quốc lên trên lợi ích gia đình. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã coi nhẹ và gạt bỏ nhiều quan điểm hợp lý của Nho giáo trong gia đình Việt Nam.

Hiện nay, nhiều quan hệ và sinh hoạt kiểu gia đình cũ đã không được quan tâm trong thời kỳ kháng chiến căng thẳng đang được khôi phục lại. Mọi người quan tâm hơn tới việc thờ cúng tổ tiên, chăm nom mồ mả, sửa sang nhà thờ họ, tìm lại gia phả, nhận lại anh em họ hàng gần xa. Tình hình này có xu hướng củng cố thêm quan hệ gia đình, tạo điều kiện, khuyến khích mọi người phát huy nhân tố tích cực của gia đình trong lao động, học tập và sự nghiệp dân giàu, nước mạnh. Mặt khác, chúng ta cũng cần ngăn chặn tư tưởng gia đình chủ nghĩa, thái độ họ hàng bao che cho nhau, tạo nên tính chất bè phái giữa các dòng họ trong một xã, giữa lợi ích xã hội và lợi ích gia đình trong phạm vi cả nước. Một quan điểm đúng đắn về vấn đề gia đình hôm nay sẽ vừa đáp ứng nhu cầu đổi mới của đất nước, vừa khai thác những truyền thống tốt đẹp của gia đình cũ, trong đó có những nhân tố tích cực của Nho giáo.

5. Vấn đề khai thác tư tưởng Nho giáo về quản lý đất nước

Hiện nay, nhiều nước đang chủ động khai thác Nho giáo trong sự nghiệp phát triển của mình, chú trọng những điều tích cực của Nho giáo trong quản lý đất nước.

Trước hết, đó là xây dựng một bộ máy nhà nước đầy trí tuệ, đặc biệt là thực hiện việc coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Người quân tử (hay kẻ sĩ), những tầng lớp ưu tú trong xã hội, những người tham gia quản lý đất nước, trước hết phải là những người có học và học giỏi, nhất thiết phải là người có đạo đức. Đó là điều kiện đầu tiên để cho dân yêu, dân tin, dân phục. Nho giáo coi những người làm quan mà hà hiếp dân và tham nhũng là những người độc ác. Nhân dân đói rét chính là tội của nhà cầm quyền.

Về việc cai trị nhân dân, Nho giáo nặng về đức trị, nghĩa là bằng đạo đức, bằng nhân nghĩa, bằng lễ giáo. Tư tưởng này của Nho giáo có tính chất không tưởng và dễ bị xuyên tạc. Không như những lời tuyên bố tốt đẹp “coi dân như con”, giới cầm quyền trước đây thường xử dân, phạt dân dựa vào những tiêu chuẩn đạo đức được hiểu một cách tùy tiện hơn là dựa vào những luật lệ đã thành văn. Vì lẽ trên mà trước đây, ở những nước theo Nho giáo, giới cầm quyền thường xuất phát từ quyền lợi của tập đoàn, giai cấp mình để xử lý những việc chẳng ra pháp trị, mà cũng chẳng ra đức trị.

Vấn đề đặt ra hôm nay cho chúng ta là. cần phải có sự kết hợp giữa đạo đứcpháp luật nhằm xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩamột nền đạo đức mới. Sự kết hợp đạo đứcpháp luật sẽ vừa thúc đẩy sự nghiệp đổi mới hôm nay, vừa xây dựng những con người kiểu mới cho xã hội ngày mai.

6. Về mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội (ngũ luân), về những phẩm chất cơ bản của con người (ngũ thường)

Nho giáo đòi hỏi con người trước hết phải có những quan hệ cơ bản trong các quan hệ xã hội. Trước hết là 5 mối quan hệ được gọi là ngũ luân: vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bè bạn. Hiện nay, những nhu cầu về quyền tự do của cá nhân, về đời sống riêng tư, về ý thức dân chủ của con người đang trở thành những vấn đề mà các nước theo Nho giáo cần vượt qua quan hệ ngũ luân để giải quyết.

Ở Việt Nam, sự nghiệp cách mạng đã đưa con người vượt ra khỏi phạm vi của gia đình để cùng lo lắng đến công việc của Tổ quốc với những tình cảm rộng lớn đối với cả nhân loại bị áp bức. Nhưng, con người vẫn là mục tiêu cuối cùng của mọi hoạt động xã hội, của mọi tập thể, cũng như của mỗi cá nhân. Quan hệ giữa người và người ở Việt Nam không thể chỉ giới hạn trong ngũ luân, mà đó còn là mối quan hệ biện chứng giữa cá nhânxã hội.

Ngũ thường trong Nho giáo bao gồm 5 đức hạnh nhằm phục vụ cho 5 mối quan hệ là ngũ luân.

Thay cho ngũ thường của Nho giáo là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, Hồ Chí Minh nêu lên “ngũ thường” của nhân dân ta là: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Theo Hồ Chí Minh, không cần thiết phải nêu lên hai chữ lễ, nghĩa, bởi chúng đã được bao hàm trong khái niệm nhân. Người thêm vào hai chữ dũngliêm. Dũng là chiến đấu quên mình để chống thiên tai, địch họa. Liêm là triệt để chống tham nhũng, đồng cam cộng khổ với nhân dân.

Tóm lại, Nho giáo đã từng đóng một vai trò to lớn trong lịch sử Việt Nam và đến nay, nó vẫn còn tiếp tục có tác dụng trong xã hội. Do đó, nếu không đặt vấn đề nghiên cứu Nho giáo một cách nghiêm túc thì chúng ta sẽ buông trôi cho sự phục hồi những nhân tố tiêu cực của Nho giáo, đồng thời cũng sẽ lãng phí những nhân tố tích cực mà Nho giáo còn có thể đóng góp vào sự nghiệp của đất nước ta hôm nay.

Chúng ta cần học tập thái độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc vừa khai thác những nhân tố hợp lý của Nho giáo, vừa gạt bỏ những nét tiêu cực của nó. Ở chỗ, Người đã nhanh chóng cải biến nhiều khái niệm của Nho giáo để những khái niệm ấy chứa đựng một nội dung mới trong hình thức cũ. Trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, chúng ta cần xác định những quan điểm lý luận đúng đắn nhằm xây dựng một nền đạo đức mới trong gia đình và xã hội, xây dựng những phương hướng tu dưỡng cá nhân trên cơ sở phát huy và đổi mới truyền thống dân tộc, trong đó có những nhân tố tích cực của Nho giáo.

 

(*) Giáo sư, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Đã xem: 2251
Thời gian đăng: Thứ ba - 07/03/2017 03:15
Người đăng: Phạm Quang Duy


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Bài được quan tâm

Bài mới nhất