Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Khánh Nguyễn-Thứ tư, ngày 12/04/2017 18:27 GMT+7

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể giải đáp một số thắc mắc về bản dự thảo.

VTV.vn - Theo dự thảo, hệ thống các môn học của chương trình GDPT mới được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn, môn học tự chọn bắt buộc.

Chiều 12/4, Bộ GD&ĐT đã tổ chức công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến dư luận. Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục với các nội dung cụ thể về kế hoạch dạy học, hệ thống môn học, đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới đánh giá kết quả giáo dục, điều kiện thực hiện chương trình và phát triển chương trình giáo dục phổ thông.

Phát biểu tại buổi công bố dự thảo, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, ban xây dựng chương trình đã áp dụng 2 phương pháp là Sơ đồ ngược và Đánh giá tác động của chính sách.

Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết giới thiệu về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Nội dung chính của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hướng đến xây dựng "Chân dung" người học sinh mới. Theo đó, dự thảo chương trình nêu lên 6 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm. Đồng thời, hướng học sinh đạt được 10 năng lực cốt lõi; bao gồm: Những năng lực chung được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo) và Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học, hoạt động giáo dục nhất định (năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất).

Về hệ thống môn học, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, chương trình mới chủ trương thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT. Hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.

- Môn học bắt buộc: là môn học mà mọi học sinh đều phải học.

- Môn học bắt buộc có phân hóa: là môn học mà nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần (môđun), trong đó một số chủ đề hoặc học phần là bắt buộc đối với tất cả học sinh, một số chủ đề hoặc học phần được tự chọn tùy theo nguyện vọng của học sinh và điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục.

- Môn học tự chọn: là môn học không bắt buộc, được học sinh tự nguyện lựa chọn, phù hợp với nguyện vọng, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

- Môn học tự chọn bắt buộc: là môn học mà học sinh bắt buộc phải lựa chọn trong số các môn học định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, lớp 12 theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông.

Các môn học ở tiểu học:

Các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ.

Các môn học bắt buộc có phân hóa: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, ở cấp tiểu học còn có hoạt động Tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên).

Các môn học ở trung học cơ sở

Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Ảnh 3.

Các môn học ở trung học phổ thông

Đối với lớp 10, dự thảo chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp.

Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Đối với lớp 11 và lớp 12, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Các môn học tự chọn bắt buộc: Học sinh chọn 3 môn và 1 chuyên đề học tập trong số các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập.

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Dự kiến, sau khi lấy ý kiến rộng rãi từ dư luận, vào tháng 9 tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành kèm chương trình bộ môn. Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, bậc phổ thông sẽ áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Với thời hạn hơn 1 năm nữa, các công việc đang được gấp rút thực hiện.

Nhiều điểm mới ở bậc THPT trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Nhiều điểm mới ở bậc THPT trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

VTV.vn - Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sắp được công bố vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4/2017, bậc THPT sẽ có thay đổi lớn nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước