Xin ý kiến chức sắc, chức việc các tỉnh thành phía Bắc về hai dự thảo Nghị định liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo
Mục sư Đặng Kim Tuyến, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam phát biểu
Ngày 28/7/2022, Hội thảo xin ý kiến chức sắc, chức việc các tỉnh, thành phía Bắc đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đã diễn ra tại Trụ sở Ban Tôn giáo Chính phủ.

Tham dự Hội thảo có gần 50 đại biểu chức sắc, chức việc đại diện các tổ chức tôn giáo của Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài tại khu vực phía Bắc.

Hội thảo do ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban soạn thảo dự thảo hai Nghị định và ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ Biên tập dự thảo hai Nghị định chủ trì.

Tại Hội thảo, hơn 20 ý kiến của đại biểu các tôn giáo đã được trình bày. Chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo bày tỏ đồng tình với chủ trương sửa đổi Nghị định 162 và thẳng thắn nêu ra những băn khoăn, trăn trở liên quan đến sinh hoạt tôn giáo và hoạt động của các tổ chức tôn giáo được điều chỉnh tại dự thảo hai Nghị định.

Theo TS. Phạm Huy Thông, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 162 là phù hợp và thể hiện sự đáp ứng ngày càng thông thoáng và đầy đủ hơn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân, tạo điều kiện rộng mở cho các tổ chức tôn giáo tham gia đóng góp xây dựng và phát triển đất nước.

Mục sư Đặng Kim Tuyến đại diện Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam cho biết, Hội thánh của ông là tổ chức đầu tiên được Ban Tôn giáo Chính phủ cấp Giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162 có hiệu lực thi hành. Đối với ông và các cộng sự thuộc Hội thánh, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thực sự tạo hành lang thuận lợi cho các hoạt động của tổ chức tôn giáo, kể cả trong những thời điểm khó khăn của đại dịch Covid-19 hai năm vừa qua.

Linh mục Vũ Văn Khương, Giáo phận Hải Phòng nêu ý kiến, do đặc thù tổ chức, giáo lý, giáo luật của từng tôn giáo, một số quy định trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 162 liệu có nên áp dụng đồng nhất giữa các tôn giáo hay không, vì thực tế khó triển khai cho cả người thi hành và tổ chức tôn giáo.

Linh mục Vũ Văn Khương, Giáo phận Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo

Giáo sư Thượng Mai Thanh đến từ Ban Cai quản Họ đạo Cao Đài Thủ đô thuộc Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo, băn khoăn về quy định đình chỉ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; quy định về hoạt động tôn giáo bằng hình thức trực tuyến. Mặc dù vậy, Giáo sư cũng cho hay, trên cơ sở Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích các hình thức sinh hoạt tôn giáo trực tuyến trong thời gian qua do ảnh hưởng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, thì quy định của pháp luật là cần thiết để kịp thời điều chỉnh hành vi của tổ chức và cá nhân tôn giáo, cũng như có chế tài xử lý nếu có vi phạm xảy ra.

Giáo sư Thượng Mai Thanh, Ban Cai quản Họ đạo Cao Đài Thủ đô

Thượng tọa Thích Tâm Thiệu, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định bày tỏ sự quan tâm về các quy định liên quan đến thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, vì trên thực tế còn thiếu sự đồng bộ trong nhận thức và triển khai tại các địa phương. Thượng tọa cũng nêu những vướng mắc khi đối chiếu các quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162 với thực tiễn hoạt động quyên góp và sử dụng tiền quyên góp của tổ chức tôn giáo.

Thượng tọa Thích Tâm Thiệu, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định

Bên cạnh đó, tại Hội thảo, các chức sắc, chức việc cũng thảo luận sôi nổi về dự thảo quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tôn giáo, nhất là các hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền phạt. Các đại biểu cho rằng, đối với dự thảo Nghị định về xử phạt, điều quan trọng là cần xác định rõ các khái niệm liên quan, giải thích từ ngữ, phân loại hành vi vi phạm thì mới có căn cứ để triển khai đúng người, đúng việc trong thực tiễn.

Trong phát biểu của mình, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng khẳng định, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 162 nhằm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm quy định chi tiết, đầy đủ, cụ thể và khả thi các điều khoản của Luật tín ngưỡng, tôn giáo để thi hành có hiệu quả trong thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Bộ Nội vụ tái khẳng định, việc ban hành một nghị định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nhằm khuyến cáo, cảnh báo để mọi tổ chức, cá nhân khi thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo biết tôn trọng pháp luật, biết giới hạn để không vi phạm, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo hoàn toàn không nhằm mục đích tìm cách thu tiền phạt của tổ chức, cá nhân tôn giáo./.

 

Hữu Hưng