You are here: Home / Lịch sử Giáo xứ / Lược Sử Thành Lập Làng Trà Cổ

Lược Sử Thành Lập Làng Trà Cổ

March 12, 2010 | 0 comments

TC

I. Nhóm di dân đầu tiên đến đảo :
- Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, đất Hải Ninh xưa, dưới thời nội thuộc nước Trung Hoa, được là là Tương Quận, dân cư thưa thớt, rừng rậm, thú dữ nhiều. Lúc bây giờ, có lẽ đảo Trà Cổ chưa có người ở.
- Về sau này, dân chúng ở đảo Trà Cổ là một sự kết hợp pha chủng của nhiều loại người Việt Nam và cả người Trung Hoa.
- Theo truyền thuyết xưa về sự thành lập làng, đầu tiên có khoảng 20 người Đồ sơn ra đảo Trà Cổ đánh cá. Lúc đó, đảo toàn là cây rừng âm u, lắm dã thú, trong đó có cả cọp. Nhóm người này đã chặt cây làm lều ở tạm. Vì thời đó không có người đánh bắt, nên các thứ cá và các loài hải sản quần tụ ở quanh đảo Trà Cổ rất nhiều; tiếng dịa phương gọi là “dày cá”. Sau một thời gian đánh bắt, có một số người trở lại cố hương Đồ Sơn, còn lại 10 người định cư hẳn tại đảo Trà Cổ. Nơi định cư là khu vực thôn Nam Thọ ngày nay.
- Số người đến ban đầu và số người ở lại ấy đã được người xưa ghi vào trong 2 chữ nho “Trà Cổ”.
茶 古
- Ngày nay, dùng cách chiết tự, chúng ta có thể thấy được ý nghĩa của sự gửi gấm này. Chữ Trà 茶 gồm có chữ trấp nghĩa là 20 ; chữ 人 : nhân là người ; chữ 木 mộc là cây cối.
Như vậy, qua chữ Trà, chúng ta đã biết ban đầu có 20 người đến ở một vùng có nhiều cây cối.
Chữ Cổ古gồm có chữ 十 : thập là 10, và chữ 口: khẩu là miệng. Qua chữ Cổ, chúng ta biết về sau chỉ còn 10 miệng ăn ở lại.
- Tại nơi định cư ấy dần dần đông người lên, và người ta đã dựng một cái đình làm kỷ niệm., bây giờ là đình Nam Thọ. Theo các chuyên viên khảo cổ Hà Nội, đình này đã được hoàn thành từ đời Hậu Lê, khoảng thế kỷ 16, cho tới nay đã được 400 năm.
- Nhóm người Đồ Sơn ra vùng Hải Ninh đánh cá không những định cư ở đảo Trà Cổ mà còn định cư ở một số nơi như An Lang, Trúc Sơn bên Trung Hoa (dưới thời Nguyễn, vùng đất ấy vẫn còn thuộc Việt Nam)
- Với thời gian, dân số gia tăng, người ta đã phát triển lên phía thôn Đông Thịnh, Tràng Lộ, Tràng Sa và Sa Vĩ. Ngay ở thôn Tràng Lộ nhưngx naưm trước naưm 1954, người ta còn dùng những từ như “Đi lên gót” tức là đi lên Tràng Vĩ (Gót là gót chân : chỉ thị phía cuối). “Về đàng làng” tức là về Nam Thọ, chỗ định cư ban đầu.
- Người ta còn dùng từ “đi quê” hoặc “về quê” để chỉ thị đi về vùng Trung du Bắc Việt. Điều đó chứng tỏ rằng quê gốc của người Trà Cổ là những vùng Đồ Sơn, Kiến An, Hải Dương…
- Bây giờ nếu đối chiếu cách phát âm của người Đồ Sơn, Xiêm Bồ và cách phát âm của người Trà Cổ, chúng ta thấy có những giọng, những âm sắc tương tự.
- Giả thuyết cho rằng dân Trà Cổ về sau có nhiều giống người hội tụ lại rất hợp lý, bởi vì người Trung Hoa lân cận đã gọi Trà Cổ là “Vạn Xị”, nghĩa là “Vạn Tụ” (Vạn là làng chài lưới, Tụ là kết hợp lại.)
- Các cụ đã từng truyền lại câu ca dao :
“Trà Cổ vui lắm ai ơi
Có sông tắm mát, có nơi đậu thuyền.”
Đây cũng là lý do để thu hút nhiều người đến Trà Cổ để định cư, cưới vợ hoặc lấy chồng.

II. Các đợt di dân tiếp theo :
- Đảo Trà Cổ sau khi được nhóm di dân đầu tiên khai thác, phá rừng, mở đất, trồng trọt đã đón nhận nhiều nhóm di dân khác. Theo truyền thuyết của các ông già bà cả kể lại, các nhóm này đến đây có thể vì các lý do sau đây :
+ Chính trị : vì tham gia chính trị, chống lại chính quyền, bị tầm nã, nên đã chạy ra đây tị nạn.
+ Tôn giáo : ở các tỉnh miền Trung, triều Nguyễn có lệnh bắt đạo, nên một số người đã chạy ra Trà Cổ, tránh bị vây bắt và được tự do giữ đạo.
+ Kinh tế : làm ăn thất bại tại quê nhà, ra đây kiếm một nghề mới để làm lại cuộc đời.
+ Thời loạn : vì các miền trung du bị loạn lạc liên miên, nên đã có một số người ra đây để được an thân.
- Cuối cùng có một cuộc di dân khá lớn từ bên An Lang sang , sau khi đất An Lang bị người Pháp trao đổi cho Trung Hoa để lấy tô giới. Vì lý do này , một số lượng lớn dân Việt đã từ An Lang và sang Trà Cổ qua ngã eo biển (sát núi Tổ chim), đổ bộ lên bìa khu rừng trâm, thành lập nên một xóm có tên là xóm Trại, chuyên sống về nghề đánh câu và đi nạo (nạo vạng, nạo sò…)
- Bây giờ trung nguyên ra, tuy cũng là người Trà Cổ, nhưng có người gốc ở Đồ Sơn, ở Kiến An, Hải Dương, Xá Thị, An Lang ..thậm chí có cả ở Nghệ An.

III. Những điểm tương đồng đặc biệt
- Khi xét về những đặc điểm thiên nhiên và ngôn ngữ Trà Cổ, chúng ta thấy có 2 điều rất lạ :
+ Ở Trà Cổ có cây xốp, và ở bờ biển Côn Sơn (đầu nước và cuối nước Việt Nam) cũng có cây xốp mọc. Xốp là một loại cây thân và lá tương tự như cây hoa đại (bông sứ), có từng chùm quả lớn (3-4 quả), tương tự quả bơ .Những nơi khác như bờ biển Đà Nẵng, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu.. tuy cũng có bờ cát trắng nhưng lại không có loại cây này mọc.
+ Ngôn ngữ Trà Cổ có nhiều tiếng nói giống tiếng Nam Bộ. Ví dụ :
• Cái xuồng ( cái ghe nhỏ)
• Dây dướng ( dây kẽm để phơi quần áo)
• Đeo giày dép ( thay vì nói đi giày dép)
• Đâm cua, đâm gạo (thay vì nói giã cua, giã gạo)
- Đặc biệt hơn nữa, ở Trà Cổ có tiếng “bù-đa”, nghĩa là người mai mối, trong bài vè:
“ Mấy khi đám cưới đến đây
Em là trẻ bé giăng dây lấy tiền
Có tiền thì cơi dây ra
Không tiền cứ nẻo bù – đa mà về.”
- Theo một chuyên gia về ngôn ngữ học ở Hà Nội ra Trà Cổ nghỉ mát, ông đã tốn nhiều công tra cứu mới tìm ra từ “bù – đa” là tiếng Mã Lai. Vậy giữa dân trà Cổ và dân Nam Bộ, dân Mã Lai có liên hệ gì không? Có nhóm ngừoi Nam Bộ hoặc Mã Lai nào đã di cư đến Trà Cổ chăng?
Đó là đề tài tìm hiểu thú vị cho các con cháu Trà Cổ sau này có năng khiếu thích nghiên cứu về sử học và ngôn ngữ học.

Nguồn: Tư liệu
Ảnh:NMD

Leave a Comment

Previous post:

Next post: