Lý xuân hỷ với... "miêu tẩy diện"

QĐND - 

Ly xuan hy voi... 'mieu tay dien'

QĐND - An Nhơn không chỉ tự hào bởi trầm tích văn hóa thẳm sâu với những bóng dáng kinh thành và cổ tháp trầm mặc. Đây còn là một trong những trung tâm võ học của miền đất võ Bình Định. Nơi đây đã sản sinh, nuôi dưỡng và quy tụ bao anh hùng hào kiệt và võ sư nổi tiếng. Nơi đào tạo và dưỡng nuôi bao võ sĩ trứ danh, từng đem vinh quang về cho miền đất võ.

Không phải ngẫu nhiên mà đất An Nhơn được triều đình Nhà Nguyễn, thời vua Tự Đức chọn mở Trường thi Bình Định tại làng Hòa Nghi - Nhơn Hòa (1852 - 1915), rồi Trường thi võ ở làng An Thành - Nhơn Lộc (1867 - 1884), để thành một trong những trung tâm tuyển chọn nhân tài văn thần, võ tướng cho cả nước.

Dù phải tự bươn chải, mưu sinh như nhiều võ đường nghiệp dư khác ở An Nhơn, nhưng võ đường Lý Xuân Hỷ (Đập Đá) vẫn không bị mai một, luôn âm thầm duy trì đào tạo nhiều thế hệ môn sinh là vệ tinh cung cấp nhiều môn sinh cho võ Bình Định. Và trong suốt thời gian qua, nhiều lần có dịp tâm sự, tận mắt được thưởng ngoạn các chiêu thức cũng như ứng quyền, tôi càng phục ông vì những thế quyền nhanh như chớp…

Tôi muốn gọi ông là võ sư “mèo” bởi gia phái họ Lý của ông ngoài thế mạnh là hai môn roi và quyền thì còn có một tuyệt kỹ công phu nữa là bài quyền “Miêu tẩy diện” (mèo rửa mặt) nổi tiếng khắp làng võ Bình Định. Bài quyền ấy được ông nội ông mô phỏng theo thế đánh linh hoạt của loài mèo. Võ sư “mèo” ấy chính là lão võ sư Lý Xuân Hỷ-Phó chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Bình Định, ở thôn Tây Phương Danh, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn-Bình Định…

Mới bước vào tuổi 71 nhưng ông được xếp vào hàng “lão” võ sư. Phải nói rằng ông có một thành tích thật đáng nể về môn võ tự do. Trong khoảng gần 300 lần thượng đài từ Nam chí Bắc, từ thuở thanh niên 18 tuổi cho đến năm 35 tuổi, ông chỉ thua một lần. Thành tích thắng như chẻ tre của ông khiến nhiều lần một người chỉ cân nặng 55kg như ông được đặc cách “chiến đấu” với những võ sĩ có hạng cân nặng hơn, từ 65 đến 70kg và ông vẫn luôn là người chiến thắng.

Trận đánh giao hữu năm 1970 tại Gia Lai, lần đầu tiên trong đời ông bị thua. Trận đó, ông đánh với Lê Thanh Tịnh, cùng tuổi, cùng hạng cân 55kg, người Sài Gòn. Và một trận cách đây 8 năm (tức là năm ông tròn 62 tuổi) với một võ sư người I-ta-li-a, 42 tuổi, nặng 120kg, có ba năm học võ Tàu đến gặp ông để phân tài cao thấp. “Người đó đá rất hay. Tôi không phản công mà chỉ né. Những người đứng ngoài xem nói ông Tây đá hay quá, còn ông Hỷ thì né cũng lẹ quá”- ông Hỷ kể. “Tới chừng ông ta đá ngang mặt tôi, tôi đá tiếp một đòn phá chân trụ làm đối thủ ngã chúi xuống đất và… knock out luôn”.

Như để giúp tôi thỏa mãn cơn “ghiền” võ, ông dẫn tôi ra sau vườn biểu diễn tuyệt chiêu “Miêu tẩy diện”. “ Nếu không ngại đường xa thì thứ bảy, chủ nhật lên đây, tui dạy cho vài chiêu mà phòng thân khi đi đường bất trắc”. Vừa diễn ông vừa giảng giải cho tôi nghe.

“Trà dư tửu hậu”, ông kể cho tôi nghe chuyện năm 1990, ông đi Nga hơn hai tháng dự FESTIVAL võ thuật cổ truyền quốc tế (16 nước tham gia). Việt Nam có 3 đoàn, đi ba nơi khác nhau của xứ sở có dòng sông Đông êm đềm. Đoàn Bình Định đã đoạt giải nhất toàn đoàn cả về đối kháng lẫn biểu diễn, trong đó chỉ có mỗi mình ông là võ sư. Ông Chủ tịch Hội Võ thuật phương Đông - người Nga - đã hỏi ông rằng: “Võ Việt Nam, muốn có nhiều người học võ, có phương pháp nào để mọi người tập võ”. Ông trả lời: “Võ gia ngũ luyện pháp” (Việt Nam nhà nhà đều luyện võ). Ông ta nghe xong rất phục và bảo rằng: “Đất nước chúng tôi nói học võ để đàn áp, còn bây giờ tôi sẽ phấn đấu để nhân dân tôi được học võ như của nước bạn (Học võ để tu).

Dẫu bây giờ “danh trấn thiên hạ” nhưng võ sư Lý Xuân Hỷ luôn canh cánh nỗi lo võ học Việt Nam sẽ bị thất truyền. Ông bảo cái chính của sự thất truyền võ thuật là do tâm lí sợ người ta hơn mình nên không đem ra chỉ hết. Hôm nay đã có 10 bài quyền quy định trong thi đấu nhưng theo ông nghĩ, Việt Nam còn nhiều bí quyết võ công nữa, nhưng bằng cách nào thì Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng hãy tìm cho ra…”.

Võ sư Lý Xuân Vân, con trai ông, bộc bạch: “Anh em tôi nhiều, học trò cũng đông nhưng chưa ai sánh bằng cha tôi cả, nhất là bài "Miêu tẩy diện", ông đánh có hồn và xuất thần khiếp lắm”. Ông cũng nhanh miệng bảo rằng: “Giờ đây tôi đã giao mọi việc cho thằng Tư Vân rồi! Từ đây mọi việc của võ đường đều do nó quản lý và điều hành…”.

Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng, Miêu Quyền đã có người kế vị trong tương lai và những mầm ươm trẻ của võ đường Lý Xuân Hỷ sẽ tiếp tục làm nên những chiến tích diệu kỳ mà các lão võ sư đã tốn nhiều tâm huyết chấn hưng và gây dựng.

Bài và ảnh: Hoàng Vân - Quốc Vương

Tin mới