Thứ Sáu, 17 Tháng Năm, 2019 14:54

Phía sau cánh cửa nhà dưỡng lão nơi phố biển

 

Tính từ cột mốc bắt đầu mở cửa cưu mang những mảnh đời bất hạnh hoặc đơn bóng, từ năm 1993 đến nay, Nhà Dưỡng lão Nam Ðồng (TP Vũng Tàu) đã có hơn 25 năm dài hoạt động. Dù vẫn quen được gọi tên là Nhà Dưỡng lão, song ở đây ngoài những người già neo đơn, cũng còn là nơi nương tựa của nhiều hoàn cảnh đặc biệt...

 

Nằm cách nhà thờ Nam Ðồng chỉ chừng trăm bước, “viện dưỡng lão” - cách gọi quen thuộc của dân vùng này - có dãy nhà độ gần chục phòng với cửa hướng mặt về phía nhà thờ. Khoảng sân nhỏ rợp bóng mát cũng chính là nơi những thành viên thư thả ngắm mây trời hoặc trầm ngâm trước hai bức tượng Chúa và Ðức Mẹ được đặt giữa sân.

Khoảng sân chung mái ấm hướng về phía nhà thờ

 

Dẫu vẫn có giây phút nào đó yếu lòng hoặc đau mỏi vì tuổi tác, bệnh tật khiến họ rơi nước mắt, nhưng thế giới của những con người ở đây không buồn tẻ, không cô lập mà chỉ là trôi đi chậm rãi hơn mà thôi! Tại Nam Ðồng, mọi người đều có thể tự do ra ngoài, nếu đi đâu xa chỉ cần báo trước cho cha quản lý. Ở đây họ tiện việc đi lễ, hòa mình với nhịp sống xứ đạo và vơi bớt được cảm giác cô đơn, vì hằng ngày vẫn luôn có người từ các hội đoàn trong xứ vào ra.

Về coi xứ Nam Ðồng vào năm 1990, linh mục Gioan Maria Phạm Anh Thân đã chính thức gầy dựng khu nhà dưỡng lão vào năm 1993. Sau này, các cha sở Nam Ðồng kế nhiệm vẫn duy trì mái ấm này theo mục đích tốt đẹp ban đầu là người cơ nhỡ được chăm lo đến cuối đời như bao người khác. Hiện nay, cha Giuse Trần Ðình Túc đang là người phụ trách chính.

Giờ kinh chung trước bữa cơm trưa của các thành viên ở Nam Đồng

 

Ngày mới hình thành, “viện” được dựng tạm bằng tôn, lá dừa, gồm 2 dãy, đã tiếp nhận chăm sóc cho trên 30 cụ già, không phân biệt lương giáo. Mỗi phòng có 2 cụ. Có thời điểm đông nhất, nơi này cưu mang đến hơn 50 người. Sau này, những dãy phòng được xây dựng tươm tất hơn và thêm một số phòng để làm nơi đọc kinh, phòng vật lý trị liệu, nhà bếp... Ban đầu, nguồn kinh phí hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào nhà máy nước đá, nước mắm của giáo xứ. Khi hai nhà máy này không còn hoạt động, chi phí của nhà dưỡng lão hiện nay nhờ vào tấm lòng của giáo dân cùng một số mạnh thường quân ở nơi khác. Những việc như chăm sóc, nấu ăn, giúp đưa đi khám bệnh hằng tháng, lo hậu sự cuối đời... cho các vị trong Nhà Dưỡng lão do cha xứ cùng nhiều người giáo dân thiện nguyện chu toàn. Ðây cũng là điểm đặc biệt ở mái ấm này, bởi tất cả công việc được san sẻ, từ đó tỏa lan thêm tình liên đới trong cộng đồng. Hôm chúng tôi đến, nơi này vừa lúc bữa cơm trưa. Có bà cụ tóc bạc phơ không ăn hết phần cơm của mình. Bà nặng tai nên không nghe rõ, chỉ đáp lại chúng tôi bằng những nụ cười, rồi chậm chạp, run run đẩy xe về phòng nghỉ... Một cụ ông khác nay không nhớ nổi tên mình, nên những ký ức trong suốt nhiều năm ở đây của ông chỉ vỏn vẹn ở 2 từ: Vui và Tốt ! Nụ cười của ông với ánh mắt ngơ ngác, rồi miệng móm mém bên phần cơm dễ khiến người đối diện cảm thấy tim chậm đi một nhịp... 

Đọc sách báo là một trong những thú vui của một số lão niên giúp quên đi nỗi buồn tuổi xế chiều

 

Hơn hai mươi con người đang sống ở nơi này là chừng ấy hoàn cảnh thương tâm, bởi hầu như họ không còn người thân. Cụ bà Nguyễn Thị Hương, 72 tuổi, không kìm được cảm xúc, giọng bà đứt quãng. Khẽ kéo vạt áo lên chậm nước mắt, bà bảo mình mồ côi, cũng không lập gia đình, bao năm đi làm lao công nuôi thân đến khi già. Nhờ có người giới thiệu, bà tìm đến đây nương tựa. Với bà, viện là chốn đi về, “như chiếc phao cứu sinh giữa dòng đời”. Bà Hương không phải là tín hữu nên thường không tham gia giờ kinh với những người khác, nhưng cảm nhận được sự thanh bình trong từng giọng kinh của những người bạn sống cùng. Với bà lão, hình ảnh cha xứ hay những thành viên trong hội bác ái của giáo xứ đã tạo cho bà lòng cảm mến sâu xa.

Sống ở đây đã gần chục năm, ông Nguyễn Văn Phú đã ngoài bát tuần vẫn thường được mọi người gọi là thầy Phú vì ngày “trẻ khỏe” nhất, ông từng dạy và dịch tiếng Pháp. Không lập gia đình, khi sức khỏe còn tốt, ông Phú từng có thời gian dài phục vụ ở giáo xứ Nam Ðồng. Hiện  nay dù mắc bệnh phổi mạn tính, không thể đi lại nhiều nhưng mỗi ngày ông vẫn giữ thói quen đọc sách báo như một nguồn vui. Ông Phú chia sẻ: “Bây giờ thở không thôi cũng đã mệt, nhưng đọc được vẫn là niềm vui!”. Ông hoàn toàn an tâm và đón nhận mọi điều phía trước trong tâm thế bình an. Bạn cùng phòng với ông cũng là lão ông từng bôn ba tận trời Tây học hành... 

 

Ở nhà Dưỡng lão Nam Ðồng, cùng với những lão ông, lão bà cũng có một vài người trẻ nhưng mang bệnh nặng. Ngoài chuyện dành cho chỗ ăn ở, Nhà Dưỡng lão còn giúp họ thêm thuốc men, hỗ trợ chăm sóc. Người con gái mang tên Ôn Bích Hằng là một trong những hoàn cảnh như vậy. Hằng mới hai tám tuổi, đang đương đầu với căn bệnh ung thư. Cô không có người thân nào. Giờ đây tóc Hằng đã bị cắt ngắn... Tương lai với cô là mờ mịt, nhưng hiện tại có những niềm an ủi là điều chắc chắn. Cô gái ấy vẫn mỉm cười gọi nơi mình đang sống là “mái ấm”...

Bao thân phận, bao con người trong suốt quãng thời gian hơn hai thập kỷ đã đến và giã từ nơi này. Ðến hay ra đi, họ đều được đón nhận và trân trọng. Chiều nắng tắt, qua khung cửa, những ánh nhìn về phía nhà thờ thật bình an, thanh thản.

 

Minh Hải

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm