Đề Tài 5: Các dấu câu thông dụng trong Chính tả Tiếng Việt.

Trong ngôn ngữ Việt có 3 loại dấu:

Trình bày: Đặng Ngọc Sinh

(1) Dấu giọng còn gọi là dấu thanh: Dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. (Quy ước I)

Lời nói là những âm thanh quy ước, nhận biết bằng tai, chữ viết là những ký hiệu quy ước, nhận bằng mắt, tương ứng với những âm thanh quy ước, lời nói và chữ viết được gọi chung là ngôn ngữ. Ngôn ngữ là phương tiện để người và người thông báo truyền đạt cảm xúc, ước muốn với nhau. Sự truyền đạt sẽ không chính xác nếu không có văn phạm, nghĩa là không có các nguyên tắc và quy ước giúp cho ngôn ngữ trở nên chính xác. Văn phạm là môn học để viết đúng và chính xác của một ngôn ngữ, đúng có nghĩa là không đi ra ngoài nguyên tắc và quy ước của văn phạm. Chính xác có nghĩa là một câu viết không gây ra sự hiểu lầm hoặc hiểu sai. Nói cách khác, một câu viết chính xác khi nó không thể được hiểu nhiều hơn một nghĩa. Dấu câu, cách chấm câu tạo mạch lạc cho ngôn ngữ, do đó góp phần quan trọng cho tính chính xác của ngôn ngữ.

(2) Dấu chữ còn gọi là dấu lập chữ: Dấu mũ ^ (â, ê, ô), dấu khăn (trăng khuyết) dấu á (ă), dấu móc (ơ, ư) (Quy ước I)

(3) Dấu câu. (Quy ước V)

I.- Vị trí các dấu chấm câu:

 Phân tích câu văn sau đây ta sẽ thấy rõ vai trò quan trọng của vị trí các dấu câu:

Mỗi gia đình có hai con, vợ chồng hạnh phúc. (vị trí dấu phảy đúng).

Mỗi gia đình có hai con vợ, chồng hạnh phúc. (vị trí dấu phảy sai).

Vị trí các dấu chấm câu đều viết sát kế bên chữ cuối của câu (Không có khoảng cách). Đây là cách viết theo văn phạm tiếng Anh (Mỹ) đã được thảo luận và chấp nhận trong kỳ hội nghị thống nhất chính tả lần thứ Nhất tại California ngày 11 tháng 8 năm 2018 (xem bản đúc kết hội nghị).

II. Các quy ước về dấu câu.

Những dấu chấm câu thông dụng trong chính tả tiếng Việt gồm có: dấu chấm, dấu hai chấm, dấu ba chấm, dấu chấm phảy, dấu chấm hỏi, dấu phảy (hoặc dấu phết), dấu than, ngoặc đơn, ngoặc kép, gạch ngang đầu dòng, gạch nối, gạch chéo.

CÁC LOẠI DẤU CHẤM CÂU: Có 12 dấu chấm câu dùng cho chính tả tiếng Việt.

1. Dấu chấm [ . ] 

Dấu chấm dùng để: Dứt câu có trọn ý nghĩa. Do đó không nên dùng dấu chấm trong các nhóm từ-ngữ, thành ngữ hay mệnh đề.

Dấu chấm đặt sát chữ cuối cùng ở cuối câu. Khi hết một đoạn văn, ta đặt dấu chấm xuống dòng để chia đoạn này với đoạn khác của bài văn.

Sau dấu chấm là chữ viết hoa.

     Ví dụ:

– Bây giờ là mùa Đông. Chiều chưa tắt hẳn mà trăng đã lên rồi.     (Đúng)

– Cô gái nhà quê.                                                       (Không đúng)

– Nghèo rớt mồng tơi                                                 (thành ngữ)

Trong lúc mọi người đang bận rộn với công việc, thì…        (mệnh đề)

Khi viết số (trong toán học) cách viết ở Việt Nam dấu chấm được đặt ở mỗi đơn vị ba con số nguyên, dấu phảy đặt ở đơn vị số lẻ. Ví dụ: $1.000,25 (một ngàn đồng hai mươi lăm xu), $100.000,15 (một trăm ngàn đồng mười lăm xu). Cách viết ở Mỹ thì ngược lại, sẽ viết là $1,000.25. và $100,000.15

2. Dấu hai chấm [ : ]

  2.1 – Dấu hai chấm dùng để kể chi tiết điều muốn nói:

     Ví dụ: Tôi cần các thứ sau đây: cái bàn viết, bộ máy điện toán, máy in, cái kệ sách, cái điện thoại và một cô thư ký thật xinh đẹp.

  2.2 –Dấu hai chấm dùng để giải thích thêm điều đã nói:

     Ví dụ: Nhớ lại những ngày còn thơ ấu đầy nước mắt và đau khổ: mẹ mất sớm, phải ăn nhờ ở đậu hết nhà người này đến nhà người khác, gánh nước mòn vai, đi chân đất mòn gót, lòng tôi cảm thấy chua xót cho thân phận của kẻ mồ côi. (Trần Ngọc Dụng, Đời Thằng Nó)

 Người xưa nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.”

3. Dấu ba chấm [ … ]  Có 3 trường họp sử dụng dấu ba chấm:

  3.1 – Dấu ba chấm dùng trong một câu chưa dứt ý vì cảm động:

     Ví dụ:  Cuộc đời mà… làm sao nói hết được…

  3.2 Dấu ba chấm dùng để bày tỏ sự ngạc nhiên:

     Ví dụ: Anh mà cũng đến đây à? Tôi tưởng…

  3.3 Dấu ba chấm dùng để rút ngắn câu văn nhưng vẫn để ngỏ cho người nghe tự hiểu:

     Ví dụ: Bà ta bỏ nhà ra đi, để lại cho ông ấy mấy đứa con, một đống nợ, và nhiều thứ rắc rối khác… trên cuộc đời.

4. Dấu chấm hỏi [ ? ] Chỉ có một trường hợp sử dụng dấu chấm hỏi đặt ở cuối câu hỏi trực tiếp.

     Ví dụ: Bây giờ là mấy giờ?

     Anh đi đâu đó?

     Chị làm gì vậy?

Dấu chấm hỏi chấm dứt một câu. Do đó sau dấu chấm hỏi phải viết hoa.

5. Dấu chấm than [ ! ]

Dấu than dùng để diễn tả cảm xúc mạnh như: than vãn, khen, chê, rên, la, kêu, hét, ra lệnh, tượng thanh (mô tả một cách sống động). Còn gọi là dấu nhểu:

     Ví dụ: Sao cuộc đời nó cứ cực mãi vậy kìa!

Ô, hoa đẹp quá!

Cái ông này ăn nói kỳ cục!

Cút mau cho khuất mắt tao!

Đứng lại!

Trăm năm còn có gì đâu,

Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì!   (Ôn Như Hầu)

Đoành! Đoành! Hai phát súng nổ thật chát chúa.

Dấu chấm than chấm dứt một câu. Do đó sau dấu chấm than phải viết hoa.

6. Dấu chấm phảy [ ; ]

Có 3 trường hợp sử dụng dấu chấm phảy:

  6.1 Dấu chấm phảy thường dùng để giải thích những gì đã nói trước đó: Đặt giữa các mệnh đề độc lập trong câu.

     Ví dụ: Thành phố Huế thì trầm lặng; Sài Gòn thì náo nhiệt.

Anh Ban là con nhà giàu; những gì anh ấy mua đều là loại đắt tiền.

  6.2 Dấu chấm phảy dùng để phân các ý rộng hơn bao gồm các ý nhỏ hơn đã được phân cách bằng dấu phảy:

     Ví dụ: Nàng đặt con xuống nôi, đắp cái chăn len lên ngang cổ đứa bé; chàng đứng yên nhìn vợ bằng đôi mắt âu yếm, không nói gì; niềm hạnh phúc đang vây quanh hai người.

  6.3 Dùng dấu chấm phảy trong trường hợp hai mệnh đề độc lập được nối nhau bởi một liên từ phối hợp như: tuy nhiên, cũng vậy, mặc dù…

     Ví dụ: Hôm nay, Hoa được nghỉ học; tuy nhiên, Hoa vẫn phải đến trường để họp bạn.

  6.4 Để rút ngắn một mệnh đề độc lập tương đương.

     Ví dụ: Thay vì viết: Anh ấy đã từng học ở Sài Gòn, Việt Nam; Anh ấy đã từng học ở Paris, Pháp; Anh ấy đã từng học ở Hamburg, Đức; Anh ấy đã từng học ở Rome, Ý.

Dùng dấu chấm phảy để rút ngắn như sau: Anh ấy đã từng học ở Sài Gòn, Việt Nam; ở Paris, Pháp; Hamburg, ở Đức; và Rome, ở Ý.

7. Dấu phảy [ , ] 

Dấu phảy dùng để:

  7.1 Phân các từ-ngữ có cùng một từ loại: danh từ, tính từ, trạng từ hoặc động từ trong cùng một câu:

     Ví dụ: – Ông Nam mới mua căn nhà sáu phòng, mới, màu trắng, thật lớn, rất đẹp.

– Tình, tiền, danh vọng là ba thứ rất nhiều người muốn chạy theo. 

– Làm việc nhiều, và ăn uống giản dị là hai đức tính tốt của người Mỹ.

  7.2 – Phân các nhóm từ-ngữ có cùng vai trò trong câu:

     Ví dụ: – Ngôi nhà của ông Nam ở trong khu Disneyland, gần hai xa lộ I.5 và 57, sau vườn có hồ bơi và nhà mát, hòn non bộ, nhiều cây ăn trái và rất nhiều hoa hồng.

– Hoa mai, hoa lan, và hoa cẩm chướng là những loại hoa ưa thích của cô ấy.

  7.3 – Phân trạng từ bổ nghĩa cho toàn câu với câu đó:

     Ví dụ: – Bỗng nhiên, hai người cùng la lên: “Trời ơi!”   (Khái Hưng, Anh Phải Sống)

– Đứa bé chạy nhảy trên thảm cỏ, vui chơi trong công viên, rồi trở lại với người mẹ đang ngồi đợi trên ghế đá.

  7.4 – Phân hai mệnh đề với nhau, bất kể chính hay phụ:

     Ví dụ: – Sau khi làm xong mọi việc, bà Ba ngồi tựa lưng vào ghế nghỉ một lúc.

– Khi em bé đã ngủ, anh Việt đi làm, và bé Hoa đang làm bài tập, mẹ mới có thời gian nghỉ ngơi.

– Mặc dầu tôi đã nói với anh ấy nhiều lần, nhưng anh ấy vẫn không nghe.

– Mưa vẫn rơi nặng hạt, sấm chớp vẫn ầm ầm khắp nơi.

Ngoài các trường hợp thông thường trên đây, người ta có thể sử dụng dấu phảy một cách linh động để tạo tác dụng đặc biệt cho ngữ nghĩa.

8. Dấu gạch ngang dài đầu dòng [–]

  8.1 Gạch dài thường dùng để diễn tả một cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai người:

    Ví dụ: – Anh có khoẻ không?

  – Dạ, cảm ơn chị, tôi vẫn bình thường.

  – Mấy hôm nay trời nóng quá.

  – Dạ, thời tiết không hiểu sao bất thường quá. Ai cũng bệnh hết.

  8.2 Gạch dài dùng để thêm ý thay vì dùng dấu ngoặc đơn:

     Ví dụ: Tôi ở nhà cô tôi được ba năm – vào thời gian này tôi phải làm rất nhiều công việc cho cô tôi nên không được đi học – rồi sau đó thì về ở với người dì mới bắt đầu cắp sách đến trường.

9. Dấu gạch nối [ – ]

Dấu ngang nối các từ mượn của ngoại quốc được dịch âm sang tiếng Việt:

     Ví dụ: – Thằng Tý ngắm nghía đôi săn-đan mới hoài. (Săn-đan là chữ sandal được Việt hoá.)

Tối nay chúng ta đi xem xi-nê.  (Xi-nê là phiên âm từ chữ ciné của Pháp được Việt hoá.)

10. Dấu ngoặc đơn [ ( ) ] Có 4 trương hợp sử dụng:

  10.1 – Dấu ngoặc đơn dùng để giặm thêm ý hay chi tiết có thể cần đến:

    Ví dụ: Bà Triệu (tên thật là Triệu Thị Trinh) nổi lên chống lại quân Ngô vào năm 248 nhưng không thành.

  10.2 – Dấu ngoặc đơn dùng để giải thích điều không liên quan đến câu văn:

    Ví dụ: Bà Triệu (người Tầu gọi là bà Triệu Ẩu “con mụ họ Triệu,” cách gọi để sỉ nhục uy danh của bà) là nữ anh hùng dấy binh đánh Lục Dận, lúc bấy giờ đang làm quan thái thú do nước Ngô cử qua.

  LƯU Ý: Tuỳ theo trường hợp, dấu chấm hay dấu phảy phải đặt trong hay ngoài ngoặc đơn. Do đó cần cân nhắc kỹ.

Ông Năm có cô con gái duy nhất tên là Thắm, nhưng trong làng ai cũng gọi cô ta là Tý Điệu (vì cô ta rất hay làm dáng). Dấu chấm để ngoài ngoặc đơn.

(Ông Năm có cô con gái duy nhất tên là Thắm, nhưng người trong làng ai cũng gọi cô ấy là Tý Điệu, vì cô ta rất hay làm dáng.) Dấu chấm để trong ngoặc đơn.

  10.3 Dùng cho thêm dữ kiện.

     Ví dụ: Lý Thường Kiệt là bậc lương thần đời nhà Lý, trải qua ba triều vua Thái Tôn, Thánh Tôn và Nhân Tôn (1028-1127).

  10.4 Dùng để xác định chữ viết bằng con số hoặc ngược lại: Cái áo này mua bảy mươi dollars ($70). Cái áo này giá $70 (bảy mươi dollars).

11. Dấu ngoặc kép [ “ ” ] Có 3 trường hợp sử dụng dấu ngoặc kép:

  11.1 Dùng dấu ngoặc kép để lập lại lời nói trực tiếp:

     Ví dụ: Cậu bé nói, “con muốn Ba mua cho con một trái banh,”

  11.2 Dùng dấu ngoặc kép để đóng khung những điều được trích dẫn:

     Ví dụ: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.” (Nguyễn Văn Vĩnh){1}

  11.3 Dùng dấu ngoặc kép làm nổi bật ý khác thường với ngụ ý chế giễu, mỉa mai, hoặc ám chỉ:

     Ví dụ: Chúng tôi gọi tay đó là “trùm sò”.{2} (để chế giễu tính keo kiệt)

     Ồ! Ông ta là một “vỹ nhân” đấy! (chữ vỹ nhân dùng ngụ ý mỉa mai).

  LƯU Ý:

Cách dùng dấu ngoặc kép và dấu móc đơn (trường hợp này ít khi dùng, cần thảo luận thêm)

Đa số chúng ta đều biết dấu ngoặc kép “.”, nhưng ít người dùng đến dấu móc đơn ‘ ’. Thật vậy, dấu này ít khi dùng đến nên cũng ít khi nghe đến quy tắc sử dụng của nó là gì. Dấu này chỉ dùng khi nằm trong một câu trích của ai nói, bài phỏng vấn, bản tin, câu hay đoạn văn được trích dẫn trong bài viết hay quyển sách nào đó. Dưới đây là vài thí dụ về cách dùng dấu móc đơn.

– Tâm kể lại chuyện của Tính và Ánh: “Tính nhiều lần năn nỉ xin cưới Ánh, nhưng đều bị cô ta cự tuyệt một câu ‘Trên đời này hết đàn ông thì tôi mới lấy anh,’ nhưng Tính vẫn kiên nhẫn cầu hôn hoài. Cuối cùng, Ánh cũng phải xiêu lòng.”

– Người phóng viên tường thuật: “Tất cả các tiệm trong khu phố đang bốc cháy. Tôi nghe tiếng một chủ tiệm gào lên thảm thiết ‘Trời ơi! Chết con rồi!’ khi thấy tiệm mình bị thần lửa nuốt trọn.”

– Bắc nói với Nam: “Hôm trước tôi gặp anh Trung. Anh ấy bảo tôi ‘nên tìm anh Nam để hỏi về việc này’ nên bây giờ đến tìm anh đây.”

– Cô bé gái hỏi mẹ: “Mẹ ơi, tại sao mẹ gọi ông ta là ‘trùm sò’ vậy?”

Đa số trường hợp câu văn tiếng Việt, các dấu chấm câu đều nằm ngoài dấu ngoặc kép. Cần xem dấu chấm câu trọn câu {1} hay thuộc một phần của câu {2}

12. Dấu gạch chéo [ / ] Có 4 trường hợp sử dụng dấu gạch chéo:

  12.1 Dấu gạch chéo thay cho chữ hoặc hay chữ và

     Ví dụ: Ngày mai/mốt chúng tôi sẽ lên đường. (tức là ngày mai hoặc ngày mốt…)

  12.2 Để ghi địa chỉ số nhà phụ hoặc trong hẻm.

     Ví dụ: 105/1 Độc Lập. 98/12/3 Hai Bà Trưng.

  12.3 Để đánh số thứ tự.

     Ví du: Trên thùng hàng ghi 5/15 (cho biết đây là thùng thứ 5 trong tổng số là 15 thùng).

  12.4 Để chỉ tỷ lệ hay phân số. Ví dụ: trong phân số ½. Tỷ lệ bản đồ 1/100.000.

_______________________________________________________

Nhà giáo Đặng Ngọc Sinh

Tại Việt Nam:

• Từ 1964 đến 1967 Giáo Sư Trung Học tại Phú Yên Việt Nam.

• Từ 1968 đến 1975 Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

• Từ 1970 đến 1975 Giảng Viên Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt.

• Từ 1975 đến 1981 Tù Nhân Chính Trị.

Tại Hoa Kỳ:

• Đến Hoa Kỳ năm 1993 theo chương trình HO #19

• Thành Viên Hội Đồng Quản trị Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California,

• Phó Chủ Tịch Nôi Vụ Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California

• Trưởng khối Tu Thư Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ đặc trách Biên Soạn: Bộ Sách Giáo Khoa Việt Ngữ & hiệu đính Bộ Việt Sử Bằng Tranh, từ năm 1999 đến nay.

• Cựu Hiệu Trưởng Trường Việt Ngữ Văn Lang, Hùng Vương

• Thành viên Hội Đồng Quản Trị Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt.

• Thành viên sáng lập Giải Học Sinh Sinh Viên Việt Nam Gương Mẫu

• Phó Chủ Tịch Hội Giáo Chức Nam California.

• Phó Giám Đốc Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Phật Giáo Điều Ngự.

• Thành viên nhóm biên soạn Từ Điển Ngữ Vựng Tiếng Việt Thông Dụng.

• Thành viên Viện Nghiên Cứu Văn Học Lịch Sử Việt Nam

• Phụ trách chương trình Văn Hóa Giáo Dục đài truyền hình IBC 18.12

• Họa sĩ tự do: Vẽ tranh lụa, sơn dầu, sơn mài.

• Cựu Phó Chủ Tịch Hội Hoạ sĩ Việt Nam Hải Ngoại.

• Đã triển lãm nhiều lần tại Việt Nam, ở Hải ngoại vào các năm 2008, 2009, 2010,2012, 2013, 2014, 2015, 2017

• Tác giả Tượng Đài Anh Hùng Việt Nam tại thành phố Midway City. California