Tổng quan Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh. Theo Quyết định phân công công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, ban hành kèm theo Quyết định số 4026 /QĐ-BYT ngày 20 tháng 10 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là bệnh viện đầu nghành, phụ trách chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh cho chuyên khoa Lao và Bệnh Phổi các tỉnh/thành phố Miền Nam. Bệnh viện là cơ sở thực hành của Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Học viện Quân Y, Khoa Y Đại Học Quốc Gia, Khoa Y Đại học Tân Tạo,…

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch gồm có 10 phòng chức năng (phòng Công tác Xã hội, phòng Quản lý Chất lượng bệnh viện, phòng Kế hoạch Tổng hợp, phòng Điều dưỡng, phòng Chỉ đạo tuyến, phòng Tổ chức Cán bộ, phòng Tài chính Kế toán, phòng Hành chính Quản trị, phòng Vật tư Trang thiết bị, phòng Công nghệ Thông tin). Khu chẩn đoán Kỹ thuật cao gồm có: 04 khoa cận lâm sàng (Chẩn đoán hình ảnh, Vi sinh, Sinh hoá huyết học, Giải phẫu bệnh) và 01 khoa Khám phục vụ trung bình khoảng 900 lượt bệnh nhân/ngày và 16 giường bệnh điều trị ban ngày. Khu A là khu bệnh phổi có tổng cộng là 434 giường bệnh gồm các khoa: A3, A4, A5, A6 có 268 giường bệnh (67 giường bệnh/khoa), khoa Hồi sức cấp cứu – Chống độc 66 giường bệnh, khoa Hóa trị Ung thư 100 giường bệnh. Khu B là khu lao có tổng cộng 195 giường bệnh, gồm các khoa B1 25 giường bệnh, B2 63 giường bệnh, B3 59 giường bệnh, B4 48 giường bệnh. Khu C là khu Kỹ thuật chuyên sâu chuyên chẩn đoán bệnh phổi không lây nhiễm có tổng cộng 210 giường bệnh: gồm các khoa C4, C5, C6 có 78 giường bệnh (26 giường bệnh/khoa), khoa Gây mê Hồi sức 15 giường bệnh, khoa Ngoại lồng ngực 1 có 75 giường bệnh, khoa Ngoại lồng ngực 2 với 42. Khoa Cấp cứu Ngoại chẩn có 64 giường bệnh, khoa Dịch vụ điều trị bệnh phổi 24 giường bệnh, 01 Khoa Nhi 20 giường bệnh (05 giường Điều trị trong ngày). Ngoài ra còn có 01 khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, 01 khoa Phục hồi Chức năng, 01 khoa Dược.

Bệnh viện là nơi hoạt động nghề nghiệp của một tập thể 911 nhân viên y tế có tay nghề cao cả nội và ngoại khoa trong lĩnh vực lao và bệnh phổi, đặc biệt là trong lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực, chẩn đoán và hoá trị ung thư phế quản phổi, bệnh phổi không lao và lao (khoảng 30%), mỗi ngày phục vụ cho khoảng 900 lượt bệnh nhân ngoại trú và 947 giường nội trú với công suất hoạt động 110%.

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

Nhiệm vụ

– Tiếp nhận khám, chẩn đoán, điều trị, theo dõi quản lý bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp không lao và bệnh lao.

– Phụ trách chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh cho chuyên khoa Lao và Bệnh Phổi các tỉnh/thành phố Miền Nam theo Quyết định phân công công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, ban hành kèm theo Quyết định số 4026 /QĐ-BYT ngày 20 tháng 10 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Cấp cứu

Tiếp nhận tất cả các bệnh nhân đang ở trong tình trạng cấp cứu, đặc biệt liên quan đến bệnh hô hấp và bệnh lao.

Khám chữa bệnh

– Tiếp nhận khám, chẩn đoán, điều trị, theo dõi quản lý bệnh nhân mắc các bệnh phổi không lao (hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản, viêm phổi không lao, dãn phế quản, kén khí phổi, tràn khí màng phổi, tràn mủ màng phổi, dày màng phổi, u phổi, u trung thất, phổi biệt trí…), bệnh phổi nghề nghiệp và bệnh lao:

– Do bệnh nhân tự đến hay tuyến dưới chuyển đến.

– Theo yêu cầu người bệnh và thân nhân bệnh nhân, theo yêu cầu các cơ quan, xí nghiệp trong và ngoài nước.

– Theo yêu cầu của Hội Đồng Giám Định Y Khoa, và của Ban Bảo vệ Sức khoẻ Thành uỷ.

Đào tạo Cán bộ Y tế

* Là cơ sở thực hành của Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Học viện Quân Y, Khoa Y Đại Học Quốc Gia, Khoa Y Đại học Tân Tạo, Cao đẳng Phương Nam, Cao đẳng Nguyễn Tất Thành, Đại học Hồng Bàng, Đại học Miền Nam…

* Tổ chức đào tạo liên tục cho các thành viên trong và ngoài bệnh viện mạng lưới chống lao tuyến Quận- Huyện.

* Các chương trình đào tạo gồm:

– Xét nghiệm:

+ Soi đàm trực tiếp

+ Nuôi cấy vi trùng lao

+ Xpert MTB/RIF

+ Nuôi cấy tạp trùng – Định danh

+ Kháng sinh đồ lao

+ FNA hạch đọc chẩn đoán

+ Giải phẫu bệnh

      – Hồi sức cấp cứu:

+ Hồi sức cấp cứu hô hấp

+ Vận hành – sử dụng máy giúp thở

+ Chăm sóc bệnh nhân tại khoa HSCC (Điều dưỡng)

– Chẩn đoán hình ảnh:

+ Kỹ thuật chụp X-quang phổi thường quy

+ Sinh thiết xuyên thành dưới hướng dẫn của CT

+ Đọc và nhận định kết quả X Quang phổi

– Ngoại khoa và Nội soi phế quản:

+ Nội soi màng phổi

+ Sinh thiết màng phổi mù

+ Dẫn lưu màng phổi

+ Sinh thiết hạch

+ Nội soi phế quản

+ Phẫu thuật lồng ngực

+ Gây mê hồi sức

      – Thăm dò chức năng hô hấp:

+ Thăm dò chức năng hô hấp

+ Chẩn đoán và quản lý bệnh nhân Hen – COPD

* Các lớp đào tạo liên tục đã thực hiện trong năm 2017:

– Vai trò dinh dưỡng trong cải thiện chất lượng điều trị

– Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý tắc nghẽn đường dẫn khí nhỏ

– Các kỹ thuật lâm sàng cơ bản trong chẩn đoán và điều trị bệnh hô hấp

– Chẩn đoán và điều trị lao

– Các kỹ thuật nội soi phế quản

– Chẩn đoán và điều trị Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Nghiên cứu khoa học

– Thực hiện nghiên cứu các đề tài cấp cơ sở và cấp bộ về phát triển kỹ thuật chẩn đoán mới, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh hen, bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính, bệnh lao, bệnh lao kháng thuốc, lao siêu kháng thuốc và lao/HIV.

– Thực hiện các nghiên cứu cơ bản khảo sát kiểu gien của người bệnh để tìm mối tương quan giữa kiểu gien của người bệnh với khả năng mắc bệnh lao hoặc lao kháng thuốc.

– Nghiên cứu dịch tễ học ứng dụng trong công tác chỉ đạo tuyến liên quan đến các bệnh lao và bệnh phổi không lao.

– Tham gia Điều tra dịch tễ về lao và lao kháng thuốc do Dự án phòng chống lao Quốc gia triển khai

Chỉ đạo tuyến dưới

  1. Chỉ đạo tuyến công tác khám, chữa bệnh:

– Khảo sát đánh giá năng lực chuyên môn và nhu cầu đào tạo của tuyến dưới.

– Hướng dẫn và tạo điều kiện cho tuyến dưới nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện đúng tuyến kỹ thuật; thông báo kịp thời các sai sót về chuyên môn kỹ thuật.

– Kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật của đơn vị tuyến dưới.

– Hỗ trợ kỹ thuật tuyến dưới khi có yêu cầu.

– Tổ chức thực hiện công tác đào tạo lại, đào tạo liên tục cho cán bộ của các đơn vị tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật tại bệnh viện hoặc tại cơ sở.

– Tiếp nhận cán bộ chuyên môn của tuyến dưới về học tập thực hành, nâng cao tay nghề.

– Tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu khoa học- công nghệ.

– Thực hiện nghiên cứu khoa học về chỉ đạo tuyến.

  1. Triển khai công tác hướng về cộng đồng:

– Cùng với tuyến dưới, hướng về cộng đồng thực hiện chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tham gia phòng chống lao và bệnh phổi.

– Tham gia phối hợp với Dự án phòng chống lao Quốc gia – Bệnh viện Phổi Trung ương chỉ đạo tuyến trong việc thực hiện các nội dung hoạt động về Chương trình chống lao (CTCL) tại Khu vực được phân công (Quyết định số 4026/QĐ-BYT ngày 20/10/2010 của Bộ Y tế về Quy định phân công công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh).

– Tại các tỉnh thành phía Nam: chỉ đạo CTCL các tỉnh thành phía Nam, triển khai thực hiện các chỉ tiêu hoạt động chống lao hàng năm của tỉnh theo đúng đường hướng của Trung Ương. Nhiệm vụ cụ thể bao gồm công tác kiểm tra giám sát hàng quý và đột xuất, lượng giá công tác đã thực hiện, tập hợp báo cáo quý, năm để gởi về Trung Ương, đào tạo cán bộ, giáo dục truyền thông, điều tra dịch tể, nghiên cứu khoa học và phân phối tiếp liệu nhận được của  CTCLQG cho các tỉnh.

– Tại TP.Hồ Chí Minh: Chỉ đạo kỹ thuật các Tổ chống lao quận huyện triển khai thực hiện các hoạt động chống lao hàng năm theo chỉ tiêu, đường hướng của Trung Ương và Sở Y Tế.  Nhiệm vụ cụ thể bao gồm các công tác sau: Chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống lao tại quận huyện, phường xã, kiểm tra giám sát, lượng giá công tác đã thực hiện, đạo tạo cán bộ, giáo dục truyền thông, kế hoạch tiếp liệu và điều tra dịch tể, nghiên cứu khoa học.

– Hàng năm tổ chức tổng kết việc thực hiện công tác chỉ đạo tuyến theo kế hoạch và báo cáo kết quả với Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng như Dụ án phòng, chống lao Quốc gia.